Cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực không được đưa vào danh sách ứng cử

02/02/2016 15:22
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Phạm Minh Chính – Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh hướng dẫn công tác nhân sự ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Theo đó, người ứng cử Đại biểu Quốc hội đang công tác tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước nói chung phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ (nam sinh từ tháng 5/1961, nữ sinh từ tháng 5/1966 trở lại đây).

Người ứng cử ĐBQH phải bảo đảm các tiêu chuẩn quy định tại Điều 22 của Luật tổ chức Quốc hội. Cụ thể: Trung thành với tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Đặc biệt, ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Không giới thiệu và đưa vào danh sách những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; vi phạm Quy định 57/QĐ-TW (ngày 3/7/2007) của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề chính trị chưa được kết luận.

Quốc hội phải lựa chọn được những đại biểu toàn tâm, toàn ý với nhân dân. ảnh: Trung tâm thông tin quốc hội.
Quốc hội phải lựa chọn được những đại biểu toàn tâm, toàn ý với nhân dân. ảnh: Trung tâm thông tin quốc hội.

Để phát huy dân chủ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong giới thiệu nhân sự ứng cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, ông Phạm Minh Chính cho biết, đối với mỗi chức danh lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, các cấp ủy, tổ chức Đảng chỉ giới thiệu một đại biểu tham gia ứng cử theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Đảng viên tự ứng cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải  là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội và Luật tổ chức chính quyền địa phương; đồng thời phải được cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền quản lý đảng viên đồng ý.

Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Người ứng cử ở đơn vị nào thì thực hiện vận động bầu cử ở đơn vị đó.

Thời gian vận động được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bỏ  phiếu 24 giờ.

Ủy ban bầu cử các cấp công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử Đi biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp chậm nhất ngày 1/6 và Hội đồng bầu cử quốc gia công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử Đại biểu Quốc hội chậm nhất ngày 11/6.

8 nhiệm vụ đặc biệt quan trọng thực hiện bầu cử

Trình bày Chỉ thị số 51-CT/TW ngày 4/1/2016 của Bộ Chính trị, ông Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt những yêu cầu nhiệm vụ sau đây:

Thứ nhất, Có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.

Cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực không được đưa vào danh sách ứng cử ảnh 2

Bầu cử chọn người tài để phát huy sức mạnh dân tộc, vì quyền lợi của nhân dân

Thứ hai, Lãnh đạo tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ;

Gắn kết quả nhân sự của đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; đã bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận không trung thực; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng.

Thứ ba, lãnh đạo bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đặc biệt coi trọng chất lượng đại biểu. Đồng thời, bảo đảm cơ cấu hợp lý về số đại biểu là người đang công tác ở cơ quan đảng, nhà nước, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, giảm hợp lý số đại biểu công tác tại cơ quan hành chính; tăng số lượng đại biểu chuyên trách;

Bảo đảm tỉ lệ người ứng cử là phụ nữ, người dân tộc thiểu số theo đúng quy định của Luật Bầu cử; có tỉ lệ hợp lý đại biểu các tôn giáo, đại biểu tái cử, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu là các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, đại biểu xuất thân từ công nhân, nông dân, doanh nhân, đại diện các hiệp hội, nghiệp đoàn về các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Thứ tư, việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và việc tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải bảo đảm theo đúng quy trình pháp luật quy định và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền.

Lãnh đạo tốt việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử; bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; về vị trí, vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong bộ máy nhà nước; về vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả.

Động viên cử tri tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử, nghiên cứu kỹ về danh sách người ứng cử. Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đề cao trách nhiệm, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bầu cử.

Thứ sáu, chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng các phương án bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân; ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử.

Kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, âm mưu, hoạt động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối an ninh, trật tự. Có các phương án chủ động đối phó với những tình huống thiên tai có thể xảy ra trong thời gian tiến hành bầu cử.

Thứ bảy, các tỉnh ủy, thành ủy thành lập ban chỉ đạo để lãnh đạo toàn diện công tác bầu cử, làm tốt công tác giới thiệu người ứng cử ở địa phương, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương.

Đối với 10 tỉnh, thành phố đang thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường theo Nghị quyết của Quốc hội, các cấp ủy chú trọng chỉ đạo công tác lựa chọn nhân sự đại biểu Hội đồng nhân dân.

Thứ tám, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban đảng ở Trung ương, Hội đồng bầu cử quốc gia, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Chỉ thị này; chủ động phối hợp chặt chẽ trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức bầu cử, bảo đảm để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 thành công tốt đẹp.

Ngọc Quang