Chương trình mới đã tính đến cơ sở vật chất, đãi ngộ nhà giáo chưa?

24/04/2017 08:50
Sông Trà
(GDVN) - Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục của nhà trường, chế độ chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo là một vấn đề cốt lõi để chương trình mới thành công.

LTS: Bày tỏ những băn khoăn về tính khả thi của chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy giáo Sông Trà cho rằng để đáp ứng yêu cầu mới, vấn đề thiếu cơ sở vật chất cũng như kinh phí sẽ là bài toán lớn đối với ngành giáo dục.

Hơn nữa, với mức đãi ngộ giáo viên như hiện nay thì tác giả cũng e ngại về chất lượng đào tạo.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chương trình giáo dục phổ thông mới vừa công bố có nhiều điểm thay đổi, điều chỉnh, cải tiến so với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Những thay đổi này được giới chuyên môn, các nhà quản lý, nhà giáo ghi nhận, đánh giá cao về cách thức tiếp cận, phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh, chú trọng thực hành, bám sát thực tiễn đời sống. 

Chương trình mới đã tính đến cơ sở vật chất, đãi ngộ nhà giáo chưa? ảnh 1

Thầy ăn lương vợ, tranh thủ việc trường, làm ngoài là chính

Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục của nhà trường, chế độ chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo là một vấn đề cốt lõi, một mắt xích quan trọng hàng đầu để chương trình, sách giáo khoa mới thành công.

Điều này cũng được Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nêu rõ lộ trình:

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành điều chỉnh dự thảo Đề án Đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông (đã trình Chính phủ) phù hợp với lộ trình áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới, phân rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện, nguồn vốn giữa trung ương, địa phương và thực hiện xã hội hóa. 

Đồng thời xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện Đề án sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo đồng bộ từ trung ương đến các địa phương và đồng bộ với lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang chỉ đạo rà soát, điều chỉnh các chuẩn, quy chuẩn về trường, lớp học phù hợp yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa mới, làm căn cứ xây dựng Đề án tổng thể về cơ sở vật chất, thiết bị trường học (bao gồm cả mầm non, phổ thông và đại học) để xác định tầm nhìn và kế hoạch trong thời gian tới; xây dựng, ban hành các danh mục thiết bị dạy học tối thiểu phù hợp với lộ trình áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới. 

Về tiêu chuẩn bàn ghế học sinh trường phổ thông, Bộ cũng chỉ đạo rà soát các quy định hiện hành của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo - Khoa học và Công nghệ - Y tế để xây dựng, ban hành quy định mới theo hướng mở thay thế quy định hiện hành tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương áp dụng”. 

Tại nhiều địa phương, cơ sở vật chất của nhà trường còn khó khăn, chế độ giáo viên nói chung là thấp. (Ảnh minh họa trên baoangiang.com.vn)
Tại nhiều địa phương, cơ sở vật chất của nhà trường còn khó khăn, chế độ giáo viên nói chung là thấp. (Ảnh minh họa trên baoangiang.com.vn)

Về mặt định hướng trên văn bản, giấy tờ như thế là ổn rồi. Nhưng vấn đề mấu chốt ở chỗ chúng ta có đủ nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học trong thời gian tới hay không?  

Mặc dù, nhà nước, các địa phương đã quan tâm, có đầu tư, nâng cấp phòng ốc, bàn ghế, thiết bị cho các cơ sở giáo dục, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là một số địa phương, thành phố lớn có tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh. 

Nhiều nhà vệ sinh của học sinh ở Thủ đô Hà Nội và các địa phương khác rất hôi hám, bẩn thỉu, bị xuống cấp nghiêm trọng, trở thành nỗi ám ảnh thật sự đối với con trẻ khi đi tiểu tiện. 

Hàng trăm bộ bàn ghế học sinh ở bậc tiểu học, trung học cơ sở thuộc một số huyện của tỉnh Quảng Ngãi bị phát hiện lệch chuẩn, không phù hợp, gây ảnh hưởng đến tư thế, sức khỏe các em vừa bị phát hiện. 

Hàng loạt địa phương, cơ sở giáo dục ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa về phòng ốc, bàn ghế, thiết bị dạy học còn thiếu thốn, tạm bợ trăm bề. 

Các môn học có thí nghiệm thực hành như: Lý, Hóa, Sinh, các hoạt động như: Hướng nghiệp, Ngoài giờ lên lớp cần các phương tiện để tổ chức thì hầu hết các nhà trường phổ thông hiện nay đang bị bế tắc, thầy - trò toàn dạy chay, học chay, một cách kém hiệu quả. 

Chương trình mới đã tính đến cơ sở vật chất, đãi ngộ nhà giáo chưa? ảnh 3

Giáo sư Ngô Việt Trung: Tôi có cảm giác dự thảo của Bộ mang khẩu hiệu là chính

Một số minh chứng cụ thể nêu trên cho thấy nhu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở nhà trường phổ thông vô cùng lớn, rất khó có thể đầu tư, đáp ứng tương đối đầy đủ trong một khoảng thời gian 5 năm, 10 năm nữa. 

Như vậy, khi áp dụng đại trà chương trình, sách giáo khoa mới, nhiều địa phương, các cơ sở giáo dục tiếp tục phải đau đầu, nhức mình với câu chuyện thiếu thốn phòng ốc, thiết bị, kinh phí.... 

Chương trình mới tăng thời lượng thực hành, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường: đi tham quan, cắm trại, trải nghiệm sáng tạo... càng cần phương tiện, thiết bị, kinh phí, con người để tổ chức, thực hiện. 

Hơn nữa, sự lãng phí và tham nhũng trong đầu tư xây dựng trường lớp, mua sắm các trang thiết bị dạy học lâu nay cũng diễn ra khá phức tạp ở nhiều nơi. 

Xây dựng khang trang nhưng không phù hợp, mua sắm hóa chất, thiết bị đủ chủng loại nhưng sớm hư hỏng hoặc chẳng sử dụng được. 

Mặt khác, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với gần 1 triệu cán bộ, giáo viên bậc phổ thông cũng cần được đặt ra một cách cấp thiết khi xây dựng, thực hiện chương trình mới, khi mức sống, đồng lương của đại bộ phận thầy cô giáo còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu. 

Không có “thực” thì làm sao vực được “đạo” đây?

Cấp trên, các nhà quản lý cứ luôn miệng đòi hỏi, yêu cầu cấp dưới, các giáo viên phải làm thế này, phải đổi mới thế kia, trong khi lương của họ quá bèo bọt, ba cọc ba đồng thì làm sao trông chờ, mong muốn họ cống hiến, làm việc, năng động, cải tiến đủ thứ...

Chương trình mới đã tính đến cơ sở vật chất, đãi ngộ nhà giáo chưa? ảnh 4

Người làm giáo dục đang đứng trước những kỳ vọng của xã hội

Rồi đây, khi cắt giảm, phân hóa các môn học để học sinh phổ thông bớt áp lực, căng thẳng, nhồi nhét như hiện nay thì nhà nước, ngành giáo dục sẽ giải bài toán dư thừa giáo viên như thế nào? 

Đụng đến vấn đề con người, công ăn việc làm vô cùng gian khó, phức tạp. Một bài toán phát sinh đầy cân não. Nói thì dễ, làm thì khó.      

Không biết vài năm tới sao ra, chứ tại thời điểm này, nhiều thầy cô giáo, cán bộ quản lý ở bậc phổ thông còn nhiều nỗi băn khoăn, lo lắng về tính khả thi, hiệu quả của chương trình giáo dục phổ thông mới từ số môn học, số tiết, cách phân hóa đến cơ sở vật chất, kinh phí, lương bổng, chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Sông Trà