Giáo viên có là đối tượng được điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021?

28/05/2018 07:05
BÙI NAM
(GDVN) - Nhiều giáo viên lo lắng băn khoăn có phải tất cả mọi đối tượng giáo viên đều phải bị điều chỉnh tăng tuổi hưu lên theo các phương án trên không?

LTS: Chia sẻ về vấn đề tuổi nghỉ hưu của lực lượng giáo viên, tác giả Bùi Nam đã có bài viết đưa ra quan điểm của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nghị quyết 28 Hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành trung ương Đảng về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 23/5/2018 trong đó có vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu nhận được sự quan tâm rất lớn từ tăng lớp cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động.

Như vậy, vấn đề gây nhiều tranh luận đã được thông qua và lộ trình tăng tuổi hưu sẽ được áp dụng từ năm 2021 có thể theo 2 phương án tuổi nghỉ hưu sẽ được nâng dần cho đến khi nữ đạt 60 tuổi nam 62 hoặc nữ 60 nam 65.

Nghị quyết thể hiện nhiều điểm mới, hợp lý như khắc phục tình trạng đóng ít hưởng nhiều hay nhiều người còn nhiều sức khỏe, còn đủ minh mẫn, làm việc có kinh nghiệm và hiệu quả cao,...nhưng nghỉ hưu thì rất đáng tiếc

Nhưng đối với lực lượng giáo viên thì đây thật sự có lẽ là một tin rất đáng buồn, rất lo lắng.

Giáo viên mầm non có còn đủ sức khỏe để kéo dài tuổi nghỉ hưu lên đến 60? (Ảnh minh họa:TTXVN)
Giáo viên mầm non có còn đủ sức khỏe để kéo dài tuổi nghỉ hưu lên đến 60? (Ảnh minh họa:TTXVN)

Nhiều giáo viên lo lắng băn khoăn có phải tất cả mọi đối tượng giáo viên đều phải bị điều chỉnh tăng tuổi hưu lên theo các phương án trên không?

Giáo viên phải là đối tượng đặc biệt được nghỉ hưu sớm 5 năm với nữ, 2 năm với nam

Có một điều đáng mừng trong Nghị quyết 28 của Trung ương là trong một số ngành nghề đặc biệt sẽ hưởng lương hưu sớm hoặc trễ hơn 5 năm, tăng tuổi hưu sẽ không tăng “cào bằng” mà tăng theo đối tượng cụ thể, điều này sẽ được Quốc hội thảo luận, quyết định bằng Luật khi được thông qua.

Tôi rất mong Quốc hội quy định nghề giáo là một nghề đặc biệt, giáo viên được nghỉ sớm 5 năm đối với nữ, 2 năm đối với nam trừ một số trường hợp đặc biệt.

Do đó cả triệu giáo viên rất hy vọng và chờ đợi khi được thông qua ở Quốc hội thì giáo viên sẽ không thuộc đối tượng điều chỉnh tăng tuổi hưu từ năm 2021.

Tôi đề nghị có thể tăng tuổi nghỉ hưu trong một số ngành nghề có môi trường làm việc tốt như ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm xã hội, kho bạc, thuế… công việc cũng ít áp lực và vận động nhiều.

“Thầy già con hát trẻ” không phải lúc nào cũng đúng

Hiện nay, lực lượng giáo viên đang có công việc rất nặng nhọc, đi lại nhiều, nói nhiều và chịu rất nhiều áp lực về phía lãnh đạo, học sinh, đồng nghiệp,….Nên đề xuất giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay là nữ đủ 55 tuổi, nam 60 tuổi.

Giáo viên nếu công tác từ khi ra trường đến khi nghỉ hưu như hiện nay cũng trên 35 năm công tác là đã quá sức chịu đựng.

Nếu nữ tới 60 tuổi mới nghỉ hưu thì chắc sẽ có nhiều giáo viên “chống gậy” đi dạy hoặc là “gục ngã” ngay trên bục giảng.

Có nhiều hình dung liên tưởng vui về hình ảnh giáo viên gần 60 tuổi một tay “chống gậy”, một tay “múa, hát”  khi dạy cho học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở,… về âm nhạc hay các hoạt động khác.

Bên cạnh đó, nếu tuổi nghỉ hưu tăng cao thì sẽ hạn chế cơ hội tìm việc của các người trẻ, trong số đó có rất nhiều người giỏi, mai một nhân tài,…

Nghề giáo là một nghề đặc thù, đặc biệt nên giáo viên các cấp từ mầm non đến phổ thông đến khi nữ đủ 55 tuổi, nam đủ 60 tuổi đã không còn sức khỏe, tinh thần hay óc sáng tạo trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, phương pháp mới vào giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Các ngành nghề khác có thể đối tượng lớn tuổi có kinh nghiệm thì có thể làm tốt hơn, đối với giáo dục là một nghề luôn cần sự vận động, mới mẻ nên tuổi nghỉ hưu như hiện nay là mức chấp nhận được.

Nâng tuổi hưu, sẽ có nhiều giáo viên "hy sinh" ngay trên bục giảng?

Tăng tuổi hưu giáo viên là một điều sẽ gây nhiều hiệu ứng phụ, tác dụng ngược.

Rất mong Quốc hội quy định giáo viên là đối tượng đặc biệt được phép nghỉ hưu sớm 5 năm với nữ, 2 năm với nam để tuổi nghỉ hưu của giáo viên vẫn như hiện nay.

Có thể điều chỉnh tăng ở một số đối tượng giáo viên

Có thể điều chỉnh tuổi nghỉ hưu tăng dần ở các đối tượng giảng viên giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở các trường cao đẳng, đại học, cao học trên cả nước.

Đối với giáo viên từ mầm non đến phổ thông tôi nghĩ có thể tăng tuổi nghỉ hưu của các chuyên viên, cán bộ Phòng/Sở Giáo dục, có thể tăng tuổi hưu của nhân viên như y tế, văn thư, thư viện, lãnh đạo trường (Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng),…và một số giáo viên có nguyện vọng tiếp tục được công tác (do giáo viên được toàn quyền quyết định).

Tăng tuổi nghỉ hưu là chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước nhưng cần phải tăng theo đối tượng và không được tăng kiểu “cào bằng” như hiện nay.

Thông tin tiếp tục duy trì mức lương cao hơn 1,8 lần cho cán bộ ngành bảo hiểm xã hội tại phiên họp thứ 24 của Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với cán bộ công chức, viên chức và người lao động ngành bảo hiểm xã hội là một tin mừng đối với ngành bảo hiểm xã hội nhưng là tin không mấy gì vui với các ban ngành khác nhất là lực lượng giáo viên áp lực công việc nhiều, thu nhập thấp.

Nâng tuổi hưu và nỗi lo sợ từ giáo viên

Nếu ngành bảo hiểm xã hội hưởng lương như các ngành nghề khác, cộng với việc cắt giảm chi phí, áp dụng công nghệ thông tin, tinh giảm đầu mối, biên chế,…chắc sẽ tiết kiệm rất nhiều khoản kinh phí sẽ không lo “vỡ” quỹ bảo hiểm xã hội và có thể chỉ tăng tuổi hưu ở một số ít đối tượng.

Rất mong các cấp lãnh đạo Đảng, nhà nước nghiên cứu, xem xét để giáo viên được yên tâm công tác, chất lượng giáo dục ngày được nâng lên.

Giáo viên không chỉ mong muốn được cải thiện mức lương, môi trường làm việc như mong muốn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ mà còn muốn được cải thiện tuổi nghỉ hưu, nếu không giảm được thì xin đừng nên tăng.

BÙI NAM