Đã đến lúc phải sửa đổi Luật giáo dục

30/11/2016 08:11
Trần Trí Dũng
(GDVN) - Đây là góc nhìn của một nhà giáo, cho dù chưa phải là toàn diện, nhưng rất đáng quan tâm...

LTS: Đồng hành cùng đổi mới giáo dục nước nhà, thầy Trần Trí Dũng, đến từ Quảng Ninh đã đưa ra những lý do cần thay đổi Luật Giáo dục và hướng sửa đổi cho phù hợp.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Luật giáo dục của nước Cộng hòa Xã hội Việt Nam được ban hành lần đầu tiên năm 1998.

Trải qua hai lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2005 và 2009, đến nay Luật giáo dục đã bộc lộ những bất cập trước những chính sách của Đảng, những đổi thay trong đời sống giáo dục và một số nhu cầu bức thiết khác.

Vậy, vì sao lại cần thiết phải sửa đổi Luật giáo dục? Và cần sửa đổi, bổ sung theo hướng nào? Bài viết xin đề cập những định hướng đổi mới đó.

Thứ nhất, sự thay đổi và đổi mới trong chủ trương và chính sách của Đảng

Năm 2011 được xem là một bước khởi đầu mới trong giáo dục, khi mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI khai mạc vào mùa xuân.

Nói là một sự khởi đầu mới là vì chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục chính thức được Đảng ta khởi xướng tại Đại hội.

Tiếp bước lộ trình, ngày 4/11/2013, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tiến hành Hội nghị lần thứ 8 đã chính thức ban hành Nghị quyết số 29 với chủ điểm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. 

Tại Nghị quyết số 29, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đề cập tình hình và nguyên nhân của thực trạng nền giáo dục.

Trước những biến đổi thực tiễn của ngành giáo dục, Luật giáo dục cần được sửa đổi cho phù hợp. (Ảnh: Tuoitre.vn)
Trước những biến đổi thực tiễn của ngành giáo dục, Luật giáo dục cần được sửa đổi cho phù hợp. (Ảnh: Tuoitre.vn)

Từ đó, đề ra những quan điểm chỉ đạo, những mục tiêu tổng quát và cụ thể, những nhiệm vụ và giải pháp trọng yếu nhằm đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam.

Theo đó, mục tiêu mới tổng quát của nền giáo đục được xác định là "Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân.

Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. 

Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hoá, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. 

Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực
".

Và, những mục tiêu cụ thể mới đối với từng bậc học đã được Đảng xác định là:

1)  Đối với giáo dục mầm non, giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp 1.

Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và miễn học phí trước năm 2020.

Từng bước chuẩn hóa hệ thống các trường mầm non. Phát triển giáo dục mầm non dưới 5 tuổi có chất lượng phù hợp với điều kiện của từng địa phương và cơ sở giáo dục. 

2) Đối với giáo dục phổ thông, tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Đã đến lúc phải sửa đổi Luật giáo dục ảnh 2

Nhìn lại cuộc cải cách giáo dục của Pháp ở Việt Nam và bài học hôm nay

(GDVN) - Với cải cách giáo dục lần thứ nhất, nhà cầm quyền Pháp hy vọng trong một thời gian ngắn có thể đào tạo được một số công nhân kỹ thuật và viên chức giúp việc.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời. Hoàn thành việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn sau năm 2015.

Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.

Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020.

Phấn đấu đến năm 2020, có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương.

3) Đối với giáo dục nghề nghiệp, tập trung đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp.

Hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp với nhiều phương thức và trình độ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật công nghệ của thị trường lao động trong nước và quốc tế.

4) Đối với giáo dục đại học, tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học.

Hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia.

Trong đó, có một số trường và ngành đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế.
 
Đa dạng hóa các cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển công nghệ và các lĩnh vực, ngành nghề; yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

5) Đối với giáo dục thường xuyên, bảo đảm cơ hội cho mọi người, nhất là ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, các đối tượng chính sách được học tập nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và chất lượng cuộc sống; tạo điều kiện thuận lợi để người lao động chuyển đổi nghề; bảo đảm xóa mù chữ bền vững.

Hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên và các hình thức học tập, thực hành phong phú, linh hoạt, coi trọng tự học và giáo dục từ xa. 

6) Đối với việc dạy tiếng Việt và truyền bá văn hóa dân tộc cho người Việt Nam ở nước ngoài, có chương trình hỗ trợ tích cực việc giảng dạy tiếng Việt và truyền bá văn hóa dân tộc cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần phát huy sức mạnh của văn hóa Việt Nam, gắn bó với quê hương, đồng thời xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước. 

Như thế, đối với những mục tiêu mới này thì đã có sự thay đổi căn bản so với trước đây, đặc biệt là so với những mục tiêu cơ bản đã được quy định trong Luật giáo dục hiện hành.

Vì thế, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung những quy định này trong Luật giáo dục đề phù hợp với những chủ trương thể hiện những mục tiêu mới của Đảng.

Nếu không sẽ là một rào cản đối với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước nói chung và đối với việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nói riêng.

Mặt khác, đó cũng là một sự cụ thể hóa để Nghị quyết của Đảng được đi vào vào trong thực tiễn, góp phần thúc đầy giáo dục và xã hội phát triển. 

Thứ hai, sự chuyển giao và quản lý giáo dục

Vào ngày 9/11/2016, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành Lễ bàn giao chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, hệ thống 201 trường cao đẳng và 303 trường trung cấp chuyên nghiệp cũng như hệ trung cấp chuyên nghiệp đang được đào tạo tại 200 trường cao đẳng và 40 trường đại học sẽ được bàn giao về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý (trừ các trường sư phạm, các ngành đào tạo giáo viên). 

Trong công tác tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục xử lý dứt điểm những vấn đề liên quan đến tuyển sinh của các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp năm 2016.

Từ năm 2017, các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp sẽ tuyển sinh theo quy chế do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp. 

Đã đến lúc phải sửa đổi Luật giáo dục ảnh 3

Chính phủ quy định điều kiện thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Về hoạt động đào tạo, những sinh viên cao đẳng tuyển sinh từ khóa 2016 trở về trước được tiếp tục học chương trình cao đẳng hiện hành cho đến khi kết thúc khóa học, được cấp bằng cao đẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Những sinh viên tuyển sinh từ khóa 2017 trở đi học theo chương trình mới của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cấp bằng cao đẳng thuộc giáo dục nghề nghiệp. 

Theo đó, về việc đào tạo liên thông đối với học sinh, sinh viên thuộc giáo dục nghề nghiệp thì đối với các đối tượng tuyển sinh từ năm 2017 trở đi sẽ thực hiện theo quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, trừ giáo dục nghề nghiệp ngành sư phạm.

Cũng theo đó, toàn bộ các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và hệ đào tạo cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tại các cơ sở giáo dục đào tạo thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo trước đây sẽ chuyển về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.

Như thế, với động thái mới này, nội hàm và thành tố của nền giáo dục đã có sự thay đổi căn bản, đặc biệt là sự phân cấp quản lý và đào tạo giữa các Bộ đã có sự thay đổi.

Khi chuyển toàn bộ hệ thống giáo dục nghề nghiệp và đào tạo hệ cao đẳng cũng như việc quản lý các trường cao đẳng cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì quan điểm, mục tiêu và phương hướng giáo dục sẽ phải xác dịnh lại.

Vì thế, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục cho phù hợp với yêu cầu mới, với những thay đổi căn bản đó.   

Thứ ba, vấn đề dạy thêm học thêm

Trong suốt một thời gian dài vừa qua, tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan đã gây bức xúc trong xã hội, có những lúc được xem như một vấn nạn quốc gia và báo chí cũng đã tốn biết bao giấy mực về hiện tượng này. 

Vì thế, cần thiết phải đặt vần đề dạy thêm học thêm thành một vấn đề nghị sự của Quốc hội, để từ đó tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục với những quy định về dạy thêm học thêm. 

Bởi lẽ, trên thực tế vấn đề này mới chỉ được quy định trong một Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chưa đủ sức nặng để quản lý hoạt động này theo đúng quỹ đạo giáo dục cần thiết. 

Để từ đó đặt cơ sở hạn chế và đẩy lùi các hiện tượng dạy thêm học thêm tiêu cực tràn lan đang phổ biến trong xã hội hiện nay. 

Đã đến lúc phải sửa đổi Luật giáo dục ảnh 4

Đừng biến trường học thành “cái chợ bán chữ”!

(GDVN) - Nhân cách của một nhà giáo không thể bị đánh đổi bằng tiền, dù với bất cứ giá nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào!

Trên cơ sở đó, Chính phủ và các Bộ ngành có thể đưa ra những chế tài xử lý những vi phạm thích hợp trong hoạt động này.

Thứ tư, vấn đề lạm thu ở trường học

Thời gian qua, đặc biệt là mỗi khi vào đầu năm học, vấn đề lạm thu ở trường học đã trở nên hết sức bức xúc trong xã hội, đặc biệt đối với các bậc phụ huynh đang có con em là học sinh đang học ở các bậc học. 

Tình trạng lạm thu ở các trường học vào đầu năm học đã trở nên phổ biến gây khó khăn về kinh tế cho nhiều gia đình học sinh, làm mất đi hình ảnh cao đẹp của mái trường XHCN và hình ảnh người giáo viên nhân dân cũng đã bị suy giảm trong con mắt của nhân dân.

Vì thế, cần thiết Luật hóa vấn đề này với quy định mang tính nguyên tắc cụ thể và những chế tài xử lý thích hợp trong Luật giáo dục.

Do đó, cùng với việc đổi mới toàn diện Luật giáo dục, vấn đề thu chi ở các trường học cũng cần thiết bổ sung thêm về vấn đề này, có như thế mới đủ sức nặng nhằm ngăn chặn và đẩy lùi hiện tượng lạm thu ở các trường học, góp phần giữ lại những hình ảnh trong sáng, công bằng và minh bạch trong môi trường giáo dục. 

Cùng với các nhu cầu cần thiết phải thay đổi, trong nhịp điệu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, cần thiết đánh giá lại toàn bộ các vấn đề của nền giáo dục quốc dân.

Theo đó, rà soát lại các quy định để sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật giáo dục hiện hành cho phù hợp với nhu cầu đổi mới, trong tình hình mới và trong điều kiện hội nhập quốc tế, từ đó thúc đẩy đất nước phát triển toàn diện.

Trần Trí Dũng