Cô giáo Cao Bằng: Trường học mới (VNEN), thành bại do chính người thực hiện

17/12/2015 07:25
Hà Ngân
(GDVN) - Tôi xin có một vài chia sẻ cùng bạn đọc để các bạn có cái nhìn toàn diện hơn về mô hình VNEN thực hiện ở vùng xa, vùng khó khăn.

LTS: Là cán bộ quản lý của một trường Tiểu học ở vùng núi tỉnh Cao Bằng- là một trong 1.447 trường Tiểu học tham gia dự án VNEN, cô giáo Hà Ngân đã nhìn nhận ra những thành công và hạn chế của phương pháp dạy học này. 

Cô cho rằng vấn đề thành công hay thất bại tùy thuộc vào chính người thực hiện. Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả ý kiến của cô. 


Thời gian qua, trên báo chí đã có rất nhiều bài viết phản ánh về những bất cập khi thực hiện chương trình VNEN. Thậm chí nhiều bạn đọc còn khẳng định chương trình không thể phù hợp với học sinh vùng sâu, vùng núi. 

Với tư cách là cán bộ quản lý của một trường Tiểu học ở vùng núi cao còn gặp nhiều khó khăn và là một trong 1.447 trường Tiểu học tham gia dự án VNEN; và sau khi đọc bài “Bộ Giáo dục chính thức giải đáp thắc mắc về dự án mô hình trường học mới (VNEN)” của tác giả Xuân Trung đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt  Nam, tôi xin có một vài chia sẻ cùng bạn đọc để các bạn có cái nhìn toàn diện hơn về mô hình VNEN thực hiện ở vùng khó khăn, vùng khó khăn. 

VNEN đã đem đến cho các trường tiểu học ở vùng núi, vùng sâu, vùng khó khăn một diện mạo mới. (Ảnh: Hà Ngân)
VNEN đã đem đến cho các trường tiểu học ở vùng núi, vùng sâu, vùng khó khăn một diện mạo mới. (Ảnh: Hà Ngân)

Trước khi thực hiện VNEN, học sinh trường tôi rất thụ động, nhút nhát. Có lần khi khách lạ qua thăm trường, khách hỏi, không một học sinh nào trả lời, chỉ đứng nhìn. Còn khi biết thầy cô khác lên dạy thay, nhiều học sinh trốn học vì…sợ.

Sau 4 năm thực hiện chương trình VNEN, tôi thấy điều thành công nhất là phương pháp này đã đem đến cho các trường tiểu học ở vùng núi, vùng sâu, vùng khó khăn một diện mạo mới. 

Các lớp học được cấp kinh phí để trang trí lớp, được tự mua bàn ghế phù hợp, được sửa chữa về điện, nước, sửa cửa lớp, sơn lại tường…được cấp máy tính, máy in, máy chiếu, ti vi. Học sinh toàn trường được cấp đủ sách, học sinh ở điểm trường lẻ được hỗ trợ ăn trưa tại trường nên đi học đều.

Cô giáo Cao Bằng: Trường học mới (VNEN), thành bại do chính người thực hiện ảnh 2

Học sinh ngồi nhầm lớp, sĩ số quá đông không học được phương pháp VNEN

(GDVN) - Ngành giáo dục hãy để cho giáo viên được quyền quyết định lựa chọn phương pháp dạy học cho phù hợp với từng đối tượng học sinh, phù hợp với nội dung từng bài.

Mô hình tự quản cũng tạo ra một không khí học tập mới giúp học sinh rất tự tin, sôi nổi trong các giờ học, chủ động, tích cực trong các hoạt động tập thể, một không khí khác hẳn so với trước. 

Tuy nhiên, qua việc dự giờ thăm lớp, qua những lần tập huấn, sinh hoạt chuyên môn, qua việc kiểm tra bài vở của đứa cháu tôi đang học chương trình và sách VNEN tôi cũng kịp nhận ra phương pháp này có gì đó không ổn.

Thứ nhất, về phương pháp


Khi dự giờ, thăm lớp môn Toán, tôi thấy các nhóm học sinh đều tự trao đổi, tự học, thực hiện đúng và “hoàn thành”các phần kiến thức, tất nhiên có nhóm học sinh yêu cầu giáo viên hỗ trợ, có nhóm không. 

Giáo viên lên lớp hài lòng, người thăm lớp dự giờ hài lòng, đánh giá cao không khí lớp học và sự tích cực chủ động học của học sinh. 

Nhưng khi kiểm tra lại, tôi đã thật sự thất vọng vì phát hiện ra trẻ có thể đọc rồi “làm theo” nhưng không hiểu. 

Vì thế, chỉ cần thay đổi bài tập một chút hoặc hỏi để xem chúng có hiểu không thì chúng sẽ không trả lời được. Và với kiến thức hôm nay “hoàn thành” nhưng hai hôm sau gặp lại đã không nhớ. 

Còn đối với những giờ học kiến thức khó, học sinh không hiểu hoặc có những bài tập mà các nhóm đều làm sai thì giáo viên chỉ tới các nhóm trao đổi trong nhóm mà không dám hướng dẫn chung, chữa bài chung trên lớp. 

Khi hỏi về lý do tại sao không chữa trên bảng để cả lớp đều nắm được mà không mất nhiều thời gian như đi giảng cho từng nhóm thì giáo viên trả lời rằng nếu làm như vậy thì sẽ bị đánh giá là chưa đảm bảo phương pháp. 

Còn trong thực tế, tại địa phương tôi sinh sống có nhiều giáo viên kêu than vì khi kết hợp hướng dẫn, giảng giải thì bị nhận xét là: “Tuy học sinh hiểu bài nhưng chưa đảm bảo phương pháp VNEN”, ấy thế nếu không hướng dẫn thì chỉ một vài em hiểu. 

Biết được điều này, tôi đã yêu cầu giáo viên trường của mình nghiên cứu kỹ nội dung bài trước khi lên lớp nhằm xác định những kiến thức khó cần đến sự kết hợp hướng dẫn giảng giải chung để học sinh hiểu bài còn phần kiến thức nào học sinh có thể tự học thì mới để các em tự học. 

Kết quả cho thấy, một số ít giáo viên vững vàng, có năng lực mới dám thực hiện dẫn tới chất lượng học sinh rất tốt hơn hẳn khi thực hiện chương trình hiện hành. 

Cô giáo Cao Bằng: Trường học mới (VNEN), thành bại do chính người thực hiện ảnh 3

Bộ Giáo dục chính thức giải đáp thắc mắc về dự án mô hình trường học mới (VNEN)

(GDVN) - “Kinh nghiệm dự án sẽ tiếp tục phát huy tác dụng khi có chương trình mới, đó là viết bộ SGK bên cạnh các bộ SGK khác, có nghĩa là mô hình có tính bền vững”.

Còn lại đa số các giáo viên không đủ tự tin hoặc không biết cách áp dụng nên họ chỉ thực hiện theo như những gì đã được tập huấn nên mặc dù học sinh vẫn “hoàn thành” nhưng chất lượng kém. 

Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, đại đa số cán bộ quản lý, giáo viên hiện nay mắc “bệnh đồng phục” rất nặng, họ cho rằng dại gì mà nói hay làm khác với chỉ đạo từ trên. 

Là cán bộ quản lý nhưng tôi không thể gây áp lực cho giáo viên vì điều kiện sống, sinh hoạt của học sinh chúng tôi còn quá nhiều khó khăn nên có thể trẻ học chưa giỏi thậm chí có em chưa đạt chuẩn kiến thức nhưng việc các em thích đến trường, mạnh dạn, tự tin để học tập, biết cách ứng xử thân thiện phù hợp…đã là thành công lớn của chúng tôi. 

Như vậy, có thể nói chương trình VNEN phù hợp với trường tôi- một trường vùng núi cao nhưng chương trình chưa nhận được sự ủng hộ của nhiều thầy cô và xã hội có một phần không nhỏ lỗi do các quản lý cứng nhắc, chủ quan duy ý chí của một bộ phận đội ngũ cán bộ quản lý và một bộ phận không nhỏ giáo viên còn chưa tự tin trong giảng dạy. 

Thứ hai, về sách Hướng dẫn học

Theo tôi, có lẽ sách Hướng dẫn học được viết theo hướng “tích hợp” theo kiểu nhiều nội dung kiến thức khác nhau được gộp vào thành một bài. Để rồi khi lên lớp, thầy và trò lại chia ra . Cũng chính vì thế mà chỉ có một tên bài mà nội dung thì phát sinh nhiều thứ không liên quan gì tới nội dung. 

Hơn nữa, sách được biên soạn một cách rất cẩu thả, lỗi về thể thức văn bản (dấu câu) ở tất cả các trang sách. Sau đây là một số hình ảnh chụp từ các tài liệu Hướng dẫn học Tiếng Việt 5, Hướng dẫn học Lịch sử và Địa lí 5: 

-         Gộp hai bài làm một, khi học giáo viên và học sinh lại tách ra, học trong 2 tuần, mỗi tuần 1 tiết.

-         Tên bài dễ gây hiểu sai.

-         Dấu “:” ở phần mục tiêu; ở mục a) đặt sai quy tắc đặt dấu câu.

- Gộp nhiều nội dung dẫn đến có mục tiêu, nội dung không phù hợp tên bài

-         Hoạt động 1 là một hoạt động nhỏ thường để dẫn vào bài tập đọc (mục tiêu 1), nhưng nếu học sinh “tự học” sẽ biến thành giờ vẽ.

-         Mục tiêu 3 không phù hợp tiêu đề.

Vì những lý do trên, tôi cho rằng nếu Bộ GD&ĐT có định hướng chương trình giáo dục theo phương pháp VNEN thì cần lưu ý 4 vấn đề sau: 

Thứ nhất, cần đổi mới tư duy đội ngũ cán bộ quản lý các cấp. Vì sự cứng nhắc của các cán bộ quản lý đã không cho phép giáo viên trực tiếp giảng dạy được lựa chọn hình thức phù hợp với đối tượng học sinh của mình. 

Bởi giáo viên cần phải kết hợp hướng dẫn, giảng giải khi cần thiết cho nên khi đó thì học sinh phải ngồi thẳng hướng lên bảng còn khi “tự tìm hiểu, tự làm bài tập” thì mới để học sinh ngồi theo nhóm. 

Muốn vậy thì điều kiện bắt buộc là phải có ghế ngồi đơn, rời bàn. Cần định hướng rằng “phương pháp” là cách làm đúng, phù hợp với đối tượng học sinh cụ thể, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất. 
 
Thứ hai, đổi mới cách kiểm tra, đánh giá để tránh nặng về hình thức, nặng về hồ sơ sổ sách của giáo viên mà chú trọng kiểm tra chất lượng học sinh. 

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT hứa giảm tải về hồ sơ sổ sách nhưng các loại sổ sách vẫn “được” Sở GD&ĐT cấp về, giáo viên phải “còng lưng” chép. 

Và việc giáo viên vẫn được đánh giá chủ yếu qua hồ sơ đẹp, qua 2 tiết thao giảng với các sáng kiến kinh nghiệm, các báo cáo thành tích mà “sản phẩm cuối cùng” thì lại là “tự đánh giá”. Thử hỏi, có giáo viên nào tự đánh giá học sinh của mình “Kém” hay “Không đạt” không?

Thứ ba, theo ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học: “Sẽ viết 1 bộ sách giáo khoa bên cạnh các bộ sách giáo khoa khác để các trường lựa chọn theo chủ trương“một chương trình nhiều sách giáo khoa”.

Nếu vậy, cần điều chỉnh lại sách cho rõ ràng, khoa học sao cho tên bài, mục tiêu, nội dung phải thống nhất.

Thứ tư, tăng cường cơ sở vật chất để có thể đáp ứng và phù hợp với yêu cầu học sinh học tập tích cực, chủ động. 

Hà Ngân