Đại học Việt Nam 1987, Hội nghị Nha Trang và "bốn tiền đề"

13/09/2017 07:12
Giáo sư Lâm Quang Thiệp
(GDVN) - Hội nghị Nha Trang năm 1987 tổ chức sau Đại hội Đảng lần thứ VI là một bước ngoặt quan trọng của giáo dục đại học nước ta.

LTS: Đại hội Đảng lần thứ VI vào tháng 12 năm 1986 là một dấu mốc đổi mới đường lối phát triển kinh tế xã hội nước ta, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Theo đường lối đổi mới chung đó, hệ thống giáo dục đại học nước ta cũng đã triển khai những đổi mới căn bản.

Thập niên đầu tiên của quá trình đổi mới giáo dục đại học (1987-1997) là giai đoạn khởi đầu cơ bản và phức tạp nhất, vì đó là giai đoạn phải thay đổi nhiều khái niệm, triết lý và thể chế, chuyển từ hệ thống cũ sang hệ thống mới. 

Cho nên muốn hiểu sâu sắc các đổi mới trong giáo dục đại học cần bắt đầu tìm hiểu giai đoạn khởi đầu đó.

Nhân kỷ niệm 30 năm bắt đầu đổi mới giáo dục đại học, Giáo sư Lâm Quang Thiệp – Vụ trưởng Vụ Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) giai đoạn 1988 đến 1997 viết bài này gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam vừa để mô tả lại các chủ trương đổi mới quan trọng, vừa như hồi ức của một người trong cuộc.

Trong kỳ 1, Giáo sư Lâm Quang Thiệp nêu lên tình hình hệ thống giáo dục đại học trước thời kỳ đổi mới đồng thời chỉ ra cơ cấu hệ thống giáo dục và giáo dục đại học trong giai đoạn đầu đổi mới. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Hệ thống giáo dục đại học nước ta trước thời đổi mới  

Hệ thống giáo dục đại học của miền Bắc nước ta trong giai đoạn 1955-1975 được xây dựng theo mô hình Liên Xô. 

Từ ngày thống nhất đất nước đến trước thời đổi mới, giáo dục đại học miền Nam được xây dựng lại theo mô hình miền Bắc. 

Như vậy trong giai đoạn 1975 – 1986, giáo dục đại học cả nước ta được xây dựng theo cùng một mô hình Liên Xô. 

Do đó muốn hiểu hệ thống giáo dục đại học nước ta trong giai đoạn đó cần tìm hiểu mô hình giáo dục đại học Liên Xô.   

Hệ thống giáo dục đại học Liên Xô chịu ảnh hưởng của giáo dục đại học Pháp và Đức, đồng thời được định hình theo mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung.

Giáo sư Lâm Quang Thiệp nhìn lại hệ thống giáo dục đại học trước và sau đổi mới (Ảnh: Thùy Linh)
Giáo sư Lâm Quang Thiệp nhìn lại hệ thống giáo dục đại học trước và sau đổi mới (Ảnh: Thùy Linh)

Có thể nói hệ thống giáo dục đại học Liên Xô có các đặc điểm chính như sau:

1) Hệ thống trường đại học tách biệt với hệ thống các viện nghiên cứu khoa học mạnh, mà trên cùng của hệ thống nghiên cứu là Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô

2) Phần lớn các trường đại học là các trường đơn ngành hoặc đơn lĩnh vực, ngay các univerxitet (đại học tổng hợp) cũng chỉ bao gồm các ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, nhân văn, không bao gồm mọi lĩnh vực như các university của phương Tây.
   
3) Quy trình đào tạo đại học thường liền một mạch, 4 đến 6 năm, theo hướng chuyên ngành rất hẹp. Sau đại học là hai bậc tiến sĩ: canđiđat nauk và doctor nauk. 

Hệ thống giáo dục đại học nói trên của Liên Xô có lúc đã phát triển tốt, hệ thống viện nghiên cứu mạnh cũng đã có đóng góp quan trọng để phát triển kỹ thuật quân sự phục vụ cuộc kháng chiến chống phát xít.

Đặc biệt trong việc phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của thế giới năm 1957 và công cuộc nghiên cứu vũ trụ. 

Đại học Việt Nam 1987, Hội nghị Nha Trang và "bốn tiền đề" ảnh 2

Thủ tướng ra hiện trường, quyết tâm xây dựng đô thị đại học mang tầm cỡ quốc tế

Tuy nhiên, vào cuối thời kỳ tồn tại của Liên Xô, hệ thống giáo dục đại học đã bộc lộ nhiều nhược điểm, đặc biệt là nạn thất nghiệp của sinh viên được đào tạo theo diện hẹp khi các lĩnh vực kinh tế quốc doanh và biên chế nhà nước không còn nhu cầu nhân lực. 

Sau khi Liên Xô tan rã, Liên bang Nga đã cải cách hệ thống giáo dục đại học của mình, chuyển đổi phần lớn các trường đại học sang mô hình đa lĩnh vực, thay đổi quy trình đào tạo liền một mạch và chuyên môn hẹp thành quy trình đa giai đoạn, theo diện rộng ở giai đoạn đại học, mọi đổi mới đều nhằm làm cho hệ thống giáo dục đại học đáp ứng tốt kinh thế thị trường. 

Chính đi theo các hướng như vậy nên Liên bang Nga đã gia nhập quy trình Bologna đổi mới giáo dục đại học của EU, nhằm xây dựng một hệ thống giáo dục đại học tương đồng với Hoa Kỳ. 

Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam trước thời đổi mới hoàn toàn giống như mô hình Liên Xô đã mô tả trên đây. 

Hội nghị Nha Trang và “bốn tiền đề”


Khi nói đến đổi mới giáo dục đại học nước ta, những người có tham gia thời kỳ đầu của quá trình này thường nhớ đến 2 sự kiện: 

Một là, Hội nghị Hiệu trưởng Đại học tại Nha Trang năm 1987. 

Hai là, “4 tiền đề đổi mới giáo dục đại học”. 

Phải nói rằng, Hội nghị Nha Trang năm 1987 tổ chức sau Đại hội Đảng lần thứ VI là một bước ngoặt quan trọng của giáo dục đại học nước ta. 

Vì đó là nơi đề xuất những chủ trương lớn đầu tiên để đổi mới giáo dục đại học còn “4 tiền đề” là những nguyên tắc lớn về chủ trương đổi mới giáo dục đại học, có tác dụng vạch phương hướng cho quá trình đổi mới trong giai đoạn đầu.

Đại học Việt Nam 1987, Hội nghị Nha Trang và "bốn tiền đề" ảnh 3

Bộ sẽ đưa xếp hạng vào Luật Giáo dục đại học sửa đổi

Xin trích dẫn lại ở đây nguyên văn 4 tiền đề đó, đã được đăng trong cuốn “50 năm phát triển sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo – 1945-1995” (NXB Giáo dục, 1995, trang 236):

“1) Giáo dục đại học không chỉ đáp ứng nhu cầu của biên chế Nhà nước và kinh tế quốc doanh, mà còn phải đáp ứng nhu cầu của các thành phần kinh tế khác và đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân;

2) Giáo dục đại học không chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước mà còn dựa vào các nguồn lực khác có thể huy động được: sự đóng góp của các cơ sở sản xuất kinh doanh, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, của cộng đồng, của người học (học phí);

Nguồn vốn do các hoạt động của trường về nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất, dịch vụ làm ra; nguồn vốn do các quan hệ quốc tế mang lại;

3) Giáo dục đại học không chỉ theo chỉ tiêu kế hoạch tập trung như một bộ phận của kế hoạch nhà nước, mà còn phải làm kế hoạch theo những đơn đặt hàng, những xu thế dự báo, những nhu cầu học tập từ nhiều phía trong xã hội;

4) Giáo dục đại học không nhất thiết phải gắn chặt với việc phân phối công tác cho người tốt nghiệp theo cơ chế hành chính bao cấp; người tốt nghiệp có trách nhiệm tự tìm việc làm, tự tạo việc làm trong mọi thành phần kinh tế; 

Những nơi sử dụng lao động được đào tạo sẽ tuyển dụng theo cơ chế chọn lọc, nhà trường giúp họ nâng cao trình độ, tiếp tục bồi dưỡng để thích nghi với những yêu cầu cơ động về ngành nghề trong thực tiễn”.

Ngày nay, khi đọc lại những dòng này chúng ta có thể thấy Hội nghị Hiệu trưởng tại Nha Trang lúc đó đã vận dụng tư tưởng của Đại hội Đảng lần thứ VI vào giáo dục đại học như thế nào.

Cơ cấu hệ thống giáo dục và giáo dục đại học

Một văn bản quan trọng ra đời vào tháng 11/1993 là Nghị định 90/CP mô tả cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.

Chính Nghị định 90/CP đã ghi nhận lại những thành quả của chủ trương đổi mới về hệ thống giáo dục từ năm 1987.

Những nét chính của Nghị định 90/CP là cơ sở để xác định cơ cấu hệ thống trình độ giáo dục – đào tạo của các Luật Giáo dục 1998, 2005 và sau này.  

Về giáo dục đại học, Nghị định 90/CP có các quy định quan trọng sau đây:

- Ở bậc giáo dục đại học có: cấp cao đẳng (3 năm), cấp đại học, (4-6 năm), cấp thạc sĩ và cấp tiến sĩ.

- Cấp đại học được đào tạo theo 2 giai đoạn, hoàn thành giai đoạn 1 được cấp chứng chỉ Giáo dục đại cương.

- Chỉ có một cấp tiến sĩ.  

Có thể lưu ý các ý tưởng sau đây từ hệ thống giáo dục đại học theo Nghị định 90/CP: 

Một là, hệ thống giáo dục đại học mới thay thế hệ thống đào tạo liền một mạch theo mô hình Liên Xô trước đây, có cấp đại học và sau đại học (bao gồm thạc sĩ và tiến sĩ), hội nhập với hệ thống giáo dục đại học của khu vực, cũng là mô hình giáo dục đại học của Hoa Kỳ.

Hai là, bậc đại học chia thành hai giai đoạn, nhằm tổ chức đào tạo tốt phần giáo dục đại cương của giai đoạn 1, là phần kiến  thức  rất quan trọng của chương trình đại học, và tạo điều kiện cho việc liên thông trong hệ thống nhà trường bậc đại học sẽ được nêu dưới đây. 

Ba là, chỉ giữ một cấp tiến sĩ tương đương với kanđiđat nauk của Liên Xô hoặc Ph.D. của Hoa Kỳ, vì việc các nhà khoa học theo đuổi bằng tiến sĩ quá cao với chuyên môn rất hẹp là một lãng phí chất xám, để họ đi vào nghiên cứu và hoạt động thực tiễn sẽ có lợi hơn cho đất nước. 

Vào năm 1996 Chính phủ ra quyết định chính thức thay chế độ hai học vị phó tiến sĩ và tiến sĩ thành chế độ một học vị tiến sĩ (tương đương với phó tiến sĩ trước đó, không còn cấp tiến sĩ cũ, vì vậy bằng phó tiến sĩ được gọi là bằng tiến sĩ). 

Việc chính thức quy định chế độ một học vị tiến sĩ là một thành công của việc đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục đại học nước ta. 

Thật vậy, ở Liên Xô cũng đã có nhiều cuộc thảo luận và đa số đồng thuận theo hướng bỏ bậc doctor nauk, nhưng không thể thông qua ý tưởng đó ở các hội đồng quốc gia bao gồm toàn doctor nauk! 

Kỳ 2, tác giả tiếp tục phân tích cụ thể về đặc điểm của hệ thống giáo dục đại học giai đoạn này. 

Giáo sư Lâm Quang Thiệp