"Được trả lương bằng thóc lép chúng tôi vẫn lên lớp, sao nay lại cắt hợp đồng"

28/07/2018 07:11
Trinh Phúc
(GDVN) - Cô giáo Nguyễn Hồng Thu: “Chúng tôi bắt đầu đi dạy trong hoàn cảnh lớp không có, phải đi thuê nhà dân để trông các cháu. Tiền lương thì không được hỗ trợ".

Câu chuyện 434 giáo viên diện hợp đồng ký với Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai có nguy cơ bị chấp dứt hợp đồng đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Oái ăm thay, trong đó có những giáo viên đã có hơn 20 năm công tác, gần 50 tuổi vẫn có nguy cơ cho ra đường. Thương cảm nhất là nhiều trường hợp của các cô giáo mầm non dạy trẻ.

Tâm sự với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Hồng Thu (45 tuổi), giáo viên Trường mầm non Cao Dương (Thanh Oai, Hà Nội) cho biết, cô thực sự đau buồn khi nhận thông tin sẽ bị cắt hợp đồng.

Cô Hồng Thu chia sẻ rằng, cô đi dạy mầm non từ năm 1998 đến nay. Thời điểm khi cô Hồng Thu làm giáo viên, lúc đó điều kiện rất khó khăn đến mức không có ai muốn đi dạy mầm non.

Mấy ngày hôm nay, cô giáo Nguyễn Hồng Thu rất buồn nhưng vẫn cố gắng dạy tốt và chờ mong những ý kiến từ lãnh đạo cấp trên (ảnh do bạn đọc cung cấp).
Mấy ngày hôm nay, cô giáo Nguyễn Hồng Thu rất buồn nhưng vẫn cố gắng dạy tốt và chờ mong những ý kiến từ lãnh đạo cấp trên (ảnh do bạn đọc cung cấp).

Bản thân cô Hồng Thu được chính Ban Giám hiệu và lãnh đạo thôn Cao Dương đến tận nhà động viên, khích lệ nên mới nhận nhiệm vụ.

“Chúng tôi đi dạy trong hoàn cảnh lớp không có, phải đi thuê nhà dân để trông các cháu. Tiền lương thì không được hỗ trợ.

Thời đó, các giáo viên mầm non như tôi chỉ được trả công phụ thuộc vào số lượng các cháu. Mà mỗi cháu chỉ được vài cân thóc/một vụ lúa.

Mỗi lần, giáo viên đi thu thóc, có người tốt thì trả thóc tốt. Còn có người chỉ trả thóc lép nhưng cũng đành chịu. Khó khăn là thế, chúng tôi vẫn duy trì lớp cho đến ngày hôm nay” – cô Hồng Thu sụt sùi nhớ lại.

Chia sẻ tiếp với phóng viên, cô Hồng Thu nhớ lại, đến năm 2003, cô được ký hợp đồng với Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai.

Thời điểm đó, huyện Thanh Oai đã ký hợp đồng và mỗi người như cô Hồng Thu được nhận hỗ trợ 50 nghìn/tháng.

"Được trả lương bằng thóc lép chúng tôi vẫn lên lớp, sao nay lại cắt hợp đồng" ảnh 2434 giáo viên Hà Nội nguy cơ mất việc, có người cống hiến đã 23 năm

Đến năm 2012, họ được chuyển sang ngang và lãnh đạo có hứa rằng, các cô sẽ được hưởng lương cho đến lúc già và cũng được tăng bậc như viên chức.

Nhưng đến nay, lại có chính sách đột ngột hủy hợp đồng, khiến ai cũng rất buồn và tủi thân.

Cô Hồng Thu buồn rầu thốt lên: “Bây giờ, cô nào cũng từ 45 đến 48 tuổi nên rất mong sẽ được nhận sự giúp đỡ tạo điều kiện tiếp tục được đi làm và có thu nhập ổn định”.

Cùng chung tâm trạng, cô Nguyễn Thị Thược 47 tuổi cho biết: “Bao nhiêu năm công tác giờ nghe tin này cảm xúc rất là buồn”.

Nói về cái nghiệp dạy trẻ của mình, cô Thược cho biết, cô công tác từ thời vẫn còn đi thu thóc của phụ huynh.

"Mỗi vụ lúa thu chả đáng là bao nhiêu. Rồi trường, lớp chẳng có lại phải đi thuê nhà dân. Vì lòng yêu nghề mến trẻ cho nên đã bám trụ tới bây giờ", cô Thược chia sẻ.

Tâm sự thêm về đoạn trường theo đuổi nghiệp dạy trẻ, cô Thược kể: “Năm 2009, tôi nhận được quyết định chuyển hợp đồng sang ngang vì thế rất yên tâm công tác. Nhưng nay lại chấm dứt hợp đồng, giờ chả biết kêu ai.

Mong rằng, lãnh đạo cấp trên có chính sách bảo hiểm và hỗ trợ cho giáo viên và đề nghị xem xét kéo dài công tác để có lương.

Bây giờ, như tôi đóng bảo hiểm được 23 năm rồi nay lâm vào cảnh bị chấm dứt hợp đồng thực sự thấy xót xa.

Giờ đã 47 tuổi, nếu đi xin việc ở các trưởng tư thục thì ai nhận. Những người trẻ trung họ còn hy vọng, còn như tôi tuổi này rồi sẽ rất khó khăn.

Mấy ngày nay, tôi và các giáo viên khác lo lắng đến mất ăn, mất ngủ”.

Nói về trường hợp 13 giáo viên Trường mầm non Cao Dương thuộc diện chấm dứt hợp đồng, cô Nguyễn Thị Huệ - Hiệu trưởng cho biết, tình hình chung là những cô giáo này đã có thâm niên dạy học rất lâu.

Nhiều cô dạy học từ những năm 1992 - 1993. Đến năm 2009 – sau một năm sáp nhập về Hà Nội những cô giáo này được nhận hệ số lương 1,86.

"Được trả lương bằng thóc lép chúng tôi vẫn lên lớp, sao nay lại cắt hợp đồng" ảnh 3Huyện Thanh Oai, Hà Nội bổ nhiệm thừa hàng loạt hiệu phó trong nhiều năm

Đến cuối năm 2013, theo Quyết định 25 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, đối với giáo viên hợp đồng trong định mức thì bắt đầu được nâng lương tính từ năm công tác đến thời điểm 2013.

“Do đó, sau khi nhận công văn 1020 của Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai, Hà Nội và thực hiện theo Quyết định 14 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về phân cấp quản lý Ban giám hiệu đã làm việc với tất cả những giáo viên này.

Hiện, 13 giáo viên hợp đồng trả lương hết 68 triệu, 22% bảo hiểm xã hội cơ quan chủ quản đóng.

Theo quyết định 14, khung vị trí việc làm về định mức biên chế thì chỉ ký tiếp hợp đồng với 13 cô giáo từ ngày  1/9 đến 31/12/2018”.

Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, ngày 19/7/2018 Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai, Hà Nội ra văn bản số 1020/UBND-NV do bà Lê Thị Hà - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai ký về việc thực hiện một số nội dung tại Quyết định số 14/2017/QĐ-UBND ngày 13/4/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Một trong những nội dung trong văn bản nêu: “Thực hiện việc phân cấp ký hợp đồng lao động tại các trường công lập thuộc các huyện:

Ủy ban nhân dân huyện chấm dứt hợp đồng đối với những trường hợp trước đây được Ủy ban nhân dân huyện đã ký hợp đồng lao động làm giáo viên và nhân viên tại các trường công lập thuộc huyện để chuyển về các trường do Hiệu trưởng xem xét, ký hợp đồng theo thẩm quyền từ ngày 1/9/2018…”.

Khi văn bản này được ban hành, có đến 434 giáo viên của huyện Thanh Oai thuộc diện này đứng ngồi không yên lo lắng sợ mất việc.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đoàn Việt Dũng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai cho biết, hiện huyện Thanh Oai đang thiếu gần 100 giáo viên tiểu học trong khi có 85 giáo viên đang thuộc diện hợp đồng.

Những giáo viên này muốn được dạy học tiếp thì phải tham gia thi và phải đỗ trong kỳ thi biên chế.

Ở bậc trung học cơ sở huyện thiếu biên chế gần 100 giáo viên trong khi số hợp đồng hiên nay nhiều hơn 100 người. Do đó, số giáo viên hợp đồng phải tham gia thi tuyển.

Về giáo viên bậc mầm non, huyện Thanh Oai đang thiếu 43 người nên không thể tổ chức thi tuyển.

Do đó, với số giáo viên mầm non diện hợp đồng sẽ ra các nhóm tư thục làm việc. Bước đầu, dự kiến bố trí được khoảng 70 giáo viên, số còn lại phải tự lo việc.

Chia sẻ với các giáo viên sẽ mất việc tới đây, ông Dũng cho rằng, ông rất thương những giáo viên hợp đồng. Có người hợp đồng 22 năm, gắn bó với nghề và coi nó như cái nghiệp của cuộc đời.

Có giáo viên thi đến 9 lần rồi nhưng chưa trúng nhưng vẫn bám với nghề mặc dù lương chỉ có bậc 1.

Hỏi về các chính sách ưu tiên đối với các giáo viên diện hợp đồng có thâm niên dạy học lâu năm, ông Dũng cho rằng hiện không có một ưu tiên nào khác nếu họ đăng ký tham gia thi tuyển.

Trinh Phúc