Đại biểu tiếp tục hỏi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về triết lý giáo dục Việt Nam

01/11/2018 14:49
Đỗ Thơm
(GDVN) - Một số ý kiến cho rằng, có những hạn chế kéo dài hàng chục năm trong giáo dục là do chúng ta chưa chính thức có một triết lý giáo dục.

Câu chuyện về triết lý giáo dục của Việt Nam là gì đã khiến nhiều đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn ngày 1/11 tại nghị trường Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái - đoàn Bạc Liêu gửi câu hỏi đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

"Theo Phó Thủ tướng, nước ta có cần chính thức có một triết lý về giáo dục hay không? Nếu có, thì khi nào chúng ta xúc tiến việc này và nếu không xin Phó Thủ tướng vui lòng cho biết tại sao?"

Đại biểu Nguyễn Huy Thái. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Huy Thái. Ảnh: Quochoi.vn

Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết:

"Về triết lý giáo dục, lần trước Quốc hội đã chất vấn và tôi đã báo cáo tóm tắt.

Đất nước chúng ta phát triển có triết lý, nền giáo dục của Việt Nam cũng có triết lý. Ở các nước trên thế giới cũng đều có triết lý của mình, nhưng một số nước đúc kết thành những câu rất ngắn gọn, dễ hiểu để nhấn trọng tâm.

Ví dụ, đất nước mình có rất nhiều câu như quốc hiệu của chúng ta, trước đây là "Việt Nam dân chủ cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc" thì bây giờ là "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, độc lập, tự do, hạnh phúc". Chúng ta cũng có thể nói đó như một triết lý.

Giáo dục thì chúng ta đã nói nhiều, ví dụ nói phát triển con người toàn diện: Đức, trí, thể, mỹ, cũng nói đầy đủ 4 trụ cột giáo dục UNESCO hay 4 mục tiêu học để biết, học để làm việc, học để chung sống, học để khẳng định mình và gần đây UNESCO đã bắt đầu đưa vào mục tiêu hay trụ cột thứ 5 là học để thay đổi mình và thay đổi thế giới theo hướng tốt đẹp hơn.

Tất cả những điều này nằm trong nghị quyết hay các văn bản có tính chất quy phạm pháp luật cũng đều đã thể hiện và tới đây khi sửa đổi Luật Giáo dục thì một trong những điều đầu tiên của Luật Giáo dục là có một điều về mục tiêu giáo dục.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Quochoi.vn

Chúng tôi đã chỉ đạo rất nhiều cuộc thảo luận để đưa vào một cách cô đọng nhất những vấn đề đặc trưng mục tiêu và cũng có tính triết lý của giáo dục Việt Nam.

Nhưng tôi khẳng định lại là giáo dục Việt Nam có triết lý của mình, chứ không thể nói là không có triết lý giáo dục”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói thêm là đại biểu nếu có quan tâm thì tham gia vào các buổi trao đổi mà Bộ Giáo dục và rất nhiều hiệp hội cũng đang thảo luận rất sôi nổi trong quá trình đóng góp của Luật Giáo dục.

Giờ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Huy Thái - Bạc Liêu nói thêm:

“Tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5 thì có một số vị đại biểu Quốc hội và trong đó có tôi, trong một số phiên thảo luận tại tổ và tại hội trường có nêu vấn đề về triết lý giáo dục.

Phó Thủ tướng cũng đã trả lời tại hội trường, bằng văn bản, chất vấn của tôi. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có trả lời bằng văn bản.

Nhưng điều tôi quan tâm, nếu như không chọn cho đất nước ta một triết lý về giáo dục thì chúng ta cũng nên nói chính thức đó là lý do tại sao chúng ta không chọn.

Còn nếu như khẳng định nước ta có một triết lý giáo dục theo tôi cần phải công bố một cách chính thức để triết lý này có một cơ sở pháp lý.

Triết lý về giáo dục của quốc gia phải được chính danh, phải có một danh phận”, đại biểu nói.

Theo đại biểu, đây phải là một câu ngắn gọn, là định hướng vận hành cho hệ thống giáo dục và mọi hoạt động liên quan đến giáo dục.

Đại biểu tiếp tục hỏi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về triết lý giáo dục Việt Nam ảnh 3Triết lý giáo dục "Tâm Trí Lực"

"Đã có những ý kiến cho rằng, sở dĩ lĩnh vực giáo dục đào tạo, bên cạnh những thành tựu rất đáng trân trọng và ghi nhận thì vẫn đang còn những lúng túng, bất cập và hạn chế.

Có những hạn chế kéo dài hàng chục năm. Những điều đó do chúng ta chưa chính thức có một triết lý giáo dục", đại biểu phát biểu.

Cũng liên quan về triết lý giáo dục của Việt Nam, đại Nguyễn Văn Hiển – đoàn Lâm Đồng cho biết, lần trước chính đại biểu là người chất vấn về vấn đề này và Phó Thủ tướng Chính phủ đã trả lời. Tuy nhiên, đại biểu thấy còn một vài vấn đề muốn trao đổi thêm.

“Tôi đồng tình với Phó Thủ tướng Chính phủ là triết lý giáo dục của chúng ta không phải là không có và nó được thể hiện trong mục tiêu giáo dục, nguyên lý và tính chất giáo dục.

Cũng như đại biểu Thái đã nêu triết lý giáo dục, từ mục tiêu đó phải đưa lên triết lý thì cần phải rút ra ở tầm triết học và làm sao nó vừa ngắn gọn, vừa dễ hiểu để cải cách giáo dục cũng phải đi đúng hướng theo triết lý giáo dục”, đại biểu nêu quan điểm.

Đỗ Thơm