Hội thảo “Dịch vụ giáo dục có thu phí trong hệ thống trường công”

02/08/2018 14:32
Thùy Linh
(GDVN) - 14 giờ ngày 02/8/2018, tại Hà Nội, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bắt đầu tổ chức hội thảo “Dịch vụ giáo dục có thu phí trong hệ thống trường công”.

Hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo đến từ các cơ quan của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thành phố Hà Nội, đại diện các nhà trường nhằm tìm kiếm các giải pháp kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý các dịch vụ giáo dục có thu phí trong các trường công lập.

Mở đầu hội thảo, ông Đào Ngọc Tước – Phó Tổng biên tập Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cho hay: 

Trường công, hệ thống giáo dục công lập là trường do nhà nước thành lập và quản lý để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm phúc lợi trong lĩnh vực giáo dục, phổ cập giáo dục, cung cấp dịch vụ giáo dục cơ bản, miễn phí hoặc chi phí thấp cho con em nhân dân. 

Còn trường tư thục là trường do tư nhân thành lập và quản lý theo quy định của pháp luật Nhà nước, nhằm cung cấp các dịch vụ giáo dục đa dạng nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của nhân dân, hoạt động trên nguyên tắc tự chủ tài chính và thỏa thuận với cha mẹ học sinh.

“Như vậy, có thể thấy ngắn gọn rằng trường công hoạt động bằng kinh phí do chính phủ cấp, từ học phí và các khoản thu phù hợp khác”, ông Tước nhấn mạnh. 

Phó Tổng biên tập Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin thêm, nhiều nước trên thế giới, giáo dục công lập là miễn phí.

Do đó, đương nhiên các trường công lập phải thực hiện nhiệm vụ của mình làm sao đảm bảo được mọi công dân đều có quyền học tập, được học tập. Đây là nhiệm vụ chính trị trung tâm của các cơ sở giáo dục công lập.

Đang diễn ra hội thảo “Dịch vụ giáo dục có thu phí trong hệ thống trường công” do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức (Ảnh: Lại Cường)
Đang diễn ra hội thảo “Dịch vụ giáo dục có thu phí trong hệ thống trường công” do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức (Ảnh: Lại Cường)

Tuy nhiên, ở nước ta, trong giai đoạn phát triển hiện tại, mới chỉ phổ cập giáo dục đến Trung học cơ sở, tức là nhà nước đang bao cấp một phần, thể hiện chính trên việc không thu học phí đối với các bậc học này.

Thực tế tại các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, sĩ số các trường công lập nội đô quá tải trong nhiều năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học.

Bộ máy biên chế giáo dục công lập ngày càng phình to, tăng thêm gánh nặng ngân sách nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.

Trước thực tế đó, Đảng và Nhà nước đã chủ trương thực hiện xã hội hóa để phát triển giáo dục, để người dân và doanh nghiệp cùng chung tay làm giáo dục, giảm áp lực sĩ số cho trường công lập, giảm biên chế và gánh nặng ngân sách, tăng chất lượng giáo dục do có sự cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục.

Hội thảo “Dịch vụ giáo dục có thu phí trong hệ thống trường công” ảnh 2Con em lao động di cư học ở đâu, ai lo?

Các trường tư thục hình thành và hoạt động không bằng ngân sách, hoàn toàn phải tự chủ về mặt tài chính, nhân sự, quản trị, tuyển sinh, phải tự lo mọi mặt để duy trì hoạt động, tất nhiên chịu sự kiểm soát về chuyên môn của các cơ quan quản lý.

Các dịch vụ giáo dục có thu phí ra đời từ các trường tư thục, không chỉ đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh và xã hội, mà còn tạo nên sự khác biệt với các trường công lập, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh để nâng cao mặt bằng chất lượng giáo dục nói chung. 

Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, các trường tư thục/quốc tế đã đưa ra nhiều chương trình, dịch vụ giáo dục chất lượng cao đa dạng, hiệu quả để phục vụ và đáp ứng nhu cầu này.

Tuy nhiên, những năm gần đây xuất hiện xu hướng đưa dịch vụ giáo dục có thu phí (liên kết ngoại ngữ, song bằng, dạy kỹ năng, mở trường lớp chất lượng cao học phí cao) vào nhà trường công lập vốn mang sứ mệnh phổ cập và cung cấp dịch vụ giáo dục công.

Hiện tượng này đặt ra nhiều câu hỏi về quản lý tài chính từ các dịch vụ giáo dục có thu phí đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị trung tâm là phổ cập giáo dục của trường công, tạo nên những cuộc chạy đua vào các trường công lập được gắn mác chất lượng cao, làm trầm trọng thêm tình trạng quá tải sĩ số trường công ở nội đô.

Hơn nữa, Quốc hội đang tiến hành sửa Luật Giáo dục, trong đó có bổ sung 1 chương mới về hợp tác quốc tế trong giáo dục và 1 chương mới về kiểm định chất lượng giáo dục. 

Để tham gia góp ý, đồng hành cùng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng luật, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo “Dịch vụ Giáo dục có thu phí trong hệ thống trường công”.

Tính đến trước ngày tổ chức hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được 20 bài phát biểu, tham luận, đóng góp ý kiến...và trong khuôn khổ Hội thảo này, chúng tôi đã mời đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các diễn giả, các nhà giáo, nhà khoa học trực tiếp trình bày, nêu quan điểm của mình.


Thùy Linh