Hai nữ sinh chế tạo thiết bị độc cho dân mê phượt

25/11/2018 06:07
An Nguyên
(GDVN) - Bằng niềm đam mê khám phá công nghệ, hai nữ sinh viên đã chế tạo ra một thiết bị điện độc đáo, giúp các “phượt thủ” yên tâm đến những vùng xa xôi, hẻo lánh.

Sản phẩm “Hệ thống phanh tái tạo chuyển đổi ma sát thành điện năng" của hai nữ sinh Đoàn Thu Hà và Nguyễn Thị Thanh (Khoa Điện – Điện tử của Đại học Duy Tân) đã gây ấn tượng mạnh với Ban giám khảo tại vòng chung kết toàn cầu của cuộc thi Go Green in The City 2018 tại Mỹ.

Bảo bối của “dân phượt”

Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký đến từ các quốc gia phát triển về công nghệ khác như: Úc, Tây Ban Nha, Trung Quốc... sản phẩm của Hà và Thanh đã giành giải thưởng “Women in Business Global Award”, một trong ba giải thưởng cao nhất của cuộc thi dành cho 3 đội tuyển vượt trội nhất.

Hai nữ sinh Trường Đại học Duy Tân đã giành giải thưởng của cuộc thi Go Green in The City 2018 nhờ sáng chế độc đáo. Ảnh: AN
Hai nữ sinh Trường Đại học Duy Tân đã giành giải thưởng của cuộc thi Go Green in The City 2018 nhờ sáng chế độc đáo. Ảnh: AN

Chia sẻ về sản phẩm độc – lạ này, Hà cho hay, xuất phát điểm từ đam mê chung của một nhóm bạn trẻ thích đi “phượt”, khám phá trải nghiệm ở những vùng đất mới, xa xôi, hẻo lánh.

Nhưng vấn đề khó khăn đó là thiếu nguồn điện để có thể thực hiện một số hoạt động thường ngày trong đời sống ở các nơi đó như sạc pin điện thoại, thắp đèn…

Những sáng chế của sinh viên lọt vào tầm ngắm của doanh nghiệp

Ngay khi phát hiện ra việc hãm phanh thường xuyên của xe gắn máy khi di chuyển qua đồi dốc sẽ tạo ra nhiệt năng từ ma sát của má thắng vào bánh xe, cả nhóm đã lên ý tưởng tận dụng nguồn năng lượng đó nhằm phục vụ cho chuyến đi.

Sản phẩm được hình thành với 3 bộ phận chính gồm: dây phanh Dynamo và Pin tích trữ điện được áp vào má phanh của xe gắn máy.

Thanh nói thêm về cách sử dụng: “Khi di chuyển, mỗi lần người dùng dẫm, bóp để hãm phanh, ma sát sẽ làm các dynamo hoạt động, qua đó tích tụ năng lượng tạo thành dòng điện. 

Dòng điện sau đó sẽ được tích trữ vào hệ thống pin, tạo ra nguồn năng lượng dự trữ hết sức thiết thực cho người đi trên những hành trình xa”.

Thu Hà còn chia sẻ thêm, quá trình tạo ra sản phẩm, hai bạn phải nhờ sự hỗ trợ rất lớn của của các giảng viên Khoa Điện - Điện tử.

“Ở một đất nước vẫn còn sử dụng xe máy nhiều như Việt Nam thì việc áp dụng rộng rãi sản phẩm sẽ góp phần tiết kiệm điện năng.

Trong bối cảnh các nguồn cung cấp điện không phải lúc nào cũng có ở mọi nơi thì đây được xem như "bảo bối". Chỉ cần có ý tưởng, kiên nhẫn và sáng tạo… chắc chắn sẽ thành công”, Thu Hà nói.

Đưa sản phẩm ra trường quốc tế

Sau khi hoàn thiện sản phẩm, nhóm của Hà quyết định mang nó đi thử sức ở các đấu trường quốc tế. 

Sản phẩm của hai sinh viên có tính ứng dụng cao, là "bảo bối" của dân phượt. Ảnh: AN
Sản phẩm của hai sinh viên có tính ứng dụng cao, là "bảo bối" của dân phượt. Ảnh: AN

Với chức vô địch quốc gia Cuộc thi Go Green in The City 2018 được tổ chức vào tháng 7 và giải nhì tại Chung kết khu vực Đông Á Cuộc thi Go Green diễn ra vào tháng 8 sản phẩm “Hệ thống phanh tái tạo chuyển đổi ma sát thành điện năng" đã gây tiếng vang lớn.

Quyết tâm hoàn thiện sản phẩm cho hoàn hảo hơn, nhóm mang sản phẩm đến Vòng Chung kết Cuộc thi Go Green in The City 2018 tổ chức tại Mỹ từ ngày 11 đến 16/11.

“10 quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Trung Quốc, Đức… đã gửi đến cuộc thi những thí sinh tài năng nhất cùng những sản phẩm đầy ý nghĩa vì môi trường.

“Ăn bánh mỳ” để viết phần mềm cho xe tự hành

Điển hình như sản phẩm: Mạng lưới ánh sáng thông minh của đội Đức hay Hệ thống quản lý chất thải thông minh của đội Ấn Độ… Để vượt qua được các đội này không phải điều dễ dàng”, Thanh vui vẻ nói.

Thu Hà cũng nói thêm, các sản phẩm tham dự đều rất xuất sắc, đã vô địch trong các vòng thi quốc gia hay vòng thi khu vực.

Sản phẩm không chỉ thể hiện sự mới mẻ, độc đáo, thể hiện sự sáng tạo với lối tư duy của thế hệ trẻ mà còn rất khả thi, có thể ứng dụng và sản xuất trên diện rộng góp phần vào công tác bảo vệ môi trường.

Nhưng chính những tính năng, hiệu quả sử dụng sản phẩm “Hệ thống phanh tái tạo chuyển đổi ma sát thành điện năng" của Hà đã thuyết phục được những giám khảo khó tính nhất của Vòng Chung kết.

Ngoài phần thưởng của cuộc thi, hai nữ sinh của Đại học Duy Tân đã được Công ty Schneider Electric đài thọ chi phí lưu trú tại Mỹ để tham quan, học hỏi thêm tại các cơ sở của Schneider Electric trong hơn một tuần.

Các thí sinh tham gia cuộc thi và đoạt giải cũng sẽ được tiếp cận với cơ hội làm việc tại Schneider Electric - tập đoàn đa quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực chuyển đổi kỹ thuật số về quản lý năng lượng và tự động hóa.

Theo Ban tổ chức thì cuộc thi Go Green in the City 2018 thu hút hơn 24.000 thí sinh, lớn nhất trong 8 mùa qua. Số lượng thí sinh tham gia đến từ 3.190 trường đại học tại 163 quốc gia trên thế giới. Trong đó, 58% thí sinh tham gia là nữ sinh.

An Nguyên