Giấc mơ dệt chiếu của "nhà sáng chế" ở vùng cói Nga Sơn

19/08/2013 10:46
Theo Thanh niên
Gặp lại Trần Văn Phong ở xã Nga Liên, H.Nga Sơn (Thanh Hóa) vào một ngày mưa sầm sập sau cơn bão số 2, tôi được nghe anh trải lòng về những dự định cùng bao nỗi truân chuyên của một con người trót mang cái danh “nhà sáng chế” của vùng cói Nga Sơn.
Anh bảo, hình như cái số của mình thường xuyên phải gặp gian truân, trắc trở. Ngày trước học hết lớp 10 rồi đi bộ đội, lại được Quân chủng Hải quân cho đi học nghề cơ khí bên Cộng hòa Czech hẳn hoi. Nhưng khi về nước, gặp lúc kinh tế khó khăn, đơn vị đóng ở Vũng Tàu cũng chẳng có nhiều việc, vậy nên anh mới xin ra quân, bởi “cứ sống nhàn rỗi quá mình không chịu đựng được”.

Và chính ý tưởng về việc làm ra chiếc máy dệt chiếu đã manh nha trong đầu Phong từ những ngày còn trong quân ngũ. Trước khi ra quân, anh tận dụng những vật liệu bỏ đi, rồi nhờ máy móc của đơn vị tự mày mò chế tạo những chi tiết cho chiếc máy dệt chiếu mà anh mới chỉ lờ mờ hình dung trong đầu. Ôm đống “sắt vụn” về quê, Phong mới hay những “chi tiết” mà mình hình dung trong đầu chả dùng được vào việc gì. Vậy là anh bỏ đó, tập trung mở một cửa hàng gò hàn cơ khí nho nhỏ để làm ăn, quên luôn giấc mơ về chiếc máy dệt chiếu.

Trần Văn Phong - nhà sáng chế bất đắc dĩ - Ảnh: Ngọc Minh
Trần Văn Phong - nhà sáng chế bất đắc dĩ - Ảnh: Ngọc Minh 

Nhà sáng chế bất đắc dĩ


Mãi đến năm 2005, quyết tâm làm ra một chiếc máy dệt chiếu lại nhen lên trong đầu Phong một phần cũng do bản tính tò mò, ham sáng tạo, nhưng quan trọng hơn anh muốn làm một điều gì đó để giúp những người nông dân quê mình bớt nhọc nhằn vất vả với công việc dệt chiếu thâu đêm suốt sáng mà chẳng đủ ăn.

Năm đó, Công ty Việt Trang (chuyên sản xuất hàng thủ công từ cây cói đóng trên địa bàn H.Nga Sơn) được một đối tác chuyển giao 6 chiếc máy dệt chiếu của Nhật Bản. Do sợ bị “đánh cắp công nghệ”, nên công ty đã tổ chức quản lý máy móc rất chặt chẽ. Chính sự bảo quản nghiêm nhặt thái quá ấy đã khiến nhiều người, trong đó có Trần Văn Phong thêm tò mò, rất muốn đến tham quan chiếc máy, nhưng không được.

Tự ái nghề nghiệp, Phong giao hết việc cửa hàng cho cánh thợ, rồi đóng cửa ở trong nhà bắt tay nghiên cứu, chế tạo máy dệt chiếu. Anh làm việc miệt mài, nhiều hôm đến tận 2 giờ sáng mới đi ngủ khiến vợ anh gắt gỏng, cằn nhằn, cho rằng anh “hâm đơ, gàn dở”, bởi trước anh cũng đã có không ít người nghiên cứu chế tạo, nhưng đều thất bại.

Bỏ ngoài tai những lời gièm pha của bạn bè, người thân, Phong hì hục suốt hơn 3 tháng trời với công việc nghiên cứu, chế tạo chiếc máy. Phong chỉ nghĩ đơn giản không có việc gì con người không thể làm được. Nếu ai cũng chỉ làm việc theo kiểu “dễ làm, khó bỏ” thì mãi mãi chẳng thay đổi được gì.

Lần mò chế tạo từng chi tiết một, cuối cùng Phong cũng cho ra đời chiếc máy dệt chiếu đầu tiên. Hồi hộp mắc đay vào máy rồi đóng cầu dao điện, chiếc máy hoạt động xoành xoạch với chiếc thoi bay ngậm từng sợi cói dệt nhịp nhàng, nhanh chóng. Chỉ độ hơn 1 giờ đồng hồ, chiếc chiếu đầu tiên đã ra đời trong niềm vui của Phong và người dân thôn 7, xã Nga Liên.

Sau khi cho công nhân xuống cùng Phong vận hành thử máy, Công ty Việt Trang đã quyết định đặt Phong làm cho 10 chiếc máy dệt chiếu loại rộng 1,2 m nhằm nâng cao năng suất lao động của công nhân. Mỗi chiếc máy Phong bán với giá khoảng 30 triệu đồng.

Theo đánh giá của Công ty Việt Trang, máy dệt chiếu của Phong có công suất ngang với máy của Nhật, khoảng 8 - 12 chiếu/ngày. Sản phẩm dệt bằng máy của Phong thẳng hơn máy của Nhật, nhưng hai đầu mép chiếu không đều, máy không tự bắt biên, trong khi máy của Nhật dệt nhẵn hơn nhưng độ dày lại kém máy của Phong, nhưng lợi thế là máy tự bắt biên, tốn ít thời gian gia công hoàn thiện sản phẩm hơn. Nếu được đầu tư nghiên cứu, hoàn thiện thêm một số chi tiết, máy dệt chiếu của Phong chắc chắn sẽ cạnh tranh tốt với các loại máy cùng loại trên thị trường, bởi trong các loại máy dệt thì sản phẩm máy của Phong cho chất lượng cao nhất, gần với sản phẩm làm thủ công truyền thống nhất.

Và thực tế, hiện nay những sản phẩm do những chiếc máy mà Phong làm ra luôn được bán với giá cao hơn và trở thành sản phẩm “đinh” của Công ty Việt Trang.

Sẽ đưa máy dệt chiếu đến từng hộ dân

Cứ tưởng từ năm 2005 đến giờ, với chiếc máy dệt chiếu cùng một xưởng cơ khí đang ăn lên làm ra, Phong phải trở thành tỉ phú trong vùng. Nhưng không phải vậy, cuộc sống của gia đình anh bây giờ vẫn đì đẹt, thậm chí có phần sút kém hơn nhiều so với trước. Nguyên nhân một phần do cái máu “sáng chế” đã tiêu tốn hết số vốn liếng mà bao năm anh tích cóp, một phần cũng do cái khát vọng muốn “làm một cái gì đó” tạo đột phá trong phát triển kinh tế gia đình và cho người thân trong làng xã luôn thôi thúc anh không thôi mạo hiểm.

Do chiếc máy dệt chiếu vẫn chưa thực sự hoàn thiện, trong khi nguồn vốn dần cạn kiệt, khiến đời sống của gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Từ cuối năm 2007, Phong  vay mượn ngân hàng đầu tư máy móc, lặn lội vào Vũng Tàu, lên Lai Châu, ra Quảng Ninh thử vận may với nghề khai thác vật liệu xây dựng. Nhưng cuối cùng “trời vẫn chẳng thương” nên anh đành về quê với hai bàn tay trắng cùng một khoản nợ trên vai.

Từ cuối năm 2012, Phong quyết tâm khôi phục lại xưởng cơ khí để “cày cuốc” trả nợ và lấy tiền nuôi con ăn học, không muốn ai nhắc tới cái danh “nhà sáng chế” mà thiên hạ quàng vào cổ anh trĩu nặng.

Mặc dù chỉ muốn làm người thợ thuần túy, nhưng cái tính tò mò, thích nghiên cứu khám phá đã ngấm vào máu của Phong, chỉ chờ dịp để trỗi dậy. Và từ đầu năm 2013 đến nay, do bạn bè nhờ vả, nên Phong đã mày mò chế tạo ra 2 chiếc máy rất hữu ích, đó là máy chẻ tư cây cói và máy đóng tấm bê tông kè thân đê, với giá thành chỉ bằng 1/10 so với máy nhập khẩu từ nước ngoài. Cũng may đây đều là những sản phẩm không mấy phức tạp và không tốn nhiều thời gian cũng như tiền bạc như chiếc máy dệt chiếu.

“Nói thật, làm ra cái máy dệt chiếu mình cũng chỉ muốn tạo ra một công cụ sản xuất để tăng năng suất lao động cho người dân, nhưng chiếc máy đã làm mình kiệt quệ. Nhưng chắc chắn, mình sẽ cải tạo và tiếp tục nghiên cứu để chiếc máy trở thành một sản phẩm hoàn thiện và hữu ích với người dân vùng cói”.

Hiện nay, Phong đang tập trung nghiên cứu tăng độ chính xác, giúp chiếc máy hoạt động tự động hóa hoàn toàn và cho ra đời sản phẩm hoàn chỉnh với công cụ bắt biên, gấp mép chiếu, khiến chiếc chiếu trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh ngay sau khi dệt mà không cần phải gia công may viền như trước.

Đặc biệt, anh sẽ tối giản một số chi tiết, nhằm mục đích hạ giá thành của chiếc máy xuống còn khoảng 15 triệu đồng/máy. “Nếu tiết kiệm vật liệu, hạ giá thành xuống, đồng thời hoàn thiện một số chi tiết không quá phức tạp nhưng trước kia chưa nghĩ ra, thì chắc chắn sản phẩm của mình sẽ vào được từng hộ gia đình. Cơ hội để chiếc máy trở lại thị trường là rất sáng sủa, nhưng quan trọng hơn, nó sẽ giúp người dân vùng cói bớt cực nhọc rất nhiều”, Phong quả quyết.

Theo Thanh niên