Giáo viên nêu hướng phát triển hệ thống giáo dục phổ thông đảm bảo định hướng mở

15/05/2018 06:58
Thùy Linh
(GDVN) - Không xây dựng chính sách giáo dục mở thiết thực thì không cơ sở nào có khả năng triển khai các hoạt động ứng dụng và phát triển mô hình giáo dục mở được.

Hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4  đã có những tác động tích cực đến nền giáo dục phổ thông các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam. 

Đòi hỏi giáo dục phổ thông phải nhanh chóng, liên tục thay đổi, linh hoạt về mọi mặt, từ mục tiêu, nội dung, người giáo dục, người được giáo dục đến phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức và cả khâu đánh giá kết quả giáo dục nhằm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ. 

Nhận thức rõ điều này, Thạc sĩ Đặng Danh Hướng (trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ, Hà Nội) tập trung nghiên cứu thực trạng phát triển hệ thống giáo dục phổ thông ở Việt Nam qua đó định hướng một số giải pháp phát triển hệ thống giáo dục phổ thông nhằm đảm bảo định hướng mở.

Theo đó, Thạc sĩ Đặng Danh Hướng nêu 6 định hướng phát triển giáo dục phổ thông theo hướng mở trong thời gian tới.

Thứ nhất, cần phải nghiên cứu thấu đáo hệ thống giáo dục phổ thông theo hướng mở ở các nước tiên tiến trên thế giới để vận dụng phù hợp vào điều kiện cụ thể của đất nước. 

Không xây dựng chính sách giáo dục mở thiết thực thì không cơ sở nào có khả năng triển khai các hoạt động ứng dụng và phát triển mô hình giáo dục mở được. (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và thời đại)
Không xây dựng chính sách giáo dục mở thiết thực thì không cơ sở nào có khả năng triển khai các hoạt động ứng dụng và phát triển mô hình giáo dục mở được. (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và thời đại)

Trong những năm gần đây giáo dục bậc phổ thông ở Việt Nam đã nhanh chóng tiếp thu cái hay của mô hình giáo dục mở các nước trên thế giới với rất nhiều đổi mới. 

Từ đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học, đến đổi mới cơ chế tài chính, công tác quản lý, đều mang dấu ấn của toàn cầu hóa. Cái hạn chế trong tiếp thu của chúng ta là thiếu nghiên cứu thấu đáo nên kết quả thu được thường nửa vời, không bền vững và không như ý. 

Do vậy, việc nghiên cứu thấu đáo kinh nghiệm thế giới phát triển hệ thống giáo dục phổ thông theo hướng mở là rất thiết thực.

Thứ hai, cần phải xây dựng một văn hóa mở, tức là văn hóa cộng tác và chia sẻ trong sản sinh, truyền bá và sử dụng các tài liệu giáo dục, các kết quả nghiên cứu, với tinh thần truy nhập mở, giấy phép mở.

Thứ ba, xây dựng chính sách phát triển giáo dục phổ thông theo hướng "mở" cần phải thiết thực trong việc hoạch định chính sách phát triển giáo dục Việt Nam. 

Giáo viên nêu hướng phát triển hệ thống giáo dục phổ thông đảm bảo định hướng mở ảnh 2Làm sao phát triển đào tạo từ xa trong hệ thống giáo dục mở ở Việt Nam?

Không xây dựng chính sách giáo dục mở thiết thực thì không cơ sở nào, đặc biệt là các cơ sở giáo dục công lập, có khả năng triển khai các hoạt động ứng dụng và phát triển mô hình giáo dục mở được. 

Để xây dựng chính sách này, cần phải tham khảo những Tuyên bố mới đây của Đại hội OER thế giới (World OER Congress 2012).

Từ nâng cao nhận thức, tạo dựng môi trường thuận lợi đến chính sách và chiến lược, nâng cao năng lực, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, triển khai sử dụng giấy phép mở, nâng cao hiệu quả chi phí công. 

Trước mắt, trong việc xây dựng chương trình và sách giáo khoa, chúng ta có thể khai thác và học tập bước đi hiện nay trên thế giới trong việc xây dựng các chương trình giáo dục nguồn mở (open source curriculum) và sách giáo khoa mở.

Thứ tư, các trường phổ thông phải thật sự vào cuộc đổi mới theo hướng mở.

Không chỉ nắm tinh thần đổi mới để điều chỉnh, chương trình dạy học, kế hoạch dạy học nhằm cung cấp kiến thức mới bắt kịp với yêu cầu mới, trách nhiệm của các trường phổ thông còn là việc tự bồi dưỡng, tự tập huấn cho lực lượng giáo viên hiện có.

Giáo viên nêu hướng phát triển hệ thống giáo dục phổ thông đảm bảo định hướng mở ảnh 3Mô hình đại học thông minh trong thời đại 4.0

Thứ năm, cần phải giảm thiểu và dần loại bỏ lối tư duy, kỹ năng “đóng khung”; trên cơ sở “cái bất biến” cần phải nâng cao tính gợi mở để người dạy, người học tự xây dựng nội dung kiến thức, kỹ năng cho những vấn đề nghiên cứu theo một quan điểm cấu trúc hệ thống tốt nhất. 

Đồng thời biết đánh giá, phê phán các kiểu cấu trúc nội dung bài học một cách khoa học theo lôgic vấn đề và theo quan điểm cấu trúc hệ thống hợp lý, tối ưu, toàn vẹn cho vấn đề đó.

Nội dung bài học biên soạn theo cách này sẽ phát huy tối đa tiềm năng sáng tạo của cả người dạy và người học.

Thứ sáu, thí điểm và mở rộng ứng dụng và phát triển mô hình giáo dục mở thành công, sẽ là tiền đề cần thiết và quan trọng để ứng dụng và phát triển dữ liệu mở và khoa học mở trong tương lai ở Việt Nam.

Thùy Linh