Cờ bạc, phá nát ngày xuân!

09/02/2019 06:36
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Cha mẹ, thầy cô, tuyệt đối không chơi đánh bạc để làm gương cho con em mình. Trong các gia đình, có người lớn đánh bạc, con trẻ cũng thường bị nhiễm thói xấu.

LTS: Chỉ ra những tác hại của việc đánh cờ bạc, thầy giáo Sơn Quang Huyến cho rằng các thầy cô và gia đình cần làm gương để phòng tránh việc học trò sa vào tệ nạn này.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đánh bạc, là vi phạm pháp luật, thế nhưng ngày Tết đi qua các con phố, đường làng ta bắt gặp không ít tụm ba, tụm bảy đang đánh bạc.

Già có, trẻ có, nam có, nữ có, đủ mọi giai tầng xã hội, trong số đó không ít học sinh, sinh viên.

Theo điều 321, Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có quy định về tội đánh bạc, về tội này hành vi đánh bạc thắng thua bằng tiền mà có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự; dưới 5.000.000 bị phạt hành chính từ 200.000 đến 1.000.000 đồng. 

M. là học sinh lớp 9, sáng mùng 3 Tết bị công an bắt vì tội leo rào vào nhà hàng xóm để “nhặt rác”! Leo vào thì dễ, leo ra thì khó, đành bị bắt ngay sáng "Tết thầy". 

Tang vật một vụ đánh bạc do công an thu giữ. Ảnh: Baothuathienhue.vn
Tang vật một vụ đánh bạc do công an thu giữ. Ảnh: Baothuathienhue.vn

M. kể “Em đi thăm ông bà, có được ít tiền lì xì, đứng xem mấy người đánh bầu cua, ngon ăn quá; thử vận may, lúc đầu ăn, sau thua hết, cầm cả điện thoại, đồng hồ, vay nóng hai triệu của chúng, hết sạch. 

Về nhà, chôm tiền ba má, kiếm hoài không thấy, leo rào vào nhà hàng xóm cả đêm, câu được mấy cái điện thoại qua cửa sổ, rào cao quá, sáng chủ nhà phát hiện, gọi công an và bị bắt”. 

Những kẻ đánh bạc chuyên nghiệp chỉ hoạt động thời gian dịp Tết là đủ sống thoải mái cả năm.

Chúng đi thành nhóm, có tổ chức, lúc đầu chúng giả thua, cho người chơi ăn, sau khi người chơi say máu sát phạt, chúng mới giở ngón nghề, ăn sạch. 

Càng thua càng cố gỡ, không ít người tán gia bại sản vì “đánh cho vui”, “thử vận may” ngày Tết. 

Cờ bạc, phá nát ngày xuân! ảnh 2Tết đã đi qua, nỗi buồn còn đó

L. là giáo viên, chỉ một lần đứng xem, phát hiện ra trò lừa gạt, nói với mấy người chơi, đừng chơi nữa; bị chúng đánh một trận thừa sống thiếu chết ngay chiều mùng hai Tết. 

Ngày xuân, đi chúc Tết, nhà nào cũng làm “ly rượu xuân”, trong người cũng sẵn tiền bạc để lì xì cho con trẻ.

Lúc đầu chỉ đứng xem, sau chỉ chơi vài ngàn, dần dần ngấm vào khi nào không biết, đành cháy túi, ngậm ngùi mất Tết. 

Không ít vụ ẩu đả, đổ máu, tù tội cũng vì trò đỏ đen. Tối ba mươi, chờ đón giao thừa, nhà ông D. tổ chức đánh tú lơ khơ tiến lên “nội bộ gia đình”, chỉ vì tranh cãi giữa hai anh em ruột, dẫn đến đánh nhau, kẻ bể đầu người sứt trán. 

Trò đỏ đen ngày Tết đã gây không ít hệ lụy cho xã hội, gia đình, từ trộm cắp, “chà đồ nhôm”, cướp giật để có tiền chơi bài.

Các địa phương phải tăng cường tuần tra, phát hiện và giải tán các tụ điểm đánh bạc từ khi còn mới tụ tập.

Cử lực lượng thực thi pháp luật, túc trực các địa điểm mà giới cờ bạc thường hành nghề, lôi kéo người dân tham gia đỏ đen.  

Nhà trường trước khi nghỉ Tết cần tuyên truyền cho học sinh, hiểu, không tham gia xem, cổ vũ, đánh bạc dưới mọi hình thức.

Đầu năm, học sinh thường mang đến trường các trò chơi ăn tiền; vì vậy cần có kế hoạch ngăn chặn ngay từ đầu, tránh các hậu quả đáng tiếc xảy ra. 

Để mùa xuân trọn vẹn, hạnh phúc bên gia đình, mỗi người chúng ta phải nói không với bài bạc.

Cha mẹ, thầy cô, tuyệt đối không chơi đánh bạc để làm gương cho con em mình. Trong các gia đình, có người lớn đánh bạc, con trẻ cũng thường bị nhiễm thói xấu này. 

Đánh bài bạc nội bộ gia đình cũng hình thành thói xấu, học trò ra đường cũng dễ sa vào bài bạc. 

Tài liệu tham khảo: 

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-sua-doi-Bo-luat-Hinh-su-2017-354053.aspx

Sơn Quang Huyến