Công đoàn Giáo dục đề nghị không thi hành kỷ luật cô giáo buộc dây vào áo trẻ

01/12/2018 06:40
Đỗ Thơm
(GDVN) - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam sẽ có văn bản gửi Sở Giáo dục Nam Định, công đoàn ngành giáo dục tỉnh đề nghị xem xét kỹ lưỡng và chỉ nên rút kinh nghiệm.

Tối ngày 30/11, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Minh Đức – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, ông đã nắm được thông tin về vụ việc cô giáo buộc dây vào áo bé trai 4 tuổi ở trường mầm non B Trực Đại (Trực Ninh, Nam Định)

“Tôi cũng liên lạc với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định Cao Xuân Hùng. Theo tôi, việc xem xét kỷ luật cô giáo là không nên”, ông Đức nêu quan điểm.

Ông nhấn mạnh rằng: “Đúng là việc này không nên. Hai cô ứng xử như vậy chưa thật là chuẩn. Tuy nhiên theo tôi nên rút kinh nghiệm về mặt sư phạm chứ không nên thi hành kỷ luật cô giáo”.

Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức. Ảnh: moet.gov.vn
Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức. Ảnh: moet.gov.vn

Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng, mọi người nên chia sẻ với công việc của các cô giáo mầm non.

Ông phân tích, chăm sóc các cháu bình thường mà 2 cô giáo chăm sóc 30 - 40 cháu một lớp đã rất đủ áp lực rồi.  

Thứ hai là chúng ta đều biết, cháu bé bị khuyết tật, bị rối loạn phổ tự kỷ/chậm phát triển trí tuệ.

Tâm lý của cháu rất bất bình thường, bất cứ lúc nào cũng  có thể có hành động ảnh hưởng đến an toàn của chính cháu và cả những trẻ xung quanh.

“Theo tôi, các cô có hành động đó cũng chủ yếu là vì sự an toàn của các con ở lớp và của chính cháu bé này.

Nhìn hình ảnh báo chí đăng tải, chúng ta đều thấy cô buộc sợi dây vào áo chứ không vào người cháu để không gây bất cứ tổn thương nào với cơ thể bé”, ông Đức nói

Thêm vào đó, hai cô giáo có rất nhiều việc phải làm khi quản lý 40 cháu trong lớp.

Nếu phải đi làm công việc vệ sinh cho một, 2 cháu trong lớp mà để cậu bé tự do hoạt động có thể xảy ra nguy cơ rất cao với các cháu khác.

Đặc biệt, các cô là giáo viên mầm non thông thường nên các cô không được đào tạo để chăm sóc trẻ chuyên biệt.

“Bản thân chúng ta thử đặt ở trong hoàn cảnh của các cô cũng chưa biết làm cách gì khác để “vẹn” muôn đường được. Tôi cũng mong mọi người chia sẻ áp lực với các cô giáo”, ông Đức đặt tình huống.

Ông Đức cho rằng, bé được nhận vào trường, vào lớp cũng xuất phát từ sự cảm thông, chia sẻ tình thương với bé và gia đình. Bởi vì  họ hoàn toàn có thể từ chối để gia đình phải gửi con đến cơ sở giáo dục đặc biệt.

Nhưng hoàn cảnh gia đình nhà cháu bố mất sớm, mẹ có bệnh bỏ đi, cháu ở với bà, tôi nghĩ nhà trường cũng xuất phát từ tình thương mới nhận cháu vào. Nhưng tất cả lại không ngờ có cái rất khó như vậy.

Ông Đức nhấn mạnh thêm là qua câu chuyện cũng cho thấy ngay bản thân giáo viên tính phản biện, có ý kiến là hơi thấp.

“Lẽ ra trong trường hợp đó, các cô thấy mình được giao một việc quá khả năng thẩm quyền của mình phải có ý kiến lại với nhà trường để có biện pháp giải quyết.

Nhưng các cô cũng xuất phát từ chuyện cần việc làm…nên cũng cam chịu làm những việc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho bản thân mình và cả các cháu.

Tính phản biện giáo viên của chúng tôi là yếu", ông thừa nhận. Vì vậy, các nhà trường khi tiếp nhận học sinh phải xác định rõ để tìm biện pháp phù hợp. Tránh để xảy ra câu chuyện tương tự.

"Qua rất nhiều vụ việc đáng tiếc liên quan đến giáo viên vừa qua, ai nếu sai thì phải xử lý nhưng cách xử lý cần chính xác, xây dựng để bản thân người vi phạm và học sinh cùng thay đổi để tốt lên”, ông Đức nói thêm

Vị Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam khẳng định sẽ có văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định, công đoàn ngành giáo dục Nam Định phải xem xét kỹ lưỡng và chỉ nên rút kinh nghiệm với các cô.

Đỗ Thơm