Dạy và học của Việt Nam đang thực hiện theo quy trình ngược với thế giới

05/11/2017 06:00
Trinh Phúc
(GDVN) - “Các nước trên thế giới, học sinh thường xuyên phải di chuyển đến phòng học bộ môn, giáo viên được dạy cố định ở phòng học bộ môn dành cho họ”.

Ngày 2/11, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, Quốc hội làm việc xung quanh nội dung việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đại biểu Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt 4 vấn đề căn bản.

Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh (ảnh quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh (ảnh quochoi.vn).

Theo đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh:

"Để thực hiện được chủ trương lấy người học làm trung tâm, vì lợi ích của người học thì việc quy hoạch lại mạng lưới trường lớp học dựa vào dân số, độ tuổi đến trường của học sinh đến trường từng cấp học đảm bảo sĩ số học sinh phù hợp với mỗi lớp học cần được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt.

Chính phủ phải có lộ trình, giải pháp điều chỉnh kịp thời, khắc phục tình trạng để lớp học quá đông hoặc quá ít diễn ra ở nhiều cơ sở giáo dục hiện nay, gây trở ngại cho hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh.

Tình trạng học sinh tiểu học phải học trong tập thể lớp từ 60 - 70 học sinh không phải hiếm.

Đặc biệt, việc dồn ghép học sinh, sáp nhập trường lớp học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn cần đảm bảo chất lượng và sự an toàn khi trẻ em đến trường, tránh tình trạng các em phải đi học quá xa, đường xá gập ghềnh trước tình trạng lũ ống, lũ quét, nắng mưa thất thường hiện nay”.

Dạy và học của Việt Nam đang thực hiện theo quy trình ngược với thế giới ảnh 2Nhiều đại biểu đề nghị cải cách tiền lương cho giáo viên để đổi mới giáo dục

Đại biểu Ngô Thị Minh cũng cho rằng:

“Việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp, lãng phí trong đầu tư cần sớm được khắc phục.

Trước hết, đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tạo điều kiện để Bộ Giáo dục và Đào tạo chuyển đổi cách thức tổ chức dạy và học mà Việt Nam hiện nay đang thực hiện theo quy trình ngược với thế giới.

Đó là tình trạng học sinh Việt Nam đang ngồi học cố định tại phòng học truyền thống, giáo viên phải di chuyển từ phòng học truyền thống này sang phòng học truyền thống khác để giảng dạy

Các nước trên thế giới, học sinh thường xuyên phải di chuyển đến phòng học bộ môn, giáo viên được dạy cố định ở phòng học bộ môn dành cho họ.

Chỉ khi đảo được cách thức này thì thiết bị dạy học đầu tư cho phòng học bộ môn mới thực sự phát huy hiệu quả, tránh lặp lại những hạn chế, bất cập như xảy ra khi thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 40 của Quốc hội khóa X.

Khắc phục tình trạng giáo viên gặp nhiều trở ngại trong việc sử dụng thiết bị dạy học như thời gian vừa qua.

Khi đó, mô hình dạy học mới phù hợp với mỗi vùng miền, lấy học làm trung tâm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tính đến mới có thể áp dụng được.

Các em sẽ được thảo luận nhóm, được phát triển năng lực bản thân và thầy cô mới đủ điều kiện để dạy học theo phương pháp dạy tích hợp liên môn, có điều kiện để đánh giá học sinh và giúp học sinh phát triển năng lực bản thân”.

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng:

“Việc bố trí sắp xếp đào tạo và đào tạo lại đội ngũ giáo viên trước tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên trong mỗi môn học, mỗi trường học, mỗi cấp học, mỗi vùng miền, mỗi địa phương hiện nay đang là bài toán khó giải trước yêu cầu cử sự nghiệp đổi mới. Rất cần sự chỉ đạo quyết liệt kịp thời hơn của Chính phủ.

Trước mắt, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương cho rà soát, đánh giá, phân loại đội ngũ giáo viên theo năng lực, trình độ và khả năng tiếp cận phương pháp dạy học mới theo hướng tích hợp và liên môn, kể cả khả năng tiếp cận công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 88.

Để có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cho phù hợp, trong đó cần quy hoạch mạng lưới và đầu tư thỏa đáng cho các trường sư phạm hiện nay, làm rõ trách nhiệm đào tạo phân cấp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm cho các trường, trong đó cần coi trọng việc tự học để nâng cao trình độ và phát huy sức sáng tạo của mỗi thầy cô.

Đồng thời, cần có chính sách thỏa đáng để giúp số giáo viên dôi dư chuyển đổi nghề nghiệp, tìm việc làm mới.

Chính sách mới cần ghi nhận đóng góp của những thày cô đã đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp trồng người trong suốt chặng đường đã qua.

Không để tình trạng những giáo viên tâm huyết này phải rời ngành theo Quyết định 108 khi họ vẫn hoàn thành nhiệm vụ được giao trong giai đoạn hiện tại. Đây là danh dự của mỗi thày cô đã chọn nghề nhà giáo”.

Dạy và học của Việt Nam đang thực hiện theo quy trình ngược với thế giới ảnh 3Triển khai ngay sách giáo khoa mới từ 2018 sẽ khó yên tâm về chất lượng

Bà Ngô Thị Minh cho biết thêm:

“Hiện tại, một số tỉnh đã bố trí giáo viên dôi dư đi đào tạo lại để về dạy cấp học mầm non trong điều kiện cả nước đang thiếu hơn 30.000 giáo viên công lập ở cấp học này.

Tuy nhiên, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tín dụng cho các nhóm trẻ gia đình đủ điều kiện hoạt động, đảm bảo đầu ra hợp lý cho số giáo viên đào tạo lại.

Trên cơ sở đó đảm bảo quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng đối với mọi trẻ em ở cấp học mầm non.

Về lâu dài, chính sách đối với giáo viên cần được Quốc hội quan tâm để sớm đưa Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật năm 2019.

Vì áp dụng Luật Viên chức hiện nay đang gặp nhiều trở ngại và đang mâu thuẫn với Điều 58 của Luật Giáo dục, làm giảm vị thế nhà giáo do chưa xem xét đến nghề đặc thù, một nghề bất cứ xã hội nào cũng đòi hỏi phải có sự trân trọng tôn vinh”.

Một vấn đề nữa mà đại biểu Ngô Thị Minh đề nghị Chính phủ cần nghiêm cứu, đó là:

“Vì ngân sách nhà nước có hạn, Quốc hội đã cố gắng dành 20% ngân sách nhà nước để đầu tư cho giáo dục.

Tuy nhiên, vai trò của ngành giáo dục trong việc tham mưu cho Chính phủ để phân bổ sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách này cũng đang là vấn đề lớn đặt ra.

Trước mắt, với giáo dục phổ thông đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu giải pháp để nâng cao vị thế nhà giáo.

Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo đã đưa ra định hướng chỉ đạo đó là lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng.

Để thực hiện được chủ trương này đề nghị nâng cao vị thế nhà giáo và tinh giản đội ngũ nhà giáo hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Đề nghị Chính phủ cần có giải pháp mạnh hơn nhằm tạo sự bình đẳng về vị thế nhà giáo giữa trường công lập và ngoài công lập.

Làm rõ trách nhiệm của nhà nước với mỗi học sinh ở cấp học mầm non và bậc học phổ cập trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, làm rõ trách nhiệm của nhà nước trong việc kiểm soát chất lượng đầu tư và giảng dạy ở các cơ sở này sao cho tương xứng với mức học phí của người dân đóng góp.

Nếu làm rõ vấn đề này chắc chắn sẽ thu hút không ít nhà đầu tư tham gia đỡ gánh nặng với nhà nước”.

Cuối cùng vị đại biểu này nhấn mạnh:

“Theo tôi, những nội dung này cần được Chính phủ xem xét khi sửa Luật Giáo dục năm 2018 và khi xây dựng Luật Nhà giáo, Luật Đối tác công tư mà tôi đã từng đề xuất với Quốc hội.

Đó là những công việc triển khai trước khi áp dụng chương trình sách giáo khoa mới trên phạm vi cả nước”.

Trinh Phúc