Có hay không chuyện "tham nhũng giờ dạy" ở trường Võ Thị Sáu?

09/01/2019 06:32
Phan Tuyết-Hoài Thu
(GDVN) - Lý do luân chuyển, điều động giáo viên đối với trường hợp cô Hoa Anh vì trường Võ Thị Sáu “thừa” giáo viên đã trở thành một lý do khá nực cười.

Theo nghĩa rộng, tham nhũng được hiểu là hành vi của bất kỳ người nào có chức vụ, quyền hạn hoặc được giao nhiệm vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc nhiệm vụ được giao để vụ lợi.

Theo nghĩa hẹp và là khái niệm được pháp luật Việt Nam quy định (tại Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005), tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi[1]. 

Người có chức vụ, quyền hạn ở đây chỉ giới hạn ở những người làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống chính trị; nói cách khác là ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách, vốn, tài sản của Nhà nước.

Giáo viên ở Đắk Lắk kêu cứu vì bị điều động một cách chưa trong sáng

Việc giới hạn như vậy nhằm tập trung đấu tranh chống những hành vi tham nhũng ở khu vực xảy ra phổ biến nhất, chống có trọng tâm, trọng điểm, thích hợp với việc áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng như: kê khai tài sản, công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.

Trong những bài viết liên quan đến việc điều động viên chức giáo dục xảy ra tại Đắk Lắk mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa câu hỏi “Có hay không chuyện “tham nhũng” giờ dạy?” với mục tiêu mong muốn là làm rõ hơn vấn đề điều chuyển và bố trí phân công nhân sự dạy “lạ kỳ” ở Trường tiểu học Võ Thị Sáu, Thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Như tin đã đưa, ngày 18/7/2018, cô giáo Nguyễn Thị Hoa Anh nhận được Quyết định số 5426/QĐ-UBND điều động từ Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến công tác tại Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh.

Căn cứ để thực hiện điều động đối với cô Hoa Anh chính là “điều động từ trường thừa sang trường thiếu”.

Trước các bài viết đã bóc tách các vấn đề thiếu minh bạch trong câu chuyện “điều động” này, Ủy ban Nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột đã có văn bản trả lời Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nguyên nhân chính khiến cô Hoa Anh bị điều động “vi phạm dạy thêm học thêm không đúng quy định”.

Theo đó, bà Nguyễn Thị Hoa Anh đã vi phạm Khoản 2, Điều 4, Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, ngày 16/05/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm: “Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống”;

Lý do điều chuyển chính thức được khẳng định vẫn là “điều chuyển một số giáo viên vi phạm quy định dạy thêm sang trường thiếu giáo viên chứ không phải là hình thức kỷ luật” (Công văn số 4512/UBND-VP ngày 24/12/2018 về việc phúc đáp Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam).

Quyết định điều chuyển của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột (Ảnh: tác giả cung cấp).
Quyết định điều chuyển của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột (Ảnh: tác giả cung cấp).

Đồng thời, công văn số 4512/UBND-VP cũng nêu rõ: “Thời điểm bà Nguyễn Thị Hoa Anh đến nhận công tác tại trường Đinh Bộ Lĩnh, trường Võ Thị Sáu còn lại 67 cán bộ, giáo viên trong đó có 03 cán bộ quản lý và 45 giáo viên tiểu học/44 lớp, đảm bảo đủ số lượng giáo viên phụ trách lớp”.

Chúng tôi đã liên hệ nhiều lần bà Nguyễn Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu để tìm hiểu thêm về thông tin biên chế lớp, biên chế nhân sự hiện có cũng như quy mô giảng dạy của nhà trường nhưng bà Tuyết từ chối cung cấp qua điện thoại.

Tuy nhiên, từ thông tin của Công văn số 4512/UBND và nguồn tin từ dư luận, đồng thời đối chiếu với các văn bản pháp quy có liên quan trong khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập thì Trường Võ Thị Sáu hoàn toàn không “thừa” mà lại “thiếu” giáo viên trầm trọng.

Nếu chỉ thực hiện dạy 01 buổi trong ngày thì trường thiếu 08 giáo viên, nhưng thực tế hiện nay trường Võ Thị Sáu đang áp dục dạy 10 buổi/ tuần (riêng chiều thứ Sáu bố trí dạy - học 02 tiết) nên cơ số giáo viên thiếu không phải chỉ là 08 người.

Như vậy, để đảm bảo thực hiện giảng dạy như thời khóa biểu đang áp dụng thì hiển nhiên giáo viên “thừa tiết” phải được chi trả tiền tính thêm giờ. Định mức tính tiền thừa giờ hiện khá cao (Tiền lương 1 giờ dạy thêm = Tiền lương 1 giờ dạy x 150%).

Sao lại áp dụng Luật hình sự cho việc xử lý vi phạm hành chính trong giáo dục?

Và, việc Ủy ban Nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột đưa ra lý do luân chuyển, điều động giáo viên đối với trường hợp cô Hoa Anh vì trường Võ Thị Sáu “thừa” giáo viên đã trở thành một lý do khá nực cười.

Thông tin chúng tôi được cung cấp đó là do thiếu giáo viên thực hiện công tác giảng dạy mà hiện nay trường Võ Thị Sáu đã phải bố trí bà Lương Thị Bích Nguyên, Phó Hiệu trưởng thực hiện công tác chủ nhiệm lớp 2B.

Nhận định việc nhà trường cùng Ủy Ban Nhân dân Thành phố quyết tâm “điều động” cô Hoa Anh chuyển đến vùng khó để tạo điều kiện cho cán bộ quản lý nhà trường trực tiếp giảng dạy để có điều kiện hưởng chế độ thừa giờ chính là hình thức “tham nhũng giờ dạy” là hoàn toàn phù hợp.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là gì? Tại sao hiệu trưởng, phó hiệu trưởng lại phải tham gia giảng dạy?

Quy định tại Điều lệ trường phổ thông (Điều lệ trường tiểu học) thì nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng là:

Xây dựng quy hoạch phát triển nhà trường; lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học, giáo dục; báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện trước Hội đồng trường và các cấp có thẩm quyền;

Thành lập các tổ chuyên môn, tổ văn phòng và các hội đồng tư vấn trong nhà trường; bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó;

Phân công, quản lí, đánh giá, xếp loại; tham gia quá trình tuyển dụng, thuyên chuyển; khen th­ưởng, thi hành kỉ luật đối với giáo viên, nhân viên theo quy định;

Quản lí hành chính; quản lí và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính, tài sản của nhà trư­ờng; Quản lí học sinh và tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà tr­ường; tiếp nhận, giới thiệu học sinh chuyển trường;

Quyết định khen thưởng, kỉ luật, phê duyệt kết quả đánh giá, xếp loại, danh sách học sinh lên lớp, ở lại lớp; tổ chức kiểm tra, xác nhận việc hoàn thành chương trình tiểu học cho học sinh trong nhà trường và các đối tượng khác trên địa bàn trường phụ trách;

Dự các lớp bồi d­ưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ quản lí; tham gia giảng dạy bình quân 2 tiết trong một tuần; được hư­ởng chế độ phụ cấp và các chính sách ưu đãi theo quy định;

Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội trong nhà trường hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục;

Thực hiện xã hội hoá giáo dục, phối hợp tổ chức, huy động các lực lượng xã hội cùng tham gia hoạt động giáo dục, phát huy vai trò của nhà trường đối với cộng đồng.

Hiệu trưởng trư­ờng tiểu học là người chịu trách nhiệm tổ chức, quản lí các hoạt động và chất lượng giáo dục của nhà tr­ường.

Nhiệm vụ, quyền hạn của phó hiệu trưởng là: Chịu trách nhiệm điều hành công việc do Hiệu trưởng phân công; Điều hành hoạt động của nhà trư­ờng khi được Hiệu trưởng uỷ quyền;

Dự các lớp bồi d­ưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ quản lí; tham gia giảng dạy bình quân 4 tiết trong một tuần; được hư­ởng chế độ phụ cấp và các chính sách ưu đãi theo quy định.

Ai trả lại danh dự và công bằng cho cô giáo Hoa Anh?

Và, theo Thông tư số 28 /2009/TT-BGDĐT ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông thì mục đích yêu cầu hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết là để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý. Phó hiệu trưởng tham gia giảng dạy 4 tiết/ tuần.

Như vậy, việc thực hiện công tác chủ nhiệm lớp, tham gia giảng dạy như một giáo viên thì vị hiệu phó này (bà Lương Thị Bích Nguyên) được chi trả chế độ như thế nào?

Qua các vấn đề trên, xét thấy việc Ủy ban Nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột cố tình bỏ qua tất cả các yếu tố pháp lý căn bản để điều động, luân chuyển cô Nguyễn Thị Hoa Anh một cách thiếu trong sáng và bố trí phân công giảng dạy không đúng quy chuẩn pháp quy tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu phải cần được kiểm tra làm rõ.

Phan Tuyết-Hoài Thu