Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói, học để thành người hạnh phúc và tự do

16/01/2019 08:59
Vũ Ninh
(GDVN) - Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng mục đích cao nhất của việc học là học để trở thành người hạnh phúc, học để trở thành người tự do.

Trong suốt 3 giờ đồng hồ của buổi hội thảo "Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0" thầy và trò trường Trung học Phổ thông Nhị Chiểu (huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) đã được nghe nhiều chia sẻ quý báu từ Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Buổi hội thảo do báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Trường Trung học phổ thông Nhị Chiểu tổ chức.

Mở đầu phần chia sẻ của mình, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho biết đặc biệt ấn tượng với công tác chuẩn bị chu đáo của nhà trường và cũng không quên gửi lời cảm ơn đến sự quan tâm của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương cùng Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hỏi đáp cùng các em học sinh Trường Trung học Phổ Thông Nhị Chiểu (Ảnh: Vũ Ninh)
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hỏi đáp cùng các em học sinh Trường Trung học Phổ Thông Nhị Chiểu (Ảnh: Vũ Ninh)

Trường Trung học Phổ thông Nhị Chiểu là một ngôi trường có bề dày thành tích trong công tác giảng dạy và học tập của tỉnh Hải Dương.

Nhiều năm qua ngôi trường đã có thành tích xuất sắc trong công tác học tập và giành thứ hạng cao trong kỳ thi Đại học.

Nhìn ngôi trường hiện đại và khang trang ít ai nghĩ được rằng trước đây điều kiện vật chất của trường Nhị Chiểu cũ rất tồi tàn.

Thậm chí sự bất lợi về địa lý còn khiến không ít giáo viên xin nghỉ việc.

Câu hỏi đầu tiên mà Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đưa ra cho gần 1.000 em học sinh cấp 3 Nhị Chiểu đó là "Học để làm gì?".

Cả hội trường đưa ra nhiều đáp án chẳng hạn như học để thi, học để thành đạt, học để có việc làm...

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng từ tốn giải thích: "Những điều các em vừa nêu lên đều có ý đúng nhưng chưa đủ. Tại Mỹ các em biết câu trả lời là gì không?

Học không phải để thành công vì có nhiều công việc khác không cần phải học quá nhiều.

Học cũng không phải con đường duy nhất để có tiền tài vì rất nhiều nông dân làm giàu và trở thành tỷ phú.

Theo tôi mục đích cao nhất của việc học là học để trở thành người tự do, học để trở thành người hạnh phúc.

Tự do về tư tưởng, tự do về cách sống, tự do cả về tài chính. Những thứ đấy các em muốn có thì phải học".

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói, học để thành người hạnh phúc và tự do ảnh 2Khởi nghiệp trong thời đại 4.0 đâu chỉ riêng con đường đại học!

Chia sẻ về cách học, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng dẫn lại 3 lời khuyên quý báu của Giáo sư Đặng Văn Ngữ dành cho ông:

"Giáo sư Đặng Văn Ngữ có dành cho tôi 3 lời khuyên và cả 3 lời khuyên trên tôi đều làm được.

Thứ nhất phải học giỏi ngoại ngữ. Các em có biết Singapore là một quốc gia có đến 70% là người Hoa nhưng thứ ngôn ngữ phổ biến nhất tại đây lại chính là tiếng Anh.

Thu nhập bình quân đầu người của họ là 70.000 đô la, trong khi Việt Nam mới vượt qua được mốc 2000 đô la. Sở dĩ họ thành công được như vậy là nhờ vào ngoại ngữ.

Cho nên các em phải đầu tư cho việc học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng.

Có được vốn ngoại ngữ tốt trong tay các em sẽ trở thành những công dân toàn cầu.

Thứ hai đối với việc học Đại học cần gắn liền với việc nghiên cứu khoa học. Và thứ ba dạy đại học phải viết sách giáo khoa.

Đây là 3 lời khuyên của Giáo sư Đặng Văn Ngữ dành cho tôi và cả 3 lời khuyên trên tôi đều làm được".

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tặng sách cho thầy cô trong trường (Ảnh: Vũ Ninh)
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tặng sách cho thầy cô trong trường (Ảnh: Vũ Ninh)

Đi vào nội dung chính của buổi hội thảo: Vấn đề khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã trình bày ngắn gọn những kiến thức cơ bản về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này.

"Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất.

Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất.

Bây giờ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học".

Các nền tảng cơ bản của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý.

Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).

Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong Nông nghiệp, Thủy sản, Y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu.

Cuối cùng là lĩnh vực Vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ nano.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói, học để thành người hạnh phúc và tự do ảnh 4Ba lời khuyên của Giáo sư Đặng Văn Ngữ dành cho Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

Trước những vấn đề mà Giáo sư đã trình bày, nhiều em học sinh không khỏi lo lắng về cơ hội việc làm trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhằm giải đáp các thắc mắc của học sinh, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã có phần giao lưu đầy sôi nổi với học sinh trường Nhị Chiểu.

Giáo sư cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại những thách thức đồng thời mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên và lao động trẻ:

"Cách mạng công nghiệp trước hết mang đến thách thức đó là cơ hội việc làm khi hiện nay nhiều  nơi đã sử dụng máy móc và các robot để thay thế con người làm việc.

Các robot được sử dụng vào những công việc nguy hiểm, công việc nhàm chán hoặc nặng nhọc. Có thể nói hiện nay Robot có mặt ở khắp mọi nơi.

Tuy nhiên cuộc cách mạng này cũng mang đến cho các em nhiều cơ hội. Trước tiên các em sẽ có cơ hội trở thành những công dân toàn cầu.

Bên cạnh đó việc học tập cũng như lao động sẽ thuận lợi hơn nhờ sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật".

Giáo sư cũng dành 3 lời khuyên dành cho các em học sinh để có thể khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0:

"Nhiều em hỏi tôi rằng điều gì quan trọng nhất đối với một con người. Tôi cho rằng đó là phải yêu bản thân mình trước do đó yếu tố đầu tiên các em phải có đó chính là sức khỏe và bảo vệ sức khỏe của mình thật tốt.

Yếu tố thứ hai là học ngoại ngữ cho giỏi. Và cuối cùng là phải làm chủ được công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật".

Bên cạnh vốn kiến thức, vốn sống uyên thâm, những chia sẻ và bài học của Giáo sư còn rất sinh động và gần gũi có tác động không nhỏ đến giáo viên và học sinh.

Giáo sư hỏi đáp và tặng sách cho các em học sinh trường Trung học Phổ thông Nhị Chiểu (Ảnh: Vũ Ninh)
Giáo sư hỏi đáp và tặng sách cho các em học sinh trường Trung học Phổ thông Nhị Chiểu (Ảnh: Vũ Ninh)

Buổi hội thảo diễn ra trong không khí trật tự, trang nghiêm mà không kém phần vui vẻ, dí dỏm.

Thay mặt nhà trường cô Nguyễn Thị Thanh Phương, phó hiệu trưởng cho biết: "Trường chúng tôi ngày hôm nay rất vui mừng được đón tiếp Giáo sư về thăm trường và chia sẻ với các em học sinh một chủ đề rất ý nghĩa.

Cách nói chuyện của thầy rất cuốn hút, hài hước và dí dỏm. Những chia sẻ của Giáo sư không chỉ có ý nghĩa với các em học sinh mà ngay cả những giáo viên như chúng tôi cũng cảm thấy mình học được nhiều điều.

Thông qua những buổi như thế này sẽ giúp các em tự tin hơn. Hi vọng sẽ được trao đổi với Giáo sư về một chủ đề khác tại trường".

Em Trần Thị Hương, học sinh lớp 12 chia sẻ:"Chúng em được biết đến Giáo sư nhiều lần qua tivi nhưng được gặp thầy ngoài đời như này là một vinh dự lớn.

Qua những câu chuyện và bài học của thầy bọn em đúc rút được rất nhiều điều trong học tập cũng như trong cuộc sống. Đây là những hành trang để bọn em có thể tự tin hơn bước vào thời đại 4.0".

Chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước.

Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên các trường.

Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.

Hiện tại, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Các trường có thể đăng ký qua hotline: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777,

Email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Toàn bộ chi phí tổ chức hội thảo đều do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.


Vũ Ninh