Chuyện về cô giáo bản nghèo, cống hiến tuổi thanh xuân cho học sinh vùng cao

24/05/2017 06:24
Bài, ảnh: Anh Vân
(GDVN) - Cô giáo mầm non Nông Thị Hảo đã dành trọn tuổi thanh xuân đẹp nhất của mình cống hiến cho giáo dục vùng cao tỉnh Cao Bằng.

Nếu nói về tuổi thanh xuân là những năm tháng đẹp nhất trong quãng đời của một cô gái, nhất là một người làm nghề “gõ đầu trẻ” thì cô giáo mầm non Nông Thị Hảo đã dành trọn tuổi thanh xuân đẹp nhất ấy cống hiến cho giáo dục vùng cao tỉnh Cao Bằng. 

Để đến được điểm Năm Cáp, Trường Mầm non Minh  Khai, xã Minh Khai, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, nơi cô Nông Thị Hảo đang ngày ngày chăm chút và dành tâm huyết với trẻ em nơi đây, chúng tôi đã vượt hơn 40km con đường trên núi, gập ghềnh gấp khúc.

Cô giáo mầm non Nông Thị Hảo đã dành trọn tuổi thanh xuân đẹp nhất ấy cống hiến cho giáo dục vùng cao tỉnh Cao Bằng.
Cô giáo mầm non Nông Thị Hảo đã dành trọn tuổi thanh xuân đẹp nhất ấy cống hiến cho giáo dục vùng cao tỉnh Cao Bằng.

Sự hy sinh thầm lặng

Các trường mầm non vùng cao thường đối mặt với nhiều khó khăn cả về con người lẫn vật chất nhưng các cô giáo mầm non tại đây vẫn luôn bám trụ với nghề vì mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non. 

Nhưng phải đến tận nơi thì mới có thể hình dung ra sự thiếu thốn, khó khăn ở nơi này và thấu hiểu được sự hy sinh tuổi trẻ, đời sống tinh thần, vượt qua những khó khăn trở ngại trong cuộc sống, thậm chí nhường cơm sẻ áo, đồng hành cùng học sinh. 

Cô giáo Nông Thị Hảo chia sẻ: “Sau khi ra trường, tôi xung phong lên vùng cao để dạy học, vượt khó khăn lên đây bám bản đã mười bốn mùa xuân. 

Các em học sinh 100% là dân tộc thiểu số: Dao, Tày, Nùng. Trẻ không được giao tiếp với xã hội, nên vốn kiến thức về tiếng Kinh còn hạn chế.

Giáo viên chúng tôi phải học thêm luôn cả tiếng của các dân tộc để có thể dạy các cháu”.

Để các em có thể được đi học đều, cô Hảo cũng thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ với phụ huynh các em để động viên bố mẹ các em có ý thức trong việc cho con em mình tới trường.
Để các em có thể được đi học đều, cô Hảo cũng thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ với phụ huynh các em để động viên bố mẹ các em có ý thức trong việc cho con em mình tới trường.

Trong những ngày gian khó cắm bản gieo chữ, cô Hảo chứng kiến không ít những câu chuyện rơi nước mắt của học trò nghèo, kiên trì tới lớp. 

Cô Hảo chia sẻ thêm: “Trẻ ở đây rất khó khăn, đi bộ 6 km đường rừng tới trường. Mùa đông giá rét, có những em chỉ có 2 cái áo sơ mi để mặc, vừa ngồi trong lớp vừa run. 

Các cháu tới lớp đi đường rừng, đường suối rất xa, có cháu nhà cách trường 8km đường rừng. 

Học cả ngày nên các cháu mang cơm tới để ăn trưa, cơm chỉ có muối vừa, rau đắng, cá mắm hay ít thịt, có những cháu ăn cả mì tôm sống. Nhìn học trò của mình như vậy tôi đã không cầm nổi nước mắt”.

Khó khăn là thế nhưng cuộc sống của giáo viên cắm bản như cô Hảo vẫn có tràn ngập nụ cười vì tình yêu nghề, yêu trẻ. 

Cô Hảo bày tỏ: “Góp phần truyền thụ cho học sinh nơi vùng sâu này biết chữ, có tri thức để bước vào đời lập nghiệp là hạnh phúc của cô.

Ai cũng chọn nơi đô thị thì nơi khó khăn hẻo lánh này ai sẽ mang chữ cho các em”. 

Tuổi thanh xuân cống hiến cho “sự nghiệp trồng người” cũng là ngần ấy năm cô Hảo sống xa chồng con. 

Khi được hỏi về chồng và con, cô Hảo đã rơm rớm nước mắt: “Xa nhà nên nhớ con, nhớ chồng lắm. Đi dạy xa chỉ được về tranh thủ cuối tuần 1, 2 ngày bên con.

Cũng may có gia đình và chồng hiểu và tạo điều kiện nên cũng đỡ tủi, đỡ nhớ nhà. Nhớ con thì cũng chỉ biết mang ảnh ra ngắm”.

Đến nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp trồng người

Giữa bốn bề chỉ cây và núi, cuộc sống người giáo viên thiếu thốn trăm bề. Điều kiện sinh hoạt ở đây rất thiếu thốn, chưa có nguồn nước sạch khiến cho công tác chăm sóc các bé càng trở nên khó khăn hơn.

Mọi gánh nặng gần như đổ lên đôi vai của người giáo viên cắm bản.   

Làm việc xa nhà, sống giữa bản nghèo, vậy mà còn không có sóng điện thoại. Cô Hảo cười: 

Nhớ con, gọi điện về đều phải chạy lên đồi, hay chạy ra chỗ có sóng được dò trước đó để nghe giọng con. Phải treo điện thoại lên chỗ nào có sóng thì mới liên lạc được với bên ngoài”.

Trong công tác chuyên môn cô Hảo luôn tích cực trau dồi kiến thức, chịu khó nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo để đưa ra phương pháp giảng dạy dễ hiểu giúp các em học sinh nắm chắc từng con chữ, từng kiến thức cần thiết. 

Những đồ dùng phục vụ học tập được cô tự tay làm, từ con thỏ, con cá đến những đồ chơi ngoài chơi, ném ống, tung cầu đều rất tỉ mỉ và khéo léo. 

Qua các đồ chơi, cô truyền cảm hứng để các cháu thích thú và chăm chỉ tới trường mỗi ngày hơn. Những em có hoàn cảnh khó khăn cô luôn ân cần, vỗ về chỉ bảo coi như những đứa con của mình.

Những đồ dùng phục vụ học tập được cô tự tay làm.
Những đồ dùng phục vụ học tập được cô tự tay làm.

Trong công việc cũng như trong cuộc sống bản thân cô giáo Nông Thị Hảo luôn gương mẫu và thực hiện tốt nhiệm vụ của người cán bộ giáo viên, luôn tích cực tham gia mọi phong trào và hoạt động của nhà trường

Niềm vui, niềm hạnh phúc nhất của những người giáo viên đó là thấy sự trưởng thành của các em học sinh thân yêu của mình. 

Phát huy tinh thần trách nhiệm của người giáo viên nhân dân, bằng tình thương yêu con trẻ, cô giáo Nông Thị Hảo đã gieo vào lòng các em học sinh của mình những tình cảm yêu thương nhất, để mang tới cả một miền tri thức cho các em. 

Có lẽ để đáp lại tình thương yêu của cô, mà sĩ số các lớp luôn đầy đủ. 

Chính từ sự chăm sóc, dạy bảo của cô mà các em đều chăm ngoan, lễ phép, đặc biệt là các em luôn yêu con chữ.  

Những đôi mắt trong sáng, nụ cười hồn nhiên của học trò luôn là động lực tiếp thêm sức mạnh cho cô giáo trẻ Nông Thị Hảo, vượt qua khó khăn mà hoàn thành việc gieo con chữ cho các em học sinh mầm non trên mảnh đất Cao Bằng.

Dẫu rằng trên con đường phổ cập mầm non vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, thế nhưng dù con đường có chông gai đến đâu, có khó khăn đến nhường nào thì những người giáo viên cắm bản như cô giáo Nông Thị Hảo vẫn luôn vượt qua khó khăn, thách thức ấy. 

Bởi đằng sau những khó khăn ấy là cả một tương lai tươi sáng đang chờ đón các em. 

Bài, ảnh: Anh Vân