Hải Phòng sẽ tăng mức thu học phí năm học 2018-2019

09/07/2018 07:44
LÃ TIẾN
(GDVN) - Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng khóa 15 sẽ thông qua Đề án thu học phí năm học 2018-2019 đối với các trường công lập trên địa bàn.

Trong 2 ngày (10 và 11/7), Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng khóa 15 (nhiệm kỳ 2016-2021) tổ chức kỳ họp thứ 7, xem xét, thông qua nhiều nội dung quan trọng.

Trong đó có Đề án quy định mức thu học phí năm học 2018-2019 đối với các trường công lập (giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên) trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Dự kiến, mức thu học phí năm học này sẽ tăng so với năm học 2017-2018 là 3,2%, nhằm bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội và hỗ trợ học sinh khó khăn được đến trường.

Mức tăng không đáng kể

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, căn cứ theo văn bản chỉ đạo của thành phố, sở đã xây dựng định mức học phí năm học 2018-2019 đối với các cơ sở giáo dục thuộc ngành quản lý.

Để thực hiện việc này, từ ngày 24/4/2018, sở ban hành công văn xin ý kiến các cấp, ngành liên quan tham gia Đề án quy định mức thu học phí năm học 2018-2019 đối với các trường công lập (giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên) chương trình giáo dục đại trà trên địa bàn thành phố để trình Hội đồng nhân thành phố phê duyệt.

Sau khi gửi công văn, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã tiếp nhận đầy đủ các ý kiến đóng góp xây dựng, phản biện, đề xuất… của các đơn vị.

Mức thu học phí năm học 2018-2019 của nhóm nhà trẻ, mẫu giáo khu vực thành thị sẽ tăng cao nhất 6.000 đồng (Ảnh: Lã Tiến)
Mức thu học phí năm học 2018-2019 của nhóm nhà trẻ, mẫu giáo khu vực thành thị sẽ tăng cao nhất 6.000 đồng (Ảnh: Lã Tiến)

Theo Đề án này, mức thu học phí năm học 2018-2019 đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn Hải Phòng, áp dụng cho chương trình giáo dục đại trà, được phân mức theo vùng miền: thành thị, nông thôn, miền núi, hải đảo với độ chênh khác nhau.

Cụ thể theo dự thảo Đề án, mức thu học phí tính theo tháng với giáo dục mầm non được quy định: thành thị là 203.000 đồng/tháng, nông thôn 92.000 đồng; mẫu giáo ở vùng nông thôn là 85.000 đồng.

Với bậc Trung học cơ sở, khu vực thành thị thu 92.000 đồng/tháng, khu vực nông thôn 62.000 đồng/tháng.

Đối với bậc Trung học phổ thông quy định, khu vực thành thị thu 125.000 đồng/tháng, khu vực nông thôn là 77.000 đồng/tháng.

Đối với Giáo dục thường xuyên: mức thu bổ túc Trung học cơ sở thành thị là 92.000 đồng/tháng, nông thôn là 62.000 đồng; bổ túc Trung học phổ thông thành thị 125.000 đồng, nông thôn 77.000 đồng.

Mức học phí đối với tất cả bậc học khu vực miền núi, hải đảo đồng loạt thu 62.000 đồng/tháng.

Mới đây, trong hội nghị thẩm tra dự thảo Nghị quyết trình Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng, ông Phạm Văn Phương, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố cho rằng, việc ban hành Nghị quyết quy định mức thu học phí năm học 2018-2019 đối với các trường công lập (giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên) trên địa bàn thành phố Hải Phòng là phù hợp quy định tại Nghị định 86 của Chính phủ.

Theo đánh giá của các ngành, đơn vị liên quan, mức thu học phí năm học 2018-2019 sẽ tăng hơn năm học 2017-2018, nhưng mức tăng không lớn chỉ chênh 3,2%.

Điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng

Theo số liệu của Cục Thống kê thành phố Hải Phòng cung cấp, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2017 tăng 3,36%.

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, sở căn cứ chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm và mức thu học phí năm học 2017-2018 để đề xuất mức thu học phí năm học 2018-2019.

Ông Trường cho rằng, mức tăng học phí sẽ được điều chỉnh để không ảnh hưởng tới an sinh xã hội.

Mức tăng học phí đối với bậc Trung học phổ thông chỉ tăng từ 3.000-4.000 đồng/tháng (Ảnh: Lã Tiến).
Mức tăng học phí đối với bậc Trung học phổ thông chỉ tăng từ 3.000-4.000 đồng/tháng (Ảnh: Lã Tiến).

Cụ thể, ở khu vực thành thị, học phí nhóm nhà trẻ và mẫu giáo tăng cao nhất là 6.000 đồng/học sinh/tháng.

Học phí bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông chỉ tăng 3.000-4.000 đồng/học sinh/tháng.

Ở khu vực nông thôn và miền núi, hải đảo chỉ tăng 2.000 đồng/học sinh/tháng. Như vậy, chi phí cả năm học tăng không đáng kể, từ 18.000-54.000 đồng/học sinh/năm.

“Mức thu học phí này nằm trong khung quy định của Chính phủ, phù hợp với định hướng, lộ trình tính giá dịch vụ công và phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Việc tăng thu học phí cũng thúc đẩy việc thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục của thành phố”, ông Trường nói.

Dự kiến, nguồn học phí tăng thêm sẽ được bổ sung vào nguồn kinh phí chi phục vụ các hoạt động dạy và học của các nhà trường, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Bên cạnh đó, Đề án quy định mức thu học phí năm 2018-2019 còn bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội, nhằm hỗ trợ học sinh nghèo có điều kiện tham gia học tập, có cơ hội vươn lên trong cuộc sống.

Tuy nhiên, các cấp có thẩm quyền cần tăng thêm mức hỗ trợ cho các gia đình thuộc diện chính sách, học sinh miền núi, hải đảo với mức ưu đãi cao hơn nữa.

Bởi thực tế, ngoài việc phải nộp học phí, các em còn phải học thêm và tham gia các chương trình giáo dục khác cùng với những chi phí cho chính bản thân, đơn cử như tiền mua bảo hiểm y tế (cao gần bằng học phí/năm) mà phần lớn kinh phí này đều thu từ phụ huynh.

LÃ TIẾN