Con trẻ tựu trường rồi mà vẫn đầy ắp tâm tư

01/08/2018 06:34
THIÊN ẤN
(GDVN) - Ngày 1/8, nhiều trường học ở các địa phương sẽ tổ chức tập trung học sinh vào đầu cấp, lớp 1, lớp 6 và lớp 10.

LTS: Trước thềm năm học mới, thầy giáo Thiên Ấn gửi đến các bạn đọc của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam những tâm tư của học sinh, phụ huynh và giáo viên về giáo dục trong thời gian vừa qua.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ngày 1/8, nhiều trường học ở các địa phương sẽ tổ chức tập trung học sinh vào đầu cấp, lớp 1, lớp 6 và lớp 10. 

Hân, con gái của tôi năm nay vào lớp 6, đầu cấp Trung học cơ sở. Mấy ngày nay, cháu rất hào hứng, phấn khởi với ngày tựu trường, 1/8. 

Nón mũ, quần áo, giày dép mới mẹ đã chuẩn bị sẵn sàng cho con gái xúng xính, rộn ràng đến ngôi trường mới, bạn bè mới, thầy cô giáo mới sau 5 năm học tiểu học và 2 tháng nghỉ hè.

Có thể nói, năm học 2017-2018, đối với ngành giáo dục đã gặt hái được nhiều thành tích, kết quả đáng tự hào từ sự cố gắng, nỗ lực và tâm huyết của thầy - trò, trách nhiệm cao của các cấp quản lý giáo dục song cũng còn không ít những tồn tại, hạn chế, yếu kém, những vấn nạn như: lạm thu, thành tích, bạo lực học đường, dạy thêm học thêm tràn lan, chạy điểm, sửa điểm… gây nhức nhối và bức xúc dư luận xã hội cả nước. 

Trước thềm năm học mới vẫn đầy ắp những tâm tư. Ảnh mang tính minh hoạ: TTXVN
Trước thềm năm học mới vẫn đầy ắp những tâm tư. Ảnh mang tính minh hoạ: TTXVN

Trước thềm năm học mới, 2018-2019, tôi đã tiếp xúc và ghi nhận được nhiều ý kiến, tâm tư của các thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh - những chủ thể chính của quá trình giáo dục phổ thông. 

Bà Trần Thị Thùy Vy, 43 tuổi, một phụ huynh ở quận Tân Phú (Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ:

Tôi có 4 cháu, một cháu vừa tốt nghiệp trung học phổ thông, còn 3 cháu đương học tiểu học và trung học cơ sở, tôi và nhiều phụ huynh ở đây bức xúc nhất là những hành vi, biểu hiện giáo viên ở trường dùng “chiêu” hoặc chèn ép con em đi học thêm tối ngày. 

Nhiều giáo viên chỉ nghĩ đến thu nhập, tiền bạc cho mình mà không thấu hiểu, chia sẻ những áp lực, khó khăn của con trẻ, nỗi khổ sở của các bậc phụ huynh bây giờ".

Con trẻ tựu trường rồi mà vẫn đầy ắp tâm tư ảnh 2Cách nào khống chế hội phụ huynh tiếp tay cho lạm thu?

"Tôi không thể chịu đựng nổi và không thể chấp nhận được những cảnh tượng bạo hành dã man (phụ huynh bắt cô giáo quỳ; thầy, cô, bảo mẫu đánh, tát trò; học sinh đâm giáo viên, học sinh đánh nhau hội đồng…) từng xảy ra trong môi trường giáo dục trong năm học vừa qua. 

Thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh phải nghiêm túc nhìn nhận, soi xét lại chính mình. 

Là người lớn, được đào tạo trường lớp bài bản như thầy cô giáo và phụ huynh mà có những hành vi thô bạo, trái với đạo đức, ảnh hưởng xấu đến ngành giáo dục như thế thì nên từ bỏ nghề dạy học, thôi làm ban đại diện cha mẹ học sinh đi.

Hàng loạt sự vụ bị phát hiện và xử lý cùng biết bao nhiêu lời nhắc nhở, lời phân tích có tình có lý trên các phương tiện truyền thông về vấn nạn bạo lực học đường tất cả đối tượng, chủ thể cần “khắc cốt ghi tâm”, không bao giờ được tái phạm nữa, đặc biệt đội ngũ nhà giáo - chủ thể quan trọng nhất, quyết định nhất.”, bà Vy mong muốn. 

Thầy Võ Thiếu Anh, Phó Hiệu trưởng, Trường Trung học cơ sở Đắc Ma (Kon Tum) nhận xét:

Vấn nạn lạm thu các khoản đầu năm thường nóng lên ở các địa phương, khu vực có điều kiện kinh tế phát triển. 

Hiệu trưởng đã “lái” được ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện theo ý của mình. 

Còn ban đại diện cha mẹ học sinh có thể không hiểu biết, có thể cố tình làm ngơ, “tiếp tay” cho sai trái của nhà trường. 

Một số Hiệu trưởng lạm thu của phụ huynh ở đầu năm học 2017-2018 đã bị phụ huynh tố cáo, có trường hợp bị Công an khởi tố hình sự, bắt giam, buộc phải trả lại tiền cho phụ huynh. 

Tôi hy vọng tình trạng lạm thu ở đầu năm học mới này sẽ được chỉnh đốn, không còn “nóng” như những năm trước, vì nhiều phụ huynh đã mạnh dạn đấu tranh đến cùng, vì một số Hiệu trưởng sai phạm bị các cơ quan chức năng xử lý kiên quyết.” 

Con trẻ tựu trường rồi mà vẫn đầy ắp tâm tư ảnh 3Đổi mới hay chấn hưng giáo dục?

Còn căn bệnh thành tích của ngành giáo dục, theo tôi,  rất khó giải quyết dứt điểm trong một sớm một chiều, cần có thời gian và tính đồng bộ, quyết tâm cao của toàn ngành và cả phụ huynh học sinh nữa mới làm được. 

Từng bước loại dần những “bệnh”: khoe mẽ, háo danh, chuộng bằng cấp, áp đặt chỉ tiêu… ra khỏi nhà trường, ra khỏi đầu óc của phụ huynh

Báo chí cần khai thác, phê phán những “bệnh” đó hơn nữa để mọi người cùng tỉnh ngộ”, thầy Anh trăn trở. 

Em Đỗ Trọng Khánh, học sinh lớp 12 của Trường Trung học phổ thông Trần Quốc Tuấn (Quảng Ngãi) cho biết:

Đọc các thông tin liên quan đến vụ tiêu cực, gian lận sửa điểm thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 ở tỉnh Hà Giang, Sơn La khiến chúng em rất lo lắng, hoang mang.

Liệu nó có lặp lại ở kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2019 (tụi cháu sẽ thi) nữa hay không?

Cháu mong sao Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có biện pháp để khắc phục, điều chỉnh những bất cập, lỗ hổng ở các khâu của kỳ thi Quốc gia nhằm hạn chế tối đa chuyện tiêu cực, gian dối, đem đến sự công bằng, tin tưởng cho tất cả thí sinh dự thi.”

THIÊN ẤN