Dạy và học lịch sử: Cần có một hướng đi đúng

31/03/2012 09:48
Nguyễn Thị Khuyên, Lớp Báo in K29a2, HV.BC&TT
(GDVN) - Thực trạng của việc dạy và học môn lịch sử hiện nay đã quá chú tâm vào tính thuộc bài, theo kiểu học vẹt nhưng lại thiếu không gian tư duy.
Theo thống kê 2005 có 58,5% số bài thi môn Lịch sử bị điểm 1 trở xuống. Năm 2006 điểm trung bình các bài thi là 1,96 thấp nhất trong số các môn thi vào đại học. Năm 2007 điểm dưới trung bình chiếm 95,74%.
Điểm Sử thấp, căn nguyên từ đâu
Thực trạng của việc dạy và học môn lịch sử hiện nay đã quá chú tâm vào tính thuộc bài, theo kiểu học vẹt nhưng lại thiếu không gian tư duy. Dạng đề và đáp án thì quá cứng nhắc, chủ yếu xoay quanh khối lượng kiến thức lịch sử hiện đại với nhiều cương lĩnh, nghị quyết rất khó tiếp thu đối với một học sinh Trung học phổ thông, kết quả thấp là điều khó tránh khỏi. 

Chúng ta chưa đặt đúng vị trí, chức năng của môn Lịch sử trong hệ thống các môn học ở phổ thông, hầu như chỉ tập trung vào các môn Toán, Lý, Hoá, Văn - Tiếng Việt... khiến học sinh có xu hướng coi nhẹ môn Lịch sử. Điều này thể hiện rõ ràng nhất khi biết năm học nào không thi môn sử thì nhiều trường cho học nhanh môn sử để dành thời gian cho các môn học khác.
Môn lịch sử được dạy trong trường phổ thông mang tính chất máy móc
Môn lịch sử được dạy trong trường phổ thông mang tính chất máy móc

Trên lý thuyết và thực tế, môn Lịch sử, đặc biệt là Lịch sử dân tộc tức môn Quốc sử, không chỉ trang bị vốn kiến thức cơ bản rất cần thiết cho thế hệ trẻ mà còn góp phần hoàn thiện nhân cách, bản lĩnh con người Việt Nam. Nếu không chú ý, mỗi công dân của chúng ta khi học hết cấp phổ thông, trong đầu óc sẽ mang những khoảng trống vắng hay mờ nhạt về lịch sử, nghĩa là không hiểu biết về quá khứ dân tộc, về các giá trị mà ông cha đã đổ máu để giành giữ được thì thật vô cùng nguy hiểm.

Điểm quan tâm hiện nay trong ngành giáo dục là còn tồn tại quan niệm quy kết trách nhiệm chán ghét môn Sử về phía học sinh, do vậy tìm cách áp đặt, bắt buộc các em học Lịch sử mà không biết rằng làm như thế là duy ý chí.
Việc tăng thời lượng hoặc tăng dung lượng môn học cũng đều gây tác dụng ngược lại. Kết quả học sử kém ở phổ thông không phải do học sinh, càng không phải do nội dung lịch sử, mà do người lớn chúng ta, do những nguyên nhân nằm trong chương trình, sách giáo khoa và trong phương pháp dạy sử.
Điểm Sử kém do sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội còn chưa tốt. Đối với môn sử thì gia đình với vốn hiểu biết của cha mẹ làm các nghề khác, nhiều lắm chỉ có thể lưu ý, động viên con em mình quan tâm học Lịch sử. Xét về phương diện nào đó, học Lịch sử nên hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả trường học và trên các kênh thông tin, môi trường văn hoá, giáo dục của xã hội. Ngày xưa, khi tuyệt đại bộ phận nhân dân không được đi học thì môi trường xã hội giữ vai trò rất quan trọng, qua vốn văn hoá dân gian, qua các sinh hoạt văn hoá cộng đồng, các lễ hội... thấm đượm tính lịch sử đã chuẩn bị cho lớp trẻ bước vào đời.
Ngày nay, trong xã hội hiện đại yêu cầu tạo lập môi trường giáo dục cho thế hệ trẻ càng giữ vai trò quan trọng với rất nhiều kênh thông tin, nhưng tiếc rằng những kênh truyền thông về lịch sử mang tính hấp dẫn đối với lớp trẻ còn ít quá, tuy gần đây có những cố gắng cần cổ vũ. Nói chung cho đến nay, chúng ta cũng chưa có nhiều kịch bản, phim hay về đề tài lịch sử Việt Nam, chưa có nhiều truyện tranh, tiểu thuyết lịch sử góp phần giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ.
Phương pháp dạy ở nước ta chưa mang tính khoa học.Việc dạy và học môn Lịch sử chưa tận dụng được hệ thống bảo tàng là những bộ sử bằng hiện vật rất phong phú và mang tính cảm thụ trực tiếp rất phù hợp với tuổi trẻ. Theo tôi biết chỉ có Bảo tàng Dân tộc học đã thu hút được tuổi trẻ với những hình thức trưng bày và trình diễn lý thú, còn hệ thống bảo tàng khá phong phú của chúng ta từ cấp trung ương đến địa phương chưa phát huy được tác dụng giáo dục đối với học sinh và các trường học, các thầy, cô giáo cũng không quan tâm tổ chức cho học sinh tham quan bảo tàng. Ngay cả môn lịch sử địa phương đã quy định trong chương trình cũng không mấy trường thực hiện được.
Ngoài ra, còn nhiều vấn đề về chương trình, sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên và phương pháp giảng dạy. Nền giáo dục của chúng ta đã trải qua nhiều lần cải cách, sách giáo khoa có khá hơn sau mỗi lần cải cách nhưng vẫn chưa tương xứng với vai trò, vị trí, chức năng của môn Lịch sử trong trường phổ thông.
“Về nội dung, thực chất sách giáo khoa lịch sử bậc phổ thông là tóm tắt lịch sử viết cho người lớn, nhất là giáo trình bậc đại học, cho học sinh phổ thông. Lấy sách viết cho người lớn tóm lược lại cho trẻ con học thì dĩ nhiên không phù hợp với lứa tuổi, không thể gây hứng thú học tập ở các em. Cách trình bày trong sách giáo khoa cũng cứng nhắc, thiếu sinh động, thậm chí bản đồ, ảnh minh hoạ chưa được tuyển chọn chuẩn xác, cũng là nguyên nhân góp phần làm cho học sinh chán ghét học lịch sử. Chương trình và sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, về phương diện khoa học, cũng chưa cập nhật được những thành tựu mới của khoa học lịch sử trong nước và trên thế giới…” - GS.TS. Đỗ Thanh Bình chia sẻ.
Hiện nay, trong các kỳ thi đại học, cao đẳng, học sinh đăng ký dự thi vào khối C rất hạn chế, bởi đầu ra cũng như cơ hội công việc trong tương lai hạn chế. Một số bậc phụ huynh cho rằng, con họ phải có một công việc tốt và thuận lợi, phải có cuộc sống khá giả trong tương nên phần lớn họ định hướng con mình sẽ thi vào khối các ngành kinh tế.
Cô Lê Nhật Linh ở Cầu Giấy- Hà Nội chia sẻ: Ban đầu khi đăng ký vào học theo khối, con nhà tôi học ban Xã hội, hết năm đầu gia đình làm đơn cho em được chuyển ban. Học khối C, đầu ra và cơ hội việc làm là hạn chế, thêm nữa cách học của các em không có tư duy như các môn học khối A, đêm ngày cầm sách học thuộc như một con “ vẹt”.
Thường chỉ những năm Lịch sử được chọn là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc thì kết quả mới khả quan hơn.
Thường chỉ những năm Lịch sử được chọn là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc thì kết quả mới khả quan hơn.

Đổi mới mang tính cấp thiết
“Học lịch sử thì khô khan, phương pháp giảng dạy thì cũ ri, cũ rích, đề thi thì dài làm sao có được điểm cao…” - Nguyễn Hải Anh- học sinh Nguyễn Tất Thành, Hà Nội – tâm sự. Để có hướng đi đúng cho ngành Gíao dục nói chung, môn Lịch sử nước nhà nói riêng cần phải có sự thay đổi toàn diện.
Cần áp dụng ngay một số giải pháp tình thế để cố gắng cải tiến một bước tình trạng dạy và học sử hiện nay. Trước hết phải rà soát lại chương trình, chỉnh sửa sách giáo khoa, giảm tải những tri thức không cần thiết đối với bậc phổ thông, nâng cao tính hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi, cải tiến phương pháp dạy sử.
Nhà Sử học Nguyễn Khắc Thuần đã từng thốt lên: “Học sinh không thích học Sử, học Văn, ta phải mừng vì sách Sử, sách Văn hiện quá lôm côm”. Vì thế, cần tổ chức nghiên cứu một cách sâu sắc và toàn diện với một tư duy mới về môn lịch sử, xây dựng lại chương trình, viết lại sách giáo khoa, thực hiện một cuộc cải cách căn bản về dạy và học môn Lịch sử cấp phổ thông.
Tôi nghĩ rằng với trình độ phát triển của nền sử học hiện đại Việt Nam, với đội ngũ chuyên gia và thầy, cô giáo đầy tâm huyết, chúng ta có đủ khả năng để nghiên cứu và thực hiện thành công một cuộc cải cách như vậy, tất nhiên đặt trong toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông. Tất cả là tuỳ thuộc vào vai trò tổ chức của cơ quan quản lý, làm sao tập hợp được trí tuệ của đội ngũ sử gia và thầy, cô giáo có trình độ và kinh nghiệm.
Công việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa trước đây chỉ giao khoán cho một nhóm người nên không tránh khỏi những hạn chế và sai sót như vậy. Thậm chí, những người tham gia biên soạn cho tôi biết là một cuốn sách giáo khoa chỉ trên dưới 100 trang mà có khi giao cho đến 6-7 người viết, và kỳ quặc hơn nữa là chủ biên không được quyền chọn người biên soạn.
Đã đến lúc phải xoá bỏ lối độc quyền và áp đặt như thế trong khoa học, nhất là trong biên soạn sách giáo khoa. Cũng đã đến lúc, có thể nghĩ tới một phương thức biên soạn sách giáo khoa “thoáng” hơn, giao cho nhiều cá nhân hay nhiều nhóm đứng ra biên soạn sách giáo khoa theo chương trình thống nhất rồi lập hội đồng tuyển chọn sách hay làm sách giáo khoa.
Một số trường, đào tạo các chuyên ngành sư phạm lịch sử cần trang bị cho sinh viên không chỉ kiến thức mà cần đổi mới phương pháp toàn diện để khi ra trường học có một phương pháp truyền tải kiến thức mang tính khoa học, thu hút được tính ham học của học sinh. “Môn Lịch sử cần có những thay đổi nhất định về chất lượng giáo dục để nâng cao ý thức của học sinh nên đưa Sử là môn bắt buộc trong kỳ thi Tốt nghiệp, cần dạy Sử từ khi học Tiểu học để từ nhỏ các em đã có vốn kiến thức nền…” - chia sẻ của Vũ kim Oanh sinh  viên năm tư Đại học Sư phạm 1.
Lịch sử cần phải đổi mới để tìm ra một hướng đi phù hợp nhất, vì “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
Nguyễn Thị Khuyên, Lớp Báo in K29a2, HV.BC&TT