Còn bao nhiêu hình phạt dành cho học sinh chưa bị phát hiện?

27/11/2018 07:49
Thuận Phương
(GDVN) - Trong môi trường dạy học nơi trưng tấm bảng “tất cả vì học sinh thân yêu” còn nhiều hình phạt nữa, chỉ là nó được nhà trường ém nhẹm, giấu biệt xử lý nội bộ.

LTS: Đặt ra câu hỏi "Còn bao nhiêu hình phạt dành cho học sinh chưa bị phát hiện?", tác giả Thuận Phương đã có bài viết chia sẻ cùng quý độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Thời gian gần đây dư luận vô cùng bức xúc, căm phẫn khi liên tiếp những vụ giáo viên dùng hình phạt hà khắc đối với học sinh vi phạm nội quy của trường.

Những hình phạt nghe rồi nhiều người vẫn không dám tin là thật. Thầy đánh học sinh gãy tay, thủng màng nhĩ phải nhập viện; cô bắt trò uống nước giẻ lau bảng; bắt học sinh cả lớp tát 230 cái vào mặt học trò vi phạm…

Còn bao nhiêu hình phạt dành cho học sinh chưa bị phát hiện? (Ảnh minh họa: vtv.vn).
Còn bao nhiêu hình phạt dành cho học sinh chưa bị phát hiện? (Ảnh minh họa: vtv.vn).

Không ít người nói rằng đó chỉ là những hình phạt bị báo chí phanh phui.

Bên trong môi trường dạy học nơi trưng tấm bảng “tất cả vì học sinh thân yêu” còn quá nhiều hình phạt nữa.

Chỉ là nó được nhà trường ém nhẹm, giấu biệt “xử lý nội bộ” vì sợ ảnh hưởng đến các danh hiệu mà các trường đang muốn đạt.

Trường học biến thành nơi quản giáo

Môi trường giáo dục với hàng chục nội quy được nhà trường ban ra đang là những sợi dây vô hình trói chặt giáo viên.

Những nội quy đề ra chẳng khác nào trại quản giáo như không được mang dép lê, không mang sai đồng phục, không tô son, quần không quá chật, áo không quá bó, đầu tóc húi cao…

Giáo viên vì thành tích của lớp, của chính bản thân mình, Ban giám hiệu cũng vì thành tích, vì cái danh của nhà trường mà sẵn sàng biến môi trường giáo dục vừa “dạy” vừa “dỗ” thành trại quản giáo chỉ có những mệnh lệnh khắt khe đến lạnh lùng.

Biến những học sinh thành phạm nhân nhất nhất tuân theo mệnh lệnh của những người quản giáo (hiện thân là những người giáo viên) hầu như thầy cô luôn vắng các nụ cười.

Còn bao nhiêu hình phạt dành cho học sinh chưa bị phát hiện? ảnh 2Giáo viên nên cân nhắc việc sử dụng “lệnh phạt” với học sinh

Ngoài việc thầy cô theo dõi, giám sát kiểm tra để xử phạt học trò vi phạm, mỗi trường còn có một đội sao đỏ hết đứng ngoài cổng để canh gác và bắt những bạn không đội mũ bảo hiểm, đi xe bánh lớn (học sinh tiểu học), đi học muộn…lại vào lớp săm soi bạn nào không đeo khăn quàng, mặc sai đồng phục, lớp quét vệ sinh bẩn hay sạch?...

Giờ ra chơi thì tìm xem bạn nào thả dép đi chân không, bạn nào nói tục, chửi thề…tất cả sẽ được ghi vào sổ theo dõi để giáo viên dùng hình phạt trấn áp.

Những hình phạt thường được thầy cô dùng

Khi học sinh có tên trong sổ cờ đỏ xem như lớp bị trừ điểm thi đua. Để trò không tái phạm cách mà giáo viên hay dùng nhất là sử dụng hình phạt.

Em bị thụt dầu (bắt chéo tay trước ngực nắm hai cái tai và ngồi xuống đứng lên theo yêu cầu có thể là 5 cái, 10 cái, 20 cái…tùy thầy cô phát lệnh). Em thì bị hít đất, đã có học sinh té xỉu ngay bục giảng bởi hình phạt này khá mệt.

Có em bị phạt quỳ gối ngay bục giảng, dưới góc lớp, bị úp mặt vào tường, bị phạt roi, nhéo tai, tát vào mặt hoặc bị phạt đi dọn nhà vệ sinh, đi lao động công ích…nhẹ hơn bị cả lớp lêu lêu, bị viết bản kiểm điểm, viết cam kết hàng chục tờ, bị mời phụ huynh…có giáo viên còn cho phép lớp trưởng đánh bạn nếu thấy bạn nói chuyện (phổ biến ở cấp tiểu học).

Thế là những cô cậu bé cán bộ lớp bỗng chốc trở thành những ông bà “la sát” trừng mắt, nghiêm giọng nạt nộ các bạn cùng trang lứa với giọng kể cả, bề trên.

Trong buổi chào cờ toàn trường đầu tuần những học trò thường xuyên vi phạm còn bị nêu tên trên cờ, có em được đứng lên để cả trường biết mặt…

Hàng ngày, ở nhiều trường học vẫn thường xuyên xảy ra cảnh giáo viên bạo hành học sinh  gây phẫn nộ cho phụ huynh.

Còn bao nhiêu hình phạt dành cho học sinh chưa bị phát hiện? ảnh 3Nội quy, cái thòng lọng loằng ngoằng bủa vây giáo viên

Có điều khi sự việc được phản ánh phần nhiều các trường đều tìm cách “xử lý nội bộ” để mọi chuyện đi vào im lặng. Phần nhiều phụ huynh cũng đồng ý bỏ qua vì con mình còn học ở đó sợ bị thầy cô để ý.

Nỗi khổ, sự áp lực của giáo viên

Chẳng thầy cô giáo nào muốn dùng hình phạt đối với học sinh. Nhưng, nội quy nhà trường đưa ra hàng chục điều khoản, không nghiêm khắc sẽ khó cho việc giáo dục các em và không thể làm gương cho những học trò khác.

Sự áp lực quá lớn từ trường học đã buộc những thầy cô giáo như mẹ hiền trở thành những vị quản giáo có khuôn mặt lạnh lùng, vô cảm.

Một số giáo viên nói rằng nhiều khi bức xúc vì trò liên tục phạm lỗi. Giáo viên lại quá căng thẳng vì những áp lực của thi đua nên hành động chỉ thiên về lý trí.

Nếu đúng như câu khẩu hiệu các trường thường nói “Tất cả vì học sinh thân yêu” thì giáo dục phải mang đầy tình yêu thương của thầy cô với học trò. Có được điều này phải cả một quá trình giáo dục nhẫn nại.

Nhưng, chúng ta cứ đem những nội quy cứng nhắc kia vào áp dụng để trừ điểm và phạt thi đua hằng ngày thì môi trường giáo dục sẽ chẳng bao giờ hết đi chuyện thầy cô bạo hành học trò.

Thuận Phương