Hàng trăm hộ dân khổ sở vì độ lì của dự án FLC Hoàng Long

27/04/2018 06:35
QUỐC TOẢN
(GDVN) - FLC Hoàng Long từng được kỳ vọng là khu công nghiệp kiểu mẫu, nhưng đã gần 3 năm sau lễ khởi công rầm rộ, cái gọi là “kiểu mẫu” chỉ là bãi đất trống...

Không còn đất, phải tha phương cầu thực

Ngày khởi công dự án Khu công nghiệp FLC Hoàng Long (22/9/2015), người dân đến rất đông, nín thở theo dõi từng phát biểu của các vị quan chức, khách mời.

Nào là Khu công nghiệp kiểu mẫu FLC Hoàng Long; nào là chủ đầu tư cam kết sẽ dành những nguồn lực tốt nhất về con người, tài chính… để dự án triển khai đúng tiến độ, đúng với tinh thần thần tốc của tất cả các dự án mà FLC đã và đang triển khai; nào là dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo công ăn việc làm cho từ 60.000-80.000 lao động... 

Nhưng sau gần 3 năm, cái gọi là “khu công nghiệp kiểu mẫu” chỉ là bãi đất trống mênh mông, cỏ mọc um tùm phía sau chiếc cổng chào lạnh lẽo, vô hồn.

Dân mất tư liệu sản xuất (ruộng đất), mất luôn kế sinh nhai, có người phải lặn lội đi khỏi quê nhà để mưu sinh. 

Ông B. dự định sau khi nhận được tiền đền bù sẽ sửa sang lại căn nhà cho đỡ dột nát, nhưng chờ mãi chẳng thấy tiền đền bù ở đâu. Ảnh: QUỐC TOẢN.
Ông B. dự định sau khi nhận được tiền đền bù sẽ sửa sang lại căn nhà cho đỡ dột nát, nhưng chờ mãi chẳng thấy tiền đền bù ở đâu. Ảnh: QUỐC TOẢN.

Mấy năm nay, ít có đêm nào ông L.Đ.B. (hơn 60 tuổi, trú tại thôn 8, xã Hoằng Đồng, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) được yên giấc vì lo nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền.

Những tưởng Khu công nghiệp FLC Hoàng Long đi vào hoạt động, gia đình ông sẽ đổi đời vì nhận được hơn 300 triệu đồng tiền đền bù từ 4 sào đất nông nghiệp bị lấy vào dự án.

Nào ngờ “triệu phú” chưa thành, chỉ thấy cuộc sống ngày càng khốn khó vì doanh nghiệp chây ì trả tiền đền bù, thực hiện dự án.

Có lẽ vậy mà từ một người nông dân chất phác, thật thà, thì nay tính cách của ông cũng trở nên thất thường đến lạ.

Ngày đó, ông B. dự định, sau khi lấy tiền đền bù, sẽ sửa lại căn nhà cho đỡ dột nát, nhưng nào ngờ...

“Để dự án sớm đi vào hoạt động, họ làm thủ tục giải phóng mặt bằng rầm rộ lắm! Người dân thấy doanh nghiệp về đầu tư, cam kết tạo công ăn việc làm như mở cờ trong bụng, nên ủng hộ hết mình.

Vào một đêm cuối tuần năm 2015, mấy chục hộ dân trong thôn 8 được cán bộ (cán bộ xã, đại diện tập đoàn) mời tới nhà văn hóa thôn phổ biến kế hoạch đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Họ làm thủ tục giấy tờ với tinh thần "tốc chiến, tốc thắng", rồi nói với chúng tôi ký giấy tờ, ngày mai sẽ có tiền chuyển về.

Nhưng dân chờ mãi chả thấy tiền đâu, chỉ thấy họ hứa hết lần này đến lần khác”, ông B. kể lại.

Không có đất sản xuất, mất nguồn thu nhập chính trong gia đình, cho nên mấy đứa con của ông cũng vì thế mà phải bỏ xứ đi làm ăn.

Vất vả nhất là vợ chồng đứa con trai phải gửi con cho ông bà để ra Hà Nội đánh giày mưu sinh.

Ông bảo, sống đến gần cuối đời rồi mà vợ chồng già vẫn còn chưa hết khổ: “Không có đất sản xuất, làm gì ra tiền bây giờ? Trong nhà, ngoài ngõ hễ có đám giỗ chạp nào, tôi đều phải đi vay tiền để tiêu. Tiêu tằn tiện mà vẫn không đủ sống”. 

Hàng trăm hộ dân khổ sở vì độ lì của dự án FLC Hoàng Long ảnh 2Chùa chiền, danh thắng... đều phải nhường chỗ cho dự án của FLC?

Không còn tin vào chủ đầu tư dự án, có lúc ông B. đã tính đến chuyện “làm liều” một phen với doanh nghiệp cho ra nhẽ sự việc.

“Đời tôi cũng chả còn được mấy nữa, nhiều khi nghĩ phải làm toáng lên, đập bỏ cái dự án ấy đi thì người ta mới để ý, giải quyết cho quyền lợi của người dân.

Dân bức xúc với dự án này lắm rồi!”, ông nói với giọng điệu có vẻ bất cần.

Gia đình ông B. chỉ là một trong số 528 hộ dân tại huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa thuộc diện bị ảnh hưởng bởi dự án.

Theo đó, tổng số tiền mà Công ty cổ phần Tập đoàn FLC phải thanh toán cho các hộ dân khoảng 70 tỷ đồng cho 53,18 ha đất thuộc diện thu hồi.

Nhưng hiện đơn vị này chỉ mới thanh toán được hơn 14 tỷ đồng cho... 9,4 ha đất.

Được biết, dự án Khu công nghiệp kiểu mẫu FLC Hoàng Long có quy mô 286,82 ha, bao gồm vị trí địa giới hành chính thuộc các xã: Hoằng Anh, Hoằng Long, Hoằng Quang (thành phố Thanh Hóa), Hoằng Đồng, Hoằng Thịnh (huyện Hoằng Hóa).

Khu công nghiệp FLC Hoàng Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với chức năng là khu công nghiệp đa ngành, như viễn thông, phần mềm, lắp ráp công nghệ cao, sản xuất đồ công nghiệp tiêu dùng, may mặc, giày da…

Dự án được thực hiện với quy mô 286 ha, tổng mức đầu tư trên 2.300 tỷ đồng, dự kiến sau hoàn thành sẽ tạo công ăn việc làm cho từ 60.000-80.000 lao động.

Dự án "kiểu mẫu" thì chưa thấy đâu, chỉ thấy bức xúc của người dân và nhiều cán bộ địa phương. Ông Lê Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hoằng Long (thành phố Thanh Hóa) cho biết, xã có khoảng hơn 800 hộ và 110 ha đất bị ảnh hưởng bởi dự án. 

“Sau khi công bố quy hoạch dự án, thành phố Thanh Hóa có văn bản chỉ đạo tạm dừng sản xuất để tạo điều kiện thuận lợi cho dự án triển khai đúng tiến độ. Nhưng sau lễ khởi công ồn ào ấy, tất cả lại rơi vào im lặng.

Khu công nghiệp FLC Hoàng Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với chức năng là khu công nghiệp đa ngành, như viễn thông, phần mềm, lắp ráp công nghệ cao, sản xuất đồ công nghiệp tiêu dùng, may mặc, giày da… Dự án được thực hiện với quy mô 286 ha, tổng mức đầu tư trên 2.300 tỷ đồng, dự kiến sau hoàn thành sẽ tạo công ăn việc làm cho từ 60.000-80.000 lao động.

Để tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân có đất bị ảnh hưởng bởi dự án, thành phố Thanh Hóa lại tiếp tục ra văn bản chỉ đạo người dân tiếp tục sản xuất, canh tác.

Tuy nhiên, do đất để lâu không canh tác, gây khó khăn cho cải tạo và sản xuất.

Trước tình hình đất bỏ hoang, địa phương đã vận động người dân quay trở lại đồng ruộng cày cấy, nhưng diện tích đất canh tác trở lại chỉ đạt khoảng 10 ha/110 ha”, ông Chiến cho biết.

Vị Chủ tịch xã chua chát: “Với diện tích 110 ha, hằng năm sẽ cho sản lượng lúa khoảng 600 tấn/năm/2 vụ.

Nhưng bây giờ ruộng nương không cho dân chuyển đổi để sản xuất, nhiều lao động mất tư liệu sản xuất phải bỏ xứ đi làm ăn.

Tỷ lệ này chiếm khoảng 10% trong tổng số 4.000 nhân khẩu của xã”, ông Chiến viện dẫn số liệu trong đợt khảo sát bảo hiểm y tế trên địa bàn xã.

Bất lực với cách hành xử của doanh nghiệp, ông Lê Văn Chiến kiến nghị: “Bây giờ FLC lấy đất hay không lấy đất thì trả lời dứt khoát cho dân. Nếu không lấy nữa thì để cho nhân dân chuyển đổi mục đích để cải tạo sản xuất.

Nếu lấy đất phải khẩn trương thu hồi đất, đền bù để nhân dân nhanh chóng ổn định đời sống. Làm (dự án) thì không làm được, thu hồi thì không, sản xuất thì hạn chế khiến nguồn thu ngân sách của xã giảm hẳn”, ông Chiến cho biết.

Cán bộ xã, huyện bị dân mắng té tát

Từ năm 2016 đến nay, không ít lần Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa, Ủy ban nhân dân huyện Hoằng Hóa ký văn bản đôn đốc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC chuyển kinh phí giải phóng mặt bằng; khẩn trương hoàn tất các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai và triển khai dự án...

Tuy nhiên, ngay cả khi các địa phương có văn bản đôn đốc, thì doanh nghiệp này vẫn “chây ì” trong việc triển khai chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Ngày ấy FLC Hoàng Long từng được kỳ vọng là khu công nghiệp kiểu mẫu. Nhưng 3 năm sau lễ khởi công rầm rộ, cái gọi là “kiểu mẫu” chỉ là bãi đất trống. Phía trước là cổng chào to tướng. Ảnh: XUÂN QUANG.
Ngày ấy FLC Hoàng Long từng được kỳ vọng là khu công nghiệp kiểu mẫu. Nhưng 3 năm sau lễ khởi công rầm rộ, cái gọi là “kiểu mẫu” chỉ là bãi đất trống. Phía trước là cổng chào to tướng. Ảnh: XUÂN QUANG.

Ông Nguyễn Đình Tuy – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoằng Hóa bức xúc: “Trước đó, để có đất phục vụ lễ khởi công dự án, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã chi trả trước một phần kinh phí giải phóng mặt bằng cho một số đối tượng có đất, tài sản trong phạm vi dự án.

Tuy nhiên, đã qua 3 vụ, đất không được đưa vào sản xuất, trong khi Công ty cổ phần Tập đoàn FLC vẫn chưa chi trả số tiền còn lại khiến người dân bức xúc. Người dân nhiều lần kéo lên huyện, xã, đề nghị giải quyết. Bức xúc vì cách làm ăn láo nháo của FLC, dân chửi lây cả cán bộ huyện, xã”.

Ông Nguyễn Văn Thi - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp biết, trước tình trạng trên, Ban đã nhiều lần chủ động làm việc với chủ đầu tư nhằm tháo gỡ khó khăn nhưng chưa có kết quả.

“Về dự án này, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản đề nghị chủ đầu tư (FLC) thực hiện đúng cam kết. Nhưng có lần họ đòi gia hạn, rồi hứa triển khai, nhưng sau đó lại thôi.

Tuần tới chúng tôi sẽ làm việc với họ để đốc thúc doanh nghiệp thực hiện dự án theo cam kết. Hiện tại doanh nghiệp xin điều chỉnh quy hoạch (sử dụng một phần diện tích dự án làm nhà ở) dự án. Cái này đang xin ý kiến cấp trên”, ông Thi cho biết.

Không thể phủ nhận rằng, trong thời gian vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã có giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Nhưng rõ ràng, đối với một số chủ đầu tư có dấu hiệu “chây ì” trong việc triển khai dự án, thì cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa để nhằm khắc phục tình trạng “treo dự án”, thậm chí phải thu hồi để tránh ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, quyền lợi của các doanh nghiệp khác...

QUỐC TOẢN