Chương trình mới sẽ khiến trẻ em phải đi học thêm từ 4-5 tuổi

02/02/2018 07:00
Phan Tuyết
(GDVN) - Những yêu cầu về kiến thức của chương trình mới đối với học sinh lớp 1 như thế chỉ phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh khối lớp 2.

LTS: Đánh giá về dự thảo chương trình mới, cô giáo Phan Tuyết cho rằng chương trình đang đặt yêu cầu quá cao đối với học sinh lớp 1.

Nếu áp dụng chương trình này, cô Tuyết bày tỏ lo lắng học sinh sẽ buộc phải đi học thêm để có thể theo kịp các tiêu chuẩn đề ra.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Học sinh bước vào lớp 1 ở độ tuổi lên 6, trong số đó có không ít em sinh cuối tháng 12, nếu tính tháng những học sinh này chỉ mới 5 tuổi.

Độ tuổi này chủ yếu đang vui chơi, ca hát. Thế nhưng vào lớp 1, ngay từ đầu năm, các em đã phải vùi đầu vào học đủ các môn học như các anh chị khối 3, 4.

Khá nhiều giáo viên dạy lớp 1 than rằng, mỗi ngày buộc các em học một âm vần, vừa đọc thuộc vừa viết vài trang vở là quá sức.

Âm vần mỗi ngày một khó, thế nên có em chưa kịp nhớ âm cũ đã phải nhồi thêm âm vần mới nên nhớ quên lẫn lộn. Nhiều học sinh học trước quên sau vì lẽ đó.

Chương trình hiện hành đối với học sinh lớp 1 đã là quá tải, là vượt sức đối với các em.

Nếu áp dụng chương trình mới này thì học sinh sẽ buộc phải đi học thêm. (Hình biếm họa về dạy thêm học thêm của Satế)
Nếu áp dụng chương trình mới này thì học sinh sẽ buộc phải đi học thêm. (Hình biếm họa về dạy thêm học thêm của Satế)

Nhưng nếu xem chương trình môn học vừa mới công bố, nhiều thầy cô tiểu học không khỏi giật mình vì mức độ yêu cầu chuẩn kiến thức đạt được cho học sinh lớp 1 còn nặng hơn chương trình hiện hành rất nhiều.

Hình như các nhà biên soạn chương trình đã lấy chuẩn kiến thức của học sinh lớp 2 ở chương trình hiện hành lắp vào cho học sinh lớp 1 trong chương trình mới để thấy được cái “đổi mới” hay sao?

Đơn cử, trong chương trình hiện hành, chuẩn kiến thức kĩ năng của học sinh lớp 1 chỉ yêu cầu tốc độ đọc của các em 30 tiếng/phút.

Trong khi chương trình mới lại yêu cầu học sinh lớp 1 “Đọc đúng và rõ ràng đoạn văn hoặc văn bản ngắn. Tốc độ đọc: 40 – 50 tiếng/phút. Biết ngắt hơi ở chỗ có dấu phẩy, dấu kết thúc câu hay ở chỗ kết thúc dòng thơ”.

Thực tế thì những học sinh đạt tốc độ đạt chuẩn theo quy định 30 tiếng/phút vẫn thể hiện đọc ngắc ngứ, ê a, chưa thật sự trôi chảy.

Chương trình mới sẽ khiến trẻ em phải đi học thêm từ 4-5 tuổi ảnh 2Chương trình mới môn Ngữ văn vẫn quá tải, dễ dẫn đến tâm lý sợ học

Nay quy định học sinh lớp 1 phải đạt tốc độ đọc 40 – 50 tiếng/phút phải chăng là quá cao?

Theo một khảo sát trong Luận án Tiến sĩ của nghiên cứu sinh Bùi Thế Hợp, tốc độ đọc trung bình của nhóm học sinh lớp 1 phát triển bình thường là 32,5 tiếng/phút.

Trong thống kê trên nhóm đối tượng học sinh lớp 1 ở Thành phố Hồ Chí Minh (nghiên cứu của Nguyễn Thị Ly Kha và Phạm Thị Lê) vào tuần thứ 5, 6 của học kì I thì tốc độ trung bình của học sinh đạt 36.67 tiếng/phút.

Nhưng nếu khảo sát học sinh vùng nông thôn thì chắc chắn tốc độ đọc của các em còn thấp hơn nhiều.

Ở phần viết, với học sinh lớp 1 mà đã yêu cầu các em biết viết “Quy tắc viết chữ cái đầu câu, viết tên riêng người Việt”.

Biết “Công dụng của dấu chấm, dấu chấm hỏi: đánh dấu kết thúc câu. Nhờ sự gợi ý, hỗ trợ, hiểu được ý nghĩa hay bài học được rút ra từ văn bản, thể hiện qua khả năng trả lời câu hỏi.

Chẳng hạn: “Em học được điều gì tốt ở nhân vật trong truyện?”, “Câu chuyện/bài thơ khuyên chúng ta điều gì?”.

Đọc mở rộng văn bản văn học với dung lượng khoảng 30 trang/năm, mỗi trang khoảng 110 chữ, có tranh minh họa.

Nhờ sự gợi ý, hỗ trợ, hiểu được đề tài hay thông tin chính của văn bản, thể hiện qua khả năng trả lời câu hỏi, chẳng hạn: “Văn bản này viết về điều gì?”.

Đọc mở rộng văn bản văn học với dung lượng khoảng 30 trang/năm, mỗi trang khoảng 110 chữ, có tranh minh họa.

Đọc mở rộng văn bản thông tin với dung lượng khoảng 20 trang/năm, mỗi trang khoảng 90 chữ, có hình ảnh.

Viết đúng chính tả đoạn thơ, đoạn văn có độ dài khoảng 30 – 35 chữ theo các hình thức nhìn – viết (tập chép), nghe – viết, tốc độ viết khoảng 30 – 35 chữ/15 phút, không mắc quá 5 lỗi”.

Những yêu cầu về kiến thức của chương trình mới như thế chỉ phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh khối lớp 2.

Để theo kịp chương trình mới, học sinh phải học thêm từ 4-5 tuổi

Với chương trình cũ (đã nặng) nhưng vẫn được đánh giá nhẹ hơn chương trình mới về kiến thức, kĩ năng.

Thế mà, học sinh lớp 1 hiện nay đã phải đi học thêm chữ từ 5 tuổi.

Chương trình mới sẽ khiến trẻ em phải đi học thêm từ 4-5 tuổi ảnh 3Dự thảo Ngữ văn mới chỉ dạy học sinh biết nghe, nói, đọc, viết mà vẫn quá tải

Nhiều phụ huynh than rằng phải cho con đi học trước vì không thể theo nổi chương trình lớp 1 hiện hành.

Nhìn những cô cậu học trò bé tí đang tuổi hát ca bỗng phải chạy xô đến lớp học thêm sau thời gian đi mẫu giáo để chuẩn bị cho năm học mới ai thấy cũng nghẹn lòng.

Có phụ huynh đã nhất quyết không cho con đi học trước nhưng chỉ vài tuần sau đã than rằng mình sai lầm nên đã biến con thành "con vịt lạc đàn" trong lớp.

Một số giáo viên lớp 1 chương trình hiện hành cho biết: “Cuối năm học, học sinh lớp 1 mới chỉ đủ trình độ nhìn văn bản chép (tập chép). Nếu đọc viết chỉ khoảng 2/3 học sinh trên lớp đáp ứng được”.

Nay kiến thức mới dự kiến được nâng cao nhiều hơn “nghe – viết, tốc độ viết khoảng 30 – 35 chữ/15 phút, không mắc quá 5 lỗi” thì học sinh chuẩn bị vào lớp 1 càng phải học thêm tăng tốc là điều không tránh khỏi.

Lâu nay người ta cứ than chương trình nặng và khó, là quá tải với độ tuổi của các em.

Đã có khá nhiều chỉ đạo giảm tải để học sinh học vừa sức. Nhưng không hiểu sao thay đổi chương trình những nhà biên soạn chương trình lại không lưu ý điều này?

Mỗi lần thay sách là một lần yêu cầu kiến thức với các em cao hơn một bậc.

Điều này để chứng minh rằng đây là sự đổi mới hay thực sự trình độ năng lực của học sinh chúng ta đã giỏi đến mức như vậy?

Học sinh học xong lớp 1 biết cầm sách đọc chữ đã đạt yêu cầu rồi. Việc đọc sẽ được nâng lên trong quá trình các em học và rèn luyện ở lớp trên.

Đừng vì hai tiếng “đổi mới” mà buộc những đứa bé còn thơm mùi sữa phải vùi đầu học miệt mài suốt đêm ngày vẫn chưa xong.

Phan Tuyết