“Giáo dục mở” với công tác đào tạo cán bộ

27/02/2018 06:00
Tiến sĩ Dương Xuân Thành
(GDVN) - Để “giáo dục mở” phát huy tác dụng tích cực trong đào tạo nhân lực, nhất là đào tạo cán bộ thì nhiều “quy trình” cần mở theo.

LTS: Giáo dục mở là gì? Đích đến cuối cùng của nền "giáo dục mở là gì?... sẽ là những câu hỏi được Tiến sĩ Dương Xuân Thành (Ban Nghiên cứu và Phát triển chính sách - Hiệp hội các trường đại học - cao đẳng Việt Nam) làm rõ trong bài viết sau đây.

Đặc biệt, tác giả nhấn mạnh đến nền"giáo dục mở" trong vai trò đào tạo ra những cán bộ tài đức cho xã hội.

Toà soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả bài viết.

Giáo dục mở” không phải là khái niệm mới xuất hiện mà đã có từ rất lâu, tùy vào từng thời kỳ khái niệm “mở” được hiểu theo những cách khác nhau.

Đích đến cuối cùng của một nền “giáo dục mở” vẫn là hướng tới đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội.

Khác với giáo dục phổ thông, “giáo dục mở” chưa (hoặc không) dành sự quan tâm đúng mức đến giáo dục đạo đức, lối sống cho người học.

Lý do của sự khiếm khuyết này có thể vì học viên phần lớn là người trưởng thành, trong đó có không ít người là lãnh đạo cơ quan, đoàn thể.

“Giáo dục mở” có thể theo hướng xã hội (theo trục ngang), hướng học thuật (theo trục dọc) hoặc kết hợp cả hai.

Đích đến cuối cùng của một nền “giáo dục mở” vẫn là hướng tới đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội. Ảnh minh hoạ, nguồn: bdhn.edu.vn
Đích đến cuối cùng của một nền “giáo dục mở” vẫn là hướng tới đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội. Ảnh minh hoạ, nguồn: bdhn.edu.vn

Sau khi hòa bình lập lại, mặc dù bộn bề công việc, Hồ Chủ tịch đã rất quan tâm đến giáo dục, bài phát biểu quan trọng của Cụ Hồ tại Hội nghị cán bộ Đảng ngành Giáo dục tháng 6/1957 có thể xem là một định hướng về giáo dục mở thời bấy giờ:

Giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn.

Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”. [1]

Xin mạn phép coi quan điểm “mở” của Hồ Chủ tịch là mở theo chiều ngang với kết cấu “Nhà trường - Gia đình - Xã hội”.

Tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI (04/11/2013) Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” với 7 định hướng, trong đó có hai mục đề cập đến “tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học” (mục 2) và “giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội” (mục 3).

“Giáo dục mở” với công tác đào tạo cán bộ ảnh 2Từ trước đến giờ, chúng ta lấy đâu ra giáo viên trung học cơ sở?

Có thể thấy Nghị quyết số 29-NQ/TW đã kế thừa và phát triển quan điểm của Hồ Chủ tịch về “giáo dục mở” như đã trích dẫn.

Riêng định hướng thứ 5: “Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Chuẩn hóa, hiện đại hóa giáo dục và đào tạo” nêu khái niệm “giáo dục mở” như là một định nghĩa mới, bắt buộc phải thực hiện trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Có thể coi tiêu chí thứ 5, khái niệm “giáo dục mở” được định hướng theo chiều dọc tức là sự liên thông giữa các “bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo”.

Bài viết này xin nêu vài ý kiến về vai trò của “giáo dục mở” trong công tác đào tạo cán bộ nguồn, những liên hệ đến đào tạo nhân lực sẽ được bàn trong dịp khác.

Có một câu hỏi cần đặt ra là: “Giáo dục mở ở Việt Nam nhằm mục đích tạo điều kiện cho công dân học tập suốt đời, nhằm cung cấp cho xã hội người làm việc có trình độ lý luận và thực tiễn hay nhằm trang bị cho cán bộ, công chức “chứng chỉ hợp pháp” để trở thành người lãnh đạo?”.

Có vẻ như tiêu chí đào tạo lãnh đạo đang chiếm ưu thế so với đào tạo người thạo việc.

Không biết từ lúc nào, vào học tại một trường đại học luôn là nỗi ám ảnh với hàng triệu học sinh và gia đình họ.

Chính nỗi ám ảnh đó đã khiến cho những người hoạch định chính sách phạm không ít sai lầm, đặc biệt là việc tăng thêm một cách tùy tiện số trường đại học, cao đẳng do các địa phương, bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội,… làm “chủ quản”.

Bên cạnh đó cũng không thể không nhắc đến việc buông lỏng quản lý hệ đào tạo mở (tại chức) gần như tại tất cả các trường thuộc tất cả các khối ngành.

Một khi đã tốt nghiệp đại học, với tấm bằng cử nhân, kỹ sư trong tay, hầu như người ta không còn hứng thú với lao động đơn giản, ai cũng muốn trở thành công chức, viên chức, ai cũng mơ ước một lúc nào đó sẽ trở thành chủ tịch, bí thư hoặc giám đốc doanh nghiệp.

Thi đại học chính quy vài năm không đỗ thì học tại chức hoặc học cao đẳng rồi sau đó liên thông để có bằng đại học, đây chính là một trong các biến tướng không khó nhận diện của “giáo dục mở”.

Người viết từng dạy những lớp tại chức sáu, bảy chục học viên, khoảng non nửa là người đang làm việc, còn lại đều là học sinh thi trượt đại học hệ chính quy.

Số học sinh phổ thông này dễ dàng có được giấy xác nhận đã làm việc ít nhất hai năm tại một cơ sở nào đó mà nhà trường không có bất kỳ sự kiểm tra nào về tính xác thực của các loại “giấy” đó.

“Giáo dục mở” với công tác đào tạo cán bộ ảnh 3Giáo dục chưa bao giờ hết nóng và những việc cần làm ngay

Khái niệm “học tại chức” được hiểu là vừa học, vừa làm, nên những văn bằng cấp cho người “vừa học, vừa làm” không thể coi là bằng tốt nghiệp hệ đào tạo chính quy.

Theo nội dung Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra xin ý kiến, sẽ không có sự phân biệt hình thức đào tạo chính quy hay tại chức trên văn bằng nghĩa là chỉ có một loại bằng tốt nghiệp đại học.

Phải chăng quy định này là do chất lượng đào tạo mở (tại chức) đã ngang bằng với chất lượng đào tạo chính quy hay là biện pháp tình thế nhằm xóa bỏ mặc cảm xã hội?

Trong khi chất lượng đào tạo tại chức bị cả xã hội nghi ngờ, thậm chí chính quyền một số địa phương còn công bố không tuyển người tốt nghiệp tại chức vào cơ quan thì lại có tình trạng ngược lại, tấm bằng “tại chức” là quy định bắt buộc phải có khi bổ nhiệm, đề bạt cán bộ.

Khi tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ bao giờ cũng kèm theo các bằng cấp lý luận chính trị và quản lý nhà nước thì người ta cần có các bằng cấp này chứ không phải nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ (về khoa học, kỹ thuật) lĩnh vực mà mình phụ trách.

Tiêu chuẩn cứng về bằng cấp đã khiến khái niệm “giáo dục mở” bị biến tướng, mất đi bản chất nhân văn ban đầu là xây dựng một xã hội học tập, công dân có thể học tập suốt đời.

Một lượng khá đông đảo cán bộ các cấp, đặc biệt là ở địa phương lợi dụng hình thức “giáo dục mở” cụ thể là hình thức học tại chức để hợp thức hóa “trình độ” của mình.

Chuyện một vị Chánh Thanh tra ở Kiên Giang vào học đại học tại chức trước khi có bằng tốt nghiệp phổ thông không phải là cá biệt.

Bên cạnh đó không ít người dối trá, mượn bằng cấp của người khác để thi đại học (tại chức) như cựu Trưởng ban Tổ chức Thành ủy thành phố Vị Thanh - Hậu Giang Lê Thành Nhân.

Ông này không những đã tốt nghiệp Đại học Luật mà còn tốt nghiệp Cao cấp Chính trị - Hành chính (2013-2015).

Vậy phải làm gì để “giáo dục mở” không còn là lựa chọn hàng đầu của những người muốn gia cố “chiếc ghế” của mình?

Thứ nhất là chất lượng giáo dục.

Hàng loạt cán bộ trung, cao cấp, tổ chức đảng tại không ít bộ, ngành, tổng công ty và địa phương bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kỷ luật vừa qua cho thấy không chỉ họ là những người “phai nhạt lý tưởng, tự diễn biến, tự chuyển hóa, không giữ được phẩm chất, đạo đức” mà còn có trách nhiệm của cơ quan đào tạo, nơi cấp cho họ các văn bằng xác nhận trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước.

“Giáo dục mở” với công tác đào tạo cán bộ ảnh 4Giáo dục đại học tư thục là một trong hai cánh của một con đại bàng

Những đề xuất tại tòa của các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh hay lời đại tá Nguyễn Văn Quý, nguyên trưởng Công an huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh: “Tôi phải thừa nhận tôi và cấp dưới đã có những sai sót trong nhận thức pháp luật…” có cho thấy chất lượng đào tạo cán bộ trung cao cấp về quản lý nhà nước?

Chất lượng giáo dục phải chuyển hóa thành chất xám, phải thể hiện qua nhưng công việc cụ thể chứ không phải những báo cáo hay phát biểu của lãnh đạo tại các hội nghị, hội thảo.

Chất lượng giáo dục phải được đánh giá bằng những kiến thức mới cập nhật, được giảng dạy, chuyển giao cho người học, phải phù hợp với những biến chuyển rất nhanh chóng của xã hội chứ không phải chỉ là những kiến thức kinh điển.

Thứ hai là quản lý giáo dục.

Việc đánh giá chất lượng học viên tham gia các chương trình giáo dục mở cần được tiến hành bởi những cơ quan độc lập, nên chăng giao cho các Trung tâm kiểm định chất lượng thực hiện giống như kiểm định chất lượng các đại học, cao đẳng hiện nay?

Nếu có khó khăn về chuyên môn, trước mắt chỉ cần tổ chức kỳ thi trực tuyến hai môn Ngoại ngữ và Tin học cho học viên “mở” toàn quốc.

Chọn hai môn này bởi tiêu chí tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ luôn có yêu cầu cụ thể về kiến thức Ngoại ngữ và Công nghệ Thông tin.

Thứ ba là công tác tuyển chọn cán bộ.

Đã đến lúc nên xem xét các tiêu chí cứng về bằng cấp bắt buộc phải có trong hồ sơ cán bộ, việc tuyển chọn, bổ nhiệm, đề bạt phải được thực hiện qua các kỳ thi tuyển minh bạch, công khai.

Các bài thi tuyển công chức nhà nước sẽ lồng ghép kiến thức chuyên môn, lý luận chính trị và quản lý nhà nước.

Sở dĩ phải nêu đề xuất này bởi những người chưa phải là cán bộ, công chức không thể được cơ quan nhà nước giới thiệu hoặc cử đi học.

Mặt khác các trường đào tạo lý luận chính trị hình như cũng chưa có chủ trương tuyển chọn thí sinh tự do.  

Nếu xem bằng cấp lý luận là bắt buộc phải có trong hồ sơ thi tuyển thì cũng đồng nghĩa với hàng loạt ứng viên giỏi chuyên môn bị loại ngay trước khi kỳ thi bắt đầu!

Để “giáo dục mở” phát huy tác dụng tích cực trong đào tạo nhân lực, nhất là đào tạo cán bộ thì nhiều “quy trình” cần mở theo.

Còn nếu “quy trình” được xem là chuẩn mực tối thượng thì rất khó để giáo dục mở đáp ứng được kỳ vọng nâng cao dân trí, càng khó nâng cao được chất lượng đội ngũ cán bộ hình thành từ cách “giáo dục mở” hiện nay.

Điều nữa mà người viết mong mỏi là những người thày được giao trọng trách đào tạo cán bộ nguồn theo hướng “mở”, hãy đừng vì bất kỳ lý do gì để hạ thấp chất lượng đào tạo, cũng đừng vì bất kỳ lý do gì mà không dám cập nhật những kiến thức tiên tiến của thời đại trong giáo án của mình.

Tài liệu tham khảo:

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, trang 395

Tiến sĩ Dương Xuân Thành