Hà Nội nếu muốn nâng tầng trường học thì cần đáp ứng các tiêu chí sau

05/10/2018 06:57
Thùy Linh
(GDVN) - Khi nâng tầng, các khu hiệu bộ, khu hành chính, phòng làm việc của cán bộ, giáo viên được bố trí tại tầng cao.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Nguyễn Mạnh Hùng đã chính thức ký văn bản việc thực hiện nhiệm vụ về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gửi tới các Sở Giáo dục và Đào tạo vào ngày 28/9 vừa qua. 

Trong đó, riêng về nội dung chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất trường lớp học, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu: 

Tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hiện có, trên cơ sở đó: Điều chỉnh, bố trí, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng;

Xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học (ưu tiên bảo đảm 1 lớp / phòng cho cấp tiểu học), phòng chức năng, thư viện, nhà vệ sinh, nhà ăn, phòng ở cho học sinh nội trú, học sinh bán trú để bảo đảm đủ điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; 

Năm học 2018-2019, Trường Tiểu học Chu Văn An có 1.149 học sinh vào lớp Một và là trường có số lượng học sinh lớp Một đông nhất Thủ đô Hà Nội. Do sĩ số quá đông nên trường phải tổ chức cho các lớp nghỉ học luân phiên trong tuần và học bù vào cuối tuần, bàn học chỉ được thiết kế cho hai học sinh nhưng phải ghép ba em một bàn (Ảnh: Vietnam+)
Năm học 2018-2019, Trường Tiểu học Chu Văn An có 1.149 học sinh vào lớp Một và là trường có số lượng học sinh lớp Một đông nhất Thủ đô Hà Nội. Do sĩ số quá đông nên trường phải tổ chức cho các lớp nghỉ học luân phiên trong tuần và học bù vào cuối tuần, bàn học chỉ được thiết kế cho hai học sinh nhưng phải ghép ba em một bàn (Ảnh: Vietnam+)

Đặc biệt chú trọng các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, khu đông dân cư, các khu công nghiệp.

Đối với các cơ sở giáo dục tại các quận nội thành thuộc thành phố lớn đông dân cư nếu thiếu phòng học, nhưng lại quá khó khăn trong việc bố trí quỹ đất để xây thêm phòng học, tùy từng trường hợp cụ thể lập phương án nâng tầng các công trình hiện có bảo đảm đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành;

Sau khi thực hiện nâng tầng các công trình phải bố trí các phòng học và các phòng phục vụ trực tiếp học sinh ở các tầng thấp theo quy định, các khu hiệu bộ, khu hành chính, phòng làm việc của cán bộ, giáo viên được bố trí tại tầng cao.

Hà Nội nếu muốn nâng tầng trường học thì cần đáp ứng các tiêu chí sau ảnh 2Lớp học quá đông, sáng trẻ phải mang chăn, gối đến trường, tối lại mang về

Trước đó như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2018-2019, số lượng học sinh lớp 1 ở Hà Nội khoảng 130.000 em, tăng 30.000 học sinh so với năm ngoái. 

Số học sinh tăng nhanh trong khi cơ sở vật chất có hạn đã khiến cho sĩ số lớp học được đẩy lên cao gần gấp đôi so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho bậc tiểu học là không quá 35 học sinh/lớp. 

Thậm chí nhiều trường phải tổ chức cho các lớp nghỉ học luân phiên trong tuần và học bù vào cuối tuần, bàn học chỉ được thiết kế cho hai học sinh nhưng phải ghép ba em một bàn.

Để giải quyết vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng cho phép Hà Nội có cơ chế đặc thù, được nâng tầng cho các trường học.

Thùy Linh