Giáo dục đại học và kinh nghiệm phân tầng ở Việt Nam

18/08/2016 08:00
GS. TSKH Lâm Quang Thiệp
(GDVN) - Cơ sở giáo dục đại học được phân tầng nhằm phục vụ công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

LTS: Như đã mô tả ở các bài viết trước, vào năm 2013 nước ta có 451 trường đại học và cao đẳng,  trong đó có 16 trường đại học trọng điểm (bao gồm 2 đại học quốc gia, 3 đại học vùng), và đang xây dựng 4 trường đại học “xuất sắc” dựa vào sựgiúp đỡ của nước ngoài với hy vọng sau vài thập niên có trường đạt “đẳng cấp thế giới”. 

Chúng ta cũng có khoảng 150 trường đại học và 220 trương cao đẳng khác, trong đó có 2 đại học mở và vài chục trường cao đẳng cộng đồng. Trong hệ thống giáo dục đại học có 83 trường đại học và cao đẳng ngoài công lập. 

Đối với hệ thống trung cấp chuyên nghiệp, có thể có cách xử lý như sau: các trường có chất lượng tốt nên nâng lên thành cao đẳng, các trường yếu nên chuyển xuống thành trung cấp nghề. 

Khác với trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề phải tuyển sinh từ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở chứ không phải tốt nghiệp trung học phổ thông.  

Như vậy, về mặt “vật liệu”, trên danh nghĩa chúng ta có tất cả các loại cơ sở giáo dục đại học để có thể hình thành một hệ thống giáo dục đại học phục vụ tốt cho sự phát triển của đất nước.  

Xuất phát từ nhu cầu các loại nhân lực khác nhau cần thỏa mãn của nhiều tầng bậc hoạt động kinh tế xã hội, hơn nữa, lưu ý đến tình trạng ngân sách của Nhà nước cho giáo dục đại học rất hạn hẹp và khó kỳ vọng có thể tăng thêm nhiều, việc phân tầng giáo dục đại học trở nên đòi hỏi khách quan để đưa ra các chính sách thích hợp đối với từng tầng nhằm làm cho hệ thống  giáo dục đại học nước ta phát triển nhanh chóng và ổn định.  

Kinh nghiệm thế giới được nêu ra đây sẽ giúp chúng ta lựa chọn các phương án phân tầng thích hợp.

Phân tầng giáo dục sau trung học 

Khi nói đến khái niệm phân tầng hệ thống giáo dục sau trung học cần lưu ý đó là khái niệm phân tầng về sứ mạng, chức năng, mục tiêu, nhiệm vụ chứ không phải về chất lượng. 
Vì bất cứ nằm trong tầng nào, một cơ sở giáo dục sau trung học cũng cần phấn đấu để đạt chất lượng cao nhất. Sắp xếp về chất lượng gắn với khái niệm “xếp hạng”.

Luật giáo dục đại học năm 2012 cũng đã lần đầu tiên đưa ra ý tưởng về phân tầng giáo dục đại học ở Điều 9 như sau:

“Cơ sở giáo dục đại học được phân tầng nhằm phục vụ công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển, nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học; thực hiện quản lý nhà nước”. 

Điều 9 cũng nêu vấn đề “xếp hạng” cơ sở giáo dục đại học, cho thấy khái niệm “phân tầng” khác với xếp hạng: phân tầng liên quan đến sứ mạng, chức năng còn xếp hạng liên quan đến uy tín, chất lượng.

Điều 9 Luật giáo dục đại học cũng nêu ý tường tổng quát về phân tầng như sau: “Cơ sở giáo dục đại học được phân tầng thành: thứ nhất, cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu; thứ hai, cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng; thứ ba, cơ sở giáo dục đại học định hướng thực hành”. 

Nghị định 73/2015/NĐ-CP tháng 9/2015 về phân tầng và xếp hạng giáo dục đại học cũng nêu 3 tầng ccơ sở giáo dục đại học như trên.

Tuy nhiên, đáng tiếc là Nghị định này đã gộp phân tầng và xếp hạng vào một khái niệm, ngầm hiểu rằng “phân tầng” là xếp hạng trong 3 tầng lớn, còn xếp hạng là sắp xếp trong từng tầng.  

Ảnh minh họa Xuân Trung
Ảnh minh họa Xuân Trung

Nhầm lẫn này đã dẫn đến một số quy định không hợp lý, chẳng hạn chu kỳ chuyển đổi các tầng là 10 năm, chu kỳ chuyển đổi xếp hạng là 2 năm! Thực ra nếu quan niệm phân tầng liên quan đến sứ mạng, chức năng do Nhà nước quy định, thì không nên đặt vấn đề chuyển đổi giữa các tầng. 

Theo chủ trương phân thành 3 tầng như Luật giáo dục đại học năm 2012 và Nghị định 73 về phân tầng và xếp hạng, dưới đây xin đề nghị một phương án phân tầng khả dĩ cho hệ thống giáo dục sau trung học nước ta, đã được đề nghị ở “Quy hoạch tổng thể cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam”, trong một Dự án giáo dục đại học 2 theo vốn vay của Ngân hàng thế giới năm 2012. 

Phương án cụ thể để phân tầng sau trung học

Tầng 1: Các cơ sở giáo dục đại học tập trung nghiên cứu và đào tạo tiến sĩ. Tầng trường đại học này có thể được hình thành từ một số trường đủ tiêu chuẩn trong 16 trường đại học trọng điểm và các trường đại học “xuất sắc” đang xây dựng.

Tầng 2: Các cơ sở giáo dục đại học tập trung đào tạo nghề nghiệp. Tầng này có thể được chia ra 2 tầng con: 

Một là, các trường đại học được đào tạo thạc sĩ và liên kết với các trường ở tầng 1 để đào tạo tiến sĩ; 

Hai là, các trường đại học chỉ được đào tạo tới cấp cử nhân.

Ở tầng hai có 2 trường đặc biệt là 2 đại học mở với chức năng dùng phương pháp giáo dục mở thường xuyên để đào tạo số đông.

Có thể cấu trúc lại và đầu tư cho 2 đại học mở để chúng xây dựng công nghệ giáo dục mở thường xuyên tiêu chuẩn hóa nhằm làm nòng cốt đào tạo không chính quy đảm bảo chất lượng cho cả hệ thống giáo dục đại học.  

Tầng 3: Các trường cao đẳng cộng đồng và các trường cao đẳng khác. Các trường thuộc tầng này có quyền đào tạo đến bằng đại học đại cương để sinh viên chuyển tiếp học phần giáo dục chuyên nghiệp ở các trường đại học khác, cũng như đào tạo đến bằng cao đẳng. 

Ngoài ra các trường cao đẳng thuộc tầng này có các chương trình đào tạo nghề ngắn hoặc dài hạn.  

Chính sách nào cho các tầng của hệ thống giáo dục sau trung học?

Trước hết cần quy định tiêu chí cho các tầng của hệ thống giáo dục sau trung học. Chẳng hạn, dưới đây chỉ nêu vài con số ước lượng thô để làm thí dụ: 

Các trường đại học tầng 1 phải có: tỷ số giảng viên/sinh viên <10%, tỷ số tiến sĩ/giảng viên>50%, tỷ số học viên sau đại học/sinh viên>50%, công bố quốc tế/giảng viên/năm>0,5.

Các trường đại học tầng 2a phải có: tỷ lệ giảng viên/sinh viên<20%; Tỷ lệ Tiến sĩ/giảng viên>20%; Tỷ lệ học viên sau đại học/sinh viên>10%; [Công bố quốc tế + trong nước]/giảng viên/năm>0,1%. 

Các trường đại học tầng hai phải có: tỷ lệ giảng viên/sinh viên <20%; Tỷ lệ Tiến sĩ/giảng viên>10%.  

Mọi trường ĐH, CĐ sẽ tự nguyện đăng ký xếp mình vào tầng nào, các cơ quan kiểm định sẽ công nhận các trường có đáp ứng tiêu chuẩn hay không. 

Chính sách Nhà nước quy định đối với mỗi tầng: sau đây cũng xin nêu một số chính sách, xem như thí dụ.

Tầng 1: 1) Tuyển sinh tốp khoảng 15% học sinh năng lực cao nhất; 2) Nhà nước cấp học bổng cao cho SV và cho phép thu học phí cao sao cho chi phí đơn vị cho đào tạo đủ cao (> 2 GDP/đầu người); 2) Có quỹ nghiên cứu thích đáng để cấp cho loại trường này (phân phối qua cạnh tranh); 3) Được quyền tự chủ cao. 4) Không đào tạo hệ không chính quy và các bằng thấp hơn cử nhân…

Tầng 2: 1) Các chương trình chính quy tuyển khoảng 35% tốp học sinh có năng lực kế tiếp; 2) Cấp học bổng và cho vay, cho phép thu học phí sao cho chi phí đào tạo đạt mức > 1 GDP đầu người; 3) Chỉ được đào tạo không chính quy khi liên kết sử dụng công nghệ giảng dạy và đánh giá mà các ĐH mở xây dựng cho hệ giáo dục mở thường xuyên tiêu chuẩn hóa.

Riêng đối với 2 đại học mở Nhà nước cần đầu tư ban đầu một khoản kinh phí đủ để các trường này xây dựng được hệ thống tài liệu học tập và công cụ đánh giá tiêu chuẩn hóa đảm bảo chất lượng giảng dạy cho số đông theo giáo dục mở thường xuyên đối với mọi môn học của các chương trình cử nhân không chính quy phổ biến. 

Khi có hệ thống công nghệ đó Nhà nước có thể giao cho 2 đại học mở đào tạo mấy trăm nghìn sinh viên, đồng thời cung cấp cho các trường đại học khác muốn đào tạo không chính quy tài liệu học tập tiêu chuẩn hóa và đảm nhiệm tổ chức đánh giá kết quả học tập của sinh viên bằng công cụ đánh giá đã được xây dựng. 

Bằng cách này có thể đảm bảo chất lượng đào tạo không chính quy của cả hệ thống giáo dục đại học.

Như vậy chỉ cần đầu tư tập trung ban đầu cho 2 đại học mở một khoản kinh phí không lớn lắm Nhà nước có thể giải quyết được bài toán đào tạo không chính quy cho gần một nửa tổng số sinh viên đảm bảo chất lượng với chi phí rất rẻ. 

Trung Quốc và Thái Lan sử dụng rất thành công các đại học mở và hệ thống giáo dục mở thường xuyên cho mục tiêu tương tự.

Các đại học mở được tăng cường chất lượng theo hướng này còn có thể đóng vai trò khâu nối giữa giáo dục đại học chính quy với hoạt động học suốt đời trong xã hội học tập nhờ tổ chức đánh giá và cấp bằng cho những người tự học một chương trình đại học nào đó.   

Tầng 3: 1) Thu hút tất cả thanh niên có thể học đại học và học nghề tại các địa phương, không cần thi tuyển. Họ được giúp đỡ để học chương trình lấy bằng đại học đại cương 2 năm đầu đại học. 

Những người không lấy được bằng này thì chuyển sang học nghề ngắn hạn. Nhà nước tổ chức hệ thống chương trình chuyển tiếp trong cả hệ thống giáo dục đại học để các trường đại học khác có chương trình chuyên nghiệp thu nhận sinh viên có bằng đại học đại cương từ tầng thứ 3 của các trường cao đẳng. 

Hai đại học mở và tầng trường thứ 3 chính là công cụ hữu hiệu để thực hiện đại chúng hóa giáo dục đại học và đảm bảo nhân lực nghề nghiệp cho mọi lĩnh vực  hoạt động kinh tế đa dạng . 

Hy vọng việc thực hiện phân tầng thích hợp đối với hệ thống giáo dục sau trung học nước ta và thiết kế chính sách thích hợp cho các tầng sẽ góp phần xây dựng một hệ thống giáo dục đại học phát triển nhanh chóng, hài hòa và bền vững. 

Một số đề xuất

Sau khi trình bày nhu cầu và kinh nghiệm thế giới về phân tầng hệ thống giáo dục sau trung học để tăng hiệu quả đầu tư và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống, bài viết đề xuất một phương án phân tầng đối với giáo dục sau trung học của nước ta hiện nay, cụ thể hóa chủ trương phân tầng giáo dục đại học của Luật Giáo dục đại học. 

Hệ thống được đề nghị gổm 3 tầng lớn: 1) Các cơ sở giáo dục đại học tập trung nghiên cứu và đào tạo tiến sĩ; 2) Các cơ sở giáo dục đại học tập trung đào tạo nhân lực nghề nghiệp (gồm 2 tầng con: các cơ sở được đào tạo tới cấp thạc sĩ và liên kết với các cơ sở ở tầng 1 để đào tạo tiến sĩ; các cơ sở chỉ được đào tạo tới cấp cử nhân); 3) Các cơ sở cao đẳng cộng đồng và cao đẳng khác.

Trong tầng 2, bài viết đặc biệt đề nghị Nhà nước lưu ý đầu tư để xây dựng hai đại học mở nhằm phát triển giáo dục mở và từ xa, nòng cốt trong đào tạo loại hình không chính quy và hỗ trợ học tập suốt đời ở bậc đại học. 

GS. TSKH Lâm Quang Thiệp