Đại gia Xuân Trường xây chùa, núp bóng tâm linh sẽ hưởng lợi vô thời hạn?

03/03/2019 06:19
Tùng Dương
(GDVN) - Doanh nghiệp xây dựng các khu du lịch ở nơi có chùa, có yếu tố tâm linh đã sắp đặt rất khôn ngoan để moi bằng được tiền của du khách.

Chùa Bái Đính cổ rất nhỏ và bình yên nằm trên đỉnh núi, nơi đó có cả mộ của vua Đinh Bộ Lĩnh, vốn là nơi người dân tới vãn cảnh, bày tỏ lòng thành. Nhưng giờ đây, ngôi chùa Bái Đính mới do đại gia Xuân Trường xây dựng đã nằm chắn ngang ngay con đường dẫn lên núi có ngôi chùa cũ.

Vì vậy mà du khách muốn lên chùa cũ thì buộc phải đi vòng ra phía sau núi hoặc phải băng qua hết cả khu chùa mới.

Với cách bố trí xây dựng như vậy, phải chăng người ta đang gián tiếp làm lãng quên ngôi chùa cũ, hướng du khách vào sự hoành tráng ở ngôi chùa mới?

Những gì đang diễn ra ở khu vực chùa Bái Đính mới cho thấy doanh nghiệp đã can thiệp nhiều vào đời sống tâm linh bằng vô số dịch vụ, xu thế thương mại hoá đang tấn công rất mạnh vào các chùa chiền.

Chùa Bái Đính mới thu hút rất đông du khách thập phương. Ảnh: Tùng Dương.
Chùa Bái Đính mới thu hút rất đông du khách thập phương. Ảnh: Tùng Dương.

Doanh nghiệp muốn triển khai được dự án trước hết phải tranh thủ được sự ủng hộ của chính quyền địa phương. Thế nên đã có băn khoăn về việc địa phương bằng mọi cách cố “chạy” những văn bằng về di tích lịch sử, di tích quốc gia, rồi giao cho doanh nghiệp bỏ tiền xây dựng, tăng thêm quy mô diện tích của chùa, nhằm mục đích thu hút du khách.

Có một thực tế cần phải nói cho rõ là chùa Bái Đính mới do đại gia Xuân Trường xây dựng (dù gắn mác ngôi chùa lớn nhất) nhưng không phải là di tích lịch sử văn hoá.

Di tích lịch sử văn hóa thì phải có bề dày văn hóa, các tầng lớp văn hóa. Di tích ở nơi đây chính xác là chùa Bái Đính cũ nằm khiêm tốn phía xa trên núi bị chùa mới của doanh nghiệp che khuất.

Chùa Bái Đính mới cũng không được gọi là Di sản thiên nhiên thế giới. Những quảng cáo đã từng công bố chỉ là sự nhập nhèm câu từ, gây hiểu lầm cho du khách.

UNESCO công nhận cả khu thiên nhiên ở đây, cả cái quần thể danh thắng vùng này tổng hợp gồm các di sản văn hóa và thiên nhiên, du lịch rộng tới 12.252 ha trong đó có 20 xã và hơn 122.000 dân người chứ không phải là công nhận chùa Bái Đính mới.

Chùa Bái Đính mới do đại gia Xuân Trường xây dựng có vô số hòm công đức khắp nơi. Ảnh: Tùng Dương.
Chùa Bái Đính mới do đại gia Xuân Trường xây dựng có vô số hòm công đức khắp nơi. Ảnh: Tùng Dương.

Ngày 28/2/2019, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đi thực tế chùa Bái Đính mới và ghi nhận rất nhiều chi phí mà khách thập phương phải trả khi đến đây.

Thí dụ, gửi xe máy là 15 nghìn đồng/1 xe và ô tô từ 40 nghìn đồng/1 xe, tất cả các loại vé đều do doanh nghiệp Xuân Trường phát hành và không theo mẫu của Bộ Tài chính quy định.

Điểm gửi xe cách chùa tới gần 4km (cả đi và về gần 8km), khoảng cách khá xa khiến cho đa số du khách đành phải bấm bụng chi ra 60 nghìn đồng mua vé đi xe điện cho lượt lên và xuống.

Hiện nay, ở khu vực chùa Bái Đính có hơn 200 xe điện, mỗi xe trở được 12 khách, mặc dù vậy có những ngày cả vạn du khách đổ về đây thì đơn vị quản lý còn phải thuê thêm xe ngoài để đưa khách lên chùa.

Số lượng du khách lớn như vậy cũng có nghĩa là doanh nghiệp khai thác thu được những khoản lợi nhuận rất lớn.

Tại đây còn có bảo tháp 13 tầng với chiều cao 100m, là nơi trưng bày rất nhiều tượng phật, nhưng muốn vào đó du khách bắt buộc phải chi ra 50 nghìn đồng mua vé.

Vé lên bảo tháp của doanh nghiệp Xuân Trường nhưng lại đóng dấu có dòng chữ "Giáo hội phật giáo Việt Nam". Ảnh: Tùng Dương.

Vé lên bảo tháp của doanh nghiệp Xuân Trường nhưng lại đóng dấu có dòng chữ "Giáo hội phật giáo Việt Nam". Ảnh: Tùng Dương.

Nhiều du khách không muốn lên đỉnh tháp mà chỉ muốn vào vái tượng phật ở ngay tầng 1 nhưng nhân viên gác cửa tháp nhất định không cho vào, họ yêu cầu mua vé… Vậy lễ phật có giá 50 nghìn đồng?

Vé của doanh nghiệp Xuân Trường nhưng dấu đỏ đóng trên đó lại có dòng chữ "Giáo hội phật giáo Việt Nam". Vậy thực chất ai đang hưởng lợi từ những chiếc vé đó?

Theo ghi nhận của phóng viên, từ cổng Tam quan, hành lang tam quan nội, tượng di lặc, gác chuông, bảo tháp cho đến điện Tam Thế… có tổng cộng 41 hòm công đức, 39 bát đồng, 8 chum sành loại to cao 1m, chưa kể rất nhiều âu bằng đồng để rải rác ở các ban.

Ngoài ra còn rất nhiều đĩa, bát bằng đồng đặt dưới chân tượng và rải ở khắp nơi trong điện. Trong các bát, âu, chum nào cũng có nhiều tiền giọt dầu.

Người đi lễ còn thả cả tiền công đức vào 3 chiếc thống sứ to có đường kính trên 1m, thả cả vào 18 chiếc mõ và chuông trước ban thờ trong các điện, cứ người nọ đua theo người kia mà thả tiền.

Đại gia Xuân Trường xây chùa, núp bóng tâm linh sẽ hưởng lợi vô thời hạn? ảnh 4

Ma trận dịch vụ khi đến chùa Bái Đính, không có tiền đừng mong lễ Phật

Cho đến nay cũng chưa rõ tiền công đức, tiền giọt dầu mà người dân đã đưa vào đây trong nhiều năm qua được đơn vị nào quản lý, chi tiêu như thế nào?

Tại các điện trong chùa Bái Đính còn có đặt hàng nghìn viên ngói gốm có kích thước 10 x 20 cm, khách bỏ ra 50 nghìn đồng sẽ được viết tên mình lên đó và những viên ngói này theo như lời nhân viên ở đây nói sẽ được dùng để sau này sửa chữa mái chùa.

Toàn bộ chùa Bái Đính có 10 nghìn ô để tượng phật (kích thước 30 cm x 60 cm), nếu gia đình nào muốn công đức thì bỏ ra 10 triệu đồng sẽ được lưu tên vào ô đó.

Theo quan sát thì số lượng các ô đã kín đến 80% và doanh nghiệp đang tiếp tục xây thêm rất nhiều những ô như vậy trong chùa.

Cả chùa không thấy có gì là miễn phí, không hề có một bình nước uống nào phục vụ du khách, bi hài nhất là đi vệ sinh cũng phải trả phí 2 nghìn đồng.

Hàng vạn người dân đến đây lễ phật sẽ phải trả khá nhiều chi phí, nhưng đều vô tình núp dướng dạng tự nguyện công đức.

Có rất nhiều chiếc thố bằng đồng được đặt khắp nơi trong chùa Bái Đính mới. Ảnh: Tùng Dương.
Có rất nhiều chiếc thố bằng đồng được đặt khắp nơi trong chùa Bái Đính mới. Ảnh: Tùng Dương.

Tiến sĩ, Luật sư Hoàng Ngọc Giao – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển chia sẻ: “Việc triển khai các dự án kiểu như chùa Bái Đính đang có những vấn đề bất cập, việc thu chi tại những cơ sở này có nhiều vấn đề mập mờ và nhà nước cần có bộ khung quy định pháp luật cho những vấn đề này.

Thực tế cho thấy, có những lỗ hổng về mặt pháp lý kinh tế, lỗ hổng về mặt pháp lý liên quan đến văn hoá tâm linh đang tồn tại ở đây.

Đây thật sự là các dự án bởi nếu đó không phải là dự án thì không lẽ doanh nghiệp bỏ tiền ra hàng chục nghìn tỷ để xây dựng chùa là tiền từ thiện? Bỏ tiền ra làm rồi không được nhận lại cái gì cả, và toàn bộ ngôi chùa đó là mở cửa tự do cho công chúng để phát triển du lịch.

Đại gia Xuân Trường xây chùa, núp bóng tâm linh sẽ hưởng lợi vô thời hạn? ảnh 6

Những đại gia nào đang hưởng lợi từ dự án nửa du lịch, nửa tâm linh?

Thế nhưng ở đây lại ngược lại, doanh nghiệp Xuân Trường bỏ tiền ra làm đề án để phát triển những ngôi chùa như chùa Bái Đính với diện tích rất lớn, sau đó vận hành ngôi chùa đó để thu tiền”.

Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, trong trường hợp này doanh nghiệp đầu tư vào xây chùa cũng giống như đầu tư khách sạn.

Xây chùa xong thu tiền mà lại còn được nhận nhiều những ưu đãi khác về đất và không phải nộp thuế kinh doanh là rất bất thường.

"Người ta vin cớ vì nó là phát triển du lịch gắn với yếu tố tâm linh nên việc được giao đất, khai thác cả một khu di sản văn hóa thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, đây còn là tài nguyên quốc gia bao gồm: rừng, núi, cảnh quan… mãi mãi.

Đó chính là lỗ hổng rất lớn trong việc các dự án gắn thêm yếu tố tâm linh do các doanh nghiệp tư nhân bỏ tiền ra.Theo tôi, việc này phải minh bạch về nguồn thu chi chứ không thể để như hiện nay, không thể cứ vin vào tâm linh để được miễn thuế.

Các cơ quan thuế phải tính rõ những phần nào chịu thuế tâm linh và những phần như nhà hàng, khách sạn, sân gôn… trong khu vực đó phải chịu thuế như các doanh nghiệp khác”, ông Giao nói.

Mỗi viên ngói gốm như thế này tại chùa Bái Đính mới có giá 50 nghìn đồng. Ảnh: Tùng Dương.
Mỗi viên ngói gốm như thế này tại chùa Bái Đính mới có giá 50 nghìn đồng. Ảnh: Tùng Dương.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao chia sẻ: "Có một lần tôi đi chùa Bái Đính và có cảm giác rằng đây không phải một dự án BOT mà là “dự án BO”, vì ai vào cũng phải trả tiền cho doanh nghiệp, trong khi không gian và đất đai là tài sản của quốc gia.

Dự án BOT là dự án xây dựng, vận hành rồi chuyển giao, thế nhưng ở đây thì không có việc chuyển giao, tức là mãi mãi doanh nghiệp này cứ sống trên tài nguyên và không gian di sản của quốc gia, không ai có thể vào được.

Đã đến lúc phải có những hành lang pháp lý nhất định để kiểm soát việc này, những dự án BOT hiện nay đang còn tồn tại rất nhiều những vấn đề phức tạp gây nhức nhối trong dư luận nhưng ít nhiều người ta còn nhìn thấy thời hạn khai thác.

Ở chùa Bái Đính thì doanh nghiệp chẳng bao giờ trả lại, đó là dự án BO: xây dựng và vận hành thu tiền suốt đời. Bất công quá”.

Thông tin tham khảo:

https://ngaynay.vn/van-hoa/nhieu-du-an-chua-chang-khac-gi-bot-khong-thoi-han-140593.html

http://www.baogiaothong.vn/nhap-nhem-nhung-dai-du-an-dau-tu-tam-linh-d411996.html

Tùng Dương