Con học trường tốt mới thành người tài giỏi, có đúng vậy không?

30/06/2017 15:20
Phan Tuyết
(GDVN) - Đã đến lúc cũng cần phải đổi mới cách suy nghĩ “con học trường tốt mới giỏi được” để hạn chế việc chạy trường, chạy lớp cho các em.

LTS: Trước thực trạng nhiều phụ huynh chầu trực xuyên đêm để xin cho con vào học lớp 1 tại một trường tiểu học ở Bình Dương, cô giáo Phan Tuyết cho rằng các bậc phụ huynh cần thay đổi tư duy chọn trường cho con.

Ngoài ra, cô Phan Tuyết cũng cho rằng các ban ngành địa phương cần chú ý đến cơ sở vật chất trường học cũng như sĩ số mỗi lớp để đảm bảo chất lượng dạy và học.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mới đây, hàng trăm phụ huynh ở Bình Dương đã giăng màn, mắc võng trước cổng Trường Tiểu học Tuy An (phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) để xin cho con vào học lớp 1.

Được biết, chỉ tiêu nhà trường chỉ tuyển vào lớp 1 năm học này khoảng 340 học sinh nhưng có hàng ngàn phụ huynh muốn con được theo học nơi đây.

Bởi, đây là địa bàn tập trung nhiều nhà máy, công ty, xí nghiệp nên lượng công nhân gấp nhiều lần những địa phương khác.

Để con có một chỗ học, nhiều phụ huynh sẵn sàng ngủ gà ngủ gật, đợi suốt cả đêm. Có phụ huynh chia sẻ “không phải gia đình chọn trường, tôi có thể cho con học trường nào cũng được miễn là gần nhà”.

Có người phân trần “ngoài Trường Tiểu học Tuy An còn có Trường Tiểu học An Phú nhưng nơi này cách khá xa gia đình tôi nên rất khó khăn cho việc đưa và đón các con đi học”.

Cũng vì điều này, đã có nhà “tạm cho con nghỉ học một năm, chờ năm nay có cơ hội mới nhưng học sinh vẫn đông thế này chẳng biết sẽ làm sao”?

Con học trường tốt mới thành người tài giỏi, có đúng vậy không? ảnh 1
Hàng trăm phụ huynh chờ xuyên đêm để nộp hồ sơ cho con vào Trường Tiểu học Tuy An xuyên đêm để nộp hồ sơ cho con. (Ảnh: Zing.vn)

Được biết nhu cầu xin học cho con không chỉ mới xảy ra năm học này.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tuy An, tình trạng phụ huynh canh suốt đêm để xin học cho con đã diễn ra từ năm 2012 đến nay và mỗi năm lượng học sinh có nguyện vọng vào học ở trường ngày càng đông hơn.

Ngoài một số phụ huynh muốn con học gần nhà vẫn còn không ít phụ huynh lại có tâm lý chọn trường cho con. Vì điều này cũng dẫn đến tình trạng các lớp học quá tải vì sĩ số quá đông.

Không riêng gì Bình Dương, một số trường học ở nhiều địa phương trong cả nước cũng rơi vào tình trạng thiếu lớp học trầm trọng.

Một số địa phương khác như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh nhiều phụ huynh lại có tư tưởng chọn trường.

Điều này đã lý giải được vì sao, theo Dự thảo Điều lệ trường tiểu học quy định tối đa 35 học sinh/lớp nhưng một số trường tiểu học hiện nay có lớp học lên tới 50-60 học sinh/lớp.

Sĩ số đông khó khăn cho việc dạy và học

Con học trường tốt mới thành người tài giỏi, có đúng vậy không? ảnh 2

Bao giờ hết cảnh “chạy điểm, chạy giải thưởng”?

Với sĩ số được quy định trong Dự thảo Điều lệ trường tiểu học tối đa 35 học sinh/lớp vẫn đang được xem là quá đông để dạy học theo phương pháp mới.

Thì với sĩ số một lớp gấp đôi như thế sẽ ảnh hưởng rất lớn việc áp dụng phương pháp “lấy học sinh làm trung tâm” trong giảng dạy dẫn đến chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng trầm trọng.

Hiện nay, học sinh chủ yếu ngồi học theo nhóm, các em sẽ tự hoặc cùng trao đổi với bạn để tìm kiến thức trước khi có sự hỗ trợ của giáo viên.

Nếu lớp học có sĩ số học sinh vừa phải sẽ rất thuận lợi cho giáo viên quan sát và hỗ trợ các em trong học tập khi cần thiết.

Bên cạnh đó, do sĩ số học sinh ít nên việc thầy cô dành thời gian bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho học sinh giỏi cũng như kèm cặp một số em yếu cũng rất thuận lợi.

Ngược lại, với sĩ số học sinh vượt gần gấp đôi những lớp học bình thường, như thế sẽ rất khó khăn cho thầy cô quản lớp và hỗ trợ các em học tập.

Sĩ số đông giáo viên không thể quan tâm hết đến tất cả học sinh, đặc biệt là các em yếu. Nếu có cũng chỉ là hình thức, mang tính đối phó là nhiều.

Vì trong thực tế, thầy cô không đủ sức để quản một lượng học sinh quá đông như vậy.

Học sinh đang ở độ tuổi tiểu học, các em thường hiếu động, hành động theo bản năng là chính, số lượng học sinh một lớp quá đông như vậy chỉ giữ trật tự cũng là khó thì nói gì đến việc dạy và giáo dục các em.

Bởi thế, muốn thực hiện việc đổi mới giáo dục điều đầu tiên học sinh phải có đủ chỗ học, phải giảm áp lực về sĩ số học sinh trong từng lớp, phải xóa lùi ranh giới giữa các trường công lập với nhau để cùng nâng cao chất lượng dạy và học cho giáo viên và học sinh.

Con học trường tốt mới thành người tài giỏi, có đúng vậy không? ảnh 3

Tôi là cô giáo nhưng tôi đã phải đưa con ra khỏi trường điểm sau 3 năm học

Muốn đạt được điều này, trách nhiệm là của các ban ngành, của chính các bậc phụ huynh.

Đã đến lúc cũng cần phải đổi mới cách suy nghĩ “con học trường tốt mới giỏi được” để hạn chế việc chạy trường, chạy lớp cho các em.

Bất kể gia đình nào cứ đẩy trách nhiệm giáo dục con cái cho nhà trường thì dù con bạn có học ở ngôi trường nổi tiếng cũng chẳng thể có kết quả như mong muốn.

Trách nhiệm lớn thuộc về các ban ngành địa phương trong việc rà soát, dự đoán số lượng học sinh vào lớp trong những năm học tới.

Từ đó, có biện pháp đầu tư cơ sở vật chất phù hợp với từng địa phương, tránh tình trạng như Bình Dương và một số địa phương trong cả nước, bao nhiêu năm qua nhưng đến nay học sinh vẫn thiếu trường lớp.

Khi học sinh chưa đủ chỗ học, khi sĩ số các lớp học quá đông thì chúng ta khoan hãy nói đến việc đổi mới cách dạy và học nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy của cả thầy và trò.

Phan Tuyết