Chuyên gia giáo dục dự đoán lý do cô giáo lên lớp mà không nói gì

26/03/2018 07:20
Thùy Linh
(GDVN) - Phản ánh của học sinh về chuyện cô giáo "không nói gì" cho thấy nhu cầu đòi hỏi của các em đối với thầy cô hiện nay cần phải đổi mới phương pháp giảng dạy

Ngày 24/3, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải bài viết “Nữ sinh Sài Gòn bật khóc nói về giáo viên “không nói gì cả” trong lớp”. 

Theo đó, trong một diễn đàn đối thoại giữa lãnh đạo ngành giáo dục với học sinh tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều học sinh bày tỏ những trăn trở của mình về mối quan hệ giữa thầy và trò rồi những ước mong của học trò đối với thầy cô của mình.

Một học sinh lên tiếng “Con không hiểu vì sao, cô chỉ đến lớp viết bài, giao bài tập cho chúng con, mà không nói gì cả”.

"Mối quan hệ giữa thầy cô với học sinh đôi khi không tốt chút nào. Bản thân em, em luôn mong muốn giáo viên dạy toán của mình nói chuyện với lớp.

Chúng em cảm thấy việc giáo viên đến lớp chỉ để giảng bài là một việc vô cùng nhàm chán. Em mong muốn cô nói chuyện với lớp dù chỉ một lần vì ngoài giảng bài ra, cô không nói gì cả".

Về vấn đề này, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội nhận định: “Phản ánh này của học sinh cho thấy đây là một nhu cầu đòi hỏi của các em đối với thầy cô hiện nay cần phải đổi mới phương pháp giảng dạy”. 

Bởi lẽ, truyền thụ theo kiểu thầy cô đọc – học trò chép là phương pháp kiểu cũ tức là thầy cô truyền thụ một chiều, cung cấp thông tin chứ chưa thực hiện các phương pháp đổi mới giáo dục hiện nay. 

Phản ánh của học sinh về chuyện cô giáo "không nói gì" cho thấy nhu cầu đòi hỏi của các em đối với thầy cô hiện nay cần phải đổi mới phương pháp giảng dạy (Ảnh minh họa: Vietnamnet)
Phản ánh của học sinh về chuyện cô giáo "không nói gì" cho thấy nhu cầu đòi hỏi của các em đối với thầy cô hiện nay cần phải đổi mới phương pháp giảng dạy (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Thầy Lâm nêu rõ, phương pháp đổi mới giáo dục hiện nay đòi hỏi giáo viên không chỉ là người truyền tri thức mà phải là người tổ chức các hoạt động giáo dục để học trò chiếm lĩnh được kiến thức như: nêu vấn đề cho học sinh thảo luận nhóm, liên hệ thực tế, đưa ra bài tập trải nghiệm để học trò tìm ra chân lý của các bài học. 

Cụ thể, tại trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nơi thầy Lâm làm chủ tịch hội đồng giáo dục, nhà trường đã đặt ra yêu cầu đối với giáo viên là: 3 KHÔNG, 3 TĂNG. 

Theo đó, 3 KHÔNG bao gồm: giáo viên không được diễn giải lại các điều sách giáo khoa đã trình bày; không được đặt những câu hỏi vụn vặt không phát triển tư duy; không sử dụng tràn lan bảng powerpoint một cách sơ lược và nhàm chán. 

Còn tiêu chí 3 TĂNG bao gồm: tăng cường tổ chức lại bài giảng, thực hiện các phương pháp dạy học mới chứ không thể cứ theo sách giáo khoa; tăng cường liên hệ với thực tế đời sống những vấn đề gần với học sinh; rèn tư duy đối với học sinh để học sinh bớt nhàm chán. 

Chuyên gia giáo dục dự đoán lý do cô giáo lên lớp mà không nói gì ảnh 2Chúng ta đã lắng nghe học sinh, tại sao không hỏi giáo viên mong muốn gì?

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Vũ Thu Hương – giảng viên trường Đại học sư phạm Hà Nội nhận định:

Phản ánh của học trò Phạm Song Toàn (học sinh Trường trung học phổ thông Long Thới, huyện Nhà Bè) về tình trạng “Con không hiểu vì sao, cô chỉ đến lớp viết bài, giao bài tập cho chúng con, mà không nói gì cả” có thể do 3 nguyên nhân. 

Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương:

"Một là, cô giáo có kỹ năng giảng bài không tốt. Tôi từng thấy việc có giảng viên đến lớp chỉ đọc cho sinh viên ghi hoặc gạch theo giáo trình. Điều này khiến không khí lớp học rất nặng nề. 

Ngoài ra, cũng có giảng viên không bao giờ cười khiến sinh viên rất sợ giờ của cô. Tất cả những điều này có thể do kĩ năng lên lớp của các giáo viên chưa tốt.

Thứ hai, có thể cô có những ức chế. Thời gian gần đây, phụ huynh can thiệp vào sau cánh cổng trường rất nhiều. Có khá nhiều trường hợp học sinh hư nhưng khi giáo viên sử dụng các biện pháp xử lý thì lại gặp cảnh cha mẹ các em đến trường phản ứng với cô.

Cô giáo có thể đã gặp sự cố nào đó khiến cô cảm thấy sốc, mất niềm tin, sợ bị phụ huynh khủng bố nên đã sử dụng 1 phương pháp dạy học có thể nói là an toàn cho cô. Điều này khiến cho học sinh gặp thiệt thòi lớn.

Thứ ba, cũng có thể giáo viên gặp ức chế tại nhà trường. Những hiện tượng đồng nghiệp bằng mặt mà không bằng lòng trong trường học không hiếm. Vì thế, có thể cô giáo đã gặp ức chế gì đó khiến cô phản ứng tiêu cực khi đứng trên bục giảng". 

Dù là với lý do nào thì việc các thầy cô ‘không nói gì” khi đứng trên bục giảng sẽ khiến học sinh gặp thiệt thòi lớn về nhận thức kiến thức cũng như chia sẻ tâm tư tình cảm. 

Thùy Linh