Chuyện thầy trò thời tem phiếu

19/11/2015 04:00
Xuân Dương
(GDVN) - Trong số những người bạn cùng học với tôi, người ở xa không gặp lại, người đã mãi đi xa nhưng dấu ấn sâu đậm về thời ngồi ghế nhà trường không bao giờ phai mờ.

Không phải tất cả người Việt đều có niềm hạnh phúc cắp sách đến trường, không phải ai cũng có những kỷ niệm đẹp thời “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” bởi tỷ lệ mù chữ ở độ tuổi từ 15 trở lên vẫn còn chiếm khoảng 6% dân số, nghĩa là ngót hai triệu người.

Trong số những người bạn cùng học với tôi, có người ở xa không gặp lại, có người đã mãi đi xa, dấu ấn sâu đậm về tình bạn thời ngồi ghế nhà trường không bao giờ phai mờ trong ký ức. 

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2015, viết mấy dòng hồi tưởng, xin phép giữ nguyên tên các bạn và cách xưng hô thủa ấy, các câu chuyện mọi người đều đã biết. Hy vọng sau 50 năm, cùng với độc giả của báo, các bạn sẽ có người đọc được những dòng này để nhớ về những ngày chúng mình còn ngồi trên ghế nhà trường.

Mấy “thằng” bạn thời sinh viên với tôi, nay đều U70 cả rồi. Mỗi khi nghe điện thoại của tụi nó nói đến chơi là lo ngay ngáy, may mà đứa nào gọi điện cũng nói trước là nếu có đến chơi chỉ ở hai ngày rưỡi, không đứa nào chịu ở ba ngày, điều ấy bắt nguồn từ câu chuyện chúng tôi nghe được vào một đêm đông đốt củi nướng sắn trên núi rừng Việt Bắc.

Chuyện rằng có hai người bạn, một người thành đạt làm ăn nơi xa về quê thăm bạn đồng môn là ông giáo làng, khi cô vợ thấy chồng cứ nhiệt tình mời bạn ở lại nhà mình chơi ba bốn ngày thì rất là lo lắng, lựa lúc khách đi dạo quanh sân bèn kéo chồng vào góc nhà đay nghiến: “Ở chơi những ba ngày thì lấy c.. mà ăn à”. 

Không ngờ khách đứng gần đó nghe thấy, khách vẫn ở qua đêm, hôm sau xin phép về sớm vì còn nhiều việc phải làm, trước khi đi khách đặt lên bàn thờ đĩa hoa quả và ít bạc, gọi là chút lòng thành tưởng nhớ song thân bạn cũ.

Năm 1966, chúng tôi tập trung ở Đại học Bách Khoa làm thủ tục nhập học, ba hôm sau sơ tán lên tận bản Nà Ca, gần Lũng Vài thuộc xã Trùng Quán, huyện Văn Lãng - Lạng Sơn. Mấy hôm đầu ở nhờ nhà đồng bào dân tộc Tày, nhà sàn phía dưới là chuồng trâu, các thứ mùi dưới đất xông lên cay xè mắt không thể nào ngủ được. 

Trong vòng hai tuần chúng tôi vào rừng chặt cây, chặt vầu về làm nhà ở, giảng đường, nhà bếp… Năm học bắt đầu cũng là lúc mùa đông ập đến, nhiệt độ ban đêm xuống dưới không độ, nước để trong chậu đóng thành băng ngay trong phòng. 

Rất ít đứa có chăn bông, chỉ có chiếc chăn chiên mỏng, lại không có rơm, chúng tôi lên rừng lấy lá chuối khô về làm ổ, khi lên lớp thầy cô cho phép quàng chăn ngồi học.

Những ngày đầu, ban cán sự lớp, chi bộ, chi đoàn đều do khoa chỉ định. Lớn tuổi trong lớp có anh Huỳnh Văn Tháo người miền Nam tập kết ra bắc, có “lão” Dương Chí Khuầy con trai Đại tá Dương Đại Lâm – vốn là cần vụ của Bác Hồ, lúc ấy nghe nói là phó tư lệnh quân khu Việt Bắc và cậu Trần Quang Dạ người Quảng Bình. 

Khi bầu ban chấp hành chi đoàn mới, có đứa đề cử danh sách ban chấp hành chi đoàn là “Khuầy Tháo Dạ”. Chi bộ và chi đoàn thu phiếu đi so sánh nét chữ nhưng không tìm được người viết, nghe nói hắn viết chữ in lại nghiêng theo chiều bên trái.

Mấy chục năm sau, gã đề cử  “khuầy tháo dạ” mới thú nhận là hắn nghĩ lãnh đạo chi đoàn phải đủ thành phần Bắc Trung Nam, lại phải thuộc thành phần cốt cán cách mạng nên quyết định đề cử như vậy, chẳng hiểu sao lại hóa to chuyện!

Một hôm sáng dậy tập thể dục, cả lớp gần trăm con người túm tụm trên sân, chẳng đứa nào xếp hàng như thường lệ. Nhìn trên sân thấy hàng chục cái chậu của bọn con gái úp rải rác, hóa ra đêm trước “cờ đỏ” đi tuần phát hiện hai đứa ngồi tâm sự dưới gốc cây, bị ánh đèn pin rọi tới chúng buông nhau chạy về phòng. 

Học sinh tập trung chào cờ buổi sáng tại một ngôi trường ở Dịch Vọng, Hà Nội năm 1982.
Học sinh tập trung chào cờ buổi sáng tại một ngôi trường ở Dịch Vọng, Hà Nội năm 1982.

“Cờ đỏ” không bắt được đứa nào nên lấy chậu úp lên vết chân chờ hôm sau sẽ xem xét. Ngày ấy sinh viên bắt buộc phải ba khoan, “nếu chưa yêu hãy khoan yêu, nếu yêu rồi hãy khoan cưới, nếu cưới rồi hãy khoan có con”, những đứa cố ý vi phạm, không kìm nén được  “tình ý” với nhau sẽ bị kỷ luật.

Hai năm sau, học sang chuyên môn, cần thí nghiệm, thực tập nên chúng tôi về Hà Nội.

Năm 1968, cố Bộ trưởng Tạ Quang Bửu quyết định tổ chức một số lớp đào tạo giảng viên đại học khối ngành cơ bản và kỹ thuật. Tại Đại học Bách Khoa Hà Nội có các lớp Toán-Lý, Sức bền vật liệu, Hình họa, Nguyên lý máy… 

Chuyện thầy trò thời tem phiếu ảnh 2

Hạnh phúc là khi được cùng học trò ôn lại những kỉ niệm xưa

(GDVN) - Với các thầy cô giáo, những kỷ niệm về lũ học trò "nhất quỷ nhì ma" nhưng giàu tình cảm dành cho thầy cô luôn là kỷ niệm đẹp, khó quên.

Lớp chúng tôi chỉ có 20 đứa ở các trường đại học khác nhau tập trung về, nói theo thuật ngữ khoa học ngày nay thì ngành học của chúng tôi là Toán-Cơ, chuyên ngành hẹp là Sức bền vật liệu. 

Sở dĩ nói là Toán-Cơ vì chúng tôi phải học những môn “lạ hoắc” chẳng nơi nào dạy như “Lý thuyết đàn hồi”;  “Lý thuyết dao động”; “Lý thuyết dẻo”; “Lý thuyết ổn định”; “Phương trình vật - lý toán”; “Cơ học giải tích”…  

Trong số 20 đứa, có mấy cô gái, cô nào với chúng tôi cũng là hoa khôi vì thời ấy bọn nam sinh viên thì thầm với nhau về nữ sinh viên như sau: “quỷ Bách Khoa, ma Tổng Hợp”, từ “Tổng Hợp” ở đây là Đại học Tổng Hợp, tức là Đại học Quốc Gia Hà Nội ngày nay.

Giờ lên lớp, bọn con gái được ưu tiên ngồi hàng đầu để nghe rõ lời thầy và nhìn bảng rõ hơn. Một hôm có thầy dạy toán trẻ lại rất đẹp trai vừa tốt nghiệp đại học Tổng Hợp lên lớp, dạy gần hết tiết đầu tiên, chẳng biết cái giẻ lau bảng biến đi đâu mất, thầy đành phải vò tờ giấy lau tạm. 

Giờ giải lao, mấy thằng con trai giả vờ hỏi bài đứng vây quanh che kín thầy cho bọn con gái không nhìn thấy, một đứa nói khẽ “thưa thầy, cái giẻ lau bảng ở trong túi quần thầy ạ”. 

Cuối buổi học bọn con gái cấu nhau rúc rích, mấy thằng “quỷ” biết tỏng bọn “ma nữ” ấy “chiếu tướng” thầy khiến thầy bối rối, lạ cái thằng nào cũng câm như hến, coi như không biết chuyện gì xảy ra.

Hai mươi đứa, đứa nào cũng có nét đặc biệt, bốc phét số một thì phải dành cho “gã” người Thanh Hóa có tên là Quang Việt, tính ra suốt ba năm học cùng nhau, cô dì chú bác anh em nhà hắn mỗi người chịu tới vài ba chuyện tiếu lâm do hắn bịa ra.

Một buổi chiều mọi người đang túi bụi với bản vẽ thiết kế, hắn yêu cầu tất cả dừng tay rồi kể: “tao vừa đi qua phòng nữ, thấy cái Quyển (đồng hương Thanh Hóa với hắn) đọc hai câu thơ rất hay”. 

Chuyện thầy trò thời tem phiếu ảnh 3

Thầy bỏ dạy vì trò... sát lá ớt, lá thị lên ghế

“Tôi nhớ có lần đã lấy lá thị, lá khế và ớt giã nhỏ rồi xát lên ghế cho thầy giáo ngồi vào sẽ bị "xì hơi", bị bỏng. Nghĩ lại giờ vẫn thấy ân hận ngày xưa nghịch dại”.

Chẳng ai yêu cầu hắn đọc thơ vì biết chắc hắn không thể giữ im lặng, quả nhiên hắn hắng giọng rồi ngâm “Thu Vân cùng với Thu Bồn, hai nàng ra suối kỳ lưng cho nhau”. 

Tất cả không nhịn được cười, rồi cùng biểu quyết đổi tên cho hắn là Quang Vồn. Sau này còn mấy gã nữa cũng được đổi tên như Nguyễn Trường Kồn (Kỳ), Nguyễn Quang Hồn (Hồng), Bùi Anh Thồn (Thái)… 

Ra trường, cái gã ngồi viết bài này được thầy Trưởng bộ môn đề nghị giữ lại trường nhưng thầy Bí thư không đồng ý vì hắn chỉ phấn đấu “chuyên” mà sao nhãng chuyện “hồng”.  

Lê Văn Hiền có lẽ là gã nhiều tuổi nhất trong số 20 đứa, hắn vốn là lưu học sinh tại Trung Quốc, năm 1966 bên ấy cách mạng văn hóa, thế là bị Tàu đuổi phải về học trong nước. Hắn là tuyển thủ bóng chuyền của trường Bách Khoa nên số em “xin chết” kể vô khối, chẳng hiểu sao lại về quê tận Việt Trì cưới một “bà lão”. 

Sau khi tốt nghiệp hắn được giữ lại đại học Bách Khoa giảng dạy. Thời ấy làm nghiên cứu sinh phải sang các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu, phải qua kỳ thi quốc gia cực kỳ căng thẳng. 

Bộ môn xin khoa, xin trường cho hắn đi thi nhưng cấp trên nói hắn không chịu phấn đấu (?) nên không cho đi, tức mình hắn mở lớp dạy cho người được cử đi thi nghiên cứu sinh, có lớp đỗ trên 90%, tiếng hắn vang tận Sài Gòn, nhiều người từ đó ra Hà Nội xin học lớp do hắn mở. 

Dạy một thời gian chán, hắn bỏ Bách Khoa sang Ba Lan làm cửu vạn, bây giờ vợ chồng hắn vẫn trụ lại ở Hà Nội cùng một đàn con cháu. 

Trong lớp có một gã người Bắc Ninh tên là Nguyễn Văn Bìa hiền như cục đất, có khi cả ngày không nói câu nào. Khu nhà ký túc xá chúng tôi ở giáp sông Tô Lịch, bên kia sông là trường Kinh tế quốc dân, tối đến muỗi bay như trấu. Khi ngủ, hắn cắm mấy cái que mắc màn, đình màn chỉ cách người chừng một gang tay. 

Một hôm có đứa lấy chiếc thước kẻ, chở lúc hắn ngủ chống từ bụng hắn lên đình màn, sáng hôm sau cái thước vẫn chống y nguyên như thế. Đám cưới của hắn tổ chức ở quê khi chưa tốt nghiệp, trời tối lại hơi mưa, mấy cô phù dâu và cả cô dâu mặc áo len màu đỏ, quần sắn móng lợn đi chân đất vì trời mưa đường quê toàn bùn.

Ra trường hắn cũng được giữ lại dạy ở Đại học Bách Khoa Hà Nội, mấy năm sau do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đồng lương giảng viên đại học không giúp được gì cho vợ con thế là hắn bỏ trường Bách Khoa về quê giúp vợ làm ruộng. 

Cái gã tên là Nguyễn Quang Hồn ấy, chẳng hiểu số phận dun dủi thế nào mà lúc nằm giường tầng thì hắn nằm tầng trên tôi nằm tầng dưới, khi chuyển sang chỗ mới thì hai giường kê sát cạnh nhau. Nhà hắn ở phố Thi Sách – Hà Nội, ông cụ lãnh đạo một cục hình như là Cục Lương thực gì đó nhưng hắn không về nhà mà ở nội trú. 

Có tối mắc màn tắt đèn đi ngủ, hắn thò tay qua màn cấu nhẹ một cái rồi thò sang chai rượu bổ Hà thủ ô, mỗi đứa tợp một ngụm nhưng không dám thở mạnh vì sợ mùi rượu lan ra cả phòng. Sau này chỉ có hai đứa phải lên miền núi công tác là tôi và hắn.

Lớp trưởng lớp chúng tôi là một gã Hải Phòng tên Thái, người như con nhái bén nên được gọi là “Thái gió” sau này mới đổi cho hắn là Bùi Anh Thồn. Chuyện lấy vợ của hắn đến bây giờ vẫn còn được nhắc mỗi khi bọn “quỷ” gặp nhau.

Một hôm họp lớp, tôi ngồi trên giường của hắn, tiện tay cầm quyển vở bài tập lật mấy trang, chợt đọc được bài thơ hắn viết:

Từ nhà ra ngõ bao xa

Sao em nỡ để anh ra một mình

Nếu không nên nghĩa nên tình

Cũng là khách đến nhà mình em ơi

Mến người nên mới đến chơi

Anh về lòng những đầy vơi nỗi buồn

Hóa ra thằng này đang vi phạm “ba khoan”, đang cưa em nào nhưng bị nàng tung cho một chưởng bay ra tận ngõ nên mới “tức tình sinh thơ”. Tiện tay tôi lấy bút viết lời họa ngay bên dưới:

Từ nhà ra ngõ không xa

Tự anh mò đến nên ra một mình

Lấy đâu ra nghĩa, ra tình

Chia cho khách đến nhà mình anh ơi

Cảm ơn anh đã đến chơi

Anh về em cũng đầy vơi nỗi buồn.

Chuyện ấy chỉ có hai đứa biết, cuối năm 1972 khi bom Mỹ trút xuống Hà Nội, tôi nhận được thư nó bảo về dự cưới. Lóc cóc đạp xe hơn 70 km từ Thái Nguyên về, phải giấu diếm mới mang được cho nó cân chè thái vì mang 3 lạng là bị trạm thuế tịch thu.

Về đến nơi mới té ngửa khi biết vợ nó là cô cán bộ phòng thí nghiệm, thủa còn học ở trường ngày nào chúng tôi cũng cùng làm việc với nhau, có hôm đói còn xin cô ấy bánh mỳ, ba đưa chén hết 9 cái bánh mỳ, mất toi của cô ấy 9 lạng tem lương thực.

Nó bảo khi nó mang cả hai bài thơ cho cô ấy đọc, cô nàng tần ngần mãi rồi mới thôi “tung chưởng”, còn nó thì vốn mặt dày nên cuối cùng chiếm được những “hai cao điểm”! 

Cái từ “hai cao điểm” ấy cũng có nguyên do của nó, trong lớp có cô nàng cao gần mét bảy, trước mặt nàng bọn con trai đùa bảo bản lĩnh cô ấy giống “cây tre Việt Nam”, sau lưng thì bảo nàng ấy “trước sau như một”, chẳng có “cao điểm” nào cả!

Chuyện thầy trò thời tem phiếu ảnh 4

Chùm ảnh: "Cười ngất" với những hình ảnh chỉ có ở trường học

Khi xem những hình ảnh dưới đây, bạn sẽ thấy câu nói 'nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò' chưa bao giờ sai.

Gã Bùi Anh Thồn ấy loay hoay rồi cũng bỏ sang Tiệp Khắc làm “soái”, tiền sài như củi, về nước mua mấy cái biệt thự nhưng vợ con đều ăn chay, gặp nhau hắn mời món ốc chay nấu chuối, đùi gà rán cũng bằng hoa chuối, món ăn không hợp khẩu vị nhưng đổi lại nhà hắn có cái tủ rượu ngoại hết ý, bữa ấy hắn bị “lõm” mất mười mấy triệu tiền rượu mà vẫn cười toe toét bảo “biết chúng mày đến, có mấy chai “hồi xuân” ông giấu đi rồi”.

Trong số 20 đứa được chọn làm thầy, chỉ có ba đứa trụ lại đến khi cầm sổ hưu, cả ba đứa ấy, chẳng đứa nào dạy đúng môn được học, hai đứa có bằng phó tiến sĩ từ những năm 80 của thế kỷ trước, chẳng đứa nào được xướng tên ở Văn Miếu khi nhà nước vinh danh giáo sư, phó giáo sư. 

Qua một đêm tất cả phó tiến sĩ bỗng trở thành tiến sĩ, có đứa bảo giá như cứ là phó tiến sĩ lại hay bởi “phó” là người giúp việc cho “trưởng”, phó tiến sĩ ngày xưa là người “giúp việc” cho tiến sĩ ngày nay thế mới đúng tôn ti trật tự.

Chuyện xảy ra đã 50 năm rồi mà vẫn như hôm qua, 99% là sự thật chỉ có một tí mắm muối thêm vào. Nếu có bạn nào tình cờ đọc được những dòng này, xin cứ tin rằng cái thằng viết ra những dòng này luôn nhớ đến các bạn. Xin hẹn dịp khác sẽ lại kể tiếp câu chuyện về các bạn mà bài hồi ký này chưa kể hết.

Xuân Dương