Cơn “thoi thóp” của Đại học ngoài công lập, lỗi không chỉ do cơ chế!

27/12/2016 06:50
Xuân Dương
(GDVN) - Việc “đại phẫu” hệ thống trường đại học như chủ trương Bộ Giáo dục & Đào tạo đã công bố là không thể trì hoãn.

Thời gian gần đây, nhiều hoạt động của Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam liên quan đến loại hình đào tạo ngoài công lập được đề cập. 

Ngày 14/12/2016, Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam gửi công văn tới các trường ngoài công lập, yêu cầu chuẩn nội dung để báo cáo Thủ tướng.

Và gần nhất là hội thảo “Thực trạng và các giải pháp cấp thiết để củng cố và phát triển các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập" tổ chức ngày 22/12/2016.

Bên cạnh Hiệp hội, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng có nhiều ý kiến về vấn đề này.

Hầu hết các hoạt động kể trên đã được báo Giáo dục Việt Nam đưa tin.

Hội thảo “Thực trạng và các giải pháp cấp thiết để củng cố và phát triển các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập". (Ảnh: Thùy Linh)
Hội thảo “Thực trạng và các giải pháp cấp thiết để củng cố và phát triển các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập". (Ảnh: Thùy Linh)

Đa số ý kiến các Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng một số trường ngoài công lập cho thấy ba vấn đề được quan tâm là:

Thứ nhất: cơ chế, chính sách, luật pháp của Nhà nước;
Thứ hai: phản ứng của xã hội với loại hình đào tạo ngoài công lập;
Thứ ba: tầm nhìn, uy tín và khả năng nội tại của các trường ngoài công lập.

Trong ba nhóm vấn đề trên, về cơ chế, chính sách, luật pháp đã có nhiều phân tích của các học giả, nhà quản lý và lãnh đạo các trường, có thể tóm tắt mấy điểm chính: 

1. Chưa bảo đảm sự bình đẳng giữa hai loại hình đào tạo: về chính sách thuế, chế độ hỗ trợ với sinh viên (học bổng), kinh phí nghiên cứu khoa học,…

Chưa nghiêm túc trong việc quản lý tuyển sinh tại các trường công lập, đặc biệt là các trường không do Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ quản.

2. Chính quyền can thiệp vào hoạt động của trường (có đại diện chính quyền địa phương trong Hội đồng quản trị).

3. Quy định chưa chặt chẽ, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tiêu chuẩn lãnh đạo (Hội đồng quản trị, Ban Giám hiệu) các trường ngoài công lập.

4. Chưa có quy định chuẩn hóa loại hình trường vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận. 

5. Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng chưa hợp lý, phát triển quá nhanh về số lượng trường công nhưng chất lượng đội ngũ giảng viên không theo kịp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại của các trường ngoài công lập…

Về quyền bình đẳng trong giáo dục - đào tạo, Thứ trường Bộ Giáo dục & Đào tạo Bùi Văn Ga khẳng định:

Bộ luôn xem các trường đại học công lập và ngoài công lập bình đẳng như nhau, không có sự phân biệt đối xử nào trong tất cả các cơ chế, chính sách”. [2]

Có thể thấy khẳng định của Thứ trưởng Bùi Văn Ga “không có sự phân biệt đối xử nào trong tất cả các cơ chế, chính sách” là không hoàn toàn chính xác.

Xin đơn cử một vài dẫn chứng:

Cơn “thoi thóp” của Đại học ngoài công lập, lỗi không chỉ do cơ chế! ảnh 2

Trường ngoài công lập và những vướng mắc về cơ chế sở hữu

Luật Giáo dục đại học lại quy định các trường ngoài công lập phải có đại diện chính quyền địa phương trong Hội đồng quản trị còn trường công lập thì không?

Vì sao khi trường ngoài công lập đặt vấn đề với Vụ Khoa học Bộ Giáo dục & Đào tạo xin kinh phí nghiên cứu khoa học lại nhận được câu trả lời “kinh phí của Bộ chỉ cấp cho các trường công lập”? 

Cuối năm 2015, Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT quy định:

Từ ngày 1/2/2016, cơ sở giáo dục đại học (ĐH) không được đào tạo cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC), trừ các trường ĐH thuộc khối ngành II (nghệ thuật) và các cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương không có cơ sở đào tạo CĐ, trung cấp khối ngành I".

Tìm trên trang web của một trường đại học công lập tại Hà Nội, cuối năm 2016 vẫn thấy công bố tuyển sinh đào tạo bốn loại hình: đại học, cao đẳng, trung cấp và cao đẳng/trung cấp nghề mặc dù trường này không thuộc khối ngành II? [3] 

Điều này cho thấy nếu Bộ Giáo dục & Đào tạo không ưu ái trường công thì liệu có phải chỉ là sự buông lỏng quản lý của các bộ phận chức năng thuộc cơ quan Bộ.

Ngân hàng Thế giới (WB) từng khuyến cáo Việt Nam nên thu hẹp hệ thống trường công 35% (thực hiện trong 7 năm, mỗi năm 5%).

Việc này nhằm hai mục đích: giảm bớt tỷ lệ cử nhân thất nghiệp đồng thời tạo thị trường (và qua đó là chất lượng) cho các đại học. 

Tuy nhiên, quy định “những cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh vượt từ 15% trở lên so với chỉ tiêu đã thông báo sẽ bị xử phạt, bị trừ chỉ tiêu tuyển sinh của năm sau” của Bộ Giáo dục & Đào tạo cho thấy thực sự Bộ đang ưu tiên các trường công lập.

Nói thế bởi xã hội vẫn không mặn mà với trường ngoài công lập, hầu như không có chuyện các trường ngoài công lập tuyển vượt quá chỉ tiêu, tuyển đủ chỉ tiêu đã là mơ ước cao xa lắm rồi.

Cơn “thoi thóp” của Đại học ngoài công lập, lỗi không chỉ do cơ chế! ảnh 3

200.000 cử nhân thất nghiệp, ai dám bảo lỗi của riêng ngành giáo dục?

Khi mấy trăm trường công lập đồng loạt tuyển vượt chỉ tiêu 14,9% thì không vi phạm, điều đó có nghĩa là phần dành cho trường ngoài công lập chỉ là phần dư mà trường công lập không “vét” hết.

Về phản ứng của xã hội, niềm tin của người dân vào loại hình đào tạo ngoài công lập, người viết đồng tình với phát biểu của GS. Hoàng Xuân Sính trong bài: “GS.Hoàng Xuân Sính: “Trường ngoài công lập chưa được xã hội vui vẻ thừa nhận”. [1]

Tuy nhiên điều này lại liên quan đến vấn đề thứ ba: “tầm nhìn, uy tín và khả năng nội tại của các trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) ngoài công lập”.

Từng nhiều năm làm việc tại một số trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, người viết cho rằng việc xã hội “chưa vui vẻ thừa nhận” vai trò của các trường ngoài công lập, một phần nguyên nhân chính là những yếu kém về chuyên môn và tâm đức của một số nhà đầu tư mà truyền thông nhiều lần phản ánh.

Ngoại trừ một số trường nghiêm túc trong các hoạt động học thuật và tài chính như Đại học Thăng Long, Đại học Bình Dương, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội,… số trường ngoài công lập dính tai tiếng không phải là ít.

Có thể kể tên hàng loạt trường như ĐH Hoa Sen, ĐH Hùng Vương, ĐH Chu Văn An, ĐH Công nghệ Đông Á (Bắc Ninh), ĐH Đông Á (Đà Nẵng), ĐH Lương Thế Vinh, ĐH Thành Tây, ĐH Đông Đô, ĐH Văn Hiến,…

Năm 2011 Bộ Giáo dục & Đào tạo tiến hành kiểm tra 24 trường, kết quả cho thấy đa số trường vi phạm cam kết, một số trường bị cảnh cáo hoặc đình chỉ tuyển sinh.

Những vấn đề nổi cộm liên quan đến số trường yếu kém là:

Thứ nhất: đấu đá giữa các nhà đầu tư, có biểu hiện lợi dụng chính sách, đầu cơ trục lợi;

Thứ hai: cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên vừa thiếu, vừa yếu, dẫn tới chất lượng đào tạo kém.

Thứ ba: đội ngũ quản lý một số trường ngoài công lập có biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Cơn “thoi thóp” của Đại học ngoài công lập, lỗi không chỉ do cơ chế! ảnh 4

Bộ trưởng lo lắng "Hữu sinh vô dưỡng" ở đại học ngoài công lập

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, được sự trợ giúp của lãnh đạo cao cấp, một trường đại học ngoài công lập được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao cho một khu đất tại khu vực phường Phương Mai ngày nay.

Đất đã giải phóng mặt bằng, đổ cát san nền và đóng một số cọc móng, yêu cầu của chính quyền là trường phải trả tiền san nền và kinh phí đóng cọc.

Thay vì nhận đất, lãnh đạo trường này đã mang số tiền đang có giao cho các thành viên gửi tiết kiệm, người viết cũng có tên trong một cuốn sổ tiết kiệm của trường.

Trong nhóm sáng lập, một nhà toán học tên tuổi khá nổi tiếng vận động tài trợ được 10.000 USD, điều kiện mà ông đưa ra là trường sẽ nhận được tiền nếu ông giữ một vị trí lãnh đạo.

Điều kiện của ông không được đáp ứng, nhà toán học này đã mang tiền đi tài trợ cho nơi khác.

Nêu một vài câu chuyện của quá khứ để thấy bất kể là nhà giáo, nhà khoa học, cựu quan chức hay doanh nhân, khi đầu tư xây dựng đại học ngoài công lập chẳng mấy khi họ tách rời vấn đề danh tiếng và lợi nhuận.

Chính vì thế đặt vấn đề đại học phi lợi nhuận vào thời điểm này có lẽ là chưa chín muồi.

Khi lãnh đạo trường ngoài công lập là cựu giáo chức, họ có cái tâm của nhà giáo, có kinh nghiệm giảng dạy nhưng lại thiếu kỹ năng quản lý, thiếu khả năng bươn chải trong cuộc chiến khốc liệt giành thị phần,…

Chính những phê phán về cơ chế, chính sách mà những người này nêu lên cho thấy, dù trở thành người kinh doanh trong giáo dục, họ vẫn ít nhiều mang trong mình tư tưởng bao cấp, trông chờ vào các chủ trương, chính sách của nhà nước.

Mặt khác, vì là nhà giáo nên ít khi họ dám quyết đoán, dám chịu trách nhiệm trước pháp luật dù việc làm không trái luật (nói theo ngôn ngữ thông thường là “lách luật”).

Vì là cựu giáo chức, tuổi tương đối cao nên tư tưởng an nhàn, được chút nào hay chút đó khiến không ít người ngại va chạm, ngại đấu tranh, đôi khi còn là cản trở những ý tưởng sáng tạo. 

Một vị giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo ưu tú tên là Đỗ Minh N… từng dạy tại ĐH Bách Khoa Hà Nội được mời làm Phó Hiệu trưởng một ĐH ngoài công lập.

Nhiệm vụ của ông trong hợp đồng ghi là “giúp Phó Hiệu trưởng phụ trách trường quản lý, điều hành các hoạt động của trường; trực tiếp ký các loại văn bằng, chứng chỉ của nhà trường; các giấy tờ, văn bản mang tính hàn lâm của trường…”.

Hiệu phó giúp việc cho Hiệu phó phụ trách có thể là bình thường, điều không bình thường là vì sao ông GS. lại được giao trực tiếp ký văn băng, chứng chỉ và các loại văn bản “mang tính hàn lâm” mà Hiệu phó phụ trách không làm?

Tìm hiểu thì được biết Thanh tra Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có kết luận vị “Hiệu phó phụ trách” đó dùng bằng tiến sĩ “dởm”.

Khi lãnh đạo ĐH ngoài công lập không phải là nhà giáo thì vấn đề tệ hại hơn nhiều. Hiệu trưởng ĐH Thành Tây từng được báo chí “vinh danh” như sau: “Hiệu trưởng Đại học Thành Tây phát ngôn chợ búa, đe dọa báo chí”. [4] 

Còn tại ĐH Chu Văn An, ngoài vị “Giáo sư giúp việc”, kết luận thanh tra của Bộ Giáo dục & Đào tạo do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký đã khẳng định cả hai hiệu phó đều mạo nhận văn bằng, nghĩa là không đủ tiêu chuẩn làm Hiệu phó.

Thế nhưng trang web trường này ngày 26/12/2016 vẫn nhập nhèm bằng cách giữ lại thông tin từ 28/8/2013 với đầy đủ học vị của hai người này?

Tại ĐH Hùng Vương, khi doanh nhân Đặng Thành Tâm giành quyền kiểm soát đã xảy ra “cuộc chiến con dấu”.

Hậu quả là năm 2012 ông Đặng Thành Tâm bị tạm đình chỉ chức vụ Chủ tịch HĐQT và ông Lê Văn Lý bị tạm đình chỉ chức hiệu trưởng. 

Sau khi giành lại quyền kiểm soát ĐH Hùng Vương, đầu năm 2016 ông Tâm đã “đuổi toàn bộ giảng viên ĐH Hùng Vương” (Vtc.vn - 8/3/2016).

Chấp nhận xã hội hóa giáo dục trong cơ chế thị trường không có nghĩa là chấp nhận kiểu làm ăn chụp giật, kiểu “buôn bán hợp pháp văn bằng” như ý kiến một chuyên gia đã nhận định. [5]

Việc “đại phẫu” hệ thống trường đại học như chủ trương Bộ Giáo dục & Đào tạo đã công bố là không thể trì hoãn, đặc biệt là số trường hiện đang “thoi thóp” nhưng vẫn không muốn giải thể hoặc sáp nhập.

Trước khi tìm nguyên nhân từ cơ chế, các trường ngoài công lập có nên tự xem lại chính mình?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/GSHoang-Xuan-Sinh-Truong-ngoai-cong-lap-chua-duoc-xa-hoi-vui-ve-thua-nhan-post173291.gd

[2] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bo-Giao-duc-khong-phan-biet-doi-xu-giua-truong-cong-va-truong-tu-post173363.gd

[3] http://hict.edu.vn/ban-giam-hieu/

[4] http://antt.vn/hieu-truong-dai-hoc-thanh-tay-phat-ngon-cho-bua-de-doa-bao-chi-0117209.html

[5] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Day-theo-kieu-ban-bang-thi-som-muon-cung-se-phai-dong-cua-post173383.gd

Xuân Dương