Chúng ta không có quyền lựa chọn dân tộc, nhưng có quyền hành động

30/04/2017 07:25
Vũ Mão
(GDVN) - Ông Vũ Mão chia sẻ: "Đó phải là những hành động của tình người, là khát vọng đoàn kết để cùng nhau xây dựng Việt Nam thịnh vượng".

LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài viết của ông Vũ Mão – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về câu chuyện hòa hợp dân tộc.

Bài viết mang thông điệp: Hãy yêu thương, chia sẻ, tin tưởng để hướng tới tương lai, cùng nhau phát huy sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Đã hơn 40 năm trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất, câu chuyện hòa hợp dân tộc vẫn luôn là chủ đề được các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đồng bào ta cả ở trong và ngoài nước hết sức quan tâm.

Câu chuyện hòa hợp dân tộc không phải bây giờ mới nhắc đến. Nhớ lại năm 1972, trong bữa cơm với các cán bộ địa phương ở Vĩnh Linh (Quảng Trị), Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đặt ra câu hỏi: “Sau khi Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước, việc gì là lớn nhất?”.

Có nhiều câu trả lời đều nói về phát triển kinh tế đất nước, khai thác tài nguyên, phát triển nông thôn... Nhưng, Tổng Bí thư Lê Duẩn thì nói rằng: “Vấn đề lớn nhất sau chiến tranh cần phải làm, đó là hòa hợp dân tộc”.

Nói như vậy để thấy rằng, vấn đề này đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, đặt ra ngay từ khi đất nước thống nhất. Dù vậy những biến cố trong quá khứ, những vấn đề do lịch sử để lại có nhiều yếu tố phức tạp, cho nên ít nhiều cũng đã tác động tình hình chính trị xã hội nước ta trong những năm vừa qua.

Thời kỳ sau năm 1975 đã có một bộ phận bà con nhân dân ta ra nước ngoài định cư. Cho tới bây giờ đang có hơn 4 triệu kiều bào ở nhiều nơi trên thế giới. Họ là một phần máu thịt của dân tộc Việt Nam. Và, Tổ quốc thiêng liêng luôn đón chào những đứa con xa xứ yêu quê hương, đất nước.

Cũng phải nói rằng vì những vấn đề diễn ra trong quá khứ nên vẫn còn có một bộ phận nhỏ người dân chưa thực sự hiểu biết rõ về chính sách của Đảng, Nhà nước. Thậm chí họ còn bị bị những thế lực xấu lợi dụng để chống lại đất nước, gây ảnh hưởng tới hòa hợp dân tộc.

Xin nhắc lại câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Quốc gia nào khắc phục được những mâu thuẫn nội tại để cùng tìm thấy niềm tự hào chung, lợi ích chung thì có thể tạo ra sức mạnh nội lực. Ngược lại, nơi nào mà dân tộc chia rẽ, đối địch với nhau, thì dù có tài nguyên quốc gia phong phú, có dân số đông đúc, vẫn không tạo ra sức mạnh, vị thế quốc tế, do đó cũng không thể vững vàng”; “Chính kiến khác nhau, ý kiến khác nhau là bình thường và điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng”.

Quả thật, chúng ta chỉ hòa hợp thật sự nếu như biết chia sẻ, cảm thông cho nhau, hiểu được những mất mát của nhau. Chẳng ai muốn có mất mát, đau thương, nhưng đó là câu chuyện của quá khứ đã lùi xa hơn 40 năm rồi.

Một số bà con kiều bào có lẽ không hài lòng với những điều xảy ra trong quá khứ, thế nhưng nếu một lần đến với nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9 nhìn bạt ngàn các ngôi mộ của người lính, hẳn là mỗi chúng ta đều cảm nhận được rằng nếu cứ mãi hận thù nhau thì những nỗi đau trong từng con người, từng gia đình sẽ lại bị khoét sâu thêm.

Nếu không bao dung, tha thứ, không cùng nhau hướng về tương lai thì vô tình chính mỗi chúng ta sẽ tạo ra cơ hội cho những kẻ xấu lợi dụng phá hoại đất nước, phá hoại những giá trị thiêng liêng mà cha ông ta đã phải đổ xương máu hàng nghìn đời mới có được.

Ông Vũ Mão: Bao dung, tha thứ để cùng nhau hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. ảnh: Ngọc Quang.
Ông Vũ Mão: Bao dung, tha thứ để cùng nhau hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. ảnh: Ngọc Quang.

Nói về hòa hợp dân tộc, tôi xin kể với độc giả hai câu chuyện:

Năm 2006, Báo Tuổi trẻ tổ chức cuộc thi “Chuyện đời tự kể” và anh Trần Đình Ninh – tác giả của bài viết “Lệnh thủ tiêu thành tình giải cứu” đã giành giải nhì.

Anh Ninh là một người lính của chế độ Sài Gòn. Vào năm 1972 tại chiến trường Quảng Nam, đơn vị của anh Ninh bắt được 3 cán binh Việt cộng tên là Thống, Mùi, Quán. Họ đối xử với ba người bị bắt rất tử tế, cho ăn uống, hút thuốc và không ai bị xúc phạm, đánh đập.

Chúng ta không có quyền lựa chọn dân tộc, nhưng có quyền hành động ảnh 2

Tại sao Sài Gòn không bị tàn phá, đổ nát trong những ngày tháng 4 năm 1975?

Rồi anh Ninh nhận “Ác lệnh” là phải đem bắn ba người này, nhưng anh đã đưa họ ra bìa rừng chờ đêm tối cho họ trốn thoát.

Tôi nhớ trong câu chuyện anh Ninh kể lại “Tình người với nhau tôi phải cứu các anh. Các anh cứ nằm đây, tối tìm cách thoát thân”. Rồi, anh Ninh bắn vu vơ vài phát đạn, giả như đã thi hành lệnh hành quyết.

Sau khi đất nước thống nhất, vào năm 1976, anh Ninh đang học tập cải tạo tại Quảng Nam thì ba cán binh Việt cộng năm nào tìm tới tận nơi, làm giấy bảo lãnh để anh Ninh ra trại, về sống ở quê tại Quảng Ngãi.

Mặc dù công tác ở xa, nhưng thỉnh thoảng ba anh cán binh Việt cộng năm nào vẫn dành thời gian đến thăm anh Ninh – vị ân nhân giải cứu cho họ năm nào.

Biết được câu chuyện xúc động ấy, tôi đã viết tặng anh Trần Đình Ninh bài thơ “Chiến chinh – tình đời”. Tình người lớn hơn tất cả, cho nên dù lúc ấy làm việc ở hai chế độ khác nhau nhưng vẫn tìm cách bảo vệ, che chở cho nhau.

Sự đoàn kết của đồng bào cả ở trong và ngoài nước là nguồn sức mạnh vô tận để phát triển Việt Nam thịnh vượng. ảnh: Hà Nội Mới.
Sự đoàn kết của đồng bào cả ở trong và ngoài nước là nguồn sức mạnh vô tận để phát triển Việt Nam thịnh vượng. ảnh: Hà Nội Mới.

Câu chuyện thứ hai là vào năm 2006, trong một chuyến công tác tại Mỹ, tôi có đến thành phố Houston (bang Texas). Lúc rảnh rỗi, tôi đến một cửa hàng mua sắm thì tình cờ gặp cô Bùi Lê Cúc là nhân viên bán hàng.

Qua câu chuyện, tôi biết quê cô ở huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Cô kể rằng vì bố và anh trai làm việc cho chế độ cũ nên khi tốt nghiệp lớp 12 xong thì gia đình ra nước ngoài sinh sống.

Bây giờ ở Mỹ, cô có cuộc sống ổn định và đã hai lần về thăm Việt Nam, thấy quê hương phát triển, đổi mới rất nhiều. Khi trở lại Mỹ, cô kể cho mọi người nghe chuyện ở quê nhà gặp bà con chan hòa, yêu thương đầm ấm lắm.

Cô cũng cho biết là ở bên Mỹ có một số người lớn tuổi còn định kiến chống chế độ cộng sản, nhưng cô không bao giờ tham gia vì nhận thấy đó là việc làm không đúng.

Có dòng sông nào không bên lở bên bồi?

Có dòng sông nào không bên lở bên bồi?

(GDVN) - Thay đổi thù hận trong quá khứ bằng tấm lòng vị tha, bằng niềm tin vào sự bao dung, nhân ái sẽ làm cho người ta sống thanh thản.​

Dân tộc của chúng ta đã hy sinh quá nhiều, mất mát quá lớn và hậu quả của chiến tranh cho đến tận bây giờ, dù đã hơn 40 năm vẫn chưa thể giải quyết hết. Rất nhiều đứa trẻ sinh ra đã phải chịu tật nguyền, đó là đau thương từ quá khứ vẫn còn kéo dài đến tận bây giờ. Bởi thế mà chúng ta hiểu hơn ai hết giá trị của hòa bình, giá trị của niềm tin, của tình đoàn kết dân tộc trước mọi kẻ thù.

Trong một gia đình chỉ vài người thôi cũng có những lúc bất hòa. Thế nên trong một đất nước rộng lớn với hơn 90 triệu dân và 54 dân tộc với nhiều sắc màu văn hóa khác nhau, nếu đâu đó còn có những quan điểm khác biệt thì cũng là điều dễ hiểu.

Dù vậy, vượt lên trên tất cả, chúng ta hãy cùng chia sẻ, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, cùng đối thoại để tìm thấy tiếng nói chung, cùng chung mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Con người ta sinh ra không ai có quyền lựa chọn dân tộc, nhưng chúng ta có quyền quyết định cho hành động của mình. Đó phải là những hành động đúng đắn nhất, là khát vọng đoàn kết để cùng nhau xây dựng Việt Nam thịnh vượng.

Vũ Mão