Để trường không thành cái "chuồng trâu" thì phải giải thể và sáp nhập

15/08/2017 06:19
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Các đề án giải thể và sáp nhập trường, lớp đều thành công, đạt được mục tiêu đề ra, thực sự đem lại nhiều lợi ích to lớn cho nhân dân và nhà nước.

LTS: Chủ trương sáp nhập và giải thể trường lớp là cơ sở cho việc xây dựng các mục tiêu giáo dục và đào tạo dài hạn theo đúng định hướng, phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội. Việc làm này là một tất yếu khi mà tỷ lệ học sinh ngày càng giảm, quy mô trường lớp ngày càng thu hẹp.

Theo tác giả Sông Trà, thì việc các cấp, các ngành có liên quan ở địa phương cần bàn bạc, thống nhất thật kỹ lưỡng để có được những đề án, phương án tối ưu, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao nhất của cán bộ, giáo viên và kể cả phụ huynh, học sinh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh đang phải chịu sức ép về việc thiếu cơ sở vật chất, trường lớp, phòng ốc, đội ngũ giáo viên, nhất là bậc mầm non do dân số cơ học tăng nhanh, nhu cầu học tập của con em sinh sống ở nơi đó ngày càng cao.

Bên cạnh đó, ở không ít địa phương, khu vực miền núi lại đang diễn ra xu hướng ngược lại, buộc phải tính đến các phương án sắp xếp, sáp nhập và giải thể nhiều trường học ở các bậc học phổ thông.

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình vừa có công văn yêu cầu ngành giáo dục và các địa phương rà soát, sắp xếp bố trí đủ học sinh/lớp để giảm lớp, giảm biên chế giáo viên trong năm học 2017-2018. Từ nay đến năm 2021, mỗi năm tỉnh này giảm từ 1,5-2% biên chế sự nghiệp giáo dục. 

Theo đó, các địa phương xem xét sáp nhập các trường học trên cùng một xã, phường. Hướng sáp nhập nếu có nhiều trường tiểu học quy mô nhỏ dưới 10 lớp thì sáp nhập thành một trường và có thêm điểm trường.

Các trường tiểu học, trung học cơ sở có ít học sinh thì sáp nhập thành trường chung có hai cấp học là tiểu học và trung học cơ sở. Với các trường Trung học phổ thông nếu trên cùng một địa bàn mà có nhiều trường cũng sẽ xem xét để sáp nhập. 

Đồng thời, tỉnh cũng yêu cầu ngành giáo dục sử dụng tiết kiệm, hiệu quả biên chế được giao, giảm tuyển dụng giáo viên mầm non và kêu gọi đầu tư mầm non tư thục. 

Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa hiện có 100 trường Trung học phổ thông công lập, trong đó có 6 trường hai cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. 

Tuy nhiên, hệ thống trường Trung học phổ thông công lập đang tồn tại nhiều bất cập, một số trường có quy mô nhỏ; nhiều trường có vị trí địa lý quá gần nhau; một số trường thiếu cơ sở vật chất, phải học nhờ cơ sở giáo dục khác; đội ngũ giáo viên thừa, thiếu cục bộ... 

Thực trạng này đòi hỏi phải sắp xếp lại các trường Trung học phổ thông công lập để thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức và tạo điều kiện sử dụng cơ sở vật chất hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng Đề án "Sắp xếp các trường Trung học phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh đến năm 2025". 

Theo đề án, đến năm 2025, tỉnh Thanh Hóa sẽ giải thể, sáp nhập 13 trường Trung học phổ thông vào các trường trung học phổ thông khác và thành lập mới 1 trường Trung học phổ thông chuyên biệt là trường trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa tại huyện Ngọc Lặc. 

Để trường không thành cái "chuồng trâu" thì phải giải thể và sáp nhập ảnh 1

Trường tiền tỷ xây xong để … chăn trâu bò

Việc sắp xếp được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm mỗi huyện có ít nhất 1 trường Trung học phổ thông có quy mô không quá 45 lớp; sắp xếp lại các trường trung học phổ thông quy mô nhỏ, chất lượng giáo dục thấp, hoặc có vị trí địa lý không phù hợp. 

Đối với khu vực miền núi, nếu các trường Trung học phổ thông có quy hoạch phù hợp nhưng quy mô nhỏ thì ghép thêm trường Trung học cơ sở trên cùng địa bàn xã thành trường phổ thông nhiều cấp học.

Phương án bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh các trường trung học phổ thông thuộc diện giải thể, sáp nhập được thực hiện theo quy định của pháp luật và văn bản chỉ đạo của địa phương. 

Những năm học gần đây, các tỉnh miền núi phía Bắc đã tích cực tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương để ban hành Nghị quyết, kế hoạch tổ chức, rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục, điều chỉnh, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp. 

Cụ thể, sáp nhập các điểm trường nhỏ lẻ về điểm trường chính, thành lập các trường phổ thông liên cấp hoặc chuyển đổi loại hình trường, mở thêm trường ở các địa bàn đông dân cư, khu công nghiệp. 

Trả lời báo chí gần đây, ông Hoàng Văn Thinh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang cho biết: “Riêng học kỳ 1 năm học 2016-2017, tỉnh đã giảm được 4 trường tiểu học, 135 điểm trường mầm non, 78 điểm trường tiểu học, tăng 2 trường liên cấp Trung học – Trung học cơ sở”. 

Trong khi đó, tỉnh Lạng Sơn giảm 13 điểm trường mầm non, 28 điểm trường tiểu học. Sơn La giảm 32 điểm trường tiểu học với 109 lớp. Tỉnh Lào Cai giảm 20 trường học, 65 điểm trường, 302 lớp. 

So với năm học trước, số trường của các tỉnh trong Cụm thi đua số 2 đã giảm 150 trường. Tại Yên Bái từ năm 2009 - 2011 đã thực hiện giai đoạn 1 Đề án sắp xếp lại quy mô trường lớp, xóa điểm trường lẻ. 

Chủ yếu đưa học sinh lớp 4, 5 về điểm trường chính, một số nơi đưa học sinh lớp 3 về. Năm học 2017 - 2018 số trường giữ nguyên, giảm 196 điểm trường lẻ so với năm học trước. 

Điều chỉnh lộ trình giảm 30 điểm trường lẻ theo Đề án đã phê duyệt. Cần bổ sung 98 phòng học, 78 phòng ở cho học sinh bán trú, 9 bếp - phòng ăn, 11 công trình vệ sinh, 7 phòng tắm, 5 công trình nước sạch, 4 phòng ở công vụ cho giáo viên, mở rộng 12.309 m2 đất quỹ trường. Tổng kinh phí dự kiến bố trí cho năm 2017 từ ngân sách tỉnh là 50 tỉ đồng. 

Để trường không thành cái "chuồng trâu" thì phải giải thể và sáp nhập ảnh 2

Hơn 50 học sinh thất học 1 năm vì phụ huynh phản đối sáp nhập trường

Ở các địa phương khác trong cả nước, ở một số khu vực khó khăn, dân cư thưa thớt, học sinh ngày càng “teo tóp” cũng đã và đang tính chuyện giải thể và sáp nhập vào trường điểm trường chính. 

Trước đây, các địa phương quy hoạch mạng lưới trường học chưa tốt, dân số lại thay đổi, số lượng học sinh, quy mô trường lớp chuyển dịch nhanh, các đô thị, tập trung dân cư, học sinh nhiều lên cần thêm trường học.

Nhưng, ở các thôn quê, miền núi, học sinh ngày càng ít đi, phòng học, giáo viên dư thừa, việc quy hoạch, sắp xếp, giải thể và sáp nhập lại trường, lớp, học sinh, giáo viên là một quy luật tất yếu, không thể không làm. 

Tất nhiên, trong quá trình chuyển đổi làm sao tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc về cơ sở vật chất, tâm tư của cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên, nguyện vọng của phụ huynh học sinh. 

Chính vì vậy, các cấp, các ngành có liên quan ở địa phương cần bàn bạc, thống nhất thật kỹ lưỡng để có được những đề án, phương án tối ưu, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao nhất của cán bộ, giáo viên và kể cả phụ huynh, học sinh.

Ở những điểm, trường sẽ phải di dời, giải thể, sáp nhập đến điểm, trường khác, phải tránh tình trạng nhân dân, phụ huynh bức xúc, dẫn đến cảnh cho con em đồng loạt nghỉ học vì thiếu thông tin, vì phải đi học xa hơn và nhiều bất tiện khác. 

Các đề án giải thể và sáp nhập trường, lớp đều thành công, đạt được mục tiêu đề ra, thực sự đem lại nhiều lợi ích to lớn cho nhân dân và nhà nước như: tinh giản được biên chế, tiết kiệm nguồn lực, sử dụng cơ sở vật chất hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.   

SÔNG TRÀ