Đổi mới hay chấn hưng giáo dục?

29/07/2018 07:00
Xuân Dương
(GDVN) - Chấn hưng giáo dục để hình thành một thế hệ người Việt mới chính là đòi hỏi cấp thiết nhất lúc này.

Sau khi có kết quả chấm thẩm định, Công an đã khởi tố hai vụ án liên quan đến việc nâng điểm bài thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại Hà Giang đến Sơn La, câu hỏi đặt ra là liệu có còn vụ án nào khác sẽ tiếp tục khởi tố hay đến đây là dừng?

Việc nâng điểm cho một số thí sinh (mà dư luận cho rằng đa số là con em cán bộ lãnh đạo, đại gia) khiến cả xã hội phẫn nộ, khiến niềm tin vốn đã suy giảm rất nhiều vào bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên - trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cao cấp - lại càng trở nên mong manh hơn bao giờ hết.  

“Vi phạm đặc biệt nghiêm trọng”, “Niềm tin bị đánh cắp”, “Sự kiện không thể nào xấu hổ hơn của ngành Giáo dục”,… [1] là đánh giá mà báo chí dành cho sự kiện đã diễn ra tại kỳ thi này ở một vài địa phương và cũng cho cả ngành Giáo dục nước nhà.

Điều tồi tệ khó có thể tưởng tượng này đã góp thêm bằng chứng cho nhận định “Giáo dục Việt Nam thất bại” mà nhiều chuyên gia đã đề cập, được truyền thông đăng tải. 

Chấn hưng giáo dục để hình thành một thế hệ người Việt mới chính là đòi hỏi cấp thiết nhất lúc này. Ảnh mang tính minh hoạ: Giaoducthoidai.vn
Chấn hưng giáo dục để hình thành một thế hệ người Việt mới chính là đòi hỏi cấp thiết nhất lúc này. Ảnh mang tính minh hoạ: Giaoducthoidai.vn

Để đổi mới toàn diện giáo dục, từ năm 2013, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW song cho đến nay, dường như một số chủ trương trong Nghị quyết này chưa đi được vào cuộc sống.

Bằng chứng chính là các vụ gian lận trong kì thi Trung học phổ thông quốc gia 2018, kỳ thi tuyển viên chức giáo dục tại một số địa phương và những ý kiến không đồng thuận tại Quốc hội về thang bậc lương nhà giáo.

Người viết cho rằng thay vì “đổi mới” cần làm một cuộc “Chấn hưng giáo dục”.

Thực ra đến năm 2018 này mới đặt vấn đề “Chấn hưng giáo dục” là quá muộn song muộn vẫn còn hơn không.

Chấn hưng nền giáo dục quốc gia không có nghĩa là phá bỏ xây mới nhưng cũng không thể níu kéo những hủ lậu khiến nền giáo dục nước nhà càng ngày càng bộc lộ thêm khiếm khuyết.

Đổi mới hay chấn hưng giáo dục? ảnh 2Giáo dục - Vấn đề không nằm ở Hà Giang (1)

Chấn hưng giáo dục không phải là nhiệm vụ của riêng ngành Giáo dục mà của cả hệ thống chính trị, trước hết là Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Muốn chấn hưng quốc gia, phải chấn hưng dân tộc, muốn chấn hưng dân tộc phải chấn hưng giáo dục.

Đó là con đường không thể khác khi đất nước đang đối mặt với quốc nạn tham nhũng, khi niềm tin vào thể chế bị suy giảm, nợ công tăng cao và văn hóa, đạo đức xuống cấp trầm trọng.

Tổ quốc không chỉ là mảnh đất mà hơn 90 triệu người Việt sinh sống, tổ quốc nằm trong trái tim người Việt dù họ định cư ở bất kỳ nơi nào, là nơi mà văn hóa Việt được truyền bá và chấp nhận.

Nếu dân tộc không đủ mạnh về ý chí và lực lượng, dân tộc đó có nguy cơ bị nô dịch.

Dân tộc bị nô dịch, tổ quốc sẽ không còn đó, là thực tiễn lịch sử xưa nay chưa bao giờ sai.

Vậy nên chấn hưng giáo dục để hình thành một thế hệ người Việt mới chính là đòi hỏi cấp thiết nhất lúc này.

Trước khi đề xuất một vài ý kiến về “Chấn hưng giáo dục” xin đề cập đôi điều về kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia 2018.

Thứ nhất, có không ít ý kiến đổ lỗi cho ngành Giáo dục như bài báo đăng trên Infonet.vn [1] nêu trên.

Người viết cho rằng nhận định như vậy có phần không công bằng, những từ ngữ trong bài viết mang tính quy chụp đối với riêng ngành Giáo dục và Đào tạo mà chưa đặt sự kiện trong cái nhìn tổng thể. 

Đổi mới hay chấn hưng giáo dục? ảnh 3Giáo dục, những bất thường và … bình thường!

Mọi sai phạm liên quan đến giáo dục đều bị quy kết cho ngành Giáo dục là căn bệnh nhiều người “vô tư” mắc phải.

Không ít người chưa chịu tìm hiểu xem đâu là nguyên nhân dẫn tới sai phạm đó hay đơn giản là họ cần phải tìm ra ai đó để đổ lỗi?

Vậy sự kiện “không thể xấu hổ hơn” đang xảy ra là lỗi của ai, của cơ quan nào?

Năm 2017 và 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT và 04/2018/TT-BGDĐT kèm theo Quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Thông tư của Bộ là văn bản quy phạm pháp luật mà cơ quan nhà nước, công chức, viên chức và công dân buộc phải chấp hành.

Sai phạm xảy ra tại Hà Giang, Sơn La là do người thực thi công vụ tại địa phương thực hiện, kẽ hở dẫn tới sai phạm nằm ở sự chỉ đạo, giám sát của Hội đồng thi cấp tỉnh và cấp nhà nước.

Phải thấy rằng tất cả cán bộ dính líu đến sai phạm tại Hà Giang, Sơn La (và có thể còn những nơi khác) đều không chịu sự quản lý về nhân sự của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Họ là cán bộ, công chức địa phương chịu sự lãnh đạo, quản lý trực tiếp của đảng bộ, chính quyền địa phương.

Những người đã được nêu đích danh tại Hà Giang và Sơn La đều được đề bạt, bổ nhiệm bởi ngành Nội vụ chứ không phải Giáo dục.

Hơn nữa, những người này trước khi được đề bạt làm lãnh đạo (cấp trường, phòng, sở) đều được học tập, bồi dưỡng kiến thức “quản lý hành chính nhà nước”, “lý luận chính trị” tại các Trung tâm Chính trị cấp huyện, Trường Bồi dưỡng Chính trị cấp tỉnh hoặc cao hơn, các cơ sở này không do Bộ Giáo dục và Đào tạo điều hành, quản lý.

Đổi mới hay chấn hưng giáo dục? ảnh 4Giáo dục - cội nguồn của thành công và thất bại (1)

Thứ hai, người viết cho rằng quy trình thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành vẫn chưa hoàn chỉnh, trong đó có việc giao toàn bộ quá trình tổ chức thi, chấm thi cho địa phương (có phối hợp với trường đại học) nhưng chưa lường hết các sự cố có thể xảy ra. 

Nếu có camera giám sát toàn bộ quá trình thi và xử lý bài thi (quét ảnh bài thi, niêm phong, chấm thi,…) truyền trực tiếp dữ liệu về trụ sở Ban Chỉ đạo thi quốc gia thì sai phạm chắc chắn sẽ được hạn chế.

Việc công bố đáp án thi trắc nghiệm ngay sau khi thi xong cũng là kẽ hở, nhờ thế Phó Phòng Khảo thí Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang mới có dữ liệu để sửa điểm.

Mặt khác, việc chấm thẩm định bài thi tại Hà Giang, Sơn La dẫu có chỉ ra sai phạm cũng chỉ là chữa bệnh phần ngọn, lấy gì bảo đảm quá trình coi thi không có gian dối, lấy gì khẳng định các bài thi được chấm do thí sinh làm 100%?

Trước đây, người xử lý dữ liệu thi đại học trên máy tính đều nắm được nguyên tắc đánh số báo danh theo vần A, B, C,… của tên thí sinh, từ danh sách thí sinh (đã gán số báo danh), máy tính sẽ tự động xếp người vào phòng thi,…  

Tại một địa phương năm nay, bố trí khu vực thi riêng cho một số đối tượng đặc biệt, như vậy buộc phải xáo trộn cách đánh số báo danh và xếp phòng theo thông lệ, tại sao lại như vậy?

Tại sao thanh tra Bộ ủy nhiệm không làm việc suốt quá trình thi mà chỉ tập trung vào thời gian chấm thi?...

Thứ ba, một điều có thể coi là đáng tiếc là sự chủ quan, có phần vội vàng của lãnh đạo Ban Chỉ đạo thi quốc gia khi chưa tiến hành hậu kiểm, chưa tận dụng ưu thế công nghệ thông tin để phát hiện “đột biến” mà đã khẳng định kỳ thi an toàn, thành công…

Đổi mới hay chấn hưng giáo dục? ảnh 5Quốc sách và sự nhẫn nhịn của Giáo dục

Vậy nên lỗi không thuộc về riêng một cơ quan hay cá nhân nào mà thuộc về hệ thống.

Muốn chấn hưng giáo dục phải dựa vào ba trụ cột, đó là Đường lối - chính sách; Bộ máy điều hành và Pháp luật.

Thứ nhất, về đường lối, chính sách:

Trong bản thảo Di chúc viết lần đầu vào tháng 5/1965, Hồ Chủ tịch căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết" (Hồ Chí Minh Toàn tập, tr. 616 và 612, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011). [2] 

Mặc dù đã qua nhiều lần “đổi mới” song phải gần 50 năm sau khi Hồ Chủ tịch viết di chúc, mãi đến năm 2013 mới xuất hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng về “Đổi mới toàn diện Giáo dục và đào tạo…”

Vậy sau hơn 50 năm Hồ Chủ tịch viết Di chúc, khi cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được triển khai sâu rộng toàn quốc, ngành Giáo dục nói riêng và cả hệ thống chính trị nói chung đã “học tập” được những gì, đã “làm theo” được những gì?

Nếu tham nhũng được xem là “quốc nạn” thì tham nhũng trong lĩnh vực “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” phải được xem là cội nguồn của “quốc nạn” đó.

“Cội nguồn của quốc nạn” thể hiện như thế nào và ở đâu?

1. Những chuyến tàu vét

Đổi mới hay chấn hưng giáo dục? ảnh 6Giáo dục, đã đến lúc phải nói cho ra nhẽ

“Đoàn tàu giáo dục” như cách ví von của một vị cựu Bộ trưởng, có phải chỉ đến năm 2018 này mới xuất hiện những “chuyến tàu vét” như câu chuyện thi cử ở Hà Giang, Sơn La,…?

Với tất cả sự thận trọng cần thiết, người viết vẫn buộc phải nói rằng, những “chuyến tàu vét” mà ngành Giáo dục vận hành đã rời ga từ nhiều chục năm trước.

Căn cứ vào những từ ngữ, ca dao hiện đại lưu truyền trong dân gian từ đầu những năm 70 thế kỷ trước như “Chuột chạy cùng sào”, “Nhất Y nhì Dược,…”, có đủ cơ sở để khẳng định những “chuyến tàu vét” Giáo dục đã khởi hành từ lâu lắm rồi. 

Lúc đầu những đoàn tàu này mới chỉ “vét” thày, còn bây giờ, các đoàn tàu Giáo dục của thế kỷ 21 còn thêm những toa dành riêng để “vét” học trò.

Xin nhấn mạnh, rằng ngành Giáo dục chỉ chịu trách nhiệm “vận hành” những “chuyến tàu vét” đó chứ không phải là cơ quan chế tạo đầu và toa tàu, càng không phải là cơ quan đặt đường ray cho những “Cung đường giáo dục”.

Một đoàn tàu cũ kỹ được kéo bởi những chiếc đầu máy rệu rã và đội ngũ lái tàu “ngủ quên trên vòng nguyệt quế” liệu có thể đòi hỏi gì hơn?

2. “Những lời có cánh”

Dân chúng chắc không ít lần nghe những “lời có cánh”, chẳng hạn “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề”, “Nhà giáo là kỹ sư tâm hồn”,…

Thế thì vì sao Giáo dục lại ra nông nỗi này?

Có thể là duy tâm, dẫu sao người viết cũng vẫn muốn nói rằng đó là luật nhân quả.

Đổi mới hay chấn hưng giáo dục? ảnh 7Bốn vấn đề liên quan đến quốc sách và thực trạng

Người xưa nói: “Gieo nhân nào, gặt quả nấy”, gần như toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đều là “nhân” mà nền giáo dục xã hội chủ nghĩa của chúng ta đã “gieo” ít nhất là từ mốc thời gian 1975, sau khi thống nhất đất nước, giáo dục cả ba miền đều chung một tình trạng.

Có điều, trong những “hạt giống” tuyển chọn cho mùa sau thì “cánh đồng giáo dục” hầu như chỉ được gieo bằng các hạt chất lượng kém.

Mấy chục năm cứ cắm cúi gieo những “hạt lép” thì lấy đâu ra mùa vàng bội thu?

Vậy vì sao giáo dục chỉ biết “gieo” mà không thể tự mình chọn hạt giống?

3. Vị thế ngành Giáo dục

Người viết cho rằng Giáo dục là ngành có vị thế yếu trong toàn bộ hệ thống.

“Giáo dục không làm ra tiền; Giáo dục tiêu tốn ngân sách quốc gia nhiều nhất (20%); Giáo dục nhiều công chức, viên chức hưởng lương nhất trong hệ thống;…”.

Đó là những từ ngữ xuất hiện thường xuyên trong các văn bản và trang báo. 

Liệu có phải vì mặc cảm là ngành tiêu nhiều tiền thuế nhất khiến cho đội ngũ lãnh đạo ngành không mấy khi dám lên tiếng về đãi ngộ nhà giáo, về phân bổ chi tiêu, về nhân sự giáo dục địa phương… cho đến trước khi Nghị quyết 29- NQ/TW ra đời?

Ngược lại, ngành Giáo dục thường là người bị đặt nhiều câu hỏi nhất trong nghị trường, và cũng bị dư luận trách móc liên tục! 

Xin nêu một câu hỏi, vì sao có những định hướng ghi rất rõ trong Nghị quyết 29-NQ/TW (như vấn đề thang bậc lương nhà giáo) đến nay sau năm năm vẫn chưa được thực hiện?

Điều này có cho thấy giáo dục đang đứng đâu trong hàng ngũ các đối tượng “ưu tiên”? 

Câu trả lời chính xác là “Không phải là vị trí số một”.

Vị thế của Giáo dục yếu hơn các ngành khác không phải chỉ do Giáo dục tự hạ thấp mình mà còn bởi những lý do rất khó diễn đạt trong một bài báo.

(còn nữa)

Xuân Dương