Địa phương quản lý lỏng lẻo, dạy thêm tiểu học bất chấp ở quận 12

18/07/2017 07:42
Phương Linh
(GDVN) - Lệnh cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học đã có từ năm 2012, nhưng cho đến nay, yêu cầu này vẫn chưa được thực hiện nghiêm tại phường Hiệp Thành, quận 12.

Nhằm giảm bớt áp lực học tập cho học sinh, nhất là đối với học sinh cấp tiểu học và các học sinh đã học 2 buổi/ngày tại trường, ngày 16/5/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư 17, đưa ra các quy định trong việc dạy thêm học thêm.

Thông tư này quy định rất rõ ràng, không được phép dạy thêm đối với học sinh tiểu học và các học sinh đã học 2 buổi/ngày tại trường, trừ các trường hợp dạy kỹ năng sống, bồi dưỡng văn hóa nghệ thuật, rèn luyện thể dục thể thao.

Từ đó đến nay, năm nào cũng vậy, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã vài lần ra các văn bản nhắc nhở các địa phương, trường học về việc dạy thêm học thêm cho học sinh, nhất là đối với cấp tiểu học.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã từng rất nhiều lần có văn bản, nhấn mạnh vai trò quản lý của địa phương, Hiệu trưởng các trường trong việc quản lý tình trạng giáo viên dạy thêm bên ngoài nhà trường.

Như vậy, có thể thấy rằng, dạy thêm học thêm tràn lan, trái phép và có nhiều biểu hiện tiêu cực luôn là vấn đề nóng, gây ra sự bức xúc cho rất nhiều phụ huynh và học sinh ở tại một thành phố lớn nhất nước này.

Việc lãnh đạo thành phố, lãnh đạo ngành liên tục có những nhắc nhở, siết chặt việc quản lý dạy thêm học thêm, nhằm mang đến hiệu quả tốt nhất cho người đi học.

Tuy nhiên, trên thực tế thì không phải ai cũng hiểu được vấn đề này, nhất là cấp quản lý ở tại địa phương.

Một cơ sở bán trú ở phường Hiệp Thành, quận 12 vẫn dạy thêm cho học sinh tiểu học sáng 11/7 (ảnh: P.L)
Một cơ sở bán trú ở phường Hiệp Thành, quận 12 vẫn dạy thêm cho học sinh tiểu học sáng 11/7 (ảnh: P.L)

Mới đây, từ thông tin người dân địa phương cung cấp, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có dịp đi thực tế tại đường HT31, Nguyễn Thị Đặng (phường Hiệp Thành, quận 12).

Địa phương quản lý lỏng lẻo, dạy thêm tiểu học bất chấp ở quận 12 ảnh 2

Nhiều cơ sở bồi dưỡng văn hóa ở Sài Gòn vẫn ngang nhiên dạy thêm cấp tiểu học

Tại đây, qua quan sát của phóng viên, có không dưới 5 cơ sở bán trú vệ tinh, mà đa số những cơ sở này đều có tổ chức dạy thêm cho học sinh tiểu học.

Do là một địa phương đông dân nhập cư, lại tồn tại ở một vị trí thuận lợi là đối diện Trường tiểu học Nguyễn Trãi (học 1 buổi), nên trong năm học và kể cả dịp hè năm nay, những cơ sở này thu hút rất đông phụ huynh đến đăng ký cho con theo học, kể cả bán trú, học văn hóa, luyện viết chữ đẹp.

Những cơ sở này ngoài việc vi phạm quy định dạy thêm học thêm, còn vi phạm việc tổ chức giữ trẻ bán trú không phép (thành phố chưa cấp phép cho bất kỳ cơ sở bán trú vệ tinh nào).

Ngay sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài “Nhiều cơ sở bồi dưỡng văn hóa ở Sài Gòn vẫn ngang nhiên dạy thêm cho học sinh tiểu học”, hơn 1 tuần trôi qua, hoạt động của những cơ sở bán trú, dạy thêm cho tới chiều ngày 17/7  vẫn diễn ra bình thường, như chưa từng có việc gì xảy ra.

Việc hoạt động rầm rộ của những cơ sở này sẽ khiến người dân không thể không nghĩ đến việc, phải chăng có sự bao che, dung túng của địa phương trong việc quản lý địa bàn, để những việc sai trái thoải mái diễn ra?

Chiều ngày 30/6, bà Nguyễn Thị Thùy Trang – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hiệp Thành, quận 12 cho biết, những cơ sở bán trú hoạt động trên đường HT31, Nguyễn Thị Đặng chỉ hoạt động duy nhất bằng giấy phép doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp), chứ không có bất cứ giấy phép nào.

Đại diện lãnh đạo phường Hiệp Thành cũng cho biết thêm, việc dạy thêm cho cấp tiểu học ở những cơ sở này là sai, và phường cũng có thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở các vi phạm này.

Nếu cơ sở nào vi phạm thường xuyên thì phường sẽ lập hồ sơ xử phạt.

Thế nhưng, cho đến nay, dù lệnh cấm đã ban hành 5 năm, phường kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt thì kệ phường, còn các vi phạm vẫn diễn ra nhan nhản, như là một sự thách thức rất lớn đối với chính quyền và cả người dân địa phương.

Căn cứ vào văn bản số 8879, do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 12 – bà Trịnh Thị Mỹ Lan ký ngày 14/11/2016, trách nhiệm để cho hàng loạt cơ sở ngang nhiên vi phạm như vậy, mà không có biện pháp nào cứng rắn được thực hiện, trước hết thuộc về lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường Hiệp Thành.

Xin được mượn lời của một cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, khi nói về dạy thêm học thêm tiêu cực để kết thúc cho bài viết này, nếu các địa phương quản lý lỏng lẻo, thì dạy thêm học thêm, nhất là ở khối tiểu học sẽ mãi mãi là nỗi ám ảnh của học sinh.

Phương Linh