Đề nghị cảnh cáo đối với hiệu trưởng sai phạm

20/05/2014 08:21
Xuân Trung
(GDVN) - Hình thức xử lý cho những sai phạm của hiệu trưởng Phan Thị Châm được đề nghị ở mức cảnh cáo.

Nhiều phản ánh đúng sự thật

Xung quanh sự việc tại Trường tiểu học Phú Thịnh (H. Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh ở bài: “Một hiệu trưởng trường làng bị tố lộng hành” đề cập về cách điều hành quản lý của hiệu trưởng Phan Thị Châm có nhiều sai phạm.

Để làm rõ hơn vấn đề, chúng tôi có cuộc làm việc với Phòng giáo dục và đào tạo huyện Vĩnh Tường về những nội dung mà người tố cáo là cô giáo Nguyễn Thanh Tú – giáo viên Trường tiểu học Phú Thịnh.

Qua trao đổi, ông Lương Anh Điệp – Trưởng phòng giáo dục Vĩnh Tường cho biết, sự việc tại Trường tiểu học Phú Thịnh ông đã được nghe trước đó khi chưa đảm nhận công việc Trưởng phòng.

Đề nghị cảnh cáo đối với hiệu trưởng sai phạm ảnh 1

Theo ông Lương Anh Điệp, mức kỷ luật cảnh cáo đã đủ răn đe đối với cô Phan Thị Châm. Ảnh Xuân Trung

Ông Điệp cũng cho biết, Phòng giáo dục Vĩnh Tường nhận đơn của cô Tú vào ngày 20/3/2014 về những nội dung phản ánh về những sai phạm trong công tác quản lý của hiệu trưởng Phan Thị Châm. Sau đó một tuần (27/3) Phòng giáo dục Vĩnh Tường về trường xác minh sự việc và có buổi làm việc với cô Tú và hiệu trưởng Phan Thị Châm.

Buổi làm việc còn có sự tham gia của đại diện chi bộ, Ban giám hiệu, Công đoàn, tổ trưởng chuyên môn và thư ký hội đồng nhà trường.

Theo đó, sau khi kết luận những nội dung đã phản ánh (bài trước chúng tôi đã đề cập), cô Nguyễn Thanh Tú hoàn toàn không nhất trí vì cho rằng chưa đúng với những gì hiệu trưởng Phan Thị Châm đã gây ra và tiếp tục có đơn lên UBND huyện Vĩnh Tường.

Ông Lương Anh Điệp cũng cho biết, sau khi UBND huyện Vĩnh Tường nhận được đơn và đã có ý kiến đề nghị phòng thành lập tổ công tác về làm việc với nhà trường, tiếp tục xác minh nội dung theo đơn của giáo viên Nguyễn Thanh Tú. 

“Trong đơn cô Tú phản ánh có những điều đúng và có những điều chưa đúng, nhưng cơ bản là phản ánh đúng. Hiện phòng giáo dục đã tham mưu cho UBND huyện Vĩnh Tường thành lập hội đồng kỷ luật căn cứ theo Nghị định 27 của Chính phủ, cô Châm vi phạm tới đâu xử lý tới đó” ông Điệp khẳng định.

Theo đó, những nội dung hiệu trưởng Phan Thị Châm làm sai trong công tác quản lý gồm: Dạy thêm, học thêm, cho học sinh toàn trường nghỉ học để giáo viên đi lễ Đền Hùng, nội dung thu các khoản đầu năm học như: tiền bổ sung cơ sở vật chất, xây dựng môi trường, nước uống, tiền bảo vệ, tiền vệ sinh, tiền điện, tiền sửa điện. 

Về nội dung thu đầu năm học, ông Điệp cho biết, theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc sẽ không được thu, nhưng theo Công văn số 226 của Sở GD&ĐT lại được phép thu vì cô Châm đã làm kế hoạch và báo cáo UBND xã, tiếp đến cho họp phụ huynh, phụ huynh đồng ý mới tổ chức thu.

“Cô Châm theo quy trình là đúng nhưng chỉ có là chưa công khai trong 7 ngày theo Công văn 09 của Bộ GD&ĐT về ba công khai, bốn kiểm tra” lời ông Điệp.

Ngoài ra, theo Trưởng phòng Lương Anh Điệp, cô Châm còn sai trong việc tự ý tách 10 học sinh giỏi lớp 5A để bồi dưỡng riêng. Thấy sai, cô Nguyễn Thanh Tú đề nghị được sát nhập thì hiệu trưởng Phan Thị Châm lập biên bản về việc sát nhập đó, ông Điệp khẳng định cô Tú làm như vậy là đúng, việc làm của cô Châm là sai. 

“Không có chuyện tách học sinh ra học riêng, nhà nước không quy định như vậy, chính do đó chúng tôi mới thành lập Hội đồng kỷ luật cô Châm” ông Điệp khẳng định.

Sai phạm do chưa có kinh nghiệm?

Nhận định về vấn đề phản ánh, từ khi cô Phan Thị Châm về làm hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Thịnh (tháng 9/2013) chất lượng học sinh có phần đi xuống, điển hình số lượng học sinh giỏi ít đi? Ông Lương Anh Điệp cho rằng, có thể do mới nhận công tác nên cô Châm chưa có kinh nghiệm, hơn nữa cách quản lý, điều hành chưa quen và vẫn phải chờ kết quả hết năm học cho tới khi thi đầu vào lớp 6 mới thế hiện được chất lượng đại trà.

Theo thông tin từ ông Điệp, UBND huyện Vĩnh Tường cũng rất cương quyết đối với trường hợp này, cô Châm sai tới đâu phải được xử lý tới đó theo đúng quy định. 

Với mức đề xuất hình thức cảnh cáo đối với cô Châm, ông Điệp cho rằng sẽ có tính răn đe. Tuy nhiên, sau mỗi một năm học hiệu trưởng sẽ được đánh giá, mỗi năm phòng giáo dục sẽ lưu kết quả đánh giá này, những thông tin này sẽ phòng giáo dục tham mưu cho UBND huyện để xem xét có tiếp tục bổ nhiệm lại đối với hiệu trưởng Phan Thị Châm nữa hay không.

Nhận định bài học qua sự việc này, ông Điệp cho rằng về mặt bổ nhiệm nhân sự quản lý UBND huyện Vĩnh Tường đã có những quy trình chặt chẽ, có tiêu chuẩn. Tuy nhiên, với trường hợp của hiệu trưởng Phan Thị Châm do mới lên làm hiệu trưởng và ở một môi trường như vậy sẽ còn có nhiều hạn chế trong quản lý, đặc biệt quá trình điều hành giáo dục chung của nhà trường mà ngành giáo dục Vĩnh Phúc cần quan tâm.

Xuân Trung