Đề Sở và Đề trường khác nhau chỗ nào?

05/01/2019 06:49
Thanh An
(GDVN) - Những môn Sở ra đề thì điểm rất thấp, trong đó có những môn chỉ có 20% học sinh được điểm trên trung bình. Những môn nào mà trường ra đề thì điểm cao chót vót.

LTS: Trước sự khác biệt giữa đề của Sở và đề của trường, nhà giáo Thanh An cho rằng, việc Sở ra đề dù còn một số những bất cập nhất định nhưng nó vẫn là thước đo đánh giá chính xác việc dạy và học của các đơn vị trên toàn địa bàn.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Hiện nay, đề kiểm tra học kỳ thường là trường ra đề là chính nhưng cũng vì muốn đánh giá tình hình dạy và học của các nhà trường, đặc biệt là những môn được xem là quan trọng ở cuối cấp thì Sở Giáo dục hay ra đề kiểm tra cho các môn Toán, Văn, Anh.

Tất nhiên là những môn mà Sở ra đề bao giờ cũng được nhà trường tập trung ôn tập nhưng kết quả sau mỗi kỳ kiểm tra hoàn toàn trái ngược nhau giữa những môn Sở ra đề và những môn trường ra đề.

Những môn Sở ra đề thì điểm rất thấp, trong đó có những môn chỉ có 20% học sinh được điểm trên trung bình. Ngược lại, những môn nào mà trường ra đề thì điểm cao chót vót.

Thí sinh làm bài kiểm tra (Ảnh minh họa: vov.vn).
Thí sinh làm bài kiểm tra (Ảnh minh họa: vov.vn).

Thông thường, hàng năm thì Sở ra đề đối với các môn được xem là sẽ liên quan đến các kỳ thi chuyển cấp cuối năm nên các môn Toán, Văn, Anh năm nào Sở cũng lựa chọn để ra đề.

Có lẽ đây là những khối lớp quan trọng và cũng là muốn cho học sinh được làm quen với cấu trúc đề thi sau này.

Ngoài ra, Sở cũng hay ra thêm ở khối đầu cấp nhằm để đánh giá lực học đầu vào của học sinh.

Tâm lý đề Sở ra nên thường là công tác ôn tập cũng nặng nề hơn rất nhiều bởi nội dung kiến thức môn học rộng mà giáo viên thì không biết Sở sẽ ra ở đơn vị kiến thức nào nên phải ôn toàn bộ kiến thức môn học.

Trong đó, phải nhấn mạnh cho học sinh chỗ nào trọng tâm, chỗ nào thì chỉ cần học qua, lướt qua. Nhưng, với mười mấy môn học nên việc ôn tập của học trò thường không được tốt.

Thành thử, điểm kiểm tra học kỳ 3 môn mà Sở ra là Toán, Văn, Anh thì chỉ có môn Văn là điểm tạm được, 2 môn Toán, Anh thì lại thường rất thấp.

Đề Sở và Đề trường khác nhau chỗ nào? ảnh 2Có những đề thi mà ..."không học thêm thầy, đố mày làm được"

Ở chiều ngược lại, những môn, những khối lớp mà trường ra đề thì bao giờ học sinh, giáo viên cũng không chịu nhiều áp lực.

Thực tế là thầy ra đề, thầy ôn, thầy kiểm tra và chấm điểm nên mọi thứ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Tất nhiên, với cách này thì các giáo viên, các tổ chuyên môn ít khi bị nhà trường lưu ý, phê bình bởi điểm trung bình môn cuối kỳ bao giờ cũng thường cao chót vót.

Nhưng dù đề Sở ra hay trường ra thì mỗi khi kết thúc học kỳ thì các trường cũng phải báo cáo điểm kiểm tra, điểm tổng kết trung bình môn về Phòng, Sở. Và, bộ phận chuyên môn ở đây lại tổng hợp lại và gửi về trường.

Tất nhiên, khi có số liệu giữa các đơn vị với nhau thì lãnh đạo đơn vị những trường mà có điểm cao hơn trung bình huyện, tỉnh thì không nói làm gì, những trường mà có điểm thấp hơn trung bình môn thì những khi họp chi bộ, họp hội đồng sư phạm hay họp tổ trưởng chuyên môn thì các thành viên Ban Giám hiệu thường phê bình rất gay gắt.

Nhiều khi, người ta không chú ý đến điểm xuất phát của học sinh trường mình mà lại luôn muốn so sánh với những trường có điều kiện.

Trong khi, học sinh ở địa bàn thành phố, thị xã, thị trấn chắc chắn một điều là các em sẽ có lực học chung thường là tốt hơn học sinh ở những vùng khó khăn.

Những tuần bước vào ôn tập học kỳ là lúc học sinh tăng cường ôn tập, học thêm rất nhiều ở các trung tâm hoặc ở nhà thầy cô giáo. Vì thế, kết quả các trường này cao hơn cũng là điều đương nhiên.

Phải công nhận một điều là việc Sở ra đề dù còn một số những bất cập nhất định nhưng nó vẫn là thước đo đánh giá chính xác việc dạy và học của các đơn vị trên toàn địa bàn.

Đề Sở và Đề trường khác nhau chỗ nào? ảnh 3Đề kiểm tra theo dòng thời sự chưa hẳn đã là hay

Đồng thời, tạo được tâm thế chủ động học tập nhiều hơn ở học sinh mà ngay cả giáo viên cũng phải đầu tư chỉn chu hơn.

Song, để làm tốt công việc này, có lẽ Sở cũng cần chú ý một điều sau:

Thứ nhất: Bộ phận chuyên môn cũng cần định hướng rõ cấu trúc đề kiểm tra và định hướng những đơn vị kiến thức trọng tâm đối với những môn mà Sở ra đề.

Bởi, thực tế nhiều khi cấu trúc đề không rõ ràng, không được định hướng trước về nội dung, kiến thức nên thường dẫn đến tình trạng đoán đề của cả thầy và trò, đặc biệt là gây quá tải cho giáo viên và học sinh.

Thứ hai: Việc ra đề cần lựa chọn những đơn vị kiến thức phù hợp với đối tượng học trò. Bởi, thường đề ra của Sở vẫn quá khó so với mặt bằng chung của nhiều trường.

Những học sinh ở thành phố, thị xã, thị trấn - nơi có điều kiện học tập tốt hơn, học thêm nhiều hơn thì các em cảm thấy dễ dàng nhưng học sinh chốn thôn quê thường thấy quá tầm. Vì thế, việc ra đề phải chú trọng được các mức độ khó - dễ của đề kiểm tra.

Tránh tình trạng ra đề nặng quá rồi đến khi chấm bài cho học trò thì điểm lại thấp lè tè ở dưới.

Thứ ba: Công tác giảng dạy ở nhà trường cần được chú trọng đầu tư về chuyên môn một cách có hệ thống. Tránh tình trạng dạy đối phó, qua loa đối với những môn trường ra đề.

Những môn Sở ra đề thì giáo viên dù có tập trung ôn tập học sinh vẫn thờ ơ, xem nhẹ. Dẫn đến kết quả sau mỗi kỳ kiểm tra thường thấp và nó kéo theo nhiều hệ lụy.

Thi học kỳ hay kiểm tra học kỳ?

Việc kiểm tra học kỳ là công việc định kỳ của ngành giáo dục. Đây được xem là kỳ “sát hạch” việc dạy và học của từng nhà trường.

Vì vậy, việc Sở hay nhà trường ra đề có lẽ cũng nhằm mục đích là kiểm tra chất lượng và lấy cơ sở xếp loại học trò trong mỗi học kỳ học tập.

Vì thế, đề kiểm tra cần nhẹ nhàng, khoa học, trung thực, đảm bảo được nội dung kiến thức môn học, thế là đã thành công rồi. 

Đừng quá gây nhiều áp lực cho học trò bởi các em có quá nhiều môn học mà thầy cô cứ đánh đố học trò thì tội các em quá.                                                

Thanh An