Có học trò dốt không?

26/03/2017 07:24
Trần Trí Dũng
(GDVN) - Thầy Trần Trí Dũng khẳng định rằng: “Không có học trò nào dốt, mà chỉ có những thầy giáo chưa biết cách giảng dạy cho học sinh của mình”.

LTS: Với câu hỏi có học trò dốt hay không? Thầy Trần Trí Dũng cho rằng mỗi đứa trẻ lại có những tố chất, thiên hướng khác nhau.

Có thể đứa trẻ này không thích các môn Khoa học tự nhiên như Toán và lại thích các môn xã hội như Văn, Sử…

Điều quan trọng là bố mẹ và thầy cần thực sự hiểu con em mình để các bé được phát triển tự do, khỏe mạnh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Ngày tôi còn là sinh viên, trong một buổi học, thầy giáo nói: “Có một câu nói: “Làm tớ thằng khôn còn hơn làm thầy kẻ dốt”. Vậy mà nếu phải làm cấp dưới cho kẻ dốt thì thật là tai hại”. 

Ý của thầy giáo ở đây là nếu phải làm cấp dưới cho người yếu kém về trí tuệ, năng lực thì đó là kìm hãm sự phát triển. 

Ngày 13/3/2017, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài viết: “Thư gửi chị - Một người mẹ có con học dốt” của tác giả Jenna An, nội dung nói về những tâm sự với một người mẹ có con bị xem là học dốt. 

Bài viết đã tạo ra được nhiều xúc động đối với độc giả. Bởi lẽ, những lời nhắn nhủ trong thư với các bà mẹ là hãy thực sự hiểu con mình, đặc biệt trong giáo dục. Và từ đó, có một câu hỏi được đặt ra ở đây là có hay không học sinh dốt?

Với bất cứ ai trong nghề làm thầy, nỗi băn khoăn, trăn trở lớn nhất vẫn là làm sao để cho học trò của mình được học tốt lên. Nhất là khi gặp phải những học sinh học kém.

Vậy có hay không học trò dốt? 

Bài viết này xin được trao đổi một góc nhìn về vấn đề đó.

Có hay không học sinh dốt? (Ảnh minh họa: hoc.vtc.vn)
Có hay không học sinh dốt? (Ảnh minh họa: hoc.vtc.vn)

Đối với một giáo viên, trước khi thực hiện công việc giảng dạy, điều đầu tiên phải tiếp xúc để tìm hiểu học sinh, từ đó có đánh giá ban đầu về khả năng của các em. 

Chúng ta biết, tố chất là yếu tố cơ bản có trong một con người. Có một điều dễ nhận thấy là khả năng của các học sinh là không đồng nhất, điều đó quyết định bởi tố chất của từng em. 

Có những học sinh có tố chất thông minh và có những em lại chậm trong nhận thức. Nhưng, phải khẳng định rằng khả năng của mỗi con người là khác nhau, do tố chất quyết định. 

Tố chất của một con người không có ngay từ khi lọt lòng, cũng không phải do gen di truyền.

Tố chất được hình thành dần dần trong quá trình sống của người đó, chịu sự ảnh hưởng của truyền thống, nề nếp gia đình và bị tác động thông qua các yêu tố xã hội khác.

Có học trò dốt không? ảnh 2

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Giáo dục bắt đầu từ gia đình, không có gen thông minh

Tố chất của mỗi người ảnh hưởng đến sự hình thành trí thông minh của người đó.

Do mỗi người có một tố chất khác nhau nên trí thông minh của họ cũng khác nhau. 

Tuy nhiên trong giáo dục, có những học sinh còn chậm hiểu khi tiếp cận vấn đề.

Điều này là do môi trường hoc tập điều kiện và không khí lớp học đã gây ảnh hưởng đến khả năng nhận thức cùng với trạng thái tâm lý, ý thức và tinh thần học tập chung. 

Do đó, các thầy cô giáo khi dạy những học sinh như vậy cần biết cách gợi mở và dẫn dắt vấn đề để các em tiếp cận, tìm hiểu.

Theo một kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Howard Gardner - một nhà Tâm lý học cũng là Giáo sư Khoa học Thần kinh tại Đại Học Harvard cho biết, con người bao gồm 8 loại trí tuệ khác nhau, phản ánh các cách tương tác đa dạng với thế giới và ông tin rằng mỗi người đều có một sự pha trộn độc đáo giữa những dạng trí tuệ này. 

Mô hình 8 loại hình thông minh của Tiến sĩ H.Gardner.
Mô hình 8 loại hình thông minh của Tiến sĩ H.Gardner.

Đó là các dạng thông minh gồm thông minh về không gian, thông minh về vận động cơ thể, thông minh về âm nhạc, thông minh về ngôn ngữ, thông minh về logic toán học, thông minh về giao tiếp, thông minh về nội tâm và thông minh về tự nhiên. 

Trong các dạng thông minh của con người mà Giáo sư Howard Gardner nói tới cần chú ý về một dạng thông minh, đó là thông minh về nội tâm. 

Theo đó, những người thuộc dạng thông minh này khá nhạy cảm với cảm xúc và mục tiêu của chính mình. Họ giỏi phát triển điểm mạnh của bản thân và ưa làm việc cá nhân. 

Dạng này không biểu hiện ở một nghề nghiệp cụ thể, nó là mục tiêu cho mỗi cá nhân trong xã hội phức tạp ngày nay, khi mà con người ta phải tự đưa ra những quyết định riêng của mình và chấp nhận đối mặt với kết quả của nó.    

Đây là những khía cạnh rất hữu ích trong việc phát hiện và phát triển khả năng của bản thân con người.

Có học trò dốt không? ảnh 4

Xin đừng dạy con như thế!

Đặc biệt đối với trẻ em, cần có quan sát xem trẻ có những trí thông minh nào nổi trội giúp bé nuôi dưỡng đúng hướng và bộc lộ hết khả năng của bản thân. 

Từ đó ta có thể thấy khả năng của trẻ được bộc lộ ở nhiều thiên hướng khác nhau chứ không chỉ trong học tập.     

Theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng - chuyên gia hàng đầu về Sinh học thì gen không truyền trí thông minh, có nghĩa là trí thông minh không di truyền theo các thế hệ. 

Trên thực tế nhiều gia đình có bố mẹ được xem là giỏi giang nhưng con cái lại bị đánh giá là kém cỏi. Và ngược lại, nhiều ở nhiều gia đình thuộc thành phần lao động bình thường nhưng con cái lại rất giỏi giang. 

Những tấm gương học sinh, sinh viên vượt khó, có thành tích rất cao trong học tập xuất thân từ những gia đình nghèo khó là những thí dụ điển hình cho điều đấy.

Tuy nhiên, như đã nhận định ở trên, con người có thể có nhiều dạng thông minh khác nhau và thông minh trong học tập chỉ là một biểu hiện trong số đó.

Khả năng của con người là luôn luôn phát triển được biểu hiện dưới nhiều góc độ. Chính sự khác nhau trong loại hình thông minh của mỗi con người tạo nên sự quan tâm của con người là không giống nhau. 

Điều đó đã tạo nên sự khác biệt của con người trong nhận thức và thiên hướng. Điều đó cũng để lý giải là vì sao nhiều người học không giỏi ở trường lớp nhưng vẫn thành đạt trong cuộc sống.

Có học trò dốt không? ảnh 5

Chúng ta đã thực sự hiểu con và hiểu mình?

Chính vì vậy mà các bậc cha mẹ cũng không nên quá lo lắng khi con mình bị xem là học dốt và cần thực sự hiểu con mình.

Bởi lẽ, khả năng của con người được bộc lộ ở nhiều mặt khác nhau, và cuộc sống sau này sẽ chứng minh điều đó.                           

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 20/12/2016 đăng bài viết: “Học trò phổ thông thực sự cần học bao nhiêu môn?” của cô giáo Phan Tuyết.

Trong bài viết, cô giáo đã kể một câu chuyện về một người từng là bạn học của cô đã học rất giỏi các môn Khoa học xã hội, đặc biệt là môn Văn nhưng lại rất kém các môn Khoa học tự nhiên. 

Thậm chí, một số thầy cô giáo chia sẻ nếu cứ thẳng tay tổng kết có thể bạn đó sẽ không đủ điều kiện dự thi Tốt nghiệp, cho nên các thầy cô đã nới tay để những môn học ấy bạn đạt điểm 5. 

Tuy nhiên, sau này, bạn đó vẫn thi đỗ Đại học và rất giỏi trong trong công việc của mình. Đây là một thí dụ điển hình phản ánh các năng lực khác nhau ở người học.         

Trong giáo dục, việc tìm ra sự khác biệt giữa các học sinh để có nội dung và phương pháp giáo dục thích hợp là rất quan trọng. Điều đó quyết định sự thành công và chất lượng giáo dục và sự phát triển toàn diện ở người học. 

Theo Nghị quyết số 29 của Hội nghị Trung ương 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, một trong những quan điểm chỉ đạo của đổi mới là: chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. 

Trong đó, một trong những mục tiêu quan trọng cần đạt được là giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân: yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả.

Như thế, để phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học cần đánh giá đúng tiềm năng, phẩm chất và năng lực để từ đó gợi mở, khai phá thích hợp.

Về mặt sinh học, con người được coi là động vật cao cấp nhất bởi trí não phát triển, sự thông minh và khả năng nhận thức. 

Vì thế, từ những luận cứ trên có thể khẳng định, không có học sinh nào dốt mà chỉ có những giáo viên chưa nhìn thấy đúng khả năng, năng lực của học sinh và chưa có phương pháp giảng dạy thích hợp. 

Từ một thực tế cho thấy, sự thành công của Giáo sư Ngô Bảo Châu - người Việt Nam đầu tiên đạt giải thưởng cao nhất về Toán học, làm thế giới sửng sốt là sự khẳng định trí tuệ của con người Việt Nam. 

Có học trò dốt không? ảnh 6

“Thương con như thế bằng mười hại con”

Tôi cũng xin kể một câu chuyện về việc dạy học của bản thân.

Trong một lần tôi tiếp nhận một học sinh, mà trước đó đã theo học bồi dưỡng ở một thầy giáo khá nổi tiếng, dạy giỏi. 

Theo đó, trước đó khi tiếp xúc với học sinh này, thầy giáo đó đã nói: “Cậu này khả năng là sẽ trượt tốt nghiệp”.

Vì thế, cậu học sinh đã tự ái và tìm đến chỗ tôi theo học. 

Sau khoảng thời gian một tháng học với cả ba môn Toán, Vật lý và Hóa học, học sinh của tôi đã thi đỗ và bây giờ đã tốt nghiệp Đại học với tấm bằng loại Giỏi.

Thực tế trong công việc của tôi, hầu hết các học sinh ban đầu đều chưa được xem là học tốt, nhưng sau khi thi đỗ Đại học, hiện tại các em đều đã tốt nghiệp với tấm bằng từ Khá trở nên. 

Điều đó nói nên rằng, phương pháp giảng dạy và giáo dục học sinh là rất quan trọng.

Người thầy cần hiểu đúng các em, nắm bắt đúng các yếu tố tâm lý, tạo môi trường học tập thân thiện và gợi mở để từ đó có nội dung và phương pháp giảng dạy thích hợp đối với từng đối tượng học sinh, điều đó sẽ quyết định sự thành công trong giảng dạy.

Tuy nhiên, ở Việt Nam ta, cơ cở vật chất trường học còn nhiều hạn chế, các lớp học đa phần có sỹ số đông gây khó khăn cho các thầy cô giáo trong việc nhận diện học sinh, tìm ra sự khác biệt giữa các em để tổ chức phương pháp thích hợp.

Đặc biệt, phương pháp giảng dạy của chúng ta trong một thời gian dài vẫn là lối truyền thụ mang tính áp đặt một chiều, giáo viên là trung tâm của quá trình giảng dạy, thầy nói trò nghe, thầy chép cho ghi do đó hạn chế cho việc bảo đảm hiệu quả giáo dục.

Vì thế, đây cũng là một gợi mở để chúng ta đổi mới phương pháp giảng dạy và cách tổ chức lớp học. 

Bởi lẽ, mọi chủ trương cải cách và đổi mới giáo dục suy cho cùng là nhằm đạt đến mục đích nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển toàn diện và hiệu qủa trong việc đào tạo con người.

Vì thế, một lần nữa phải khẳng định rằng: “không có học trò nào dốt, mà chỉ có những thầy giáo chưa biết cách giảng dạy cho học sinh của mình”.  

Một vài trao đổi để chúng ta cùng tham khảo, để từ đó các thầy cô cùng có cái nhìn đúng đắn và định hướng tốt cho công việc của mình.

Tôi xin chân thành cảm ơn Giáo sư – Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng đã giúp tài liệu cho tôi hoàn thành bài viết này! 

Trần Trí Dũng