Đại học Bách Khoa Hà Nội lý giải việc được xét tuyển đầu vào thạc sĩ

09/10/2016 08:05
Thùy Linh
(GDVN) - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được tuyển sinh thạc sĩ theo hướng nghiên cứu bằng hình thức xét tuyển nhưng thí sinh phải trải qua kỳ phỏng vấn.

LTS: Ngày 4/10/2016, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga ký văn bản số 4202/QĐ-BGDĐT quyết định phê duyệt Đề án “Thí điểm đổi mới tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội giai đoạn 2016-2021”. 

Theo đó, bắt đầu từ năm học 2016-2017, trường này được tuyển sinh thạc sĩ theo hướng nghiên cứu bằng hình thức xét tuyển thay vì thi tuyển.

Như vậy, Đại học Bách khoa Hà Nội là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu, thực hiện đổi mới mô hình đào tạo trên đại học. 

Để rõ hơn về hình thức tuyển sinh này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Đắc Trung- Viện trưởng Viện đào tạo sau Đại học (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội). 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Phóng viên: Thưa ông, theo quyết định phê duyệt của Bộ GD&ĐT bắt đầu từ năm học này, thay vì thi tuyển thì trường Đại học Bách Khoa Hà Nội được tổ chức xét tuyển thạc sĩ định hướng nghiên cứu, vì sao trường chọn hình thức tuyển sinh này?

PGS.TS. Nguyễn Đắc Trung: Rất nhiều năm qua, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội liên tục đổi mới liên tục đổi mới mô hình, chương trình đào tạo theo định  hướng hiện đại hoá, hội nhập khu vực và quốc tế với các mô hình đào tạo của các nước trên thế giới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các học viên. 

Bắt đầu từ năm 2009, chúng tôi thực hiện đề án “Đổi mới mô hình và chương trình đào tạo”, mô hình này có tính liên thông giữa bậc đại học và sau đại học với mong muốn nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu, gắn kết giữa đào tạo và thực tiễn. 

Đồng thời giúp người học dễ dàng lựa chọn mô hình, chương trình đào tạo phù hợp với công việc của mình. 

Trên cơ sở đề án này, Trường đã đề xuất mô hình đào tạo mới (4 năm cử nhân +1 năm kỹ sư +1 năm thạc sĩ), được Bộ giáo dục và Đào tạo đánh giá cao, đồng ý cho Nhà trường thực hiện thí điểm. 

PGS.TS. Nguyễn Đắc Trung- Viện trưởng Viện đào tạo sau Đại học (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) (Ảnh: Thùy Linh)
PGS.TS. Nguyễn Đắc Trung- Viện trưởng Viện đào tạo sau Đại học (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) (Ảnh: Thùy Linh)

Trong năm 2010, Trường đã tập trung xây dựng xong chương trình đào tạo mới đồng bộ với mô hình đào tạo 4+1+1. 

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã đổi mới mô hình đào tạo Thạc sĩ theo 2 định hướng: Nghiên cứu và ứng dụng. 

Đào tạo Thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn nghiên cứu công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu, tạo nguồn cho đào tạo nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. 

Đào tạo Thạc sĩ theo định hướng ứng dụng nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, nhu cầu của các tổ chức và doanh nghiệp. 

Hiện nay, mỗi năm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển sinh 1450 học viên thạc sĩ trong đó có 100 học viên theo định hướng nghiên cứu. Chúng tôi nhận thấy, nghiên cứu ở một trường đại học cực kỳ quan trọng, nếu chất lượng nghiên cứu tốt thì uy tín chất lượng của trường sẽ được nâng tầm. 

Chính vì vậy, trường chú trọng đào tạo thạc sĩ nghiên cứu gắn liền với chuyên môn, phòng thí nghiệm và gắn với định hướng nghiên cứu của thầy hướng dẫn đơn vị chuyên môn. 

Với mong muốn xây dựng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phát triển bền vững, trở thành một đại học nghiên cứu trọng điểm quốc gia về khoa học và công nghệ, tiếp cận chuẩn khu vực và quốc tế giai đoạn 2016-2021.
 
Hướng đến năm 2021, quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đạt tối thiểu 25% tổng số sinh viên trong trường, trong đó có ít nhất 30% học viên thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu nhằm gia tăng hướng nghiên cứu, đề tài nghiên cứu. 

Và trường phấn đấu đến năm 2021, có tối thiểu 17 ngành đào tạo thuộc lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ của trường được kiểm định chương trình theo chuẩn khu vực và quốc tế. 

Do vậy, trường đã quyết định làm đề án gửi Bộ GD&ĐT và đến nay đã được Bộ đồng ý nhưng tôi cũng muốn lưu ý rằng, việc tuyển sinh thạc sĩ theo định hướng ứng dụng vẫn theo hình thức thi tuyển. 

Thí sinh được đăng ký xét tuyển Thạc sĩ định hướng nghiên cứu cần đáp ứng yêu cầu nào, thưa ông?


PGS.TS. Nguyễn Đắc Trung
: Thí sinh đăng ký xét tuyển phải đáp ứng được các yêu cầu sau:

-Tốt nghiệp đại học đạt loại khá trở lên, thời gian tính từ lúc tốt nghiệp đại học đến lúc nộp hồ sơ xét tuyển bậc thạc sĩ không quá 3 năm.

- Đăng ký học bậc thạc sĩ đúng ngành với ngành học đại học, chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu.

Nếu thí sinh tốt nghiệp ở trường Đại học nước ngoài thì xét trường đó có nằm trong danh sách được Bộ công nhận hay không; Xét chương trình đào tạo có được kiểm định theo chuẩn quốc tế hay không; Trường Đại học đó và trường Đại học Bách khoa Hà Nội có văn bản công nhận chứng chỉ tương đương trong chương trình đào tạo.

So sánh chương trình đào tạo, các học phần trong bảng điểm của thí sinh với chương trình đào tạo chuẩn của trường Đại học Bách khoa Hà Nội để xét chương trình đào tạo và ngành đào tạo có thuộc diện đúng ngành hay không.

Ngành đào tạo đại học và ngành đào tạo thạc sĩ được xét tuyển theo định hướng nghiên cứu của Đại học Bách Khoa Hà Nội (Ảnh chụp màn hình)
Ngành đào tạo đại học và ngành đào tạo thạc sĩ được xét tuyển theo định hướng nghiên cứu của Đại học Bách Khoa Hà Nội (Ảnh chụp màn hình)

- Đáp ứng yêu cầu ngoại ngữ (có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế TOEIC, IELTS, TOEFL, chứng chỉ tương đương trình độ B1 hoặc các minh chứng được miễn ngoại ngữ theo Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT ngày 15/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo  về Ban hành Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ).

-Đối với thí sinh quốc tế đăng ký học chương trình thạc sĩ được dạy bằng tiếng Việt cần có chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Việt theo yêu cầu.

-Định hướng nghiên cứu: Bản đề xuất đề tài, định hướng nghiên cứu phù hợp với hướng nghiên cứu của đơn vị chuyên môn.

Chú ý: Ngành đúng được hiểu là các ngành cùng tên trong Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Chương trình đào tạo ở trình độ đại học khác nhau dưới 10% tổng số tiết học hoặc đơn vị học trình hoặc tín chỉ của khối kiến thức ngành.

Như vậy, quy trình xét tuyển thạc sĩ định hướng nghiên cứu sẽ diễn ra như thế nào, thưa ông?


PGS.TS. Nguyễn Đắc Trung: Quy trình xét tuyển thạc sĩ định hướng nghiên cứu bao gồm các bước sau:

Bước 1: Nhà trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu của từng ngành đào tạo dựa trên tiêu chí về đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy và hướng dẫn, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, số lượng nghiên cứu sinh. 

Bước 2: Xây dựng kế hoạch xét tuyển và trình Hiệu trưởng ra thông báo xét tuyển. 

Bước 3: Nhà trường thông báo rộng rãi đối tượng được xét tuyển và các yêu cầu đối với thí sinh, thông báo chi tiết yêu cầu về hồ sơ, các biểu mẫu liên quan và trang đăng ký tuyển sinh online trên trang Web của trường. 

Đại học Bách Khoa Hà Nội lý giải việc được xét tuyển đầu vào thạc sĩ ảnh 6

Trường Đại học đầu tiên đào tạo thạc sĩ mà không phải thi đầu vào

(GDVN) - Bắt đầu từ năm học 2016-2017, Đại học Bách khoa Hà Nội được tuyển sinh thạc sĩ theo hướng nghiên cứu bằng hình thức xét tuyển thay vì thi tuyển như hiện nay.

Bước 4: Thí sinh đăng ký xét tuyển online trên trang Web tuyển sinh sau đại học, hoàn tất các thông tin đăng ký cần thiết.

Bước 5: Thí sinh hoàn tất hồ sơ dự xét tuyển theo yêu cầu và nộp cho Viện Đào tạo Sau đại học.

Bước 6: Viện Đào tạo sau đại học phối hợp với Viện chuyên ngành thực hiện sơ tuyển hồ sơ, lập danh sách thí sinh đủ điều kiện tham gia xét tuyển. Thông báo danh sách thí sinh đủ điều kiện tham gia xét tuyển trên trang Web của Viện Đào tạo Sau đại học.

Bước 7: Viện chuyên ngành đề nghị Hiệu trưởng ra quyết định thành lập Hội đồng tuyển sinh sau đại học và đề xuất danh sách tiểu ban xét tuyển cho từng ngành.

Bước 8: Tiểu ban chuyên môn lập thang điểm đánh giá theo các tiêu chí xét tuyển đã qui định.

Bước 9: Các tiểu ban chuyên môn tổ chức xét tuyển theo đúng qui trình, đảm bảo công bằng, khách quan, minh bạch. 

Bước 10: Tiểu ban chuyên môn nộp kết quả xét tuyển của từng thí sinh, danh sách kết quả điểm xét tuyển xếp theo thứ tự từ trên xuống, biên bản họp xét tuyển cho Viện chuyên ngành tập hợp và gửi cho Hội đồng tuyển sinh.

Bước 11: Hội đồng tuyển sinh thẩm định các danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển trình Hiệu trưởng ra quyết định trúng tuyển. Danh sách thí sinh trúng tuyển được công bố trên trang Web của Viện Đào tạo Sau đại học.

Với hình thức tuyển sinh mới này, chương trình đào tạo vẫn giữ nguyên như hiện nay hay có thay đổi?

PGS.TS. Nguyễn Đắc Trung
: Chắc chắn với hình thức tuyển sinh này, chúng tôi phải xây dựng lại kết cấu chương trình đào tạo. Nhà trường đã khảo sát và nghiên cứu các chương trình đào tạo của các nước trên thế giới để có thể ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất vào giảng dạy một cách phù hợp. 

Vấn đề học phí trong năm học 2016-2017 sẽ vẫn được giữ nguyên như hiện nay. Khi có thay đổi, chúng tôi sẽ đăng tải trên trang website của trường. 

Lưu ý, trên cơ sở xét tuyển năng lực dựa trên các yêu cầu đã nêu thì thí sinh phải trải qua một kỳ phỏng vấn. Sở dĩ chúng tôi làm như vậy là để loại trừ tình trạng tiêu cực rằng có bằng tốt nghiệp đạt loại Khá, có chứng chỉ ngoại ngữ và có bản đề xuất đề tài nhưng năng lực chưa đảm bảo.

Trân trọng cảm ơn PGS.

Thùy Linh