Dù thế nào, không thể phủ nhận những ưu điểm của kỳ thi quốc gia

01/08/2018 06:42
Thùy Linh
(GDVN) - Kỳ thi quốc gia ngày càng gọn nhẹ, thí sinh bớt căng thẳng, ít tốn kém cho phụ huynh và xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Kể từ năm 2015 đến nay, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia với nhiều thay đổi mang tính cách mạng.

Theo lộ trình thi cử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia sẽ tiếp tục được duy trì đến năm 2020.

Điều này đồng nghĩa với việc, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia như hiện nay sẽ vẫn được tiếp tục tổ chức trong 2 năm tới.

Cách tổ chức thi như vậy đã có nhiều tiếng khen vì mang nhiều ưu điểm nhưng đâu đó còn nhiều lo lắng, thậm chí nhận lời chê trách. Nhất là, khi kỳ thi quốc gia năm 2018 đã xảy ra tiêu cực tại Hà Giang, Sơn La.

Dù thế nào, không thể phủ nhận những ưu điểm của kỳ thi quốc gia ảnh 1Hiệp hội khẳng định Thi quốc gia hiện tại là đúng đắn

Nhưng khi xem xét một cách khách quan về tổng thể mà kỳ thi trung học phổ thông quốc gia thực hiện thời gian qua cho thấy có nhiều điểm sáng.

Chúng tôi xin điểm lại những cái được của kỳ thi và những vấn đề còn tranh luận để có thể rút kinh nghiệm cho những năm tiếp theo.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định rằng:

Kỳ thi quốc gia ngày càng gọn nhẹ, thí sinh bớt căng thẳng, ít tốn kém phí tổn cho phụ huynh và xã hội, tạo điều kiện thuận lợi, đặc biệt đối với những thí sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn

Đồng thời, kỳ thi đã giảm bớt được những tiêu cực ở khâu thi cử (quay cóp, ném phao...). Tuy nhiên, điểm hạn chế nó lại xuất hiện sai sót ở khâu hậu thi cử điều này được thể hiện tại Hà Giang, Sơn La.

Để khắc phục hạn chế này, theo các lãnh đạo của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cần thiết phải công khai hóa nhiều khâu trong quá trình tổ chức thi, chấm thi, báo điểm thi.

Năm 2018, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá rất cao Bộ Giáo dục và Đào tạo khi lần đầu tiên công khai hóa toàn bộ dữ liệu điểm thi, công khai phổ điểm để toàn xã hội được biết, từ đó phát hiện tiêu cực để cơ quan chức năng vào cuộc xử lý kịp thời.

Còn trước đây, điểm của thí sinh nào thí sinh đó biết, Bộ không công khai dữ liệu nên việc có tiêu cực hay không thì rất khó phát hiện, thậm chí không có cách nào phát hiện được”.

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đã có tác dụng làm giảm áp lực thi cử vốn rất nặng nề với những học sinh ở giai đoạn cuối cùng của giáo dục phổ thông. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đã có tác dụng làm giảm áp lực thi cử vốn rất nặng nề với những học sinh ở giai đoạn cuối cùng của giáo dục phổ thông. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Nói thêm về ưu điểm của kỳ thi nhằm 2 mục đích, đại diện Hiệp hội cho rằng, trước hết phải khẳng định rằng, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đã có tác dụng làm giảm áp lực thi cử vốn rất nặng nề với những học sinh ở giai đoạn cuối cùng của giáo dục phổ thông.

Từ khi có kỳ thi trung học phổ thông quốc gia toàn ngành giáo dục chỉ phải tổ chức 1 lần thi cho tổng cộng trung bình khoảng 1 triệu thí sinh/ năm chứ không còn là 2 kỳ thi (tốt nghiệp, tuyển sinh đại học, cao đẳng) căng thẳng từ ra đề, chấm thi, thông báo kết quả dồn dập cho 2 kỳ thi liên tiếp trong thời gian kéo dài cả tháng như trước.

Công tác chỉ đạo, điều hành khi tổ chức một kỳ thi đồng loạt trên toàn quốc khá phức tạp, dễ có sai sót.

Sự phối hợp giữa các Sở Giáo dục và Đào tạo với các trường đại học, cao đẳng chỉ có thể hiệu quả cao khi có sự phân định rõ ràng trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của các bên tham gia kỳ thi đặc biệt là vai trò của người đứng đầu địa phương.

Dù thế nào, không thể phủ nhận những ưu điểm của kỳ thi quốc gia ảnh 3Chấm thi là "tử huyệt" nhất định phải được đặc biệt chú ý

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia cũng tạo nên bước ngoặt khi lần đầu tiên trong lịch sử thi cử tại Việt Nam, thí sinh có quyền lựa chọn môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông/ tuyển sinh đại học.

Không còn sự ràng buộc phải thi từng nhóm môn học theo khối thi của từng trường như trước, giờ đây học sinh được phép chọn nhiều môn thi để tổ hợp thành các khối thi theo yêu cầu xét tuyển của từng trường.

Cũng không còn cảnh cứ gần đến mùa thi là cả thầy lẫn trò đều hồi hộp chờ đợi “phán quyết” từ Bộ Giáo dục và Đào tạo để biết xem kỳ thi ấy sẽ bao gồm những môn nào.

Rồi sau khi các môn thi tốt nghiệp được công bố, thì những môn học không nằm trong danh sách các môn thi sẽ bị cả thầy lẫn trò "vứt bỏ", để còn dồn sức vào học những môn trong danh sách phải thi.

Hơn nữa, việc để cho thí sinh tự chọn môn thi là một việc rất có ý nghĩa đối với các em học sinh lớp 12.

Bởi, để có những lựa chọn đúng, các em cần phải cân nhắc, xem xét đánh giá những mặt mạnh mặt yếu của chính mình, từ đó quyết định đăng ký tổng cộng bao nhiêu môn, môn nào dùng để xét vào đại học, môn nào chỉ để xét tốt nghiệp – một quyết định quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của chính các em.

Rõ ràng, ưu điểm của kỳ thi quốc gia đã góp phần hạn chế việc dạy dồn hoặc cắt xén, học đối phó với những môn học không thi như trước đây, vì học sinh có nhu cầu tập trung vào những môn khác nhau trong kỳ thi.

Tuy nhiên việc kết hợp điểm trung bình của cả năm lớp 12 với điểm thi để xét tốt nghiệp như hiện nay là chưa hợp lý.

Theo quan điểm của Hiệp hội, những môn nào thí sinh dự thi trong kỳ thi quốc gia rồi thì không được lấy để cộng vào điểm thi xét tốt nghiệp nữa mà chỉ được lấy điểm trung bình các môn (thí sinh không thi) như vậy sẽ đảm bảo thí sinh học đều tất cả các môn học, vì điểm học của tất cả các môn sẽ được phản ánh trong kết quả cuối cùng của các em.

Thùy Linh