Có nên giao quyền tự chủ cho các trường Đại học hay không?

09/07/2016 14:13
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Khi giao tự chủ về cho các trường, có người quan ngại, tình trạng loạn luyện thi ở các trường Đại học lại xảy ra.

LTS: Nhìn nhận về kỳ thi quốc gia 2016 vừa qua, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc chỉ ra những thành công bước đầu của kỳ thi “2 trong 1” này. Và thầy cũng chỉ ra lý do có nên giao quyền tự chủ cho các trường Đại học hay không?

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả ý kiến của thầy. 

Công tác coi thi của Kỳ thi quốc gia năm 2016 với mục tiêu vừa để công nhận kết quả tốt nghiệp vừa để xét tuyển Đại học, Cao đẳng đã hoàn tất và khâu chấm thi đang được triển khai, vào ngày 20/7 sẽ có kết quả chấm thi. 

Có thể nói, mục tiêu cơ bản cho kỳ thi, với những cải tiến, thay đổi so với  năm ngoái được quán triệt, triển khai tương đối tốt. 

Phụ huynh và thí sinh giảm được nhiều áp lực, căng thẳng và tốn kém từ 2 kỳ thi riêng biệt nay chỉ còn 1 kỳ thi, lại được tổ chức ngay tại địa phương. 

Có nên giao quyền tự chủ cho các trường Đại học hay không? ảnh 1
Có nên giao quyền tự chủ cho các trường Đại học hay không? (Ảnh: Thùy Linh)

Cách chia thành hai loại cụm thi tốt nghiệp và cụm đại học, bước đầu đã phân luồng được khả năng học tập và lựa chọn ngành nghề thí sinh. 

Kỷ luật, kỷ cương phòng thi được siết chặt, thực hiện đúng quy chế thì tình trạng tiêu cực, quay cóp, gian lận… trong thi cử ở hầu hết các hội đồng coi thi cụm tốt nghiệp và cụm đại học (nhất là cụm đại học) đã được ngăn chặn, xử lý kịp thời, có bước chuyển biến rõ rệt so với những năm trước đây. 

Đề thi bám sát chương trình, không đánh đố, có tính phân hóa cao, có những câu hỏi mở, hay, bám sát thực tiễn đời sống, đa phần thí sinh đều làm được bài. 

Những chuyển động, thành công bước đầu của kỳ thi “2 trong 1” lần thứ 2 của ngành giáo dục được dư luận xã hội đánh giá cao. 

Tuy nhiên, những mặt tồn tại, hạn chế vẫn còn, chẳng hạn như số lượng thí sinh vi phạm quy chế còn nhiều (trên 300 thí sinh), gần 12.000 thí sinh bỏ thi các môn thi, có một số sai sót về kỹ thuật, nghiệp vụ coi thi vẫn xảy ra…

Có nên giao quyền tự chủ cho các trường Đại học hay không? ảnh 2

Các cách và nơi xem kết quả thi quốc gia, lộ trình xét tuyển đại học cao đẳng

(GDVN) - Theo Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: Năm nay, tất cả các hội đồng thi đều có trách nhiệm công bố kết quả thi.

Cho nên, năm tới cần rút kinh nghiệm và tiếp tục thay đổi, cải tiến hơn nữa để kỳ thi đạt hiệu quả, phù hợp và tiện ích hơn. 

Điểm đáng chú ý, sau khi công tác tổ chức coi thi kết thúc, một số nhà quản lý, nhà chuyên môn lại cho rằng: 

Việc nhập 2 mục tiêu khác nhau thành 1 xem ra không ổn, nhiều bất cập, cần mạnh dạn chuyển thi tốt nghiệp THPT sang hình thức xét tốt nghiệp hoặc tổ chức thi nhẹ nhàng, giao trách nhiệm này cho các cơ sở giáo dục nhà trường. 

Chỉ nên duy trì kỳ thi tuyển sinh Đại học và giao quyền tự chủ về thi cử, tuyển sinh cho các trường Đại học còn Bộ GD&ĐT chỉ giữ vai trò quản lý nhà nước. 

Qua “phép thử” lần này, chủ trương của Bộ GD&ĐT cũng tiến tới giao trách nhiệm lớn hơn cho Sở GD&ĐT về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT và giao quyền tự chủ về thi cử, tuyển sinh cho các trường Đại học như trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã làm.   

Thứ nhất, về vấn đề tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng nhẹ nhàng, giảm tối đa áp lực, căng thẳng và tốn kém cho phụ huynh và học sinh. 

Là một thầy giáo, cán bộ đang quản lý và dạy học trực tiếp ở bậc THPT, tôi hoàn toàn ủng hộ và nhất trí với với cách làm trên. 

Năm nay, chúng ta đã làm một việc tốt là tổ chức 2 cụm thi ngay tại chỗ, vừa tạo không khí thoải mái, tự tin cho mọi thí sinh khi làm bài vừa giảm bớt lo lắng và tốn kém cho phụ huynh. 

Theo tôi, môn thi tốt nghiệp cũng chỉ giới hạn từ 3 – 4 môn thi như hiện nay. 
Đề thi như bài kiểm tra bình thường, chỉ yêu cầu kiến thức cơ bản, có nhiều câu hỏi mở để thí sinh bày tỏ chính kiến và sáng tạo. 

Có nên giao quyền tự chủ cho các trường Đại học hay không? ảnh 3

Kiến thức thực tế ngày càng được nhắc nhiều hơn trong đề thi

(GDVN) - “Em nghĩ rằng đề thi năm nay sẽ khác nhiều so với năm ngoái bởi qua mỗi năm, kiến thức thực tế càng được nhắc đến nhiều hơn trong đề thi”, thí sinh dự đoán.

Tổ chức thi, kiểm tra ngay tại trường, không di chuyển thí sinh đi đến trường khác, không cần hoán đổi giám thị coi thi, giáo viên trường nào coi thi trường đó, giống như thi tuyển sinh lớp 10 mà nhiều địa phương đã từng làm. 

Trong mấy ngày thi, Sở GD&ĐT có trách nhiệm cử cán bộ về giám sát, thanh tra kỳ thi với hai hình thức cắm chốt và di động. 

Khâu chấm thi, có thể giao luôn cho nhà trường phân công và tổ chức chấm thi ngay tại trường. 

Khi có kết quả, báo cáo về Sở GD&ĐT để tổng hợp. 

Nếu tổ chức coi thi và chấm thi theo cách gọn nhẹ như vậy sẽ đem thuận tiện, lợi ích và giảm tốn kém rất nhiều cho thí sinh, phụ huynh và nhà nước. 

Tính sơ bộ, giám thị, giám khảo không di chuyển, coi thi và chấm thi tại chỗ, đỡ tốn tiền công tác phí biết bao nhiêu. 

Tính chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng nên xem xét, nhìn nhận ở mức độ bình thường, nhẹ nhàng trong bối cảnh xã hội và giáo dục hiện nay coi trọng thực lực hơn là bằng cấp và thi cử. 

Mạnh dạn giao quyền tự chủ về thi cử và công nhận tốt nghiệp THPT cho các địa phương và các đơn vị nhà trường.

Có nên giao quyền tự chủ cho các trường Đại học hay không? ảnh 4

Thanh tra, kiểm tra sẽ độc lập với các Hội đồng thi

(GDVN) - Ông Nguyễn Huy Bằng – Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết thêm về công tác thanh tra, kiểm tra liên quan tới kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016.

Thứ hai, về vấn đề giao quyền tự chủ về thi cử và tuyển sinh cho các trường Đại học. 

Thực tế, Bộ GD&ĐT đã giao quyền tự chủ về thi cử và tuyển sinh riêng cho từng trường, tuy nhiên rất nhiều trường vẫn chưa đủ năng lực và điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ này. 

Cho nên, Bộ GD&ĐT vẫn tiếp tục thực hiện “3 chung”: Chung đề, chung đợt, chung kết quả.  

Một số chuyên gia giáo dục cho rằng mỗi ngành nghề, trường lớp có những yêu cầu riêng thì phải có đề thi, cách xét tuyển riêng, không thể chung đề, chung kết quả, chung cách tuyển sinh như hiện nay. 

Tôi thiết nghĩ, đã đến lúc, Bộ GD& ĐT không nên ôm đồm làm hết mọi việc, nên giao việc thi cử và tuyển sinh cho các trường Đại học. 

Tất nhiên, đề án thi cử và tuyển sinh của các trường phải được Bộ GD&ĐT phê duyệt, đồng ý, không để tình trạng tùy tiện, mỗi trường mỗi vẻ, gây khó khăn cho thí sinh. 

Khi giao tự chủ về cho các trường, có người quan ngại, tình trạng loạn luyện thi ở các trường Đại học lại xảy ra, tình trạng ra đề thi thiếu chuẩn, thậm chí có chuyện sai sót, lộ đề….lúc đó các sĩ tử và phụ huynh lại thêm áp lực, căng thẳng và tốn kém như từng xảy ra cách đây 10 năm. 

Theo tôi, các trường Đại học nếu thi tuyển nên tổ chức thi gọn gàng như Đại học Quốc gia Hà Nội đã làm 2 năm nay, chỉ một bài kiểm tra đánh giá năng lực là đủ. 

Xét cho cùng sự phân loại thí sinh khi tuyển sinh đầu vào chưa thể nói lên tất cả, cái quan trọng bậc nhất là ở quá trình đào tạo của các trường Đại học.

Quan điểm, nhận thức và cách hành văn là của riêng tác giả.

Đỗ Tấn Ngọc