Đến trường nơi thâm sơn cùng cốc (kỳ 1): Niềm vui chưa trọn vẹn

16/09/2017 06:00
XUÂN QUANG
(GDVN) - Ánh mắt thầy cô giáo vùng cao vẫn chất chứa nhiều nỗi lo về cuộc sống, sự học của trẻ em nghèo ở nơi thâm sơn cùng cốc...

LTS: Quý vị bạn đọc đang theo dõi bài viết đầu tiên trong loạt bài do phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thực hiện dịp cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua tại miền Tây Thanh Hóa.

Câu chuyện về cuộc sống thầy trò, về học cái chữ của con trẻ ở nơi thâm sơn cùng cốc này để lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ...

Kỳ 1: Niềm vui chưa trọn vẹn

Niềm vui trong buổi lễ khai giảng đầu năm học mới của cán bộ giáo viên trường tiểu học Trung Lý 2 dường như vẫn chưa trọn vẹn khi trong ánh mắt họ còn chất chứa bao nỗi lo toan về cuộc sống, về sự học của trò nghèo vùng cao.

Vào bản

6 giờ sáng, chiếc xe công vụ đón ông Lương Minh Thông, Bí thư huyện ủy Mường Lát (Thanh Hóa) dừng ngay trước cổng Ủy ban huyện.

Vì liên hệ trước từ, nên chúng tôi được "ké" xe chở ông Thông tới trường tiểu học Trung Lý 2 (bản Cò Cài, xã Trung Lý) để dự lễ khai giảng năm học mới.

Chiếc ô tô vừa lăn bánh được một đoạn, đoàn công tác nhận được tin báo, đường đi Pá Quăn (Trung Lý) lầy lội, khó đi vì cơn mưa nặng hạt đêm trước.

Lập tức, tài xế quay đầu xe, đi vòng sang xã Mường Lý, rồi quay lại hướng Trung Lý mất thêm 30km nữa để tới bến đò sông Mã.

Bí thư Huyện ủy Lê Minh Thông cho xe dừng tại cột mốc biên giới Việt - Lào để mua dưa cho anh em trong đoàn lót dạ. Ảnh: Xuân Quang.
Bí thư Huyện ủy Lê Minh Thông cho xe dừng tại cột mốc biên giới Việt - Lào để mua dưa cho anh em trong đoàn lót dạ. Ảnh: Xuân Quang.

Ông  Thông lo anh em trong đoàn đói bụng, nên "lệnh" cho tài xế dừng xe tại cột mốc biên giới Việt - Lào. Vị Bí thư nhanh tay nhặt nhạnh vài quả dưa chuột của người Mông bán bên vệ đường, rồi chia mỗi người vài quả để lót dạ thay bữa sáng.

Đường vào Cò Cài quanh co, khúc khuỷu, mỗi lúc một khó.

Chiếc xe 4 chỗ tiếp tục tục trườn lên những đoạn đèo dốc. Lái xe nắm chặt vô lăng, ghì số, bẻ cua theo những cung đường ngoằn ngoèo vắt vẻo bên sườn núi, phía dưới là vực sâu hun hút.

Bất chợt trong đầu tôi lóe lên một ý nghĩ dại dột, chỉ cần một thoáng thiếu tập trung là mất mạng như chơi.

Khuôn mặt ai nấy lộ rõ nét căng thẳng. Anh bạn đồng nghiệp liên tục "cầu cứu" tài xế dừng xe để nôn, ói vì say xe.

Để trấn an tinh thần anh em trong đoàn, nhất là cánh phóng viên, Bí thư Thông buông lời động viên: "Đến tây ba-lô khi lên, xuống đèo dốc còn say độ cao nữa là các chú...

Thế mà các thầy giáo trong bản Cò Cài vẫn đi xe máy ra huyện họp như cơm bữa đấy! Các chú không quen đường nên say xe là phải".

Để đến được bản Cò Cài phải vượt sông Mã bằng đò. Bản làng nằm tách biệt với thế giới bên ngoài. Ảnh: Xuân Quang.
Để đến được bản Cò Cài phải vượt sông Mã bằng đò. Bản làng nằm tách biệt với thế giới bên ngoài. Ảnh: Xuân Quang.

Sau hơn 1 tiếng đồng hồ vượt núi, chiếc ô tô chở đoàn công tác phải dừng lại ở bến đò Sông Mã vì đường khó đi.

Bí thư Thông hối thúc anh em trong đoàn đem đồ trên xe xuống đò để qua sông.

Phía bờ bên kia, có các thầy giáo đã chờ đón chúng tôi.

Từ bến đò sông Mã tới điểm trường tiểu học Trung Lý 2 còn cách khoảng 5km đường rừng, dốc đá lởm chởm.

Thầy giáo Hà Văn Luân, tay cầm lái, thờ phào: "May là hôm nay trời không mưa chứ nếu không thì đi bộ còn không ổn chứ đừng nói tới chuyện đi xe máy".

Bản Cò Cài nơi đóng chốt trường tiểu học Trung Lý 2 vẫn còn chìm khuất trong màn sương mờ ảo của buổi sớm mai. Ảnh: Hữu Chí.
Bản Cò Cài nơi đóng chốt trường tiểu học Trung Lý 2 vẫn còn chìm khuất trong màn sương mờ ảo của buổi sớm mai. Ảnh: Hữu Chí.

Sáng sớm, bản Cò Cài vẫn còn chìm khuất trong màn sương mờ ảo.

Trường tiểu học Trung Lý 2 nằm lọt thỏm giữa tứ bề núi dựng. Đâu đó thổn thức tiếng gà gáy giữa đại ngàn như đánh thức rừng già còn trong cơn ngái ngủ...

​Khai giảng ở biên viễn

Những nếp nhà sàn tuềnh toàng, đổ xiêu vẹo. Mấy đứa trẻ lấm lem, trần truồng, nghe tiếng xe máy ngang qua, liền chạy ra xem thì bị mẹ chúng chụp lại...

Có cảm giác, người dân nơi đây hằng ngày vẫn phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Bí thư Thông kiêm luôn hướng dẫn viên du lịch phác họa sơ qua bức tranh về đời sống dân bản:

"Bản Cò Cài (xã Trung Lý) chủ yếu là dân tộc Thái, Mường. Bản có 115 hộ dân nhưng có tới 91 hộ nghèo.

Đời sống nhân dân chủ yếu là canh tác nương rẫy. Đây cũng là khu vực thuộc diện khó khăn nhất của huyện Mường Lát...", ông Thông chia sẻ, rồi động viên anh em phóng viên chia khó với người dân và giáo viên cắm bản.

Trong đầu chúng tôi dần mường tượng ra cuộc sống ở nơi không có đường giao thông, không điện lưới, không sóng điện thoại...

Có lẽ vậy mà cuộc sống của dân bản gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. 

Và rồi cái đói, cái nghèo luôn đeo đuổi họ hết năm này qua năm khác. Sự học của con em vùng cao cũng vì thế mà bị ảnh hưởng nhiều.

Mấy đứa trẻ xóm núi lếch thếch trên đường, tay cầm gói mỳ tôm bốc vội, vượt suối, leo đèo, háo hức tới trường. Ảnh: Xuân Quang.
Mấy đứa trẻ xóm núi lếch thếch trên đường, tay cầm gói mỳ tôm bốc vội, vượt suối, leo đèo, háo hức tới trường. Ảnh: Xuân Quang.

Miền biên viễn giáp đất bạn Lào hôm nay đông vui nhộn nhịp hơn trước giờ khai giảng.

Mấy đứa trẻ xóm núi lếch thếch trên đường, tay cầm gói mỳ tôm bốc vội, vượt suối, leo đèo, háo hức tới trường.

Cũng như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác, Lương Văn Nhuận (học sinh lớp 4), tỉnh giấc khi bản làng còn chìm trong sương mai.

Nhuận bước xuống bếp, vét ít cơm nguội còn thừa, hâm lại cho nóng, đợi đứa em và ông bà tỉnh giấc cùng ăn sáng.

Cha mất sớm, mẹ bỏ nhà đi lấy chồng, cậu học trò nghèo phải sống chung với ông bà. 10 tuổi, Nhuận

trở thành lao động chính trong gia đình, từ những sinh 

Đến trường nơi thâm sơn cùng cốc (kỳ 1): Niềm vui chưa trọn vẹn ảnh 5

Câu chuyện 40 năm lên non dậy chữ của một người thầy

hoạt hằng ngày đến công việc nương rẫy.  

Hôm nay, cậu bé mô côi cha cũng hăm hở như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác đến dự lễ khai giảng.

Cậu vui mừng diện trên người chiếc quần âu mới tinh vừa được ông nội mua tặng, rồi lên bục danh dự nhận phần thưởng học sinh nghèo vượt khó.

Cái nắng nhẹ óng như rơm vàng của buổi sáng thu, đủ khiến những khuôn mặt non nớt ửng đỏ như trái đào chín.

Chỉ tay về phía hai đứa trẻ đang bồng bế nhau, khuôn mặt lem luốc, mồ hôi nhễ nhại, thầy Tống Hồng Bắc cho biết, đó là hai chị em Quỳnh Như (bản Cò Cài) năm nay vào lớp 2. 

Để đến được trường học, em phải đi bộ hơn 1 km đường rừng.

Vì bố mẹ lên nương từ sáng sớm, Như phải dậy sớm, lo toan mọi sinh hoạt cá nhân cho hai chị em, rồi đưa em tới trường dự lễ khai giảng để tiện chăm sóc.

Trước ngày khai giảng giáo viên trường tiểu học Trung Lý 2, khu Cá Ráng phải tập trung sức tu sửa lại trường học. Ảnh: Xuân Quang.
Trước ngày khai giảng giáo viên trường tiểu học Trung Lý 2, khu Cá Ráng phải tập trung sức tu sửa lại trường học. Ảnh: Xuân Quang.

Khác với dưới xuôi, để chuẩn bị cho lễ khai giảng, ngay từ đầu tháng 8, thầy cô giáo trường tiểu học Trung Lý 2 đã có mặt tại các điểm trường lẻ để sửa sang cơ sở vật chất.

"Khu nhà hiệu bộ" mà thực tế là căn nhà cấp bốn ọp ẹp, được lắp ghép từ những ván gỗ mỏng, mái tôn hoen ố, bám đầy rêu xanh, hôm nay được chỉnh trang đàng hoàng hơn so với ngày thường, để làm chỗ tiếp khách.

Lễ khai giảng tại khu chính trường tiểu học không hoa hòe, trống nhạc như ở dưới xuôi. Thay vào đó là những tiếng vỗ tay động viên, khích lệ của thầy cô, về những tấm gương học sinh nghèo vượt khó. 

Tuy nhiên, niềm vui trong buổi lễ khai giảng đầu năm học mới của cán bộ giáo viên nhà trường dường như vẫn chưa trọn vẹn.

Trong ánh mắt họ còn chất chứa nỗi lo toan về cuộc sống, về sự học của trò nghèo vùng cao.

Trường tiểu học Trung Lý 2 nằm ở bản Cò Cài. Trường có 28 giáo viên và 6 khu lẻ với 341 học sinh. Gần một nửa số giáo viên là người vùng xuôi lên đây công tác (Sầm Sơn, thành phố Thanh Hóa, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa). 

"Trước lễ khai giảng 1 tháng, nhà trường đã huy động tối đa lực lượng, tổ chức phân công nhiệm vụ cho giáo viên, đến từng bản, khu lẻ vận động học sinh ra lớp cho đầy đủ để tặng cường tiếng việt cho các em. 

Đến nay, số học sinh đến tuổi ra lớp đã đạt yêu cầu. Còn một vài học sinh đi học chưa đều vì hoàn cảnh, đường xá đi lại khó khăn và cũng bởi các em phải giúp đỡ gia đình làm nương rẫy.

Những trường hợp này, chúng tôi tiếp tục phân công giáo viên kết hợp với ban quản lý bản, vận động các cháu ra lớp đầy đủ", thầy Nguyễn Tiến Hiệp, Hiệu trưởng trường tiểu học Trung Lý 2 chia sẻ.

Những khó khăn vất vả của các thầy cô vùng cao như được tiếp thêm sức từ sự động viên ân cần của Bí thư Lương Minh Thông, Bí thư Huyện ủy Mường Lát.

"Có đặt mình vào vị trí của các thầy cô mới biết anh em đã hy sinh lớn lao như thế nào cho giáo dục vùng cao. Chúng tôi hiểu về những gì về thầy cô đang phải đối mặt.

Trong thời gian tới, anh em cố gắng đùm bọc nhau để vượt qua khó khăn trước mắt, cải thiện chất lượng giáo dục", vị Bí thư động viên thầy cô giáo cắm bản.

Phía đằng xa, thầy Lang Văn Tuất đang cặm cụi chằng néo bộ sách giáo khoa trên yên xe vừa mua được ở dưới xuôi, để về trường phát cho học sinh ở điểm trường Cá Ráng. 

"Dân bản không phải gia đình nào cũng có điều kiện lo cho con em họ đầy đủ khi đến trường. Mình cứ đưa sách về để phát cho học sinh trước để các em có cái học đã.

Khi nào họ đi nương, làm rẫy có tiền thì thanh toán sau", thầy Tuất nói rồi vội vã lên xe về điểm trường Cá Ráng để tổ chức cho lớp học buổi chiều.

Chia tay đoàn công tác, đêm hôm đó chúng tôi ngủ lại tại bản cùng các thầy cô.

Lạ thay, cơn buồn ngủ không kéo đến nhanh như thường lệ. Tiếng lợn rừng kêu văng vẳng bên tai, thành những tràng não nề, trong đêm khuya tĩnh mịch...

(còn nữa)
XUÂN QUANG