Chủ đầu tư BOT "kêu oan"

08/06/2016 14:05
Mai Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - Theo Chủ tịch HĐQT Tasco, dư luận cho rằng các nhà đầu tư BOT “giàu có, ăn dày” nhưng thực tế khi thực hiện hợp đồng BOT, chỉ lãi 11-12% trên vốn chủ sở hữu.

Những ưu điểm, hạn chế trong đầu tư giao thông theo hình thứ BOT trong giai đoạn 5 năm 2011 – 2015 được chỉ ra tại Hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011 – 2015 do Bộ Giao thông vận tải quản lý.

Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh dư luận, chuyên gia giới quan sát đang chờ động thái tích cực của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải nhằm xiết chặt quản lý các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) sau những bức xúc phản ánh của người dân thời gian qua.

Toàn cảnh Hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011 – 2015 do Bộ Giao thông vận tải quản lý - ảnh nguồn Bộ Giao thông vận tải
Toàn cảnh Hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011 – 2015 do Bộ Giao thông vận tải quản lý - ảnh nguồn Bộ Giao thông vận tải

Bộ Giao thông thừa nhận còn nhiều bất cập

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa khẳng định, các dự án hạ tầng giao thông khi đưa vào khai thác đã phát huy ngay hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dự án, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung, góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng. 

Nêu dẫn chứng Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thực hiện 2 năm một lần đánh giá năm 2014, tính khả dụng của hạ tầng giao thông Việt Nam đứng ở vị trí 74, tăng 16 bậc so với năm 2012 và tăng 29 bậc so với năm 2010 (năm 2012, Việt Nam đứng vị trí thứ 90, năm 2010 - đứng vị trí thứ 103).

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa thừa nhận còn nhiều bất cấp trong đầu tư BOT giao thông cần sự thẳng thắn góp ý của các Bộ, Ngành
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa thừa nhận còn nhiều bất cấp trong đầu tư BOT giao thông cần sự thẳng thắn góp ý của các Bộ, Ngành

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trương Quang nghĩa cũng cho rằng quá trình đầu tư phát triển một dự án hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công - tư là một quá trình phức tạp hơn rất nhiều phương pháp đầu tư công truyền thống. 

Điều này đòi hỏi các bên liên quan, cả cơ quan quản lý nhà nước các cấp và nhà đầu tư, ngân hàng, người sử dụng... phải có một cách tiếp cận thích hợp để có thể thực hiện thành công các dự án loại này, trong đó, theo đó phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước - Nhà đầu tư - Người sử dụng.

"Trong bối cảnh đó, giai đoạn vừa qua, do tính chất mới của hình thức đầu tư này, có thể nói hầu hết các chủ thể tham gia đều chưa sẵn có kinh nghiệm; thể chế điều chỉnh hình thức đầu tư PPP nói chung, BOT và BT nói riêng, chưa hoàn chỉnh nên việc triển khai xã hội hóa đầu tư trong thực tiễn vẫn bộc lộ một số bất cập, tồn tại như: Hành lang pháp lý cho việc kêu gọi các nguồn lực ngoài ngân sách tham gia đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực của ngành Giao thông vận tải còn nhiều điểm chưa thống nhất, đồng bộ; 

Chủ đầu tư BOT "kêu oan" ảnh 3

Doanh nghiệp vay đến 80% vốn làm BOT, người dân là "con nợ"

(GDVN) - TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, khoản nợ ngân hàng mà doanh nghiệp vay làm dự án BOT, người dân đi lại trên đường BOT phải gánh chịu...

Chủ đầu tư BOT "kêu oan" ảnh 4

Ông Trần Du Lịch: BOT trên Quốc lộ 1, khi nào mới hết thu phí người dân?

(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đặt câu hỏi: “Không phải ngay bây giờ nhưng người dân cần phải biết, Quốc lộ 1 đến bao giờ đi không phải trả phí?".

Các nhà đầu tư và các ngân hàng cung cấp tín dụng cũng chỉ chủ yếu là tổ chức, doanh nghiệp trong nước, chưa kêu gọi được nhà đầu tư nước ngoài; Chính sách phí chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội, việc quản lý nguồn thu phí cần chặt chẽ và minh bạch hơn; Chất lượng xây dựng và bảo trì một số dự án chưa đạt yêu cầu...", Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chỉ ra những hạn chế.

Trước hạn chế của đầu tư BOT trong giao thông đại biểu tham dự đề nghị ngoài BOT và BT Bộ Giao thông vận tải cần nghiên cứu triển khai hình thức đầu tư hợp tác công – tư (PPP).

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, Bộ Giao thông vận tải cần quan tâm đến một số yếu tố để hoạch định chiến lược phát triển giao thông vận tải cho phù hợp với bối cảnh trong thời gian tới như nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, số lượng phương tiện tăng lên rất nhiều.

Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, cần huy động nguồn lực đầu tư nước ngoài; đa dạng hóa hình thức PPP chứ không chỉ gói gọn theo hình thức BOT và BT.

Trong khi đó theo ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tăng cường công tác thanh tra giám sát, đánh giá tác động, phân bổ nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức trong và ngoài nước, vốn đầu tư nhà nước cần tham gia tỷ lệ thích hợp (khoảng 20%), các cơ quan nhà nước chủ động làm việc nhà đầu tư, định hướng cho các Nhà đầu tư.

Chủ đầu tư BOT kêu oan

Đồng tính với báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, trước bức xúc của người dân tại các dự án đầu tư BOT giao thông, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tasco cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp, việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là rất cần thiết nhưng cần bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước và người dân.

Theo ông Dũng, điều này, trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã làm rất tốt. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị đạt được khi đầu tư các dự án BOT vẫn có những vấn đề còn hạn chế như thủ tục đầu tư dự án còn phức tạp, liên quan đến quá nhiều cơ quan chức năng chứ không chỉ riêng Bộ Giao thông vận tải.

Trạm thu phí Mỹ Lộc- Nam Định thuộc Công ty cổ phần Tasco. Ảnh: VTV.
Trạm thu phí Mỹ Lộc- Nam Định thuộc Công ty cổ phần Tasco. Ảnh: VTV.

“Các dự án BOT có quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm toán làm việc với cùng một nội dung. Trong bối cảnh hiện tại, đầu tư vào giao thông thu được lợi nhuận rất hạn chế nhưng đôi khi nhà đầu tư bị áp lực từ dư luận xã hội rất lớn, bị đối xử như... tội đồ. 

Tuy nhiên, từ vị trí của một người dân tôi thấy cần phải rà soát lại các dự án BOT giao thông, tạo điều kiện và lựa chọn tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp”, ông Dũng nói.

Theo ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, trên cơ sở thực trạng kết cầu hạ tầng giao thông hiện nay và kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 - 2020 cần khoảng 1.039 nghìn tỷ đồng cho các dự án do Bộ Giao thông vận tải trực tiếp quản lý. 

Cũng theo ông Dũng, dư luận thời gian qua cho rằng các nhà đầu tư BOT “giàu có, ăn dày” nhưng thực tế trong hợp đồng BOT thực hiện chỉ 11-12% lãi trên vốn chủ sở hữu.

“Doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập 22%, trừ đi lợi nhuận đưa về chỉ còn 8,5-9%, trong khi nhà đầu tư huy động vốn trên thị trường lãi suất cạnh tranh phải 12-15% thì cổ đông mới góp vốn.

Ông Dũng cho biết, "thời điểm kinh tế lạm phát, tiền ngân hàng không có người vay, trong lúc kinh tế khó khăn khủng hoảng, những nhà đầu tư như chúng tôi không biết làm gì mới quay sang đầu tư BOT, tuy lợi nhuận thấp nhưng cái được cái là có việc làm cho cán bộ nhân viên và tăng GDP cho xã hội".

Ông Dũng cũng khẳng định, trong 5 năm qua Bộ Giao thông vận tải đã “mua” được tài sản BOT với giá rất rẻ, thậm chí rẻ hơn ODA rất nhiều.

Tham dự hội nghị, bà Vũ Thị Mai -Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, hội nghị là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Tài chính lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Bà Mai cho biết, hiện nay có 56 trạm thu phí thực hiện, trong đó có 12 trạm thu phí thu phí theo thông tư 90, 44 trạm thu phí thu phí theo các thông tư đã ban hành. Căn cứ vào hợp đồng, Bộ Giao thông vận tải đã ký với nhà đầu tư, trong đó có quy định mức thu phí với nhà đầu tư, Bộ Giao thông vận tải chủ trì và đã lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành.

Nhìn vào hạn chế để tìm giải pháp

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, 5 năm qua thực hiện chủ trương phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cùng vốn NS, ODA, CP giao và Bộ Giao thông vận tải đã huy động các nguồn lực xã hội chủ yếu là theo hình thức BOT, BT... đã tạo ra được sự thay đổi mạnh mẽ các hình thức đầu tư, tạo sự thay đổi nhanh chóng diện mạo giao thông của đất nước đồng thời tạo động lực huy động các nguồn lực kinh tế và các ngành khác phát triển.

“Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt dược, chúng ta phải nghiêm khắc chỉ ra những hạn chế, yếu kém, từ đó đề ra những giải pháp tốt hơn, để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, đưa nước phát triển hiện đại”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo: Cần thẳng thắn nhìn vào hạn chế dự án BOT giao thông để tìm giải pháp. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo: Cần thẳng thắn nhìn vào hạn chế dự án BOT giao thông để tìm giải pháp. Ảnh: VGP

Cụ thể, Phó Thủ tướng chỉ ra rằng, mặc dù chất lượng hạ tầng giao thông được nâng lên song vẫn còn không ít công trình chất lượng thấp, bị hằn lún, ảnh hưởng đến an toàn giao thông cho người và phương tiện nên gây không ít bức xúc cho người dân.

Tham gia đầu tư xây dựng các công trình giao thông, rất nhiều nhà đầu tư lần đầu tham gia vào lĩnh vực này nên trong đó có nhiều nhà đầu tư tích cực xác định đúng năng lực triển khai tốt dự án, đảm bảo chất lượng công trình song vẫn còn một số nhà đầu tư yếu về năng lực nên dự án không đảm bảo chất lượng, tiến độ như cam kết; Việc bố trí một số trạm thi phí chưa hợp lý, huy động vốn đàu tư BOT chủ yếu doanh nghiệp trong nước, gây bức xúc cho người dân….

Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải phải rà soát lại chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải phù hợp với quy hoạch phát triển vùng và phát triển chung của đất nước; tham mưu và xây dựng cơ chế chính sách đầy đủ, ổn định và minh bạch, nâng cao, năng lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, bao gồm cả cơ chế, trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước liên quan; chính sách đối với thu phí.

Được biết, nội dung tổng kết 5 năm thực hiện công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ Giao thông vận tải quản lý sẽ được tổng hợp báo cáo Thủ tướng trong tháng 6 này.

Theo kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011 - 2015, Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ nhu cầu đầu tư két cấu hạ tầng giao thông khoảng 484.000 tỷ trong khi đó nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn Trái phiếu Chính phủ và vốn ODA cân đối khoảng 181.000 tỷ, tương đương 37% so với nhu cầu.

Ngoài ra Bộ Giao thông vận tải đã huy động được 186.660 tỷ đồng (chiếm 42%) trong tổng nguồn 444.040 tỷ đồng cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn này.

Trong tổng số nguồn vốn huy động được 444.040 tỷ đồng, nguồn vốn tư nhân là 186.660 tỷ đồng (chiếm 42%) và thu hút, ký kết được 6,24 tỷ USD vốn ODA (tổng vốn ODA đã ký kết đến nay là 18,46 tỷ USD).

Tổng vốn cho được giải ngân trong giai đoạn 2011 - 2015 đạt khoảng 379.213 tỷ đồng, trong đó giải ngân vốn tư nhân 121.833 tỷ đồng (chiếm 32,13%) và giải ngân vốn Nhà nước 257.380 tỷ đồng (chiếm 67,87%).

Giai đoạn 2011 - 2015, Bộ Giao thông vận tải đã huy động được khoảng 186.660 tỷ đồng để đầu tư 62 dự án theo hình thức hợp đồng BOT và BT. Đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 26 dự án với tổng mức đầu tư74.806 tỷ đồng. Đang triển khai đầu tư 36 dự án với tổng mức đầu tư 111.854 tỷ đồng. 

Mai Anh (Tổng hợp)