Giáo sư Jonh Vũ và ba kĩ năng cần thiết của người khởi nghiệp

22/06/2017 08:26
Giáo sư John Vũ
(GDVN) - Muốn là nhà khởi nghiệp bạn cần có ba kĩ năng: tri thức công nghệ, sẵn lòng chấp nhận rủi ro để theo đuổi mơ ước bất kể thất bại và luôn học hỏi không ngừng

Nhà khởi nghiệp thường khởi đầu công ty từ một ý tưởng. Họ tin rằng ý tưởng phải dựa trên tri thức của chính mình.

Ý  tưởng chỉ tốt khi nó tạo ra giá trị. Giá trị là điều khách hàng tin, không phải điều nhà khởi nghiệp nghĩ.

Giá trị là lí do tại sao khách hàng sẵn sàng trả tiền cho nó. Giá trị là lí do tại sao khách hàng mua từ bạn chứ không từ ai đó khác.

Giá trị là giải pháp cho vấn đề của khách hàng mà họ không thể giải quyết được. Về căn bản, giá trị là ích lợi mà công ty khởi nghiệp đem lại cho khách hàng.

Hình ảnh minh họa cho việc khởi nghiệp và thành công. (Ảnh: xahoithongtin.com.vn)
Hình ảnh minh họa cho việc khởi nghiệp và thành công. (Ảnh: xahoithongtin.com.vn)


Ngày nay, giá trị là về cách dùng công nghệ để làm lợi cho khách hàng, xã hội và nhân loại. Nó là cách thay thế hình thức kinh doanh lạc hậu, lỗi thời bằng cách làm việc mới  phát triển và văn minh.

Chẳng hạn, với máy nghe nhạc và phần mềm, Apple đã tạo ra cách thức phát triển làm biến đổi công ty máy tính thành lực lượng chi phối nền công nghiệp âm nhạc.

Với điện thoại thông minh và công cụ tìm kiếm, Apple đã tạo ra cách làm mới làm biến đổi công ty máy tính thành lực lượng chi phối nền công nghiệp viễn thông.

Một ý tưởng là quan niệm cá nhân mà bạn có. Nó phải được phát triển và đem lại giá trị cho khách hàng. 

Làm sao bạn tạo ra giá trị trong thị trường cạnh tranh cao? Bạn không thể đi theo quy trình hiện có vì trong mọi thị trường, đã có những công ty lớn và uy tín. 

Bạn là người mới tới và chưa thể cạnh tranh được với họ. Đó là lí do tại sao, phần lớn các công ty khởi nghiệp đều bắt đầu bằng công nghệ. 

Chẳng hạn, Jeff Bezos muốn bán sách nhưng ông ấy biết rằng không thể cạnh tranh được với các cửa hàng sách lớn có uy tín. 

Ở Mĩ, có 5 công ty khổng lồ kiểm soát hàng nghìn hiệu sách, cách duy nhất để kinh doanh sách là dùng công nghệ để đột phá thị trường. 

Đột phá là cái gì đó làm nảy sinh việc hay làm gián đoạn một một thị trường kinh doanh. Đột phá làm thay đổi doanh nghiệp có uy tín theo cách mà nó không ngờ tới.

Giáo sư Jonh Vũ và ba kĩ năng cần thiết của người khởi nghiệp ảnh 2

10 lời khuyên của giáo sư John Vũ dành cho người muốn khởi nghiệp

Jeff Bezos sử dụng công nghệ thông tin để bán sách trực tuyến. Trong vòng 10 năm, ông ấy đã tăng trưởng Amazon thành doanh nghiệp trực tuyến khổng lồ, phá hủy hầu hết các hiệu sách và đẩy 4 trong 5 công ty sách khổng lồ ra khỏi thị trường kinh doanh.

Để thành công, nhà khởi nghiệp phải dùng phát minh công nghệ để tạo ra thị trường mới hay đột phá thị trường cũ. Đó là lí do tại sao, ngày nay, hầu hết các nhà khởi nghiệp đều là những người học trong các lĩnh vực: khoa học, công nghệ, kĩ nghệ, và toán học... 

Trong lịch sử nhân loại, có vô vàn những đột phá công nghệ. Chẳng hạn: vào thế kỉ XV, Johannes Gutenberg đã phát minh ra máy in và làm thay đổi hoàn toàn châu Âu. 

Trước đó, mọi thứ phải sao chép bằng tay và mất rất nhiều thời gian và tốn kém. Chỉ người giàu mới được đọc sách; chỉ quý tộc mới có thể tiếp cận với tri thức.  

Với sách in, mọi người có thể đọc và học những điều mới. Khi tri thức lan toả, châu Âu nhanh chóng chuyển từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp. 

Ngày nay,  điều đó đang xảy với Internet và điện thoại di động. Trước đây, gọi điện thoại chi phí rất tốn kém.

Viễn thông bị kiểm soát bởi vài công ty khổng lồ, mãi cho tới khi một công ty nhỏ tên là Skype tạo ra giá trị phát minh mới với giá rẻ và gọi không mất phí cuộc gọi từ người này tới người khác.

Ngày nay, Skype là công ty viễn thông lớn nhất trên thế giới. Những công ty viễn thông khác, phần lớn đã ra khỏi ngành vì quy trình kinh doanh truyền thống của họ bị phá bỏ.

Làm sao nhà khởi nghiệp có thể phát minh, thiết kế và đột phá cách làm kinh doanh cũ và đưa công ty khởi nghiệp thành doanh nghiệp mạnh? 

Làm sao công ty khởi nghiệp nhỏ có thể thách thức với các công ty lớn và uy tín?

Làm sao nhà khởi nghiệp có thể biến ý tưởng vĩ mô của họ thành doanh nghiệp thành công? 

Điều đó bắt đầu với tri thức công nghệ. Đó là lí do tại sao, các nhà khởi nghiệp được coi như nền tảng của mọi công nghệ tương lai, mọi doanh nghiệp tương lai, và dẫn lái mọi tăng trưởng kinh tế.

Khi công ty khởi nghiệp trải qua tiến trình của nó từ công ty nhỏ tới doanh nghiệp lớn, từng bước đều phải được kiểm nghiệm. 

Giáo sư Jonh Vũ và ba kĩ năng cần thiết của người khởi nghiệp ảnh 3

Sinh viên nên dựa vào tiêu chí nào để lựa chọn nghề nghiệp?

Trong nền kinh tế toàn cầu đầy cạnh tranh này, tốc độ là quy tắc, nếu bạn đi chậm sẽ bỏ lỡ cơ hội.

Các công ty khởi nghiệp phải thiết kế để vừa là lực cạnh tranh, mà vẫn có thể đương đầu, đột phá thị trường khi đi từ thị trường địa phương sang thị trường quốc gia và toàn cầu. 

Nhà khởi nghiệp phải nhanh chóng điều chỉnh cách thức kinh doanh để doanh nghiệp tồn tại và tiến lên trước đối thủ cạnh tranh của họ.

Nhà khởi nghiệp thường khởi đầu công ty dựa trên tri thức của họ, nhưng nếu không học điều mới, không có tâm trí cởi mở, học hỏi với thái độ “tự thoả mãn” chắc chắn họ sẽ thất bại. 

Tri thức công nghệ thay đổi nhanh chóng, điều bạn biết hôm nay có thể lỗi thời ngày mai. Bạn không thể dựa vào điều bạn biết để sống còn trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng này. 
Như tôi đã nhắc tới trước đây, nhà khởi nghiệp phải đi theo “quy trình động”, tiến hoá và điều chỉnh với môi trường mới và thách thức mới. Do đó, nhà khởi nghiệp phải tiếp tục học và học cả đời.

Nếu Steve Jobs không liên tục học hỏi điều mới, Apple sẽ không thể trở thành công ty lớn nhất trên thế giới. 

Nếu Steve Jobs bằng lòng với tri thức của ông ấy, Apple sẽ không thể cạnh tranh được thị trường Microsoft. 

Nếu Steve Jobs hạnh phúc với thành công của ông ấy,  Apple sẽ không bao giờ vào được thị trường kinh doanh âm nhạc, hay điện thoại thông minh.

Nếu bạn muốn là nhà khởi nghiệp và khởi đầu công ty riêng của mình, bạn cần ba kĩ năng: tri thức công nghệ, sẵn lòng chấp nhận rủi ro để theo đuổi mơ ước bất kể thất bại và thái độ học hỏi không ngừng.

Giáo sư John Vũ