Chuyện gì xảy ra nếu bình chữa cháy trên xe lãnh đạo cấp cao phát nổ?

11/01/2016 07:22
Ngọc Quang
(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo đặt vấn đề: Chuyện gì xảy ra nếu những chiếc bình chữa cháy trên xe của các lãnh đạo cấp cao phát nổ? Ai sẽ chịu trách nhiệm?

Thông Tư 57/2015/BCA về phòng chống cháy nổ trên xe ô tô từ 4 chỗ trở lên có hiệu lực từ ngày 6/1/2016 đang gây ra rất nhiều các phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội. Đây không phải lần đầu tiên một thông tư vừa ra đời đã bị rất nhiều người dân phản ứng, cho dù cơ quan ban hành thì nói là vì sức khỏe, tính mạng của người dân.

Thông tư không thể đứng trên luật

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chiều 10/1, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc) đã nói thẳng: “Thông tư không thể đứng trên luật, một việc có ảnh hưởng tới đời sống của hàng triệu gia đình thì phải đưa ra Quốc hội thảo luận, phải xin ý kiến của nhân dân chứ không thể áp đặt”.

Chuyện gì xảy ra nếu bình chữa cháy trên xe lãnh đạo cấp cao phát nổ? ảnh 1

Bình cứu hỏa mua tại BigC nổ tung trong xe BMW

(GDVN) - Mới mua tại siêu thị Big C Long Biên được ít ngày, một khách hàng hú vía vì bình cứu hỏa bỗng dưng phát nổ phá tan nhiều nội thất trong xe ô tô BMW.

Xuất phát từ thực tế cũng là người sử dụng phương tiện đi lại bằng ô tô, Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo nói thẳng, ông không ủng hộ chủ trương này, nhất là khi nó lại mang tính ép buộc người dân.

“Có vị đã nói rằng nghiên cứu tham khảo ở nước này, nước kia nên mới áp dụng vào Việt Nam. Vậy tôi đặt câu hỏi: Số nước có yêu cầu lắp bình chữa cháy trên xe 4 chỗ là bao nhiêu? Có phải là số đông của thế giới không?

Cho đến bây giờ không có bất kỳ quy cách nào chuẩn mực cả, bình to, bình nhỏ, loại bình nào, để ở vị trí nào trong xe…? Mấy chuyện đơn giản như vậy cũng làm loạn cả đời sống của dân, thử hỏi làm sao họ không phản ứng? Hãy thử làm một phiếu điều tra công khai với tất cả các chủ xe ô tô xem có bao nhiêu người ủng hộ cách làm này?”, ông Bảo đặt vấn đề.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo: Những chiếc bình trên xe gây nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe của người dân thì ai chịu trách nhiệm?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo: Những chiếc bình trên xe gây nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe của người dân thì ai chịu trách nhiệm?

Cũng theo Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo, ngay cả trên các xe chạy đường dài cũng chỉ nên huấn luyện cho lái xe cách phòng chống cháy nổ. Nếu có quy định bắt buộc, thì đó phải là tủ thuốc, cách sơ cứu khi hành khách trên xe gặp một vấn đề gì đó về sức khỏe, chứ không phải là mang theo chiếc bình cứu hỏa.

“Trên thực tế, khi xe đã bắt lửa, đa phần người dân sẽ phải thoát thân thật nhanh. Họ có hô hoán thì cũng là để cho người xung quanh biết mà tránh xa ra, chứ không giống như lời của một vị công an chữa cháy nói rằng hô hoán lên để cho xung quanh lao vào dập lửa.

Chuyện gì xảy ra nếu bình chữa cháy trên xe lãnh đạo cấp cao phát nổ? ảnh 3

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh: “Bình chữa cháy, có thể nổ, không thể cháy!”

Ai dám xông vào dập lửa ô tô khi mà họ chẳng có tí kỹ năng nào? Rồi những chiếc xe khi bị đâm húc, những chiếc bình này sẽ có va chạm, có gây nguy hiểm không?”, ông Bảo nói.

Ngoài ra, ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng đặt ra một loạt các câu hỏi rất đáng phải suy ngẫm, đó là: Nếu quy định, thì toàn bộ xe ô tô phải trang bị bình chữa cháy, bao gồm cả xe của các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước trở xuống cho tới xe của các Bộ trưởng, xe của Đại biểu Quốc hội…

Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm nếu những chiếc bình phát nổ hoặc gián tiếp gây ra các sự cố ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe của người dân? Ai phải chịu trách nhiệm nếu có một vị lãnh đạo nào đó cũng bị nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng vì những chiếc bình này trên xe?

Dân thiệt mạng, ai chịu trách nhiệm?

Ông Bảo đặt ra một vấn đề nữa hoàn toàn phù hợp với thực tế: “Tôi thấy có ông cán bộ cấp cao ở Cục phòng cháy chữa cháy khuyến cáo loại bình này phải để ở nơi thoáng mát, cho nên xe ô tô không được để nơi nào khiến nhiệt độ trong xe lên tới 60 – 70 độ.

Vậy tôi đặt câu hỏi: Mùa hè khi nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 40 độ, khi xe tắt máy không được làm lạnh thì nhiệt độ trong xe sẽ phải lên tới mức khiến bình có thể nổ. Đâu phải tất cả các xe đều có thể tìm được chỗ thoáng mát mà đỗ?

Cho dù tìm được một bóng râm, thì lấy gì đảm bảo khí hậu oi bức của miền Bắc, nhất là dải miền Trung không khiến cho nhiệt độ trong xe lên quá 60 độ? Làm như thế này chẳng phải là bắt người dân đối diện với nguy hiểm hay sao? Tức là người ta chống tiêu cực bằng một biện pháp tiêu cực”.

Ông Bảo nêu thí dụ điển hình là ngay tại sân tòa nhà Quốc hội, kỳ họp diễn ra từ tháng 5 – tháng 6, là giai đoạn nhiệt độ lên rất cao. Nếu bắt buộc trang bị bình chống cháy trên xe liệu có gây nguy hiểm cho Đại biểu Quốc hội không?

“Cả sân tòa nhà Quốc hội, có cả trăm chiếc ô tô phục vụ cho kỳ họp. Mỗi một chiếc xe có lắp một bình chữa cháy, mà lại để ở nhiệt độ nóng khủng khiếp ngoài trời như vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra? Hay là cả trăm cái ô tô ấy phải nổ máy liên tục cả ngày trong lúc đại biểu họp, để bảo vệ an toàn cho mấy cái bình ấy?”.

Kiểm tra bình chữa cháy trên ô tô. ảnh: vnexpress
Kiểm tra bình chữa cháy trên ô tô. ảnh: vnexpress

Cuối cùng, Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo đặt ra vấn đề đối với các vụ cháy xe trong thời gian qua với hai nguyên nhân cần được làm rõ: “Thứ nhất là do động cơ của xe; Thứ hai là do xăng dầu. Đây là hai vấn đề đã được các nhà khoa học đặt ra, nhưng các cơ quan có trách nhiệm không tìm ra được nguyên nhân rốt cuộc vì cái gì.

Tôi nghĩ rằng, thời gian và công sức nên để vào những việc ấy, hãy làm những việc thực sự có ích với đời sống của dân chứ đừng ngồi phòng lạnh rồi lâu lâu nghĩ ra những chuyện trên trời.

Một sự việc bi hài và không hợp lòng dân như vậy, theo tôi phải xem xét lại. Và, tôi vẫn phải đặt lại câu hỏi: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi những chiếc bình này xảy ra sự cố, gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của người trên xe, gây thiệt hại cho chủ phương tiện?”.

Minh chứng cho lo lắng của đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo, chúng tôi xin lưu ý và nhắc lại trường hợp bình cứu hỏa trong xe ô tô nổ tung dù mới mua được một ngày.

Cụ thể, ngày 31/7/2014, khi ấy chưa có quy định bắt buộc phải có bình cứu hỏa trên xe ô tô nhưng cán bộ của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã chủ động đến Siêu thị BigC Long Biên, Hà Nội mua một bình cứu hỏa để trên xe.

Tuy nhiên, đúng 1 ngày sau, chiếc bình cứu hỏa phát nổ dù thời tiết hôm đó không quá nóng.

Rất may, khi bình cứu hỏa nổ, không có ai trong xe nên không gây thiệt hại về người. Nhưng nội thất chiếc xe thì hư hỏng nặng, thiệt hại vật chất hàng chục triệu đồng.

Sự việc cho đến nay, chưa có đơn vị nào chịu trách nhiệm, kể cả đơn vị cấp bình cứu hỏa cũng như Siêu thị BigC nơi bán chiếc bình cho người tiêu dùng.

Ngọc Quang