Chính phủ mới và những vấn đề cũ

30/07/2016 07:54
Ths. Trương Khắc Trà
(GDVN) - Nhân dân cả nước đang kì vọng Chính phủ nhiệm kì mới sẽ sớm giải quyết những vấn đề bức xúc như: vấn nạn thực phẩm bẩn, tham nhũng và ô nhiễm môi trường.

Trong phiên họp toàn thể tại hội trường sáng 28/7, Quốc hội đã tiến hành phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố với 97,37% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021

Với 96,56% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Như vậy là bộ máy Chính phủ đã được kiện toàn triệt để gồm những con người đã kinh qua nhiều chức vụ, thử thách ở nhiều vị trí công tác từ địa phương đến Trung ương.

Chính phủ mới và những vấn đề cũ ảnh 1

Thông tin 26 thành viên nội các Chính phủ vừa được Quốc hội phê duyệt

(GDVN) - Sáng 28/7, Quốc hội đã phê chuẩn danh sách thành viên Chính phủ gồm: 5 Phó Thủ tướng, 21 Bộ trưởng và trưởng ngành.

Có thể thấy rằng nội các của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều là những lãnh đạo được dân biết mặt, biết tên, có trình độ cao về cả chuyên môn lẫn chính trị.

Vì vậy, Chính phủ nhiệm kỳ này được nhân dân cả nước kỳ vọng về những đột phá, sáng tạo và những quyết sách táo bạo kịp thời trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng... xứng đáng là Chính phủ kiến tạo chứ không còn đơn thuần là Chính phủ hành chính.

Tuy nhiên để đạt được điều đó, trước hết Chính phủ mới phải giải quyết những vấn đề cũ – cũng là trở lực cho sự phát triển của đất nước. 

Trong khuôn khổ bài này người viết xin đề cập đến một số vấn đề cũ nhưng nhận được sự quan tâm sâu sắc từ dư luận và những người quan tâm đến tình hình đất nước trong thời gian qua.

Thứ nhất: Chính phủ cần phải dẹp được nạn tham nhũng, lãng phí.


Chưa bao giờ cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí trở nên cấp bách và nóng bỏng như hiện nay, đây là những tác nhân trực tiếp kéo lùi sự phát triển của đất nước, bởi rất nhiều đồng tiền thuế của nhân dân “lưu lạc” vào túi quan tham, dĩ nhiên nó đã ăn mòn tiềm lực quốc gia một cách khủng khiếp.

Thời gian qua quốc nạn tham nhũng, lãng phí đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng 10 năm vừa diễn ra tại Hà Nội cho thấy tham nhũng đã “thụt két” quốc gia 60.000 tỷ đồng nhưng chỉ thu hồi được 5.000 tỷ đồng, “hô biến” 400 ha đất nhưng chỉ thu hồi được khoảng 200 ha! [1]

Chính phủ mới và những vấn đề cũ ảnh 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người đứng đầu Chính phủ nhiệm kỳ mới và các Phó thủ tướng (Ảnh nguồn: thanhnien.vn).

Bên cạnh tham nhũng, lãng phí cũng là lỗ hổng rất lớn “hút” hết ngân sách quốc gia, khắp từ Bắc chí Nam nơi đâu cũng có những công trình ngàn tỷ bỏ hoang, phí phạm những đồng tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân.

Điển hình như nhà máy đạm Ninh Bình được đầu tư 667 triệu USD làm ăn thua lỗ nên phải “trùm mền”, nhà máy Polyester ở Hải Phòng trị giá 7000 tỷ đồng nhưng cũng chịu số phận “đắp chiếu”, dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên với số vốn hơn 8.000 tỷ đồng đã trở thành đống sắt gỉ… [2]

Chính phủ mới và những vấn đề cũ ảnh 3

“Dụng nhân như dụng mộc”

(GDVN) - Nhân dân đang muốn các vị tư lệnh - những con người của hành động thì sẽ được sắp xếp vào các vị trí công tác mới để họ được tiếp tục hành động...

Trong khi miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo đang thiếu trường, thiếu lớp, thiếu những cây cầu bê tông kiên cố phục vụ quốc kế dân sinh…(?)

Nạn tham nhũng lãng phí đã nhức nhối tới mức nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phải thốt lên “cả một bầy sâu” còn Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan ngậm ngùi “…mỗi ngày người ta ăn từng tí của dân, không từ một cái gì”!

Chính tham nhũng và lãng phí đã khiến Việt Nam ngập trong “cơn bão” nợ công cao, Chính phủ lần đầu tiên thẳng thắn thừa nhận “nợ công đang tăng nhanh” với những con số gây giật mình. Năm 2011, nợ công bằng 50% GDP, tăng 24% so với năm trước. Đến năm 2012 là 50,8%. Năm 2013 là 54,2%. Năm 2014 ước đạt 60,3% và 2015 là 64% GDP. [3]

Thứ hai: Vấn nạn thực phẩm bẩn cần được đẩy lùi

Chưa khi nào cái ăn cái uống lại mang đến quá nhiều nỗi lo như hiện nay. 

Gà thải loại nhúng hóa chất để biến thành gà đồi vàng óng ánh bắt mắt người mua, thịt heo thối được “phù phép” thành thịt bò tươi rói, lòng lợn, chân gà thối được hô biến thành “đặc sản” tại các nhà hàng…

Tất cả được xử lý và bảo quản với hóa chất dùng để… ướp xác! 

Chuối ngâm thuốc diệt cỏ, những chiếc xúc xích thơm lừng được làm từ da gà và nội tạng bẩn… 

Chính phủ mới và những vấn đề cũ ảnh 4

Cuộc chiến với thực phẩm bẩn, đừng để cái đúng thành thiểu số!

Bánh kẹo, mứt, mực khô, bò khô…phục vụ tết người chưa ăn nhưng ruồi nhặng đã nhấm nháp trước, mì tôm gây sỏi thận, nước mắm từ hóa chất công nghiệp, cà phê “tinh chất”…

Hậu quả là mỗi năm ở Việt Nam có 200.000 người mắc ung thư và phân nửa số đó đã từ giã cõi đời, một con số khiến tất cả phải bàng hoàng lo lắng, ngày càng nhiều những ngôi làng ung thư, nhiều căn bệnh lạ chưa từng xuất hiện trong giáo trình Y học.

Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh đã nói một cách chua chát rằng “con đường từ dạ dày tới nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế”. [4]

Nếu không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn kịp thời, rồi đây 10, 20 năm sau tỷ kệ mắc ung thư và tâm thần của người Việt sẽ còn cao hơn rất nhiều, mọi nỗ lực để nâng cao chất lượng sống, cải tạo nòi giống chẳng lẽ bó tay trước những người đang đầu độc dân tộc mình!

Thứ ba: Ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang đe dọa đến sự phát triển của đất nước

Hiểm họa ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đã được cảnh báo từ lâu nhưng sau sự cố Formosa đã gióng lên hồi chuông khẩn thiết về thực trạng phát triển công nghiệp đã tàn phá môi trường nghiêm trọng như thế nào.

Trước đó đã có sự cố công ty Vedan “bức tử” sông Thị Vải nhưng lần này hậu quả khủng khiếp giết chết hệ sinh thái ven biển 4 tỉnh Miền Trung và một loạt các công ty trong nước lẫn quốc tế xả thải trực tiếp ra môi trường gây nên hiện tượng cá chết từ Bắc chí Nam đã là báo động đỏ buộc các cơ quan chức năng không thể “khoanh tay” đứng nhìn.

Bên cạnh đó biến đổi khí hậu và các thế lực “nhân tai” đã khiến vựa lúa lớn nhất nước – Đồng bằng sông Cửu Long lâm vào đợt hạn mặn chưa từng có trong lịch sử, bất ổn xã hội đã xảy ra ở Miền Tây, sản lượng lúa gạo giảm đi chưa từng thấy, giờ đây ngôi vị xuất khẩu gạo - mặt hàng chủ lực của Việt Nam đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ Campuchia và các nước láng giềng.

Chính phủ mới và những vấn đề cũ ảnh 5

Vì đồng tiền cho bản thân, họ đã quên đi lợi ích quốc gia, dân tộc

(GDVN) - Nếu không có sự vào cuộc của truyền thông, Hà Tĩnh có tự mình phát hiện ra những sai phạm của Formosa như ông Dương Tất Thắng khẳng định?

Bài toán giữa phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường đang trở nên hóc búa hơn bao giờ hết, điều đó đòi hỏi Chính phủ phải hành động quyết liệt, có những quyết sách kịp thời và chuẩn xác.

Nhiều diễn biến xảy ra thời gian qua về việc Trung Quốc tăng cường xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong và âm mưu “điều tiết” dòng nước dòng sông này đã và đang đặt vựa lúa lớn nhất nước vào tình thế nguy nan, đó không đơn thuần chỉ là vấn đề môi trường mà mang bản chất an ninh quốc gia đang bị đe dọa.

Các thảm họa “thiên tai” lẫn “nhân tai” liên tục xuất hiện cho thấy, chúng ta đang vay của tương lai quá nhiều thứ. Khó có thể phát triển bền vững và an toàn nếu cứ đem của dự phòng ra tiêu xài phung phí. 

Dự trữ quốc gia không phải chỉ có tài sản hữu hình như vàng, ngoại tệ… mà đó là tất cả những gì thuộc về lãnh thổ, tài nguyên, văn hóa… 

Đến một lúc nào đó con người sẽ nhận ra rằng tiền, vàng… không thể ăn được!

Hơn lúc nào hết người dân cả nước đang hy vọng, tin tưởng vào một Chính phủ mới, “năng động - đổi mới - sáng tạo” để giúp người dân giải quyết những vấn đề cũ nhưng chưa bao giờ thôi nhức nhối, là trở lực khiến lòng dân bất an, xã hội rối ren, đất nước trì trệ.
Chùm bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, góc nhìn, hướng nghiên cứu và cách hành văn của riêng tác giả.

Tài liệu tham khảo

[1] http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tham-nhung-60000-ty-thu-hoi-5000-ty-quy-trinh-rac-roi-3313910/

[2]http://tuoitre.vn/tin/kinh-tế/20151116/nhà-máy-8100-ti-thành-đống-sắt-gỉ/1003558.html

[3] http://vietnamnet.vn/vn/ban-tron-truc-tuyen/206233/bai-hoc-tu-nhung-cong-trinh-tien-ty-bo-hoang.html

[4]http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/dai-bieu-tran-ngoc-vinh-con-duong-tu-da-day-den-nghia-dia-chua-bao-gio-ngan-the-3313306.html

Ths. Trương Khắc Trà