Đại biểu Quốc hội ủng hộ quyền ứng cử chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng

24/08/2015 07:54
XUÂN QUANG
(GDVN) - Đây là nội dung mới nhất của Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội vừa được đưa ra bàn thảo…

Đại biểu Quốc hội có quyền ứng cử

Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội (hôm 18/8), Đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào các chức danh Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước…

Theo đó, dự thảo quy định, tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khoá, Quốc hội quyết định số Phó Chủ tịch Quốc hội, số Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Qua đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội khoá trước trình số lượng, sau đó Đại biểu Quốc hội thảo luận tại đoàn. 

Tại các kỳ họp sau kỳ họp thứ nhất, trong trường hợp cần thiết, Quốc hội quyết định số lượng các chức danh trên theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Ngoài danh sách do Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa trước đề nghị, Đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào các chức danh trên.

Công tác nhân sự sẽ được thông qua tại Quốc hội (ảnh: Báo Tiền Phong)
Công tác nhân sự sẽ được thông qua tại Quốc hội (ảnh: Báo Tiền Phong)

Về trình tự bầu Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu. Ngoài ra, Đại biểu Quốc hội cũng có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào chức danh Chủ tịch nước và có quyền rút khỏi danh sách người ứng cử.

Đối với trình tự bầu Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Chủ tịch nước sẽ trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu.

Ngoài danh sách do Chủ tịch nước đề nghị, Đại biểu Quốc hội cũng có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào các chức danh này. Người được giới thiệu ứng cử có quyền rút khỏi danh sách người ứng cử (Báo Tiền Phong hôm 19/9).

Cơ hội cho Đại biểu Quốc hội?

Hôm 23/8, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều Đại biểu Quốc hội nhận định việc mở rộng, cho phép Đại biểu Quốc hội tự ứng cử vào các chức danh nói trên là chủ trương ưu việt, cần thiết.

“Tôi nghĩ việc mở rộng quyền ứng cử, giới thiệu của Đại biểu Quốc thể hiện trong dự thảo lần này là điều tốt và cần thiết.

Đây có thể là cơ hội cho nhiều Đại biểu Quốc hội có trình độ, năng lực, tâm huyết, tham gia vào các vị trí lãnh đạo cao nhất. Do đó, đồng ý với dự thảo này”, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền, đoàn Lâm Đồng (ảnh: TTXVN).
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền, đoàn Lâm Đồng (ảnh: TTXVN).

Đại biểu Thuyền cũng lưu ý, việc bầu cử, ứng cử các chức danh nói trên liên quan chặt chẽ tới những quy định trong luật bầu cử.

“Theo quy định, những người được Bộ Chính trị giới thiệu thì Đại biểu Quốc hội không được giới thiệu nữa. Nếu dự thảo này được thông qua, cần phải sửa luật có liên quan tới công tác bầu cử…”, Đại biểu Thuyền lưu ý.

Đai biểu Nguyễn Bá Thuyền cũng đề nghị, đối với các chức danh được bầu nói chung, cần quy định rõ trách nhiệm cụ thể.

“Tôi đã từng nói, nếu quy định trách nhiệm của người đứng đầu thấp quá, hoặc họ không tự chịu trách nhiệm với những việc mình làm, thì không chỉ riêng tôi, mà ai cũng có thể làm được”.

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, việc giới thiệu, ứng cử các chức danh trên phải đảm bảo nguyên tắc tập chung dân chủ.

Do đó, việc thay đổi quy định liên quan đến công tác nhân sự là điều không dễ.

“Đây là điểm mới trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội. Nó thể hiện tính dân chủ trong công tác bầu cử. Tuy nhiên, công tác nhân sự cần đảm bảo nguyên tắc, tập chung dân chủ.

Mặt khác, theo nguyên tắc, Đảng lãnh đạo toàn diện, trong đó có công tác cán bộ. Đồng thời việc giới thiệu, ứng cử các chức danh đều phải theo quy định.

Do đó, việc thay đổi (nếu có) cũng cần bàn bạc, cân nhắc kỹ lưỡng”, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương lưu ý.

XUÂN QUANG