Đầu năm nói chuyện “thầy già”

24/02/2016 07:55
Nguyễn Cao
(GDVN) - Ai rồi cũng sẽ già theo tháng năm nhưng cái già phải đồng nghĩa với sự gương mẫu, sự khát khao cống hiến mới được mọi người tôn kính, cảm phục.

LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của tác giả Nguyễn Cao mạnh dạn chỉ ra những hạn chế ở một bộ phận không nhỏ thầy cô giáo đã nhiều tuổi và không còn động lực phấn đấu, giữ suy nghĩ thời xưa, lạc hậu đã gây ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục ra sao?

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Người xưa  có câu: “Thầy già, con hát trẻ" với hàm ý chỉ người làm “thầy” khi đã kinh qua giảng dạy nhiều năm sẽ đúc kết được nhiều kinh nghiệm cả trong tri thức và trong vốn sống thì ắt sẽ dạy tốt hơn thầy trẻ. Còn “con hát trẻ” thì thường đẹp và hát hay dễ lôi cuốn được người nghe, người xem. 

Trong phạm vi bài viết này, tôi mạn phép bàn về một bộ phận “thầy già” hiện nay không còn nhiều động lực phấn đấu ở các đơn vị trường học.
Đã là con người thì không ai không trải qua quy luật: “sinh, lão, bệnh tử”.

Theo Kinh A Hàm, khi đản sanh, Đức Phật đã nói một bài kệ bốn câu như sau: “Thiên thượng thiên hạ/ Duy ngã độc tôn /Nhất thiết thế gian /Sinh lão bệnh tử”. 

Đầu năm nói chuyện “thầy già” ảnh 1
Đầu năm nói chuyện “thầy già” (Ảnh: kinhtedothi.vn)

Mấy câu kệ có nghĩa là: “Trên trời dưới đất /Chỉ ta tôn nhất /Tất cả thế gian /Sanh, già, bệnh, chết”. Từ nội dung bài kệ trên cho chúng ta thấy rằng con người ai rồi cũng sẽ già đi theo năm tháng.

Khi người ta già đi cũng có người khát khao được cống hiến cho gia đình, xã hội những tháng năm còn lại với những gì tinh túy nhất mà mình tích lũy được trong quãng đường gần cả cuộc đời. 

Nhưng, cũng có những người đã bằng lòng với thực tại, họ đã bằng lòng với hiện tại, đã có tư tưởng “hưởng thụ” và không còn động lực phấn đấu, cống hiến nữa.

Đối với ngành giáo dục thì trong thời kì hội nhập, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay đòi hỏi con người không ngừng khám phá, tiếp cận cái mới, cái hiện đại để truyền đạt cho học sinh. 

Tuy nhiên, do lịch sử để lại, do tuổi tác mà nhiều thầy cô lớn tuổi ở một số đơn vị trường học không thể tiếp cận được. Trình độ ngoại ngữ, trình độ tin học gần như là con số 0 tròn trĩnh. 

Đầu năm nói chuyện “thầy già” ảnh 2

Vì sao Bộ GD&ĐT lại khống chế lượng danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở?

(GDVN) - Trong Thông tư 35 của Bộ GD&ĐT có khống chế 1/3 cán bộ quản lý được xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Con số này nói lên điều gì?

Khi đưa công nghệ thông tin vào giảng dạy thì nhiều thầy cô lớn tuổi không thể tiếp cận được. Soạn giáo án không biết, giảng dạy trên lớp lại càng không. 

Thế kỉ XXI mà nhiều thầy cô vẫn trung thành với phương pháp “đọc chép” như cách đây mấy chục năm.

Thời công nghệ số nên bây giờ cũng không còn ai ngồi soạn giáo án viết tay nữa nên họ nhờ con cháu, hoặc đồng nghiệp lên mạng tải giáo án của người khác về làm giáo án của mình. 

Tuy nhiên, khi giảng dạy bằng giáo án của người khác nhưng không được chỉnh sửa cho đúng nội dung, phù hợp với với chuẩn kiến thức kĩ năng với những điều chỉnh nội dung kiến thức hàng năm, cùng với những yêu cầu của mỗi địa phương mỗi khác nên giáo án theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” hiện nay khá phổ biến.

Khi đổi mới giáo dục thì một trong những yêu cầu là đưa công nghệ vào giảng dạy, chính vì vậy mà các đơn vị yêu cầu mỗi giáo viên phải giảng dạy tối thiểu mỗi năm bao nhiêu tiết công nghệ thông tin. 

Nếu không áp dụng thì khi xếp loại tay nghề, khi đánh giá giáo viên cuối năm, xét thi đua không được xếp loại cao nên các thầy cô lớn tuổi cũng phải miễn cưỡng thực hiện. 

Nhưng, giáo án không biết soạn, thậm chí mở máy, tắt máy không biết. Chỉ còn cách nhờ giáo viên khác trong tổ soạn bài hoặc tải trên mạng Internet về rồi chỉnh sửa để dạy.

Đến khi dạy chỉ mỗi một thao tác là Enter trên máy tính là xong. Chỉ cần một sai sót, hay trục trặc nhỏ là phải chạy đi nhờ người khác!

Ngoài giáo án điện tử thì các trường học hiện nay cũng đã và đang thực hiện sổ điểm và sổ liên lạc điện tử. Khi sử dụng những phần mềm này thì bắt buộc giáo viên phải biết cài đặt và nhập điểm, lời phê, in ấn các phiếu điểm, phiếu liên lạc cho các em học sinh. 

Đối với giáo viên trẻ thì cái này không khó và còn tiện dụng trong công tác nhưng đối với giáo viên lớn tuổi thì là vấn đề nan giải. Họ không tiếp cận được nên lại phải nhờ giáo viên trẻ làm tất tần tật…

Hiện nay, ở các trường học thì Ban giám hiệu thường bố trí những Tổ trưởng chuyên môn đa số là người trẻ. Họ nhanh nhạy, dám làm, dám đổi mới để nâng cao chất lượng trường học. 

Tuy nhiên, nếu gặp vài giáo viên trong tổ mà lớn tuổi thì hay vấp phải sự phản đối kịch liệt. Nhiều thầy cô lớn tuổi vẫn cứ bám mãi vào những ánh hào quang của quá khứ thời xa lắc, xa lư để tự hào về mình. 

Nhiều người rất bảo thủ với các phương pháp giảng dạy của mình nên khi góp ý đều phản bác. Khi kiểm tra giáo án, các đề kiểm tra thì toàn là xin hoặc lấy từ trên mạng xuống nên không tránh khỏi sai sót. 

Đầu năm nói chuyện “thầy già” ảnh 3

Cho con đi học, chúng tôi đóng góp, mua đồ đủ cả, nhưng chúng tôi được gì?

(GDVN) - Cho con đi học, chúng tôi đều đóng góp đầy đủ các khoản, sách vở đồ dùng học tập mua theo đúng yêu cầu của nhà trường. Nhưng đổi lại, con chúng tôi được gì?

Những đề thi, kiểm tra bây giờ với ma trận mới, phương pháp ra đề mới nhưng vì nhiều thầy cô cứ lấy lại những đề kiểm tra cũ hay lấy từ các trang mạng nên gần như sai hoàn toàn với yêu cầu mới.

Trong phân công công việc giảng dạy thì Ban giám hiệu thường phân công cho các giáo viên lớn tuổi ít tiết hơn, mà phân công nhiều thì các vị này cũng xin bởi kham không nổi. 

Trong công tác thì các phong trào của trường, của ngành thì có bài ca “chúng tôi già rồi để các em trẻ phấn đấu”, phân công thao giảng, ra đề thi thì đều “tế nhị khước từ”…

Nhưng, khi xét thi đua nếu không được thì thắc mắc cho bằng được. Đó là chưa nói chế độ đãi ngộ về lương bổng của những giáo viên lớn tuổi gấp 3-4 lần những giáo viên trẻ.

Ai rồi cũng sẽ già theo tháng năm nhưng già phải đồng nghĩa với sự gương mẫu, sự khát khao cống hiến mới được mọi người tôn kính, cảm phục, nhất là trong môi trường giáo dục.

Khi thầy cô  đã hết động lực phấn đấu, hết tinh thần học hỏi và cầu thị thì những học trò sẽ nhận được gì từ những người thầy như vậy?

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Tòa soạn.

Nguyễn Cao