Chương trình giáo dục phổ thông mới rất có thể làm phình to biên chế

22/11/2017 07:26
Nhật Duy
(GDVN) - Nếu tính mỗi trường 1 giáo viên Tin học thì ngành giáo dục trong cả nước phải tuyển mới ít nhất 15.277 giáo viên Tin học để giảng dạy ở cấp Tiểu học.

LTS: Xung quanh chương trình giáo dục phổ thông mới, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của thầy giáo Nhật Duy phân tích về nguy cơ phình biên chế.

Tôn trọng thảo luận đa chiều nhằm làm sáng tỏ một vấn đề hệ trọng của giáo dục nước nhà, chúng tôi xin giới thiệu bài viết này và mong muốn nhận được phản hồi từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban phát triển chương trình cũng như bài viết trao đổi từ các thầy cô, cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước.

Bài viết xin gửi về Tòa soạn theo địa chỉ toasoan@giaoduc.net.vn, xin trân trọng cảm ơn và mời quý bạn đọc theo dõi.

Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng vừa được ban hành ngày 25 tháng 10 năm 2017 đã thể hiện quyết tâm của Đảng ta trong việc tinh giản bộ máy công kềnh nhưng hoạt động kém hiệu quả và gây nhiều lãng phí cho ngân sách nhà nước. 

Chính vì thế, với đội ngũ công chức, viên chức ngành giáo dục đang chiếm khoảng trên 50% tổng số những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước cũng sẽ nằm trong kế hoạch tinh giản tới đây của ngành. 

Tuy nhiên, với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cuối tháng 7 vừa qua, thì trong những năm tới đây ngành giáo dục không thể nào tinh giản biên chế được.

Ngược lại, bộ máy có thể sẽ phình to hơn hiện nay. 

Chuyện sử dụng nhân lực cho ngành giáo dục không chỉ không giảm mà sẽ tăng lên đáng kể vì có rất nhiều môn học mới được đưa và các cấp học, trong khi hiệu quả của các môn học này mang lại chưa biết thế nào.

Đội ngũ giáo viên cấp Tiểu học sẽ phình to nhất

Bảng Tổng hợp kế hoạch giáo dục cấp tiểu học, trích trang 8 Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể mới. Nguồn: moet.gov.vn.
Bảng Tổng hợp kế hoạch giáo dục cấp tiểu học, trích trang 8 Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể mới. Nguồn: moet.gov.vn.

Nhìn vào Bảng tổng hợp kế hoạch giáo dục cấp tiểu học chúng ta dễ dàng nhận thấy có nhiều môn học, hoạt động giáo dục mới được đưa vào tới đây so với chương trình hiện hành. 

Tuy nhiên, việc đưa vào một số hoạt động giáo dục hay môn học mới như Hoạt động trải nghiệm, Lịch sử và Địa lí thì giáo viên chủ nhiệm chỉ cần bồi dưỡng thêm một thời gian ngắn là có thể đảm nhận được. 

Nhưng đối với môn học mới là Tin học và Công nghệ được đưa vào từ lớp 3 và môn tự chọn Ngoại ngữ 1 đối với lớp 1, 2 chắc chắn ngành giáo dục phải tuyển dụng thêm nhân sự với số lượng tương đối lớn.

Theo hướng dẫn hiện hành thì giáo viên Tiểu học dạy mỗi tuần là 23 tiết, môn Tin học được bố trí mỗi tuần 2 tiết. 

Chỉ cần tính một phép tính nhỏ có thể thấy bộ máy biên chế giáo dục sẽ phình to cỡ nào, khi áp dụng chương trình - sách giáo khoa mới.

Chương trình giáo dục phổ thông mới rất có thể làm phình to biên chế ảnh 2

Mong quý thầy làm chương trình, sách giáo khoa mới trung thực, trách nhiệm

Ở một trường loại II phải bố trí ít nhất 1 giáo viên Tin học để giảng dạy môn học mới này cho khối lớp 3, 4, 5; Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2015 ngành giáo dục nước ta có 15.277 trường tiểu học. 

Vì thế, nếu tính mỗi trường 1 giáo viên Tin học thì ngành giáo dục trong cả nước phải tuyển mới ít nhất 15.277 giáo viên Tin học để giảng dạy ở cấp Tiểu học (nhiều trường loại I có nhiều lớp, phải tuyển 2-3 giáo viên Tin học).

Đối với môn Ngoại ngữ, theo chương trình hiện hành Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu dạy cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 5. Chương trình lớp 3 có 2 tiết và các lớp 4, 5 có 4 tiết/tuần. 

Thế nhưng, chương trình mới tới đây thì lớp 3 cũng là 4 tiết và có thêm tự chọn Ngoại ngữ 1 ở lớp 1, 2.

Với trào lưu xã hội và cách tuyên truyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay, rất có khả năng môn tiếng Anh sẽ đông học sinh đăng kí học.

Điều này cũng đồng nghĩa với số lượng giáo viên hiện tại của môn tiếng Anh sẽ không đủ để giảng dạy cho chương trình mới. 

Và điều dĩ nhiên là các trường phải tuyển dụng mới thêm giáo viên tiếng Anh.

Cấp Trung học cơ sở sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc phân công giáo viên và thời khóa biểu.

Bảng tổng hợp Kế hoạch giáo dục cấp trung học cơ sở, trích trang 10 Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới.
Bảng tổng hợp Kế hoạch giáo dục cấp trung học cơ sở, trích trang 10 Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới.

Nhìn vào Bảng tổng hợp kế hoạch giáo dục cấp Trung học cơ sở thì về cơ bản không có xáo trộn nhiều về môn học như cấp Tiểu học.

Một số môn học mới là sự "tích hợp cơ học" bằng cách gom lại của các môn học truyền thống như môn Khoa học tự nhiên (Lí, Hóa, Sinh), môn Lịch sử và Địa lí (môn Sử, Địa). 

Chỉ có thêm một hoạt động bắt buộc là Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. 

Hoạt động này các trường có thể bố trí giáo viên tại chỗ đảm nhận, không cần phải bố trí thêm nhân sự. 

Tuy nhiên, điều chúng tôi lưu tâm là một số môn học truyền thống bị giảm về số tiết và có thêm 2 môn học tự chọn là môn Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2.

Những môn bị giảm số tiết là môn Ngữ văn 9, Tin học, Công nghệ lớp 6 và lớp 7 giảm 1 tiết so với chương trình hiện hành.

Trong 3 môn học bị giảm 1 tiết này thì môn Công nghệ lớp 6 đang do giáo viên Ngữ văn đảm nhận, môn công nghệ 7 do giáo viên môn Sinh học đảm nhận. 

Như vậy, nếu tính ở mức trung bình là trường loại 2 thì 3 môn học này mỗi mỗi môn sẽ thừa 1 người. 

Tuy nhiên, giáo viên dạy môn Công nghệ lớp 6, lớp 7 và Ngữ văn 9 có thể bù qua, lấp lại và kiêm nhiệm thêm chủ nhiệm lớp thì về cơ bản không thừa bao nhiêu. 

Nhưng môn Tin học giảm 1 tiết thì trường loại 2 cũng đã dư thừa hẳn 1 người (hiện tại 2 tiết/tuần/lớp). 

Chương trình giáo dục phổ thông mới rất có thể làm phình to biên chế ảnh 4

Xin hỏi tiếp Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết về “tích hợp” 1 sách 3 thầy

Nếu ngành giáo dục làm khéo thì chuyển các giáo viên Tin học dư thừa ở cấp 2 xuống cấp 1 sẽ đỡ lãng phí rất nhiều trong việc sử dụng nhân lực.

Nếu không, cấp Trung học cơ sở thì thừa mà cấp Tiểu học lại phải tuyển dụng giáo viên mới.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2015 cấp Trung học cơ sở có 10.878 trường học. 

Vì vậy, nếu các trường có một số em đăng kí học môn Tiếng dân tộc thiểu số và môn Ngoại ngữ 2 thì cũng phải tăng thêm rất nhiều giáo viên.

Trong đó, chúng tôi tạm gác môn học Tiếng dân tộc thiểu số, vì chỉ có thể những trường có học sinh dân tộc thiểu số đăng kí học. Nhưng Ngoại ngữ 2 rất có thể sẽ có nhiều em đăng kí. 

Tất nhiên, 2 môn học này cũng sẽ tăng đáng kể về số lượng giáo viên cho các địa phương khi chương trình mới đưa vào giảng dạy. Bởi những môn học này, giáo viên môn học khác không thể kiêm nhiệm được.

Còn riêng 2 môn "tích hợp" Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, hiện tại chúng tôi vẫn chưa thể hình dung nổi việc phân công giáo viên, thi kiểm tra, sổ sách giấy tờ, mặc dù đã nhiều lần thưa hỏi các giáo sư, phó giáo sư tổng chủ biên, chủ biên của chương trình tổng thể mới.

Cấp Trung học phổ thông sẽ phình ra bao nhiêu?

Bảng tổng hợp Kế hoạch giáo dục cấp trung học phổ thông, trích trang 12 Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới. Nguồn: moet.gov.vn.
Bảng tổng hợp Kế hoạch giáo dục cấp trung học phổ thông, trích trang 12 Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới. Nguồn: moet.gov.vn.

Điều chúng ta dễ dàng nhận thấy là đối với cấp Trung học phổ thông thêm một số môn học mới so với chương trình hiện hành. Và những môn học này cũng bắt buộc phải tuyển dụng thêm nhân sự.

Chương trình mới của cấp trung học phổ thông tới đây có thêm môn học được lựa chọn là môn Nghệ thuật, "tích hợp" 2 môn Âm nhạc và Mĩ thuật.

Hai môn học này ở chương trình hiện hành là kết thúc ở học kì I của lớp 9. Từ học kì II của lớp 9 trở lên đến lớp 12 thì không có.  

Bây giờ, chương trình mới đưa môn học này vào, dù là môn học được lựa chọn nhưng chắc chắn sẽ có một bộ phận học sinh lựa môn học này để định hướng nghề nghiệp tương lai cho mình theo tính toán phân luồng của các nhà soạn chương trình. 

Vì thế, cho dù không nhiều học sinh đăng kí học môn này thì các trường phổ thông cũng bắt buộc phải tuyển mới giáo viên 2 môn này bởi hiện tại không có. 

Trong khi, chúng ta biết rằng đây là môn nghệ thuật và phụ thuộc nhiều vào năng khiếu, nhất là trong chương trình mới thì cấp học này là định hướng nghề nghiệp nên không thể bố trí giáo viên môn khác kiêm nhiệm. 

Hiện nay, cả nước có 2.767 trường trung học phổ thông thì điều chắc chắn là mỗi trường phải có thêm 2 giáo viên cho môn Nghệ thuật.

Chương trình giáo dục phổ thông mới rất có thể làm phình to biên chế ảnh 6

Kiến nghị Quốc hội giám sát việc phát hành, phân phối sách giáo khoa

Điều này cũng đồng nghĩa trong chương trình mới bắt buộc ngành giáo dục phải tuyển mới 5.534 giáo viên cho 2 môn Âm nhạc và Mĩ thuật.

Ngoài ra, cấp trung học phổ thông cũng có 2 môn tự chọn như cấp trung học cơ sở là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2 (loại trừ một số trường sẽ không có học sinh đăng kí) thì chúng ta cũng phải tuyển thêm hàng ngàn giáo viên để đảm nhận việc đứng lớp. 

Phương án 1 giáo viên dạy nhiều trường sẽ rất khó xảy ra. Nếu như cùng cấp trung học phổ thông thì thường địa bàn xa nhau. 

Nếu tính phương án giáo viên đảm nhận 2 môn học này cho cả cấp 2-3 thì càng không thể. Bởi cấp Trung học phổ thông nhân sự do sở giáo dục quản lí, giáo viên trung học cơ sở do phòng giáo dục quản lí.

Từ những phân tích số liệu ở 3 cấp học ở trên cho chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây so với chương trình hiện hành thì ngành giáo dục phải tuyển mới hàng chục ngàn giáo viên cho các môn học sẽ đưa vào một số cấp học. 

Cho dù nhân lực tại chỗ có thể bồi dưỡng để để đảm nhận được một số môn học, một số hoạt động giáo dục mới nhưng đối với môn Tin học, Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2 thì chúng ta không thể bồi dưỡng được mà bắt buộc phải tuyển mới. 

Nhất là đối với môn Tin học ở cấp Tiểu học và môn Nghệ thuật ở cấp Trung học phổ thông chúng ta làm mới hoàn toàn.

Vậy nếu căn cứ vào Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Trung ương Đảng vừa mới ban hành sau Hội nghị Trung ương 6, từ nay đến năm 2021 tinh giản 10% và đến năm 2030 tinh giản 30% tổng số cán bộ, công chức, viên chức hiện nay, ngành giáo dục liệu có thực hiện được hay lại làm phình to hơn bộ máy? 

Hình minh họa, nguồn: caobangtv.gov.vn
Hình minh họa, nguồn: caobangtv.gov.vn

Theo chúng tôi, tinh giản biên chế trong giáo dục là không thể nếu vẫn giữ chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bởi lí do rất giản đơn là chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây bắt buộc chúng ta phải tăng thêm hàng chục ngàn giáo viên mới cho các môn học mới.

Vì thế, nếu giữ nguyên được số lượng biên chế hiện nay đã là may mắn lắm rồi. Nhưng để làm được điều này, giáo dục sẽ rất dễ rối loạn vì phân công lại lao động theo chương trình mới.

Năm 2008, khi cuốn sách giáo khoa cuối cùng của chương trình hiện hành còn chưa kịp triển khai đại trà thì Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã phải ký Báo cáo số 146/BC-BGDĐT gửi các vị Đại biểu Quốc hội về việc giảm tải chương trình - sách giáo khoa hiện hành.

Giải pháp lâu dài là chuẩn bị làm chương trình sách giáo khoa mới thay thế, có nghĩa là hàng trăm triệu đô la Mỹ đi vay về thay chương trình - sách giáo khoa hiện hành đã trở nên vô ích!? 

Giải pháp tạm thời thứ 3 để giảm tải chương trình - sách giáo khoa hiện hành được Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu ra là:

Chương trình giáo dục phổ thông mới rất có thể làm phình to biên chế ảnh 8

Hàng tỉ đô la Mỹ đi vay đầu tư cho giáo dục thế nào, hiệu quả ra sao?

"Xem xét, điều chỉnh một số môn học từ bắt buộc sang tự chọn bắt buộc trong một nhóm các môn như Mỹ thuật, Thủ công/Kỹ thuật và Âm nhạc ở tiểu học, Giáo dục hướng nghiệp và Nghề phổ thông ở trung học. 

Tích hợp tốt hơn môn Giáo dục công dân và Giáo dục ngoài giờ lên lớp để nâng cao hiệu quả giáo dục và góp phần vào phát triển văn hoá địa phương bằng các hoạt động thiết thực của học sinh. 

Không bắt buộc học sinh phải học tất cả các môn trong một nhóm nói trên. 

Nhà trường và học sinh được lựa chọn dạy và học các môn này trên cơ sở điều kiện dạy học thực tế và điều kiện giáo viên ở địa phương cũng như sở thích và năng lực học tập của mỗi học sinh. 

Ở trường nào có điều kiện về giáo viên và cơ sở vật chất thực hành cho tất cả các môn và học sinh có nguyện vọng học tất cả các môn thì tổ chức dạy tất cả các môn cho các học sinh đó."

Báo cáo này cho thấy, so với các chương trình - sách giáo khoa trước đó, chương trình hiện hành đã làm tăng biên chế và áp lực học hành lên rất nhiều.

Cách giảm tải cơ học này chỉ chuyển một số môn từ bắt buộc sang lựa chọn bắt buộc, biên chế không giảm nhưng sách học các môn này không được xem là sách giáo khoa, và gần như năm nào cũng in lại, bán rất đắt.

Tình trạng này vẫn kéo dài đến năm nay, gần 10 năm sau đợt tổng kết chương trình hiện hành năm 2008.

Mới nhất là công văn 3031/BGDĐT-GDTH do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ký chỉ đạo thay sách tin học có thể làm dân chúng phải móc hầu bao cả trăm tỉ để nuôi 1 doanh nghiệp thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Với chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng tôi rất lo ngại tình trạng trên sẽ còn diễn biến nặng nề, phức tạp hơn rất nhiều so với chương trình hiện hành, và quan trọng hơn là sẽ chẳng có ai chịu trách nhiệm, một thực tế phũ phàng được Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết tổng kết từ 2014.

Nhật Duy